TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 207/2022/DS-PT NGÀY 27/09/2022 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ TÀI SẢN
Mở phiên tòa ngày 27/9/2022, tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 184/2022/TLPT-DS ngày 18/8/2022 về việc: “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản”; Do bản án dân sự sơ thẩm số: 74/2022/DS-ST ngày 20/6/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo; Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 193/2022/QĐXXPT-DS ngày 24/8/2022 và Quyết định hoãn phiên toà số: 198/2022/QĐ-PT ngày 15/9/2022, giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Ông Lê Bá S Địa chỉ: Số 40/5/2 đường NTT, phường ET, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Phạm Công H - Vắng mặt (theo văn bản uỷ quyền ngày 29/11/2017) Địa chỉ: Số 79 đường A, phường LT, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk
Bị đơn: Ngân hàng T Địa chỉ: Tầng 1, 6, 7 Toà nhà C; Số 16 đường PCT, phường PCT, quận KH, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo uỷ quyền:
1. Ông Đoàn Mạnh Tuấn A - Có mặt (theo văn bản uỷ quyền ngày 27/3/2018) Địa chỉ: Số 39, 41 đường TQ, phường NT, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk
2. Ông Phan Dương T - Có mặt (theo văn bản uỷ quyền ngày 05/5/2022) Địa chỉ: S, 111A P, quận R, thành phố Hồ Chí Minh
3. Bà Hà Thị Hải Anh - có mặt (theo văn bản uỷ quyền ngày 09/7/2020)
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Hoàng Thị H1 Địa chỉ: Số 08 đường TT, phường ET, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Nguyễn Khắc D - Có mặt (theo văn bản uỷ quyền ngày 30/8/2022) Địa chỉ: Thôn EK, xã DY, huyện K, tỉnh Đắk Lắk
2. Bà Ngô Thị Thanh Ng- Có mặt Địa chỉ: Số 39- 421 đường TQ, phường NT, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk
3. Bà Trương Thị Hồng L - có mặt Địa chỉ: Số 27 đường NTT, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 29/11/2017 và quá trình tham gia giải quyết vụ án, nguyên đơn là Lê Bá S trình bày: Ông và bà Hoàng Thị H1 quen biết nhau, do cùng làm việc tại Bệnh viện Z tỉnh Đắk Lắk; Bà H1 tự giới thiệu là quen biết với một số người làm việc tại Ngân hàng T - Chi nhánh B (sau đây gọi tắc là Ngân hàng T), nếu ông có tiền gửi tiết kiệm, thì đưa cho bà H1 gửi giúp vào Ngân hàng và mang sổ gửi tiết kiệm về cho ông. Do tin tưởng bà H1, nên trong thời gian từ năm 2011 đến ngày 16/01/2014, ông đưa tiền cho bà H1 06 lần với tổng số tiền 300.000.000đ để gửi tiết kiệm vào Ngân hàng; Mỗi lần ông đưa tiền, bà H1 đều yêu cầu ông ký tên vào góc bên trái 02 tờ giấy trắng, loại giấy A5, để bà H1 làm thủ tục gửi tiền vào Ngân hàng; 05 lần đầu ông đưa tiền cho bà H1 gửi tiết kiệm, bà H1 đều mang sổ tiết kiệm số: 12345678 mang tên ông, về cho ông nhưng lần sau cùng, bà H1 không mang sổ tiết kiệm về cho ông; ông yêu cầu bà H1 giao lại sổ tiết kiệm, thì bà H1 tìm nhiều lý do để từ chối; Ông nghi ngờ bà H1 thiếu trung thực, nên vào tháng 10/2015, ông đến Ngân hàng T tại chi nhánh B, để rút khoản tiền đã gửi tiết kiệm, thì Ngân hàng cho rằng ông đã rút hết 300.000.000đ gửi tiết kiệm vào ngày 17/01/2014; Thực tế ông chưa lần nào đến Ngân hàng để rút tiền. Vì vậy, ông khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết: Buộc Ngân hàng T phải trả lại cho ông 300.000.000đ mà ông đã gửi tiết kiệm cho Ngân hàng và tiền lãi theo quy định của pháp luật tính từ ngày 16/01/2014.
Quá trình tham gia giải quyết vụ án, bị đơn là Ngân hàng T trình bày: Ngày 16/01/2014, ông Lê Bá S có gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng T, tại Phòng giao dịch B với số tiền 300.000.000đ, thời hạn gửi tiết kiệm là 12 tháng tính từ ngày 16/01/2014, lãnh tiền lãi cuối kỳ; Ngân hàng đã cấp sổ tiết kiệm số QT 12345678 cho ông S.
Ngày 17/01/2014, ông S đã rút toàn bộ số tiền 300.000.833đ, bao gồm 300.000.000đ tiền gốc và 883đ tiền lãi; Chứng từ ông S rút tiền gửi tiết kiệm ngày 17/01/2014, gồm phiếu giao yêu cầu giao dịch tiết kiệm số SA-2010/BR/SAV-019 và phiếu chi số BTTLR2736/33, đều được ông S ký tên và ghi rõ họ tên; Sau khi ông S nhận đủ tiền, Ngân hàng đã thu lại sổ tiết kiệm của ông S theo quy định của Ngân hàng. Vì vậy, Ngân hàng không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông S.
Quá trình tham gia giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hoàng Thị H1 trình bày: Bà với ông Lê Bá S là đồng nghiệp với nhau; Việc ông S khởi kiện cho rằng nhờ bà gửi tiền tiết kiệm 300.000.000đ vào Ngân hàng T, tại Phòng giao dịch B là không đúng sự thật; Việc ông S gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng và rút tiền như thế nào, bà không biết.
Quá trình tham gia giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Hồng L trình bày: Bà là kiểm soát viên của Phòng giao dịch B, thuộc Ngân hàng T; Ngày 16/01/2014, ông Lê Bá S đến Phòng giao dịch B, để gửi tiền tiết kiệm 300.000.000đ; Bà nhận thấy chữ viết, chữ ký trong giấy ông S gửi tiền, không giống chữ ký, chữ viết của ông S đăng ký tại Ngân hàng nhưng do ông S trực tiếp đến Ngân hàng gửi tiền, nên bà tin tưởng vào ký duyệt vào giấy gửi tiền của ông S; ngày 17/01/2014, ông S trực tiếp Ngân hàng rút toàn bộ khoản tiền đã gửi tiết kiệm.
Quá trình tham gia giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Ngô Thị Thanh Ng trình bày: Bà là giao dịch viên của Phòng giao dịch B, thuộc Ngân hàng T; Ngày 17/01/2017, ông S đến phòng giao dịch rút toàn bộ khoản tiền gửi tiết kiệm, bà đã lập phiếu chi trả cho ông S và ông S đã ký vào phiếu chi trả tiền của Ngân hàng.
Bản án dân sự sơ thẩm số: 74/2022/DS-ST ngày 20/6/2022 của TAND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đã áp dụng: Khoản 2 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 144, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227, Điều 266, Điều 273 BLTTDS; Điều 599, Điều 600 BLDS năm 2005.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Bá S.
Buộc Ngân hàng T và bà Hoàng Thị H1, có trách nhiệm liên đới trả cho ông Lê Bá S 300.000.000đ tiền nợ gốc và 189.625.000đ tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm, tổng cộng 489.625.000đ; Chia theo phần: Ngân hàng T phải trả cho ông S 150.000.000đ tiền nợ gốc và 94.812.500đ tiền lãi; Bà Hoàng Thị H1 phải trả cho ông S 150.000.000đ tiền nợ gốc và 94.812.500đ tiền lãi;
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về chi phí giám định; về lãi suất trong giai đoạn thi hành án, án phí và tuyên quyền kháng cáo.
Ngày 08/7/2020, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hoàng Thị H1 có đơn kháng cáo cho rằng: Toà án cấp sơ thẩm buộc bà phải trả cho ông Lê Bá S 150.000.000đ tiền nợ gốc và 94.812.500đ tiền lãi, là không khách quan, vì bà không biết, không liên quan đến việc ông S gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng T.
Ngày 01/7/2022, bị đơn là Ngân hàng T có đơn kháng cáo cho rằng Toà án cấp sơ thẩm xét xử không khách quan, vì ngày 17.01/2014, Ngân hàng đã chi trả cho ông S 300.000.000đ tiền nợ gốc và 883đ tiền lãi, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xử bác yêu cầu khởi kiện của ông S.
Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Kể từ thời điểm thụ lý vụ án đến khi mở phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn là Ngân hàng T và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Hoàng Thị H1, VKSND tỉnh Đắk Lắk xét thấy: Trong đơn khởi kiện, ông Lê Bá S yêu cầu Toà buộc Ngân hàng T phải trả cho ông 300.000.000đ mà ông đã gửi tiết kiệm cho Ngân hàng và tiền lãi nhưng trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, ông S yêu cầu Toà án buộc Ngân hàng T và bà Hoàng Thị H1, phải trả cho ông khoản tiền nêu trên. Toà án cấp sơ thẩm buộc Ngân hàng T và bà Hoàng Thị H1 phải liên đới trả cho ông S 300.000.000đ tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng và tiền lãi, là vượt quá yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã được thẩm tra tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không rút đơn kháng cáo và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết.
[1] Xét đơn kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn trong hạn, nên hợp lệ.
[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và yêu cầu kháng cáo của các đương sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Ông Lê Bá S khởi kiện cho rằng trong thời gian từ năm 2011 đến ngày 16/01/2014, ông đưa tiền cho Hoàng Thị H1 06 lần, với tổng số tiền 300.000.000đ, nhờ bà H1 gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng T , tại Phòng Giao dịch B nhưng trong quá trình tham gia giải quyết vụ án, ông S không cung cấp được chứng cứ để chứng minh đã đưa tiền cho bà H1 gửi tiết kiệm vào Ngân hàng. Toà án cấp sơ thẩm tuyên xử buộc bà H1 và Ngân hàng T phải liên đới trả cho ông S 300.000.000đ tiền gốc gửi vào Ngân hàng và tiền lãi, là không có căn cứ.
Quá trình tham gia giải quyết vụ án, Ngân hàng T thừa nhận ngày 16/01/2014, ông S gửi tiền tiết kiệm vào Ngân hàng tại Phòng giao dịch B 300.000.000đ nhưng cho rằng ngày 17/01/2014, ông S đã rút toàn bộ số tiền gửi tiết kiệm, được thể hiện tại chứng từ là phiếu yêu cầu giao dịch tiết kiệm số SA-2010/BR/SAV-019 và phiếu chi số BTTLR12736/33, ngày 17/01/2014. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả giám định, thì nội dung bị che phủ tại phần chữ viết Lê Bá S, trên phiếu yêu cầu giao dịch tiết kiệm ngày 17/01/2014, là chữ viết có nội dung "Hoàng Thi"; Chữ ký và chữ viết họ tên Lê Bá S, trên phiếu chi số BTTLR12736/33, ngày 17/01/2014, được ký và viết trước khi in nội dung văn bản.
Như vậy, Ngân hàng T tại Phòng giao dịch B, đã lợi dụng việc ông Lê Bá S ký tên và ghi họ tên, trên tờ giấy trắng, để điền nội dung ngày 17/01/2014 Ngân hàng chi trả cho ông S 300.000.833đ, nên chứng từ này không có giá trị để chứng minh Ngân hàng đã chi trả tiền cho ông S. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Ngân hàng T , cần chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Hoàng Thị H1, sửa bản án sơ thẩm, buộc Ngân hàng T phải trả cho ông Lê Bá S 300.000.000đ tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng và tiền lãi.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.
Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm, nên Ngân hàng T phải chịu toàn bộ tiền án phí dân sự sơ thẩm; Ngân hàng T và bà Hoàng Thị H1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng ông S khởi kiện yêu cầu Ngân hàng T phải trả cho ông 300.000.000đ mà ông đã gửi tiết kiệm vào ngân hàng và tiền lãi. Toà án cấp sơ thẩm buộc Ngân hàng T và bà Hoàng Thị H1, phải liên đới trả cho ông S khoản tiền nêu trên, là vượt quá yêu cầu khởi kiện; Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để chấp nhận. Bởi lẽ, quá trình giải quyết vụ án, nếu xét thấy việc giải quyết vụ có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của bà H1, thì theo yêu cầu của ông S hoặc Toà án đưa bà H1 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Toà án cấp sơ thẩm nhận định cho rằng ông S đưa cho bà H1 300.000.000đ nhờ bà H1 gửi tiết kiệm vào Ngân hàng, từ đó buộc Ngân hàng và bà H1 phải liên đới trả cho ông S khoản tiền nêu trên, là không vượt quá yêu cầu khởi kiện.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 BLTTDS: Không chấp nhận kháng cáo của Ngân hàng T; Chấp nhận kháng cáo của bà Hoàng Thị H1; Sửa bản án sơ thẩm.
Căn cứ Điều 559, Điều 562 BLDS năm 2005; Hợp đồng gửi tiền tiết kiệm, được ký kết ngày 16/01/2014 giữa ông Lê Bá S và Ngân hàng T; khoản 2 Điều 26; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Lê Bá S.
1. Buộc Ngân hàng T, phải trả cho ông Lê Bá S 300.000.000đ tiền gửi tiết kiệm và tiền lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm là 189.625.000đ, tổng cộng 489.625.000đ 2. Về án phí: Ngân hàng T phải chịu 23.585.000đ tiền án phí dân sự sơ thẩm, không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, đã nộp tại biên lai số:0019858 ngày 12/7/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thàn phố B, được khấu trừ vào tiền án phí dân sự sơ thẩm mà Ngân hàng phải nộp; Bà Hoàng Thị H1 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm và được nhận lại 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại biên lai số: 0019906 ngày 18/7/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thàn phố B;
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị, đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản (buộc ngân hàng trả lại tiền gửi tiết kiệm cho khách) số 207/2022/DS-PT
Số hiệu: | 207/2022/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/09/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về