BỘ TÀI CHÍNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12485/BTC-TCT
V/v tăng cường công tác quản lý thuế, hải
quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền
|
Hà Nội, ngày 18
tháng 09 năm 2013
|
Kính gửi:
|
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương;
- Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
|
Căn cứ Luật Quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế GTGT, Luật Hải quan và các văn bản quy
định hướng dẫn thực hiện; để tăng cường quản lý hoàn thuế GTGT đối với các trường
hợp xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền, chống gian lận trong hoàn thuế
GTGT, Bộ Tài chính đã có các Công văn số 9976/BTC-TCT ngày 31/7/2013, số 8318/BTC-TCT
ngày 27/6/2013, số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013 và số 8319/BTC-TCT ngày 27/6/2013
chỉ đạo thực hiện. Nay Bộ Tài chính đề nghị các đồng chí Cục trưởng Cục Thuế, Cục
trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực
hiện một số biện pháp như sau:
1. Đối tượng áp dụng là các tổ chức,
cá nhân có hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền thuộc một trong
các trường hợp sau đây:
- Mới thành lập trong thời gian
24 tháng trở lại tính đến ngày cơ quan thuế nhận được hồ sơ đề nghị hoàn thuế của
người nộp thuế, không trực tiếp sản xuất hàng hóa xuất khẩu, có quy mô kinh
doanh bất hợp lý (doanh số kinh doanh bình quân năm cao gấp 5 lần trở lên so với
vốn chủ sở hữu) và không có cơ sở vật chất (nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng,
phương tiện vận tải, hệ thống các cửa hàng,...) hoặc cơ sở vật chất không tương
ứng với sản phẩm hàng hóa xuất khẩu.
- Việc nhận thanh toán tiền hàng
hóa, dịch vụ xuất khẩu từ tài khoản vãng lai của người mua nước ngoài mở tại
ngân hàng thương mại Việt Nam và hàng hóa xuất khẩu thuộc loại có rủi ro (như:
điện thoại di động, thiết bị điện tử, phân bón, vải,...).
- Thuộc danh sách doanh nghiệp được
phân loại có rủi ro cao về thuế, hải quan.
2. Công tác giám sát quản lý hải quan:
2.1. Về thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu:
- Thực hiện nghiêm, chặt chẽ đúng các quy định, quy
trình thủ tục hải quan đối với hàng xuất khẩu, đảm bảo tính đầy đủ, tính thống
nhất của các chỉ tiêu trên tờ khai hải quan và hồ sơ hải quan theo quy định của
pháp luật.
- Kiểm tra thực tế (100%) đối với
hàng hóa xuất khẩu tại mục 1 văn bản này. Cán bộ kiểm hóa ghi cụ thể, đầy đủ kết
quả kiểm tra thực tế hàng hóa và phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, cụ
thể:
+ Ghi rõ tên, số lượng hàng, chủng loại, chất lượng
hàng hóa xuất khẩu... trên tờ khai xuất khẩu theo quy định. Trường hợp hàng hóa
thuộc nhóm hàng kinh doanh cần có những điều kiện theo quy định của pháp luật
có liên quan (như: có nhãn mác nước ngoài, mua của nhà phân phối độc quyền tại
Việt Nam;...) thì phải căn cứ vào tính đặc thù và quy định của pháp luật có
liên quan để yêu cầu người khai xuất trình tài liệu có liên quan để kiểm tra
(như: đối với mặt hàng điện thoại di động thì phải xuất trình giấy thỏa thuận của
nhà phân phối độc quyền và phụ lục IMEI; đối với mặt hàng phân bón thì phải có
chứng nhận của nhà sản xuất hoặc đại lý phân phối;...).
+ Ghi đầy đủ thông tin về phương tiện vận tải
chuyên chở hàng xuất khẩu (bao gồm: phương tiện vận tải đường bộ, phương tiện vận
tải là thuyền xuồng, phương tiện thô sơ,...) theo các tiêu chí sau: Số hiệu, biển
kiểm soát, loại phương tiện dùng để vận chuyển hàng hóa từ nội địa đến khu vực
cửa khẩu biên giới thuộc phạm vi giám sát hải quan và phương tiện dùng để vận
chuyển hàng hóa qua biên giới; Tên, số chứng minh thư nhân dân người điều khiển
phương tiện vận tải, quốc tịch.
- Thực hiện xác nhận thực xuất trên tờ khai xuất khẩu.
2.2. Về thủ tục đối với đồng Việt Nam, đồng tiền của
nước láng giềng và ngoại tệ tự do chuyển đổi là tiền mặt được khách nhập cảnh
mang theo để (nộp vào tài khoản vãng lai của người nước ngoài mở tại Ngân hàng
thương mại Việt Nam) dùng để thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch
vụ thương mại tại khu vực biên giới:
- Khi làm thủ tục hải quan phải căn cứ quy định tại
Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành Pháp lệnh Ngoại hối, Thông tư số 15/2011/TT-NHNN ngày 12/8/2011 của Ngân
hàng Nhà nước quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của
cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh, Quyết định số 92/2000/QĐ-NHNN7 ngày 17/3/2000
của Ngân hàng Nhà nước về việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng tiền Việt Nam bằng
tiền mặt đối với cá nhân xuất nhập cảnh bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh hoặc
giấy chứng minh thư biên giới và các quy định của Ngân hàng Nhà nước về thanh
toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại tại khu vực biên giới
để tổ chức, thực hiện.
- Đồng Việt Nam, đồng tiền nước láng giềng và ngoại
tệ tự do chuyển đổi là tiền mặt mà người nhập cảnh mang theo để thanh toán tiền
hàng xuất khẩu chỉ được mang qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia sau khi có
xác nhận đến làm thủ tục nhập cảnh của Bộ đội Biên phòng theo quy định của pháp
luật.
- Đối với các trường hợp khách nhập cảnh mang tiền
vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện kê khai trên tờ khai xuất
nhập cảnh theo mẫu ban hành kèm theo Quyết định số 3195/QĐ-BCA/A61 ngày 10/8/2010
của Bộ Công an, ngoài việc thực hiện theo hướng dẫn tại công văn số 1333/TCHQ-GSQL
ngày 30/3/2011 của Tổng cục Hải quan, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu trực thuộc thực hiện
các nội dung sau:
+ Yêu cầu người nhập cảnh kê khai rõ số tiền đó là
tiền thanh toán cho hợp đồng mua bán hàng hóa và tờ khai xuất khẩu hàng hóa
nào. Người nhập cảnh phải xuất trình hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai xuất khẩu
để cán bộ Hải quan kiểm tra, đối chiếu. Trường hợp người nhập cảnh không phải
là đại diện hợp pháp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đã ký hợp đồng mua bán
hàng hóa với tổ chức, cá nhân Việt Nam thì phải có giấy ủy quyền của tổ chức,
cá nhân nước ngoài đã ký hợp đồng mua bán nêu trên.
+ Sau khi kiểm tra, đối chiếu xác nhận việc kê khai
của khách nhập cảnh là đúng, cán bộ Hải quan thực hiện photocopy đầy đủ 04
trang của tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh (đã có xác nhận của công chức Hải
quan), hợp đồng mua bán hàng hóa, tờ khai xuất khẩu lưu cùng trang 1, trang 2
(bản chính) của tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh. Trả lại cho khách nhập cảnh
trang 3, trang 4 theo quy định.
+ Yêu cầu người nhập cảnh phải kê khai vào bảng kê
chi tiết, cụ thể: loại tiền (mệnh giá), số lượng, trị giá,...; công chức Hải
quan thực hiện kiểm đếm và xác nhận trên bảng kê (ký tên, đóng dấu công chức).
2.3. Thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh đối với
phương tiện vận tải, vận chuyển hàng hóa xuất khẩu (bao gồm cả phương tiện vận
tải, vận chuyển thô sơ) theo đúng quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 154/2005/NĐ-CP
ngày 15/12/2005 của Chính phủ, Thông tư số 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 và
các văn bản hướng dẫn có liên quan.
2.4. Thực hiện công tác kiểm tra hải quan đối với
hàng hóa xuất khẩu theo hướng dẫn tại Công văn số 8319/BTC-TCT ngày 27/6/2013 của
Bộ Tài chính.
2.5. Phối hợp với cơ quan Biên phòng kiểm soát chặt
chẽ đầy đủ các loại hàng hóa xuất khẩu có rủi ro và trường hợp mang tiền mặt từ
nước ngoài vào Việt Nam.
3. Kiểm tra hồ sơ hoàn thuế GTGT đầu vào đối với
hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền:
3.1. Thực hiện kiểm tra hoàn thuế GTGT theo hướng dẫn
tại các Công văn số 9976/BTC-TCT ngày 31/7/2013, số 8318/BTC-TCT ; ngày 27/6/2013,
số 7527/BTC-TCT ngày 12/6/2013 của Bộ Tài chính.
3.2. Trường hợp khách hàng nước ngoài thanh toán tiền
mua hàng hóa qua tài khoản vãng lai mở tại ngân hàng ở Việt Nam:
- Trường hợp tiền thanh toán có nguồn gốc là tiền mặt
nộp vào tài khoản vãng lai thì cơ quan Thuế phải phối hợp với cơ quan Hải quan
có liên quan để kiểm tra các thủ tục có liên quan nêu tại mục 2 nêu trên trước
khi ra quyết định hoàn thuế.
- Phối hợp với Ngân hàng có liên quan để kiểm tra,
đối chiếu các quy định cho phép khách hàng nước ngoài được thanh toán qua tài khoản
vãng lai, điều kiện thanh toán qua tài khoản vãng lai (như: nguồn tiền, người
thực hiện thanh toán,...) để loại trừ số thuế GTGT đầu vào liên quan đến các chứng
từ thanh toán không đảm bảo điều kiện được thanh toán qua tài khoản vãng lai.
- Việc giải quyết hoàn thuế trong trường hợp này chỉ
áp dụng đối với trường hợp người nhập cảnh mang tiền mặt qua cửa khẩu quốc tế,
cửa khẩu quốc gia có đầy đủ chứng từ, xác nhận của cơ quan có trách nhiệm quy định
tại mục 2 văn bản này.
3.3. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu thuộc nhóm hàng
quy định tại mục 1 và mục 2.1 văn bản này thì phải kiểm tra, đối chiếu danh mục,
số lượng hàng hóa có liên quan đề nghị hoàn với hồ sơ hải quan tại mục 2 nêu
trên.
3.4. Kiểm tra việc xuất, nhập, tồn kho hàng hóa và
các chứng từ liên quan đến xuất, nhập, tồn kho hàng hóa, chi phí vận chuyển như
hợp đồng vận chuyển, hóa đơn vận chuyển, chứng từ thanh toán chi phí vận chuyển
đối với hàng hóa xuất khẩu, các chứng từ liên quan thuê kho hàng, bến bãi,...
khi kiểm tra những hồ sơ chứng từ này phải thực hiện đối chiếu trên những chứng
từ, hồ sơ khai hải quan liên quan. Nếu thấy không hợp lý, không phù hợp thực tế
thì phải yêu cầu người nộp thuế giải trình và thực hiện kiểm tra xác minh.
3.5. Các trường hợp xuất khẩu được hoàn thuế thuộc
đối tượng nêu tại mục 1 nêu trên phải đảm bảo các thủ tục, điều kiện về khấu trừ,
hoàn thuế theo quy định và hướng dẫn tại công văn này.
3.6. Thực hiện công tác kiểm tra đối chiếu hóa đơn
đối với hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền thuộc loại có rủi ro như đối
với trường hợp hàng hóa xuất khẩu là nông, lâm, thủy, hải sản.
Bộ Tài chính thông báo để các Cục Thuế, Cục Hải
quan biết và thực hiện./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (để báo cáo);
- Các Vụ: PC, CST, TTr, TCHQ;
- Tổng cục Thuế (PC, CS, TTr);
- Lưu: VT, TCT (VT, KK).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn
|