20/02/2024 19:04

Có ngân hàng nào đã phá sản ở Việt Nam hay không?

Có ngân hàng nào đã phá sản ở Việt Nam hay không?

Cho tôi hỏi liệu rằng có ngân hàng nào đã phá sản ở Việt Nam hay không? Trường hợp ngân hàng phá sản thì có làm mất tiền tiết kiệm gửi ngân hàng hay không? Anh Lê Hoàng (Thừa Thiên Huế).

Hiện nay, người dân càng ngày càng có nhu cầu gửi tiền tiết kiệm vào trong ngân hàng vì đây là một trong những hình thức đầu tư an toàn và tiện lợi. Nhiều người đạt câu hỏi liệu có ngân hàng nào ở Việt Nam phá sản không? Hãy cùng Ban biên tập tìm hiểu qua bài viết dưới đây:

Ngân hàng bị tuyên bố phá sản khi nào?

Theo Điều 155 Luật các tổ chức tín dụng 2010 (sửa đổi năm 2017), ngân hàng nói riêng hay tổ chức tín dụng nói chung đều có thể bị tuyên bố phá sản.

Cụ thể, sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà ngân hàng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản ngân hàng,Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của ngân hàng đó.

Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của ngân hàng.

Trên thực tế, ngân hàng tại Việt Nam rất khó bị tuyên bố phá sản, do kể cả khi ngân hàng hoạt động không tốt thì phía ngân hàng Nhà nước cũng sẽ đưa ra nhiều biện pháp để ngăn ngừa không cho ngân hàng đó phá sản. Ngoài ra, thủ tục phá sản cũng tương đối phức tạp với nhiều biện pháp phục hồi.

Có ngân hàng nào đã phá sản ở Việt Nam hay không?

Hiện nay, chưa có một ngân hàng nào bị phá sản ở Việt Nam. Nguyên nhân chính là vì nếu có ngân hàng rơi vào tình trạng phá sản tại Việt nam thì niềm tin của người dân sẽ bị lung lay. Điều đó dẫn tới việc thay vì gửi tiền vào ngân hàng thì người dân sẽ chuyển sang đầu tư vàng, chứng khoán…. Cho nên Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo việc ngân hàng phá sản không xảy ra.

Mặc dù, Luật Phá sản 2014 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015, nhưng trên thực tế kể từ khi có Luật Phá sản 2014 tới nay đã có nhiều ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém gây ảnh hưởng tiêu cực tới toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng và nền kinh tế thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa từng cho phép bất cứ một ngân hàng thương mại nào phá sản.

Khi Ngân hàng thương mại hoạt động yếu kém, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng. Các phương án cơ cấu lại một ngân hàng thương mại bao gồm: Phục hồi; Sáp nhập - hợp nhất - chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Giải thể; Chuyển giao bắt buộc và Phá sản. Tuy nhiên phương án phá sản sẽ khó xảy ra.

Ví dụ có thể kể đến trường hợp mua lại Ngân hàng OceanBank với giá 0 đồng vào tháng 5/2015 của Ngân hàng Nhà nước, qua đó chuyển đổi loại hình từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương thành Ngân hàng thương mại TNHH MTV (một thành viên) Đại Dương.

Hay mới đây nhất, ngày 8/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại SCB theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm có nhận lại được tiền không?

Trong trường hợp có ngân hàng phá sản, người gửi tiền tiết kiệm sẽ được nhận một khoản tiền bảo hiểm đền bù và nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Cụ thể, theo Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, ngoại trừ ngân hàng chính sách.

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản (Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012).

Theo Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg thì số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng.

Cho nên khi ngân hàng bị tuyên bố phá sản, người gửi tiền tiết kiệm có thể nhận khoản tiền bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125 triệu đồng cùng với tiền đền bù qua việc thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.

Tuy nhiên, theo Điều 101 Luật Phá sản 2014, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt theo thứ tự: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết và sau đó mới đến các khoản tiền gửi ngân hàng.

Vậy nên trong trường hợp không may, người gửi tiền tiết kiệm có thể sẽ không lấy lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được tiền bảo hiểm đền bù.

Đỗ Minh Hiếu
18054

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]