21/10/2021 14:21

Tài sản cho thuê bị hư hỏng có đòi bồi thường được không?

Tài sản cho thuê bị hư hỏng có đòi bồi thường được không?

Hiện nay, việc cho thuê tài sản diễn ra khá phổ biến trong xã hội, tài sản được cho thuê cũng khá đa dạng do tính chất mỗi ngành nghề, mỗi công việc khác nhau. Tuy nhiên, chắc hẳn không phải người thuê nào cũng hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của các bên cũng như những trách nhiệm phát sinh liên quan đến tài sản mà bạn thuê ví dụ như trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản bị hư hại.

Vậy khi nào thì phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản và nguyên tắc bồi thường ra sao, mời các bạn cùng tham khảo bài viết sau đây nhé.

Bản án 591/2020/DS-PT ngày 24/06/2020 về tranh chấp hợp đồng thuê nhà xưởng và yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản

“Tháng 6/2014, bà L ký hợp đồng cho thuê nhà xưởng với ông Poon Chiu L2 với giá 65.000.000/tháng. Ông L2 đặt cọc 06 tháng với số tiền 390.000.000. Nội dung hợp đồng thể hiện tài sản được cho thuê bao gồm: 01 nhà ở sử dụng làm văn phòng, 01 nhà xưởng, 33 phòng trọ, bình điện cao thế 320KVA và toàn bộ diện tích đất còn lại đã được sử dụng ổn định để làm nhà xưởng, kho và phụ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh. Các tài sản này được xây dựng, đầu tư trên khu đất diện tích 4540m2 thuộc thửa 1485, 1486 tờ bản đồ số 6 xã H, huyện C đứng tên bà Hồ Thị Đ.

Ngày 6/6/2016 bà L và ông L2 lập giấy xác nhận ông L2 trả lại các nhà trọ và điều chỉnh giá thuê còn 60.000.000/tháng, thanh toán vào mỗi tháng.

Ngày 4/3/2017, ông L2 chấm dứt hợp đồng nhưng bà L ngăn cản không cho di dời tài sản máy móc của công ty ra khỏi nhà xưởng. Ngày 23/10/2018, Tòa án nhân dân huyện C ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm bà L có hành vi cản trở Công ty A vận chuyển hàng hóa, máy móc, thiết bị ra khỏi nhà xưởng. Ngay sau đó ông L2 và Công ty A đã di dời hết toàn bộ tài sản máy móc, thiết bị đi nơi khác.

Bà L khởi kiện yêu cầu: ông L2 và Công ty A phải trả cho bà 02 tháng tiền nhà còn nợ là 120.000.000 đồng; bồi thường thiệt hại 02 khoản gồm công trình nhà xưởng bị thiệt hại có giá trị là 1.597.000.000đồng và thiệt hại do không thể cho thuê nhà từ tháng 3/2017 đến tháng 01/2019 là 1.380.000.000đồng, tổng cộng là 2.977.000.000 đồng”.

Thứ nhất, xét yêu cầu bồi thường thiệt hại do nhà xưởng bị đập phá dẫn đến thiệt hại như sau:

Khi cả hai bên giao kết hợp đồng vào tháng 6/2014 nội dung hợp đồng đã ghi rõ những tài sản nào được cho thuê, ông L2 cũng đã được bàn giao và đưa vào sử dụng.Cho đến lúc chấm dứt hợp đồng thì nhà xưởng không còn đúng với hiện trạng ban đầu.

Phía bà L đã có nhờ Công ty thẩm định tài sản bị hư hại gồm: nhà căn tin, nhà bảo vệ, nhà xưởng 2, tường của khu văn phòng. Tất cả thiệt hại trên được cho là xảy ra trong quá trình ông L2 thuê nhà xưởng của bà. Tổng giá trị thiệt hại là 1.597.000.000 đồng.

Bộ luật dân sự 2015 quy định về căn cứ phát sinh và nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

Điều 584. Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 585. Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Do đó, đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản của bà L là có căn cứ và phù hợp. Bởi lẽ, Công ty A đã có hành vi gây thiệt hại cho nhà xưởng, về nguyên tắc thì toàn bộ thiệt hại sẽ được bồi thường và các bên sẽ tự thỏa thuận với nhau.

Thứ hai, về yêu cầu bồi thường thiệt hại do không thể cho thuê nhà xưởng từ tháng 03/2017 đến tháng 01/2019.

Khi không thể tiếp tục kinh doanh do không được cấp phép và buộc phải di dời. Vì lý do khách quan nên ông L2 đã có văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng đến bà L kể từ ngày 15/3/2017 và đã được bà ký nhận. Nhưng vì bà L nhiều lần ngăn cản nên dẫn đến kéo dài việc di dời.

Do đó, yêu cầu của bà L đòi ông L2 có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tiền bị mất thu nhập cho thuê nhà xưởng từ tháng 3/2017 đến tháng 01/2019 với số tiền 1.380.000.000 đồng là không có cơ sở.

Thứ ba, đối với 02 tháng tiền nhà còn nợ là 120.000.000 đồng , phía ông L2 cũng đã thừa nhận. Ngoài ra, khi giao kết hợp đồng ông L2 đã đặt cọc trước 06 tháng là 390.000.000 đồng, điều này cũng được hai bên đồng ý.

Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp nhận một phần kháng cáo của bà L, buộc ông L2 và Công ty A liên đới chịu trách nhiệm bồi thường công trình nhà xưởng bị thiệt hại, và ông L2 có nghĩa vụ thanh toán 02 tiền nhà và bà L trả lại 06 tháng tiền cọc cho phía ông L2 là hoàn toàn hợp lý và đủ căn cứ.

Những thiệt hại phát sinh trong quá trình cho thuê tài sản là đều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi các bên giao kết hợp đồng cần thảo luận rõ về quyền và nghĩa vụ của đôi bên, cũng như bàn giao hiện trạng tài sản cho thuê. Pháp luật dân sự đã có những quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại tài sản, nhưng bên cạnh đó người cho thuê hoặc người thuê cũng cần chứng minh được thiệt hại thực tế là do đâu và xảy ra khi nào. Có như vậy, quyền và lợi ích của các bên sẽ được đảm bảo.

Anh Đào
3402

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn