09/09/2021 15:31

Đòi bồi thường khi tài sản gửi giữ bị hư hỏng

Đòi bồi thường khi tài sản gửi giữ bị hư hỏng

Quan hệ gửi giữ tài sản là một trong những quan hệ dân sự được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, quan hệ gửi giữ tài sản phát sinh khi bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi, bên gửi trả tiền công cho bên giữ. Các bên xác lập quan hệ này thông qua việc giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản.

Tuy nhiên trong quá trình gửi giữ tài sản, có thể xảy ra tình trạng hư hỏng tài sản của bên gửi, làm phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên. Khi đó, Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp này như thế nào?

Tại bản án dân sự phúc thẩm 53/2021/DSPT ngày 07/04/2021 về tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản giữa nguyên đơn bà Nguyễn Thị P và bị đơn ông Nguyễn Kim T có nội dung tóm tắt như sau:

“Gia đình ông Nguyễn Kim T có kho lạnh bảo quản khoai tây giống. Tháng 02/2019, bà Nguyễn Thị P mang 260kg khoai tây giống đến gửi tại kho lạnh của ông T. Bà gửi khoai trực tiếp cho ông T, ông T cân kiểm số lượng khoai, không kiểm tra chất lượng khoai. Ông bà không ký hợp đồng bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng với giá gửi là 2.400đ/kg, thời gian gửi từ tháng 02/2019 đến tháng 09/2019, bà trả trước cho ông 620.000đ.

Đến tháng 09/2019, bà đến lấy khoai về để gia đình trồng, ông giao đủ số khoai giống 260kg. Vài ngày sau, bà kiểm tra thấy khoai rắn chắc, bổ ra thì thấy rỗng giữa, đen phồng xung quanh, chết phôi không thể trồng được. Bà đến nhà ông T yêu cầu ông bồi thường nhưng ông không có thiện chí giải quyết mà còn thách thức. Bà P khởi kiện yêu cầu ông T bồi thường cho bà toàn bộ số khoai tây bị hỏng trị giá 4.160.000đ và hoàn trả số tiền gửi giữ khoai là 620.000đ.”

Tòa án nhân dân tỉnh BN tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà P vì nhận định cả hai bên đều có lỗi, buộc ông T phải bồi thường cho bà giá trị một nửa số khoai tây giống đã gửi là 2.080.000 đồng và số tiền gửi khoai là 310.000 đồng, tổng cộng là 2.390.000 đồng.

Tại bản án nêu trên, ông T và bà P đã giao kết với nhau hợp đồng gửi giữ tài sản, mà tài sản được gửi giữ ở đây là 260kg khoai giống, hợp đồng được giao kết bằng thỏa thuận miệng với nhau. Thời gian gửi từ tháng 02/2019 đến tháng 09/2019.

Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản cụ thể như sau:

Đối với bên gửi tài sản (Điều 555, Điều 556 Bộ luật Dân sự 2015):

-Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.

- Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

- Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

- Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.

Đối với bên giữ tài sản (Điều 557, Điều 558 Bộ luật Dân sự 2015)

- Yêu cầu bên gửi trả tiền công theo thỏa thuận.

- Yêu cầu bên gửi trả chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công.

- Yêu cầu bên gửi nhận lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên gửi một thời gian hợp lý trong trường hợp gửi giữ không xác định thời hạn.

- Bán tài sản gửi giữ có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm bảo đảm lợi ích cho bên gửi, báo việc đó cho bên gửi và trả cho bên gửi khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi trừ chi phí hợp lý để bán tài sản.

- Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

- Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó, nhưng phải báo ngay cho bên gửi biết về việc thay đổi.

- Thông báo kịp thời cho bên gửi biết về nguy cơ hư hỏng, tiêu hủy tài sản do tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi cho biết cách giải quyết trong một thời hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán chi phí.

- Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.

Trong bản án đã nêu, bà P là bên gửi tài sản, bà đã gửi 260kg khoai giống cho ông T. Vì tài sản gửi giữ của bà đã bị hư hỏng nên bà có quyền yêu cầu ông T phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên bà cũng có lỗi khi nhận số khoai tây giống đã không kiểm tra, không đem số khoai hỏng đi giám định nguyên nhân khoai hỏng để xác định rõ trách nhiệm bồi thường.

Ông T là bên giữ tài sản trong hợp đồng gửi giữ tài sản với bà P. Sau khi nhận lại số khoai giống đã gửi giữ ở chỗ ông T, bà P đã phát hiện số khoai bị hư hỏng. Ông T có lỗi khi nhận khoai do bà P mang gửi đã không kiểm tra chất lượng, khi bảo quản để xảy ra sự cố máy làm lạnh bị hỏng, không thông báo với nguyên đơn về sự cố xảy ra, sau khi sửa chữa xong hệ thống máy lạnh không kiểm tra khoai giống có bị ảnh hưởng không. Vì vậy, ông T có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà P.

Chính vì cả hai bên đều có lỗi trong khi giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản, dẫn đến số khoai giống của bà P bị hư hỏng và không thể trồng được, khi gửi và khi lấy khoai giống về ông T và bà P đều không kiểm tra lại chất lượng khoai nên Tòa án tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà P, yêu cầu ông T bồi thường một nửa giá trị số khoai là hoàn toàn hợp lý. Từ đây giúp cả hai bên rút kinh nghiệm, cẩn thận hơn khi giao kết hợp đồng gửi giữ tài sản lần sau.

Bản chất của hợp đồng gửi giữ tài sản là bên gửi giữ chuyển giao quyền chiếm hữu tạm thời tài sản gửi giữ cho bên nhận gửi giữ để gìn giữ, bảo quản tài sản đó, có thể thấy quan hệ này phát sinh dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các bên. Tuy vậy, việc giao kết hợp đồng vẫn phải được thực hiện rõ ràng, cả bên gửi giữ và bên nhận gửi giữ tài sản đều phải có trách nhiệm trong việc bảo quản, giữ gìn tài sản; kiểm tra chặt chẽ chất lượng cũng như số lượng của tài sản được gửi giữ để tránh những tranh chấp không đáng có xảy ra giữa các bên.

Xuân Hiền
2336

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn