Bản án 01/2018/KDTM-PT ngày 23/01/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU

BẢN ÁN 01/2018/KDTM-PT NGÀY 23/01/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Ngày 23 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bạc Liêu xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số: 13/2017/TLPT- KDTM ngày 06 tháng 11 năm 2017 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 02/2017/KDTM-ST ngày 25 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân thị xã G, tỉnh Bạc Liêu bị kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 11/2017/QĐ-PT ngày 22 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA

Địa chỉ: đường L, phường B, quận N, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Minh T, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trịnh Phan T1, chức vụ: Giám đốc Ngân hàng TMCP ĐA – Phòng giao dịch G, tỉnh Bạc Liêu (theo giấy ủy quyền số 1098/QĐ-DAB-PC ngày 21/6/2016). Người được ông Trịnh Phan T1 ủy quyền lại là ông Nguyễn Ngọc T2, là nhân viên phát triển kinh doanh của Ngân hàng TMCP ĐA – Phòng giao dịch G, tỉnh Bạc Liêu (theo giấy ủy quyền số 14/UQ-PGD GR-GRI ngày 27/4/2017) (có mặt).

- Bị đơn: Ông Lâm Quốc T3, sinh năm 1958 (vắng mặt).

Lý Thanh P, sinh năm 1961 (vắng mặt). Cùng địa chỉ: Ấp X, xã TT, thị xã G, tỉnh Bạc Liêu.

- Kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu (Quyết định kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 25/10/2017).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA là ông Nguyễn Ngọc Triều trình bày:

Vào ngày 30/12/2014, Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA (sau đây gọi tắt là Ngân hàng) đã ký kết hợp đồng vay số K1555/1 với ông Lâm Quốc T3, bà Lý Thanh P, theo nội dung hợp đồng các bên thỏa thuận: Ông T3, bà P vay của Ngân hàng số tiền vốn là 200.000.000 đồng, lãi suất 11,5%/năm, thời hạn vay là 12 tháng từ ngày 30/12/2014 đến ngày 30/12/2015. Để đảm bảo cho khoản vay, ông T3, bà P đã ký kết với Ngân hàng Hợp đồng thế chấp bất động sản số K1036-14/HĐTC ngày 30/12/2014, tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất thuộc thửa số 175, tờ bản đồ số 32, diện tích 448,2m2, đất tọa lạc tại ấp X, xã TT, thị xã G, tỉnh Bạc Liêu, đã được Ủy ban nhân dân huyện G (nay là thị xã G) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 17/01/2014 cho ông Lâm Quốc T3.

Quá trình thực hiện hợp đồng vay, ông T3 và bà P đã thanh toán cho Ngân hàng số tiền vốn 30.000.000 đồng nên còn nợ số tiền vay gốc là 170.000.000 đồng. Mặc dù Ngân hàng đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhỡ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ông T3, bà P thanh toán nhưng ông bà vẫn cố tình trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, ông T3, bà P đã vi phạm hợp đồng, không có thiện chí trả nợ nên Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông T3, bà P có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng số nợ vốn gốc 170.000.000 đồng và tiền lãi trong hạn là 43.923.611 đồng, lãi quá hạn là 18.539.757 đồng tính đến hết ngày 25/9/2017, tổng cộng cả vốn và lãi suất là 232.463.368 đồng và cả phần tiền lãi quá hạn phát sinh kể từ ngày 26/9/2017 cho đến khi ông bà trả hết nợ cho Ngân hàng. Trường hợp ông T3, bà P không trả được nợ thì yêu cầu Cơ quan thi hành án có thẩm quyền phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Đồng bị đơn ông Lâm Quốc T3, bà Lý Thanh P: Suốt quá trình thụ lý, giải quyết vụ án do ông T3 và bà P không có mặt tại địa phương nên Tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng cho ông T3, bà P bằng thủ tục niêm yết công khai và xét xử vắng mặt ông T3, bà P theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 238 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Từ những nội dung trên, tại bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 02/2017/KDTM-ST ngày 25/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã G, tỉnh Bạc Liêu đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA – Phòng giao dịch G đối với ông Lâm Quốc T3, bà Lý Thanh P về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Buộc ông Lâm Quốc T3, bà Lý Thanh P có nghĩa vụ thanh toán nợ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA – Phòng giao dịch G số tiền vay vốn là 170.000.000 đồng, tiền lãi trong hạn tính đến 25/9/2017 là 43.923.611 đồng, lãi quá hạn 18.539.757 đồng, tổng cộng tiền vốn, lãi là 232.463.368. Ông Lâm Quốc T3, bà Lý Thanh P còn có nghĩa vụ trả lãi phát sinh kể từ ngày 26/9/2017 cho Ngân hàng theo mức lãi suất trong hợp đồng số K155/1 ngày 30/12/2014 mà các bên đã ký kết.

Trong trường hợp ông Lâm Quốc T3, bà Lý Thanh P không thanh toán số tiền nợ nêu trên cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA – Phòng giao dịch G thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền bán đấu giá tài sản thế chấp để thu hồi nợ gồm diện tích đất 448,2m2, thửa 175, tờ bản đồ số 32, tọa lạc tại ấp X, xã TT, thị xã G, tỉnh Bạc Liêu, được Ủy ban nhân dân huyện G (nay là thị xã G) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Lâm Quốc T3 ngày 17/01/2014.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, điều luật thi hành án và quyền kháng cáo của các bên đương sự.

Ngày 25/10/2017 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu kháng nghị (Quyết định kháng nghị số 03/QĐKNPT-VKS-KDTM ngày 25/10/2017) đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại vụ án theo đúng quy định. Lý do: Viện kiểm sát xác định việc niêm yết các văn bản tố tụng cho bị đơn chỉ tiến hành niêm yết tại trụ sở ấp mà không niêm yết tại nhà đương sự là vi phạm điểm b khoản 2 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự; ngày 12/9/2017 ban hành Thông báo mở phiên tòa lần 2 ngày 25/9/2017 chỉ mới 13 ngày nên vi phạm thời hạn niêm yết theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự; Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp bao gồm nhà ở, trại cua giống và tài sản khác gắn liền trên đất nên chưa xác định được 02 người con của ông T3, bà P là Lâm Trung T4, sinh năm 1983 và Lâm Hải S, sinh năm 1987 có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án hay không để đưa họ vào tham gia tố tụng nên việc giải quyết vụ án chưa toàn diện.

Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện Viện kiểm sát tỉnh Bạc Liêu vẫn giữ nguyên kháng nghị.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến:

Về thủ tục tố tụng: Thông qua kiểm sát việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý phúc thẩm đến thời điểm này thấy rằng Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án và đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về phiên tòa phúc thẩm, Tòa án đã tống đạt các văn bản tố tụng cho đương sự và Viện kiểm sát đúng theo quy định.

Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại số: 02/2017/KDTM-ST ngày 25/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã G, tỉnh Bạc Liêu, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa; nghe ý kiến đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu, sau khi thảo luận, nghị án, Hội đồng xét xử nhận định:

[2] Theo Điều 84 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về Pháp nhân và khoản 4 Điều 92 Bộ luật dân sự năm 2005 thể hiện:“Văn phòng đại diện, chi nhánh không phải là pháp nhân”, do đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA – Phòng giao dịch G không phải là Pháp nhân, không có tư cách khởi kiện nên không phải là nguyên đơn trong vụ án. Tòa cấp sơ thẩm xác định nguyên đơn trong vụ án là Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA– Phòng giao dịch G là không phù hợp theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không đúng chủ thể tham gia tố tụng trong vụ án. Từ việc xác định sai tư cách nguyên đơn nên khi xử lý vụ án Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên buộc đồng bị đơn có trách nhiệm thanh toán nợ cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA – Phòng giao dịch G là trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của Ngân hàng Thương mại Cổ phần ĐA.

[3] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu về thủ tục niêm yết và thời hạn niêm yết các văn bản tố tụng cho bị đơn: Theo hồ sơ vụ án thể hiện, ông T3 và bà P có nơi cư trú tại ấp X, xã TT, thị xã G, tỉnh Bạc Liêu. Do khi đến nhà đương sự thì ông T3, bà P vắng mặt ở nơi cư trú và không rõ thời điểm trở về, không rõ nơi cư trú mới của họ nên thư ký Tòa án thực hiện thủ tục tống đạt đã lập biên bản về việc không thực hiện được việc tống đạt có xác nhận của đại diện chính quyền địa phương và tiến hành thủ tục niêm yết công khai theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc tiến hành thủ tục niêm yết công khai là phù hợp các quy định tại khoản 3 Điều 173; đoạn 2 khoản 5 Điều 177 Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, khi tiến hành niêm yết công khai, Tòa án cấp sơ thẩm đã không niêm yết tại nhà đương sự mà niêm yết tại trụ sở ấp, trụ sở xã và trụ sở Tòa án nhân dân là chưa đúng quy định, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho ông T3, bà P.

[4] Căn cứ khoản 1 Điều 52 của Bộ luật dân sự năm 2005 thể hiện: “Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống”. Tại mục 3.1 Điều 3 của Hợp đồng vay vốn số K1555/1 ngày 30/12/2014 thể hiện “Mô tả tài sản bảo đảm: Gồm nhà ở, trại sản xuất cua giống và 448,2 m2 QSD đất tại ấp X, xã TT, huyện G, tỉnh Bạc Liêu” và tại Biên bản làm việc ngày 20/7/2016 giữa đại diện Ngân hàng và ông T3 cũng thể hiện “Tài sản thế chấp gồm nhà ở, trại sản xuất cua giống và 448,2m2 quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản khác gắn liền với đất tại ấp X, xã TT, thị xã G, tỉnh Bạc Liêu”. Như vậy, ông T3, bà P có nơi thường xuyên sinh sống là nhà ở tại ấp X, xã TT, thị xã G, tỉnh Bạc Liêu, trên thực tế nhà vẫn còn tồn tại và để đương sự nhận được các văn bản tố tụng thì cần niêm yết tại nhà của đương sự mới phù hợp pháp luật và đảm bảo quyền lợi cho đương sự.

[5] Đối với thời hạn niêm yết Thông báo mở lại phiên tòa: Qua kết quả Tòa án thu thập chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát thể hiện số và ngày của Thông báo mở lại phiên Tòa được lưu tại hồ sơ kiểm sát của Viện kiểm sát thị xã G do thư ký Tòa án nhầm lẫn với loại án dân sự, số và ngày chính xác của Thông báo mở lại phiên tòa là số 04 ngày 08/9/2017. Thực tế Thông báo số 04 ngày 08/9/2017 đã được tống đạt hợp lệ cho các đương sự trong vụ án, các Biên bản niêm yết đều có xác nhận của chính quyền địa phương đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nên được xem là hợp pháp. Việc niêm yết Thông báo mở lại phiên tòa vào ngày 08/9/2017 của Tòa án cấp sơ thẩm là đủ thời hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự, không vi phạm thời hạn niêm yết như kháng nghị của Viện kiểm sát. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm có sai sót trong việc tống đạt Thông báo mở lại phiên tòa cho Viện kiểm sát nhân dân thị xã G nên cần rút kinh nghiệm.

[6] Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát về việc Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản thế chấp bao gồm nhà ở, trại cua giống và tài sản khác gắn liền trên đất, xét thấy: Trong vụ án đồng bị đơn vắng mặt từ khi thụ lý đến khi xét xử nên không có bất kỳ ý kiến phản hồi nào của bị đơn về các yêu cầu và ý kiến của nguyên đơn. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử chủ yếu dựa vào các chứng cứ do nguyên đơn cung cấp, khi đánh giá chứng cứ tuy đúng trình tự, thủ tục luật định nhưng cần thiết phải xem xét, thẩm định tại chỗ tài sản thế chấp để giúp cho kết quả giải quyết vụ án được chính xác, có tính khả thi trong giai đoạn thi hành án.

[7] Mặt khác, tài sản bảo đảm được mô tả tại điểm 3.1 Điều 3 của Hợp đồng vay vốn số K1555/1 ngày 30/12/2014 thể hiện gồm nhà ở, trại sản xuất cua giống và 448,2 m2 quyền sử dụng đất tại ấp X, xã TT, huyện G, tỉnh Bạc Liêu và tại Biên bản làm việc ngày 20/7/2016 giữa đại diện Ngân hàng và ông T3 cũng thể hiện tài sản thế chấp gồm nhà ở, trại sản xuất cua giống và 448,2 m2 quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản khác gắn liền với đất tại ấp X, xã TT, thị xã G, tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, do cấp sơ thẩm không xem xét thẩm định tài sản thế chấp nên không ghi nhận được trên đất thế chấp gồm có những tài sản gì, tài sản do ai quản lý, có liên quan đến 02 người con của ông T3, bà P là Lâm Trung T4, sinh năm 1983 và Lâm Hải S, sinh năm 1987 hay không để đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên việc giải quyết vụ án chưa toàn diện đúng như nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát.

[8] Từ việc không xem xét thẩm định tài sản thế chấp nên Tòa án cấp sơ thẩm khi quyết định chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của Ngân hàng chỉ tuyên tài sản Ngân hàng được phép xử lý là diện tích đất 448,2m2 mà không xử lý yêu cầu của Ngân hàng đối với các tài sản trên đất gồm nhà ở, cơ sở sản xuất cua giống và 448,2 m2 quyền sử dụng đất và toàn bộ tài sản khác gắn liền với đất tại ấp X, xã TT, thị xã G, tỉnh Bạc Liêu như Đơn khởi kiện của Ngân hàng đã nêu (BL 30-31). Do đó, kháng nghị của Viện kiểm sát về việc cấp sơ thẩm giải quyết vụ án chưa toàn diện là có căn cứ, chấp nhận ý kiến của Viện kiểm sát đối với nội dung kháng nghị này.

[9] Như đã phân tích trên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự nên cấp phúc thẩm cần hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[10] Xét nhận định của Kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về các vi phạm nghiêm trọng của cấp sơ thẩm và đề nghị áp dụng khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự, hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại số: 02/2017/KDTM-ST ngày 25/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã G, tỉnh Bạc Liêu, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm là phù hợp pháp luật nên có căn cứ chấp nhận.

[11] Án phí kinh doanh thương mại: Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được giải quyết khi Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết lại vụ án. Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm các đương sự không phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308; Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Hủy toàn bộ bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số: 02/2017/KDTM- ST ngày 25/9/2017 của Tòa án nhân dân thị xã G, tỉnh Bạc Liêu. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm sẽ được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét khi thụ lý, giải quyết lại vụ án.

Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

678
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 01/2018/KDTM-PT ngày 23/01/2018 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:01/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bạc Liêu
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 23/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về