28/09/2022 09:38

07 trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng bị xử lý hình sự

07 trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng bị xử lý hình sự

“Tôi vừa bị lừa đảo qua mạng 500 ngàn đồng nhưng tôi nghe nói phải từ 2 triệu thì mới có thể tố cáo để xử lý hình sự được. Tôi xin hỏi điều đó có đúng không và có trường hợp nào lừa đảo dưới 2 triệu đồng nhưng vẫn bị xử lý hình sự không?” _Ánh Hồng (Huế) 

Chào chị, đối với nội dung chị yêu cầu, Ban biên tập có một số giải đáp như sau:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì các trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng bị xử lý hình sự bao gồm:

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ."

Ngoài ra, theo Điều 5 Mục 2 Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV của Bộ luật Hình sự năm 1999, có quy định như sau:

“5. Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích...), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương úng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:

a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

b) Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính.

c) Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 500 ngàn đồng.”

Hiện nay, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, tại Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019 về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính có hướng dẫn vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP trong xác định tội danh xâm phạm quyền sở hữu.

Đồng thời, trong công tác xét xử thực tế của Toà án, cụ thể tại Bản án 110/2020/HS-ST ngày 30/11/2020 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng áp dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP.

Như vậy: Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP thì có 7 trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá dưới 2.000.000 đồng bị xử lý hình sự gồm:

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

- Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

- Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

- Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian;

- Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính;

- Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới 500 ngàn đồng.”

Nguyễn Sáng
33248

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn