15/03/2024 16:00

Đảo nợ là gì? Có được phép đảo nợ ngân hàng hay không?

Đảo nợ là gì? Có được phép đảo nợ ngân hàng hay không?

Tôi đang nợ ngân hàng một số tiền và cần phải giải quyết khoản nợ đó. Vậy tôi có được vay ngân hàng khác để trả nợ không? Chị Hồng Nhung (Bình Thuận).

Khi các khoản vay đã đến hạn nhưng không có khả năng chi trả thì một số người đã thực hiện thủ thuật "đảo nợ". Vậy đảo nợ là gì và hoạt động đảo nợ ngân hàng có hợp pháp tại Việt Nam hay không, cùng Ban biên tập làm rõ qua bài viết dưới đây.

1. Đảo nợ là gì?

Tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 94/2018/NĐ-CP đã nêu rõ khái niệm đảo nợ như sau:

"Đảo nợ là việc thực hiện huy động vốn vay mới để trả trước một phần hoặc toàn bộ khoản nợ cũ.".

Vậy, ta có thể hiểu rằng cách đảo nợ chính là việc chuyển một khoản vay cũ đã đến hạn trả nợ nhưng chưa có tiền trả của cá nhân hay doanh nghiệp thành một khoản vay mới.

Đảo nợ ngân hàng là gì?

Từ định nghĩa đảo nợ đã nêu trên, ta cũng có thể hiểu về khái niệm đảo nợ ngân hàng, cụ thể:

Đảo nợ ngân hàng là việc cá nhân hoặc doanh nghiệp chuyển một khoản vay cũ vay tại ngân hàng mà đến hạn trả nợ nhưng vẫn chưa có tiền trả sang một khoản vay mới tại ngân hàng đang nợ hiện tại hoặc tại ngân hàng khác.

Ví dụ về đảo nợ ngân hàng có thể kể đến như sau: Anh X vay của ngân hàng Y số tiền là 1 tỷ với thời hạn 2 năm, nhưng gần đến thời hạn trả thì anh A lại không có tiền để trả nợ cho ngân hàng.

Do lo rằng khoản nợ trên sẽ biến thành nợ xấu, anh X thực hiện "đảo nợ" bằng cách vay 500 triệu từ ngân hàng Z và 500 triệu tại ngân hàng T để thanh toán tiền nợ cho ngân hàng Y, rồi sau đó lại vay tiếp 1 tỷ từ ngân hàng Y để trả nợ cho ngân hàng Z và ngân hàng T. Bằng thủ thuật "đảo nợ", anh X đã không còn phải lo lắng về tình trạng nợ xấu, và được gia hạn thời hạn vay vốn thêm 1 năm.

2. Có được phép đảo nợ ngân hàng hay không?

Theo Điều 8 Thông tư 39/2016/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN) quy định về những nhu cầu vốn không được cho vay như sau:

- Để thực hiện các hoạt động đầu tư kinh doanh thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

- Để thanh toán các chi phí, đáp ứng các nhu cầu tài chính của các giao dịch, hành vi mà pháp luật cấm.

- Để mua, sử dụng các hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề mà pháp luật cấm đầu tư kinh doanh.

- Để mua vàng miếng.

- Để trả nợ khoản cấp tín dụng tại chính tổ chức tín dụng cho vay, trừ trường hợp cho vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

- Để trả nợ khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

+ Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

+ Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

- Để gửi tiền.

Chiếu theo quy định trên, ta có thể thấy ngân hàng không được phép cho vay vốn để đảo nợ. Tuy nhiên vẫn sẽ được đảo nợ trong 2 trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Vay để thanh toán lãi tiền vay phát sinh trong quá trình thi công xây dựng công trình, mà chi phí lãi tiền vay được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt tại chính ngân hàng cho vay.

Trường hợp 2: Vay để trả nợ trước hạn khoản vay nước ngoài (không bao gồm khoản vay nước ngoài dưới hình thức mua bán hàng hóa trả chậm), khoản cấp tín dụng tại ngân hàng khác khi đáp ứng đầy đủ những điều kiện dưới đây:

- Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;

- Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Trân trọng!

Đỗ Minh Hiếu
9436

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]