TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 86/2022/HC-PT NGÀY 04/04/2022 VỀ KHỞI KIỆN QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Ngày 04 tháng 4 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án hành chính thụ lý số 192/2021/TLPT-HC ngày 19 tháng 4 năm 2021 về việc “Khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai”.
Do Bản án hành chính sơ thẩm số 130/2020/HC-ST ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội có kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 2217/2022/QĐ-PT ngày 27/3/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, giữa các đương sự:
* Người khởi kiện:
1. Bà Hoàng Thị A, sinh năm 1959, có mặt;
2. Chị Phan Thị Thanh A1, sinh năm 1986, có đơn xin xét xử vắng mặt; Đều đăng ký NKTT tại: Tổ 17, phường B1, quận B, Thành phố Hà Nội; Cùng ở tại: Số 51, tổ 6, phường B2, quận B, Thành phố Hà Nội.
Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện: Ông Nguyễn P, Luật sư Công ty luật TNHH P, thuộc Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, có mặt;
* Người bị kiện:
1. Ủy ban nhân dân (sau đây gọi tắt là UBND) quận B, Thành phố Hà Nội;
2. Chủ tịch UBND quận B, Thành phố Hà Nội;
Cùng địa chỉ: Số 01, phố B3, quận B, Thành phố Hà Nội;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Mạnh H - Chức vụ: Chủ tịch UBND quận B, vắng mặt;
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. UBND phường B1, quận B;
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T, chức vụ: Chủ tịch UBND phường;
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Minh T1, chức vụ: Phó Chủ tịch UBND phường, vắng mặt.
2. Ông Nguyễn Liên A2, sinh năm 1950, vắng mặt;
Nơi đăng ký HKTT: Tổ 17, phường B1, quận B, Thành phố Hà Nội; Nơi cư trú: Thôn 1, xã B5, huyện B4, Thành phố Hà Nội;
3. Anh Ngô Văn A3, sinh năm 1985 (chồng chị A1), vắng mặt;
4. Cháu Ngô Anh A4, sinh năm 2009 (con chị A1) vắng mặt;
5. Cháu Ngô Minh A5, sinh năm 2014 (con chị A1), vắng mặt;
Đều đăng ký HKTT: Tổ 17, phường B1, quận B, Thành phố Hà Nội; nơi cư trú: Số 51, tổ 6, phường B2, quận B, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện hợp pháp cho cháu Ngô Anh A4, Ngô Minh A5: Chị Phan Thị Thanh A1 và anh Ngô Văn A3;
6. Anh Nguyễn Hoàng A6, sinh năm 1995 (con bà A), vắng mặt;
7. Chị Đào Thị Phương A7, sinh năm 1989 (vợ A6), vắng mặt;
8. Cháu Nguyễn Đan A8, sinh năm 2014 (con A6), vắng mặt;
Đều đăng ký HKTT: Tổ 17, phường B1, quận B, Thành phố Hà Nội; nơi cư trú: Số 51, tổ 6, phường B2, quận B, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện cho cháu Nguyễn Đan A8: Anh Nguyễn Hoàng A6, chị Đào Thị Phương A7.
* Người kháng cáo: Bà Hoàng Thị A, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo hồ sơ vụ án và bản án sơ thẩm thì nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Thực hiện dự án Đầu tư điều chỉnh nút giao giữa dự án cầu Thanh Trì với Quốc lộ 5, ngày 25/4/2015 UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 1757/QĐ-UBND (sau đây gọi tắt là Quyết định 1757) về việc thu hồi 101.404m2 đất của các hộ gia đình tại phường B1, quận B, Thành phố Hà Nội; trong đó có hộ gia đình bà Hoàng Thị A bị thu hồi diện tích 97,5m2, Cùng ngày 25/4/2015 UBND quận B ban hành Quyết định số 3390/QĐ-UBND (sau đây gọi tắt là Quyết định 3390) về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình bà A. Theo đó, gia đình bà A được bồi thường, hỗ trợ tổng số tiền 1.260.863.070đ, bao gồm:
64,6m2 đất ở được bồi thường 100% đơn giá đất ở vị trí 2 đường Nguyễn Văn L (18.360.000đ/1m2); 20m2 đất nằm ngoài hạn mức được bồi thường 100% đơn giá đất ở vị trí 2 đường Nguyễn Văn L, nhưng bị khấu trừ 50% (13.110.000đ, biên bản làm việc 15/4/2015); 33,84m2 đất đủ điều kiện được bồi thường vượt diện tích tái định cư là 20% đơn giá đất vị trí 2 đường Nguyễn Văn L; 32,9m2 đất hành lang bảo vệ đường sắt và rãnh nước không được bồi thường, hỗ trợ; đồng thời được tái định cư bằng 50,76m2 đất tại khu C3-6/LX8 phường K, số tiền chênh lệch phải nộp khi được bố trí tái định cư là 0đ.
Ngày 12/5/2015, UBND quận B ban hành Quyết định số 3591/QĐ-UBND (sau đây gọi tắt là Quyết định 3591) về việc đính chính tại Điều 1 Quyết định 3390. Theo đó, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ đối với hộ bà A là 1.787.142.750đ;
số tiền chênh lệch phải nộp khi được bố trí tái định cư là 526.279.682đ.
Không đồng ý với các quyết định nêu trên, bà Hoàng Thị A đã khiếu nại đến Chủ tịch UBND quận B. Ngày 31/8/2015 Chủ tịch UBND quận B ban hành Quyết định số 4292/QĐ-UBND (sau đây gọi tắt là Quyết định 4292) giải quyết khiếu nại của bà Hoàng Thị A với nội dung giữ nguyên Quyết định 3390.
Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, ngày 18/9/2015 bà Hoàng Thị A và chị Phan Thanh A1 khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy Quyết định 3390 và Quyết định 3591.
* Quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện trình bày như sau:
Diện tích đất gia đình bà A bị thu hồi đã được gia đình làm nhà, sử dụng ổn đình từ trước ngày 15/10/1993 không có tranh chấp với ai; đất của gia đình bà A là đất có nhà ở, tiếp giáp với mặt đường Nguyễn Văn L là vị trí 1 nên phải được bồi thường toàn bộ với mức giá 23.000.000đ/m2 theo quy định tại khoản 1 Điều 75; Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và Quyết định 1747.
Hộ gia đình bà A gồm 02 sổ hộ khẩu với 05 nhân khẩu, nhưng UBND quận B mới hỗ trợ di chuyển tài sản, hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ thuê nhà tạm cư cho 02 nhân khẩu, còn thiếu tiền hỗ trợ cho 03 nhân khẩu.
Trên diện tích đất có 02 gia đình nhưng mới được cấp 01 suất đất tái định cư, còn thiếu 01 suất nữa.
Sau khi bà A khởi kiện thì ngày 21/10/2015, UBND quận B ban hành Quyết định số 9557/QĐ-UBND phê duyệt phương án điều chỉnh hỗ trợ đối với hộ bà A; theo đó bổ sung tiền hỗ trợ bể phốt, bể nước với số tiền 13.243.360đ.
Tại phiên tòa sơ thẩm được mở ngày 22/11/2019, cũng như tại đơn trình bày ngày 22/11/2019 và bản tự khai ngày 08/12/2019 Những người khởi kiện đã bổ sung yêu cầu khởi kiện là ngoài yêu cầu xem xét hai quyết định nêu trên, còn yêu cầu Tòa án xem xét các Quyết định số 3392/QĐ-UBND ngày 25/4/2015 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 3392) của UBND quận B về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ ông Nguyễn Liên A2; Quyết định số 4292/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 4292) của Chủ tịch UBND quận B về việc giải quyết khiếu nại lần đầu; Quyết định số 7249/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 7249) của UBND quận B phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường hỗ trợ.
* Người bị kiện là UBND và Chủ tịch UBND quận B có ý kiến:
Tổng diện tích đất gia đình bà A đang sử dụng tại địa chỉ giải phóng mặt bằng là 97,5m2 diện tích nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng là 85,8m2; Diện tích đất của gia đình bà A thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 19 bản đồ đo vẽ năm 1993 - 1996 của xã B1 (nay là phường B1), quận B có nguồn gốc của Hợp tác xã nông nghiệp thanh lý năm 1990 cho ông Dương Ngọc Đ; đến ngày 02/5/1991 ông Đ chuyển nhượng lại cho bà Hoàng Thị A và ông Nguyễn Liên A2, có giấy viết tay nhưng chưa có giấy xác nhận của cấp có thẩm quyền; thửa đất đã được thể hiện trên bản đồ năm 1993 - 1996 và đăng ký kê khai trong sổ mục kê năm 1993 mang tên bà Hoàng Thị A với diện tích 150m2. Ngày 19/10/2005 bà A và ông A2 có Quyết định thuận tình ly hôn số 63/2005/QĐHNGĐ-ST; hiện tại bà A và ông A2 sử dụng với tổng diện tích 162,9m2 (tăng 12,9m2 so với bản đồ năm 1993) là đất hành lang đường sắt và mương. Trong đó bà A sử dụng 97,5m2. Diện tích 85,8m2 nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng có 73,26m2 sử dụng vào mục đích đất ở xác định nằm trong ranh giới thửa đất số 23, thời điểm trước năm 1993 - 1996; 12,54m2 nằm ngoài ranh giới thửa đất số 23 được xác định là hành lang bảo vệ đường sắt và một phần rãnh thoát nước sử dụng sau năm 1993 và trước ngày 01/7/2004 không có biên bản ngăn chặn, xử lý.
Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Quyết định số 96/2014/QĐ- UBND ngày 29/12/2014 của UBND Thành phố Hà Nội thì: “Vị trí 1 áp dụng đối với thửa đất của một chủ sử dụng có ít nhất một mặt giáp với đường phố được quy định trong các bảng giá đất kèm theo quyết định này”. Tuy nhiên, căn cứ khả năng sinh lời, khoảng cách đến đường giao thông, đường phố và điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi cho sinh hoạt...thấy rằng: Ví trí thửa đất của các hộ gia đình tại khu vực ga Cổ Bi (trong đó có gia đình bà A) có mặt tiếp giáp với đường tàu (không tiếp giáp với đường Nguyễn Văn L). Do đó, không đủ điều kiện để xác định là vị trí 1 đường Nguyễn Văn L. Theo đó, vị trí đất của gia đình bà A được xác định là vị trí 2 đường Nguyễn Văn L. Theo bảng giá ban hành kèm theo Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND Thành phố Hà Nội thì giá đất vị trí 2 đường Nguyễn Văn L đoạn từ Cầu Bây đến hết địa bàn quận B (trong đó có thửa đất bà A) là 12.540.000đ/m2. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất bị thu hồi, ngày 24/4/2015 UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1747/QĐ-UBND về phê duyệt giá đất ở làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ và thu tiền sử dụng đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư điều chỉnh nút giao cầu Thanh Trì với Quốc lộ 5, quận B. Theo đó, 21 hộ ga Cổ Bi các thửa ở vị trí 2 được phê duyệt là 18.360.000đ/m2 đối với diện tích nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng đủ điều kiện hỗ trợ theo Văn bản số 10175/UBND-TNMT ngày 27/12/2014 của UBND Thành phố Hà Nội là phù hợp.
Căn cứ xác nhận về việc sử dụng đất, các tài sản gắn liền với đất số nhân khẩu đang trực tiếp sinh sống tại địa chỉ thu hồi đất ngày 08/9/2014 của UBND phường B1 xác nhận tại địa chỉ giải phóng mặt bằng của hộ bà A có 01 hộ, gồm 02 nhân khẩu là Hoàng Thị A và Nguyễn Hoàng A6 (con bà A) đang trực tiếp sinh sống ăn ở tại địa chỉ giải phóng mặt bằng. Do đó, UBND quận B chỉ tính các khoản bồi thường hỗ trợ đối với hộ bà A là 02 nhân khẩu là đúng.
Đối với diện tích đất còn lại là 11,7m2 không đủ điều kiện tồn tại theo Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 06/5/2011 của UBND Thành phố Hà Nội, gia đình bà A gồm 02 nhân khẩu đang sinh sống, ăn ở trực tiếp tại địa chỉ giải phóng mặt bằng và không còn nơi ở nào khác trên địa bàn phường, nên được hỗ trợ giao 01 suất đất là đúng quy định.
Đối với Quyết định số 3591 là quyết định để đính chính Điều 1 Quyết định số 3390, với nội dung tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ nhận được là 1.787.142.750đ; thu tiền đất tái định cư 50,76m2 là 526.279.682đ là đúng quy định pháp luật.
UBND quận B không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Liên A2 trình bày:
Ông ly hôn với bà Hoàng Thị A và thỏa thuận anh Nguyễn Hoàng A6 ở với ông, cùng hộ khẩu với ông nên khi bị thu hồi đất ông có trách nhiệm thanh toán cho A6 ½ số tiền ông được bồi thường, sau khi nhận được tiền ông đã thanh toán cho anh A6 ½ như đã thỏa thuận.
* Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, gồm: Anh Ngô Văn A3, anh Nguyễn Hoàng A6, chị Đào Thị Phương A7 trình bày: Cơ bản thống nhất ý kiến như của người khởi kiện đã trình bày, đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu của những người khởi kiện.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 03/2016/HC-ST ngày 27/5/2016 của Tòa án nhân dân quận B đã xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà A. Sau khi xét xử sơ thẩm, bà A và chị A1 có đơn kháng cáo. Ngày 10/8/2016, UBND quận B ban hành Quyết định số 5738/QĐ-UBND phê duyêt điều chỉnh phương án bồi thường hỗ trợ đối với hộ bà Hoàng Thị A. Theo đó, hộ bà A được bổ sung khoản hỗ trợ thuê nhà tạm cư theo Điều 23 Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND Thành phố Hà Nội cho 02 nhân khẩu với số tiền là 24.000.000đ. Tiếp đến ngày 21/10/2016, UBND quận B tiếp tục ban hành Quyết định số 7249/QĐ- UBND phê duyệt bổ sung, điều chỉnh phương án bồi thường hỗ trợ đối với hộ bà A; theo quyết định này, hộ bà Hoàng Thị A được bổ sung khoản hỗ trợ ổn định đời sống cho 06 nhân khẩu là 15.660.000đ; hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư cho 04 nhân khẩu trong thời gian 06 tháng là 24.000.000đ; hỗ trợ thuê nhà tạm cư cho 04 nhân khẩu trong thời hạn 12 tháng là 48.000.000đ.
Bản án hành chính phúc thẩm số 70/2016/HCPT ngày 12/12/2016 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã chấp nhận một phần kháng cáo của bà A và chị A1, sửa bản án sơ thẩm số 03/2016/HC-ST ngày 27/5/2016 của Tòa án nhân dân quận B về phần áp dụng pháp luật nhưng không chấp nhận yêu cầu của bà A và chị A1. Bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Ngày 17/12/2018, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội ban hành kháng nghị số 01/QĐ-VC1-HC đối với bản án hành chính phúc thẩm nêu trên, theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên để giải quyết lại, với lý do chị Phan Thị Thanh A1 đủ điều kiện để được tái định cư 01 suất đất.
Ngày 20/9/2019, tại quyết định giám đốc thẩm số 16/2019/HC-GĐT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của Tòa án nhân dân quận B và Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội với lý do: Tòa án sơ thẩm, phúc thẩm chưa xem xét tính hợp pháp của Quyết định 4292 về giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND quận B đối với khiếu nại của bà A và xác định chị A1 đủ điều kiện được cấp đất tái định cư nhưng chưa được xem xét, giải quyết.
Với nội dung trên, tại Bản án hành chính sơ thẩm số 130/2020/HC-ST ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định: Áp dụng khoản 2 Điều 3; điểm h khoản 1 Điều 143; điểm b khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính; Luật đất đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính Phủ; Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND Thành phố Hà Nội; Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND Thành phố Hà Nội; Thông báo số 7756/STC -BG ngày 30/12/2014 của Sở Tài chính; khoản 2 Điều 32 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; Xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hoàng Thị A và chị Phan Thị A1 đối với Quyết định số 7249/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 của UBND quận B, Thành phố Hà Nội về phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ bà Hoàng Thị A trong phạm vi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Đầu tư điều chỉnh nút giao giữa dự án cầu Thanh Trì với Quốc lộ 5.
Buộc UBND quận B phải ban hành quyết định phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung khoản hỗ trợ thuê nhà, địa điểm di chuyển tạm cư cho 02 nhân khẩu của hộ bà Hoàng Thị A trong thời hạn 18 tháng theo đúng quy định tại mục a,1a khoản 2 Điều 23 Quyết định 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND Thành phố Hà Nội.
Bác các yêu cầu khác của bà Hoàng Thị A và chị Phan Thị A1 đối với các quyết định hành chính sau đây:
- Quyết định số 3390/QĐ-UBND ngày 25/4/2015 của UBND quận B về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ bà Hoàng Thị A được đính chính bởi Quyết định số 3591/QĐ-UBND ngày 12/5/2015 của UBND quận B;
- Quyết định số 4292/QĐ-CTUBND ngày 31/8/2015 của Chủ tịch UBND quận B về việc giải quyết khiếu nại;
- Đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị A đối với Quyết định số 3392/QĐ-UBND ngày 25/4/2015 của UBND quận B về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ ông Nguyễn Liên A2 do bà Hoàng Thị A không có quyền khởi kiện.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về án phí, xử lý tiền tạm ứng án phí, tuyên quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 15/7/2020 người khởi kiện là bà Hoàng Thị A có đơn kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo giữ nguyên nội dung kháng cáo và trình bày như sau: Bà Hoàng Thị A cơ bản giữ nguyên nội dung như đã trình bày tại cấp sơ thẩm và bà đề nghị người bào chữa trình bày nội dung kháng cáo, căn cứ kháng cáo cho bà:
Người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bà A, chị A1 là ông Nguyễn Anh Phương trình bày: Bà A kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Bởi các lý do sau:
- Mặc dù UBND quận B, Thành phố Hà Nội ban hành 04 quyết định về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho gia đình bà A, nhưng vẫn chưa bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đầy đủ cho gia đình bà A theo quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích của gia đình bà A.
- Diện tích đất của gia đình bà A là 97,5m2 các quyết định phê duyệt phương án bồi thường và bổ sung phương án bồi thường là đúng; nhưng không xác định đúng giá trị theo điểm b khoản 2 Điều 2 Bảng giá số 5 quy định về giá các loại đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội, ban hành kèm theo Quyết định số 96/2014/QĐ-UBND ngày 29/12/2014 của UBND Thành phố Hà Nội. Bời vì, theo Quyết định số 1747/QĐ-UBND ngày 24/4/2015 của UBND Thành phố Hà Nội đã xác định: Đất của 09 hộ Ga Cầu Bây (thuộc đường Nguyễn Văn L); hộ gia đình bà A là một trong 9 hộ Ga Cầu Bây thuộc đường Nguyễn Văn L và tiếp giáp với đường Nguyễn Văn L nên phải được áp giá để bồi thường theo giá đất ở vị trí 1 là 23.000.000đ/1m2.
- Việc hỗ trợ di chuyển chỗ ở chưa đúng quy định. Theo Quyết định 3390 thì chỉ hỗ trợ di chuyển chỗ ở bằng 01 hộ gia đình là 5.000.000đ; nhưng trên thửa đất của bà A có 02 hộ gia đình là hộ bà A và hộ gia đình chị A1.
- Về hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư của hộ gia đình bà A và hộ chị Phan Thị A1: Tại văn bản số 1671 ngày 22/6/2015 của UBND phường B1 thì gia đình bà A bổ sung thêm 06 nhân khẩu, tổng cộng số nhân khẩu của hộ bà A và hộ chị A1 là 08 nhân khẩu. Thời gian từ khi gia đình bà A và chị A1 di chuyển chỗ ở đến nơi tạm cư để bàn giao đất cho UBND quận B đến khi được cấp đất là 24 tháng, theo quy định của pháp luật thì 08 nhân khẩu đều được hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư 24 tháng, tổng cộng là 192 tháng x 1.000.000/tháng = 192.000.000đ, nhưng UBND quận B mới hỗ trợ 148.000.000đ là chưa đủ.
- Về cấp đất tái định cư: Tại Quyết định kháng nghị số 01/QD-VC1-HC ngày 17/12/2018 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã khẳng định trên thửa đất có 08 nhân khẩu với 02 hộ gia đình đều sinh sống trên thửa đất giải phóng mặt bằng từ trước khi có thông báo thu hồi đất, gia đình chị A1 không có chỗ ở nào khác nên đủ điều kiện được bố trí suất đất tái định cư; cũng như theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 thì trường hợp hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở bị thu hồi, nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ thì UBND cấp tỉnh căn cứ quỹ đất và tình hình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình. Tại Điều 15 Quyết định số 23/2014/QĐ- UBND của UBND Thành phố Hà Nội cũng có quy định như vậy.
Nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét hết, đầy đủ các nội dung nên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà A, chị A1 là trái quy định của pháp luật. Do đó, bà A kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị cấp phúc thẩm hủy 04 quyết định hành chính của UBND quận B về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình bà A để tiến hành trình tự bồi thường hỗ trợ lại theo đúng quy định của pháp luật.
* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phát biểu quan điểm:
Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa tuân theo đúng các quy định của pháp luật tố tụng hành chính; những người tham gia tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Luật tố tụng hành chính.
Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà A, chị A1 về buộc UBND quận B ban hành quyết định phê duyệt phương án điều chỉnh bổ sung khoản hỗ trợ thuê nhà, địa điểm di chuyển tạm cư cho 02 nhân khẩu với thời hạn 18 tháng và bác các yêu cầu khởi kiện khác của bà A, chị A1 là không có căn cứ. Bởi vì, hộ gia đình bà A có 08 nhân khẩu và 02 hộ sinh sống trên thửa đất bị thu hồi; nhưng các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, cũng như bổ sung phương án bồi thường chưa xác định đúng, đủ số nhân khẩu nên không xem xét hết mức bồi thường, hỗ trợ tiền thuê chỗ ở, tiền di dời chỗ ở…Hơn nữa, theo quy định tại Quyết định số 23 của UBND Thành phố Hà Nội thì gia đình bà A, ngoài được bồi thường một suất tái định cư, thì còn được xem xét để ưu tiên mua một suất đất tái định cư hoặc một căn hộ chưng cư thuộc quỹ nhà, đất của Thành phố, nhưng các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho hộ bà A không xem xét đến nội dung này, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà A và chị A1. Do đó, cần phải hủy các quyết định hành chính của UBND quận B về việc bồi thường hỗ trợ cho hộ bà A, chị A1 để lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy quy định, nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà A.
Vì vậy, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 241 Luật tố tụng hành chính, sửa Bản án sơ thẩm số 130/2020/HC-ST ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội, hủy các quyết định hành chính nêu trên.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ được thẩm tra công khai tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ; ý kiến Kiểm sát viên và đương sự về giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
* Về tố tụng:
[1] Về thẩm quyền: Tòa án cấp sơ thẩm xác định yêu cầu khởi kiện ban đầu của người khởi kiện là Quyết định số 3390; Quyết định số 3591. Tại phiên tòa sơ thẩm được mở ngày 22/11/2019, cũng như tại đơn trình bày ngày 22/11/2019 và bản tự khai ngày 08/12/2019 Những người khởi kiện đã bổ sung yêu cầu khởi kiện là ngoài yêu cầu xem xét hai quyết định nêu trên, còn yêu cầu Tòa án xem xét các Quyết định số 3392, Quyết định 4292 và Quyết định 7249. Đây là quyết định hành chính cá biệt của UBND cấp huyện về lĩnh vực quản lý đất đai nên thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính và thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm là của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Ngày 25/4/2015 UBND quận B ban hành Quyết định số 3390, ngày 12/5/2015 UBND quận B ban hành Quyết định số 3591; không đồng ý với hai quyết định này nên bà A đã có đơn khiếu nại, và ngày 31/8/2015 Chủ tịch UBND quận B đã ban hành quyết định số 4292 để giải quyết đối với khiếu nại của bà A; đến ngày 18/9/2015 bà Hoàng Thị A khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân quận B, Thành phố Hà Nội là đang trong thời hạn một năm, nên đang trong thời hiệu khởi kiện. Căn cứ Luật tố tụng hành chính năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Vì vậy, sau khi bị cấp giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội và bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận B thì Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đã thụ lý, giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng quy định tại khoản 1 Điều 30; khoản 4 Điều 32; Điều 116 Luật Tố tụng hành chính.
[2] Xác định tư cách người tham gia tố tụng trong vụ án và sự có mặt của các đương sự tại phiên tòa: Tòa án cấp sơ thẩm xác định tư cách người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm người bị kiện vắng mặt nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng đã có yêu cầu xử vắng mặt, hoặc đã có người đại diện theo ủy quyền, hoặc đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai những vẫn vắng mặt. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt là đúng với quy định tại khoản 2 Điều 158; khoản 4 Điều 225 Luật tố tụng hành chính.
* Về nội dung vụ án:
[3] Xét về nội dung Quyết định số 3392, Hội đồng xét xử thấy: Đây là quyết định về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đối với hộ ông Nguyễn Liên A2; nội dung quyết định này tác động trực tiếp đến quyền lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Liên A2 và anh Nguyễn Hoàng A6; nhưng sau khi ban hành quyết định, ông A2 cũng như anh A6 không khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định này mà ông Nguyễn Liên A2 đã nghiêm túc thực hiện quyết định bằng việc nhận tiền, bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; quyết định này không làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của bà Hoàng Thị A, nên bà A không có quyền khởi kiện. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu này là đúng quy định tại khoản 2 Điều 3; điểm h khoản 1 Điều 143 Luật tố tụng hành chính.
[4] Đối với Quyết định số 3390:
[4.1] Theo phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ ban hành kèm theo Quyết định số 3390 thể hiện số tiền sử dụng đất tái định cư bà Hoàng Thị A phải nộp là 526.279.680đ. Tuy nhiên, tại Điều 1 Quyết định số 3390 thể hiện số tiền chênh lệch mà người bị thu hồi đất phải nộp khi được bố trí đất tái định cư là 0 đồng là không đúng với phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ ban hành kèm theo quyết định, đây là lỗi sai sót trong quá trình soạn thảo và phát hành văn bản, sai sót này đã tạo ra sự hiểu lầm, gây bức xúc cho người dân. Mặc dù sau đó UBND quận B cũng đã phát hiện, nên ngày 12/5/2015 đã ban hành Quyết định số 3591/QĐ- UBND đính chính nội dung Điều 1 của Quyết định số 3390, nhưng việc đính chính này không đúng quy định, lẽ ra trong trường hợp này UBND quận B phải thu hồi và ban hành lại quyết định.
[4.2] Xét về yêu cầu được nhận 02 suất đất tái định cư, thấy: Căn cứ hồ sơ quản lý đất đai thì thửa đất của bà A bị thu hồi thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 19 bản đồ đo vẽ năm 1993 - 1996 của xã B1 (nay là phường B1), quận B có nguồn gốc của Hợp tác xã nông nghiệp thanh lý năm 1990 cho ông Dương Ngọc Đ; đến ngày 02/5/1991 ông Đ chuyển nhượng lại cho bà Hoàng Thị A và ông Nguyễn Liên A2, có giấy viết tay nhưng chưa có giấy xác nhận của cấp có thẩm quyền; thửa đất đã được thể hiện trên bản đồ năm 1993 - 1996 và đăng ký kê khai trong sổ mục kê năm 1993 mang tên bà Hoàng Thị A với diện tích 150m2. Ngày 19/10/2005 bà A và ông A2 có Quyết định thuận tình ly hôn số 63/2005/QĐHNGĐ-ST. Tuy nhiên, căn cứ quyết định thuận tình ly hôn thì giữa bà A và ông A2 chưa phân chia tài sản, nhưng theo biên bản thỏa thuận về việc phân chia tài sản và con cái được lập ngày 20/5/2005 thì ông A2 và bà A đã thỏa thuận ông A2 và anh Nguyễn Hoàng A6 ở lại toàn bộ diện tích đất có nhà, còn ½ diện tích đất phía sau chưa làm nhà thuộc quyền sử dụng của bà A; biên bản này không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận; sau khi thỏa thuận phân chia cả hai bên cũng không thực hiện việc đăng ký phân chia tài sản, đăng ký để được cấp GCNQSD đất riêng cho từng người. Hơn nữa, tại thời điểm phân chia tài sản cũng như đến thời điểm bị thu hồi đất thì thửa đất số 23, tờ bản đồ số 19 chưa được cấp GCNQSD đất, mà vẫn một thửa nên theo quy định tại Điều 106 Luật đất đai năm 2003; Điều 95; Điều 167 Luật đất đai năm 2013 thì chưa đủ điều kiện để được chia tách thửa. Chính vì vậy sau khi có thông báo về việc thu hồi đất của UBND quận B, thì ngày 18/3/2014 ông A2 và bà A phải lập biên bản về việc phân chia tài sản để thực hiện công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Do đó, Quyết định số 3390 và Quyết định số 3392 vẫn xác định hộ ông A2 và hộ bà A cùng một thửa đất là thửa số 23, tờ bản đồ số 19, nên không có căn cứ xác định thửa đất số 23, tờ bản đồ số 19 đã được tách thành hai thửa. Tại cấp phúc thẩm, bà A xuất trình hai sơ đồ kỷ thuật được lập ngày 23/3/2013 thể hiện thửa đất số 23 đã được tách thành hai thửa, nhưng việc tách thửa này chỉ mới lập hồ sơ kỷ thuật, chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Tuy nhiên, lẽ ra trong trường hợp này UBND quận B phải lập phương án bồi thường, hỗ trợ về đất đối với ông A2 và bà A là chung, còn tài sản trên đất mới lập phương án riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 47/2014/NĐ-CP và Điều 9 Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, nhưng UBND quận B đã tách riêng thành hộ là không đúng, nên cấp sơ thẩm vẫn phải xem xét tính hợp pháp, có căn cứ cả quyết định có liên quan là Quyết định số 3392 là phù hợp; khi thu hồi đất đối với khu vực các quận thì chủ yếu được bồi thường bằng nhà ở (căn hộ chung cư); nhưng đối với dự án này đã được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận chính sách bồi thường bằng đất; theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND Thành phố Hà Nội thì diện tích đất ở được bồi thường bằng diện tích đất bị thu hồi, nhưng không được vượt quá hạn mức giao đất ở tối đa tại địa phương, theo khoản 1 Điều 3 Quyết định số 22/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND Thành phố Hà Nội thì hạn mức tối đa tại các phường là 90m2; thửa đất số 23, tờ bản đồ số 19 của ông A2, bà A đã được bồi thường 02 thửa đất tái định cư, cụ thể: Ông Nguyễn Liên A2 được bồi thường diện tích 39,24m2 (theo Quyết định số 3392) và bà Hoàng Thị A được bồi thường diện tích 50,76m2 (theo Quyết định số 3390); tổng diện tích của ông A2 và bà A được bồi thường là 90m2 (39,24 + 50,76) là đúng quy định, đảm bảo được quyền lợi của các đương sự. Tuy nhiên, hộ gia đình bà A có 08 nhân khẩu và nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng chung sống trên một thửa đất bị thu hồi, theo quy định tại Điều 25 Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 thì ngoài việc được bồi thường theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 23 thì còn được xem xét bán 01 căn hộ chung cư thuộc quỹ nhà tái định cư Thành phố (đối với trường hợp thu hồi đất ở tại các quận). Như vậy, hộ gia đình bà A có đủ điều kiện để được xem xét bán 01 căn hộ chung cư cho hộ chị Phan Thanh A1; lẽ ra trong trường hợp này UBND quận B phải xem xét ưu tiên cho hộ gia đình chị A1 được mua một căn hộ chung cư theo quy định nêu trên, nhưng UBND quận B đã không xem xét nội dung này và xác định thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố Hà Nội là không đúng. Đặc biệt, tại quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xem xét, nhận định nội dung này, nhưng bản án sơ thẩm xác định thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố Hà Nội là không đúng với nhận định của quyết định giám đốc thẩm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của gia đình chị A1.
[4.3] Về các khoản hỗ trợ theo nhân khẩu: Mặc dù quá trình thực hiện quy trình lập hồ sơ thu hồi đất, có nhiều tài liệu xác định số nhân khẩu trên đất bị thu hồi khác nhau, nhưng đến ngày 22/6/2015 Công an phường B1 có văn bản xác nhận, ngày 23/6/2015 UBND phường B1 có công văn số 703/UBND-ĐC và ngày 07/7/2015 UBND phường B1 có công văn số 747/UBND-ĐC xác nhận lại số nhân khẩu trực tiếp sinh sống trên thửa đất bị thu hồi trước khi có quyết định số 3390 là 08 nhân khẩu với 02 hộ gia đình; các văn bản này đã thay thế các xác nhận cũ. Do đó, có đủ căn cứ xác định tại thời điểm thu hồi đất, ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với hộ gia đình bà A thì trên thửa đất bị thu hồi có 08 nhân khẩu (02 hộ gia đình) đang sinh sống, nên UBND quận B đã bàn hành Quyết định số 7249 phê duyệt điều chỉnh hỗ trợ ổn định đời sống thêm 06 nhân khẩu. Như vậy, tổng UBND quận B đã hỗ trợ 08 nhân khẩu để ổn định đời sống là phù hợp. Tuy nhiên, theo điểm a.1 khoản 2 Điều 23 Quyết định số 23/2014/QĐ-UBND ngày 20/6/2014 của UBND Thành phố Hà Nội thì chủ sử dụng đất ở, nhà ở bị thu hồi được tiêu chuẩn tái định cư nhưng chủ đầu tư chưa kịp bố trí vào khu tái định cư, đã tự nguyện bàn giao mặt bằng đúng tiến độ và tự lo tạm cư thì được hỗ trợ tiền thuê nhà tạm cư với mức 1.000.000đ/nhân khẩu thực tế ăn ở tại nơi thu hồi đất/tháng, nhưng mức hỗ trợ không được quá 6.000.000đ/hộ gia đình/tháng. Do trên đất bị thu hồi của bà A có 02 hộ gia đình với 08 nhân khẩu, nên vẫn đủ điều kiện để hỗ trợ mỗi nhân khẩu là 1.000.000đ/tháng (tổng 8.000.000đ/tháng); thời gian hỗ trợ từ khi bàn giao mặt bằng đến khi có thông báo nhận đất tái định cư, cộng với 6 tháng để xây dựng nhà. Tuy nhiên, Quyết định số 3390 UBND quận B mới phê duyệt hỗ trợ đối với 02 nhân khẩu, thời gian hỗ trợ 6 tháng = 12.000.000đ là chưa đúng với quy định. Ngoài ra, Quyết định 3390 còn xác định thiếu một số hạng mục công trình của gia đình bà A, như bể phốt và bể nước. Mặc dù sau này UBND quận B đã ban hành các quyết định điều chỉnh bổ sung về các hạng mục còn thiếu, cũng như số nhân khẩu còn thiếu, nhưng vẫn chưa xác định đúng số lượng nhân khẩu của hộ bà A và hộ gia đình chị A1 theo quy định. Hơn nữa các quyết định bổ sung ban hành trên cở sở Quyết định 3390 không đúng, nên cần hủy bỏ toàn bộ các quyết định hành chính bị khiếu kiện để buộc UBND quận B thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định của pháp luật là lập phương án, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho hộ gia đình bà A và hộ gia đình chị A1 đúng quy định của pháp luật, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của đương sự. Tòa án cấp sơ thẩm không hủy các quyết định hành chính nhưng lại buộc UBND quận B ban hành quyết định phê duyệt bổ sung 02 nhân khẩu cho gia đình chị A1 là không chuẩn xác.
Từ phân tích trên thấy rằng, Quyết định 3390 chưa xem xét đúng, đầy đủ quyền lợi cho người dân, có sự vi phạm nền cần phải hủy bỏ để ban hành quyết định mới theo đúng quy định của pháp luật.
[5] Đối với các quyết định phê duyệt bổ sung, gồm: Quyết định số 5738/QĐ- UBND ngày 10/8/2016 của UBND quận B đã điều chỉnh bổ sung khoản hỗ trợ thuê nhà tạm cư đối với 02 nhân khẩu trong thời hạn 12 tháng - 24.000.000đ, nhưng vẫn còn thiếu 06 nhân khẩu. Do đó, ngày 21/10/2016, UBND quận B lại ban hành Quyết định số 7249 phê duyệt điều chỉnh hỗ trợ bổ sung 04 nhân khẩu x 18 tháng x 1.000.000đ = 72.000.000đ, nhưng vẫn còn thếu 02 nhân khẩu; Quyết định số 9557/QĐ-UBND ngày 21/10/2015 phê duyệt phương án điều chỉnh hỗ trợ bổ sung đối với công trình bể phốt và bề nước theo biên bản ngày 15/6/2015 với số tiền là 13.243.360đ là những quyết định hành chính ban hành trên cơ sở Quyết định 3390. Tuy nhiên, từ phân tích trên thì Quyết định 3390 ban hành chưa đúng quy định của pháp luật dẫn đến UBND quận B phải ban hành nhiều quyết định phê duyệt bổ sung, nhưng các quyết định phê duyệt bổ sung ban hành trên cơ sở Quyết định 3390 chưa đúng. Hơn nữa, mặc dù UBND quận B đã ban hành nhiều quyết định phê duyệt bổ sung nhưng vẫn chưa đúng quy định của pháp luật. Mặc dù người khởi kiện chỉ khởi kiện các Quyết định 3390, 3591, 4292 và 7249 nhưng đấy là những quyết định hành chính có liên quan, nên cấp sơ thẩm vẫn xem xét là đúng quy định. Tuy nhiên, như đã phân tích trên thì do các quyết định hành chính chưa đúng nên cần hủy hỏ để UBND quận B tiến hành lập hồ sơ bồi thường, tái định cư đối với hộ gia đình bà A và gia đình chị A1 theo đúng quy định pháp luật.
[6] Đối với Quyết định số 4292/QĐ-CTUBND ngày 31/8/2015 của Chủ tịch UBND quận B, thấy: Như đã phân tích ở trên thì Quyết định số 3390 chưa đúng quy định của pháp luật; lẽ ra trong trường hợp này Chủ tịch UBND quận B phải xem xét, chấp nhận khiếu nại của bà A. Hơn nữa, tại Quyết định số 3390 phê duyệt bồi thường về đất vị trí 2 đường Nguyễn Văn L, đoạn từ nút giao cầu Chui đến cầu Bây với đơn giá 18.360.000đ/m2, nhưng Quyết định 4292 lại xác định Quyết định số 3390 phê duyêt bồi thường về đất đoạn từ cấu Bây đến hết địa phận quận B với đơn giá 17.010.000đ/m2 là có sự sai sót. Ngoài ra, khi giải quyết khiếu nại, Chủ tịch UBND quận B phải xem xét tính hợp pháp của Quyết định số 3390, nhưng UBND quận B đã không xem xét những thiếu sót, nhầm lẫn trên làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, nên cần thiết phải hủy Quyết định số 4292 theo quy định của pháp luật.
Tổng hợp các phân tích trên, thấy rằng: Quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm tuy đã thực hiện đúng quy định của pháp luật, nhưng chưa đã xem xét đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của phía người khởi kiện; nên có căn cứ chấp nhận kháng cáo của người khởi kiện, sửa bản án sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của bà A và chị A1; đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị chấp nhận kháng cáo, sửa bản án sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện để hủy các quyết định hành chính bị khởi kiện là có căn cứ.
[7] Về án phí:
- Án phí hành chính sơ thẩm: Yêu cầu của bà A, chị A1 được chấp nhận nên bà A, chị A1 không phải chịu án phí sơ thẩm; UBND quận B phải chịu án phí hành chính sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
- Án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên người kháng cáo không phải chịu án phí hành chính phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 241 của Luật tố tụng hành chính; sửa Bản án sơ thẩm số 130/2020/HC-ST ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội.
Áp dụng khoản 2 Điều 3; điểm h khoản 1 Điều 143; khoản 1 điểm b, c khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Nghị định số 47/2015/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Điều 32 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị A và chị Phan Thị A1, hủy các quyết định hành chính của UBND quận B, Thành phố Hà Nội, cụ thể:
- Hủy Quyết định số 3390/QĐ-UBND ngày 25/4/2015 của UBND quận B về phê duyệt phương án, hỗ trợ đối với hộ bà Hoàng Thị A;
- Hủy Quyết định số 3591/QĐ-UBND ngày 12/5/2015 của UBND quận B về đính chính Điều 1 Quyết định 3390;
- Hủy Quyết định 9557/QĐ-UBND ngày 21/10/2015 của UBND quận B về phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ (bổ sung tiền bể phốt, bể nước là 13.243.360đ);
- Hủy Quyết định số 5738/QĐ-UBND ngày 10/8/2016 của UBND quận B về phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ (bổ sung hỗ trợ thuê nhà tạm cho 02 nhân khẩu);
- Hủy Quyết định số 7249/QĐ-UBND ngày 21/10/2016 của UBND quận B về phê duyệt điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ (bổ sung hỗ trợ ổn định đời sống cho 06 nhân khẩu; hỗ trợ thuê nhà tạm cư cho 04 nhân khẩu);
- Hủy Quyết định số 4292/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của Chủ tịch UBND quận B về giải quyết khiếu nại.
2. Buộc UBND quận B, Thành phố Hà Nội thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định của pháp luật.
3. Về án phí: UBND quận B phải chịu 300.000đ án phí hành chính sơ thẩm; hoàn trả lại cho bà Hoàng Thị A và chị Phan Thanh A1 mỗi người 200.000đ tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp tại các biên lai số 9849 và 9850 cùng ngày 01/12/2015 của Chi Cục thi hành án quận B. Bà A không phải chịu án phí phúc thẩm.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về khởi kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai số 86/2022/HC-PT
Số hiệu: | 86/2022/HC-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hành chính |
Ngày ban hành: | 04/04/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về