THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 17/CT-TTg
|
Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2012
|
CHỈ
THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH
Luật
tố tụng hành chính được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 24
tháng 11 năm 2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2011. Luật quy
định cụ thể trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm quản lý và thi hành bản
án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (sau đây gọi là thi hành án hành
chính). Để triển khai thi hành Luật, Quốc hội ban hành Nghị quyết số
56/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010 về việc thi hành Luật tố tụng hành
chính.
Thực
tiễn thi hành Luật thời gian qua cho thấy, công tác thi hành án hành chính chưa
được triển khai đầy đủ, vẫn còn tình trạng nhiều bản án, quyết định của Tòa án
về vụ án hành chính chưa được thi hành nghiêm túc. Nguyên nhân chính là do tính
chất phức tạp của công tác thi hành án hành chính; nhận thức về công tác thi
hành án hành chính của các cấp, các ngành còn hạn chế; tại một số địa phương,
các cấp chính quyền chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác này; tổ
chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự chưa được
kiện toàn, đào tạo và bồi dưỡng kịp thời, cơ sở vật chất, trang thiết bị và
phương tiện làm việc chưa được đầu tư tương xứng với nhiệm vụ mới được giao.
Để
triển khai thực hiện tốt công tác thi hành án hành chính theo quy định của Luật
tố tụng hành chính và Nghị quyết số 56/2010/QH12 của Quốc hội, Thủ tướng Chính
phủ chỉ thị:
1.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách
nhiệm:
a)
Tổ chức quán triệt tinh thần, nội dung cơ bản của Luật tố tụng hành chính nhằm
nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức
khác thuộc Bộ, ngành, địa phương mình trong việc ban hành quyết định hành chính
và thực hiện hành vi hành chính, hạn chế tối đa các vụ việc có thể bị khởi kiện
ra Tòa án;
b)
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của Luật tố tụng hành
chính về thi hành án hành chính đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các
tầng lớp nhân dân;
c)
Thực hiện và chỉ đạo Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước, người đứng đầu
các cơ quan, tổ chức khác thuộc Bộ, ngành, địa phương mình thi hành kịp thời,
nghiêm túc bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực pháp
luật;
d) Định
kỳ 6 tháng một lần, tổng hợp, đánh giá kết quả thi hành án hành chính của Bộ,
ngành, địa phương mình báo cáo Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ về công
tác thi hành án hành chính.
2.
Trách nhiệm cụ thể của một số Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tình, thành phố
trực thuộc Trung ương trực tiếp liên quan đến việc triển khai công tác thi hành
án hành chính:
a)
Bộ Tư pháp:
Sắp
xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế công chức; bố trí, tăng cường cơ sở vật
chất cho các cơ quan thi hành án dân sự bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu
quả công tác thi hành án hành chính;
Ban
hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật,
các văn bản hành chính để chỉ đạo, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về
trình tự, thủ tục và những vấn đề khác có liên quan trong việc triển khai công
tác thi hành án hành chính;
Chủ
trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát,
nghiên cứu phân bổ đủ biên chế hợp lý, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị,
phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự để bảo đảm đáp ứng yêu
cầu quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính và đôn đốc thi hành án
hành chính;
Thực
hiện tốt việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác thi
hành án hành chính;
Xây
dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch thống kê, theo dõi, tổng kết công
tác thi hành án hành chính để báo cáo Chính phủ.
b)
Bộ Thông tin và Truyền thông:
Phối
hợp với Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện việc đưa
tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng quy định của pháp luật về công tác thi
hành án hành chính đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân nhằm góp phần
tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy tác dụng của Luật tố tụng hành
chính trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính
đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
c)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính:
Phối
hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan cân đối ngân sách bảo đảm đủ, kịp
thời kinh phí hoạt động, củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện
làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự trên cơ sở Đề án “Đầu tư trang
thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn
2011-2015” và Đề án “Xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho cơ quan thi hành án dân
sự và xây dựng các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW giai
đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
d)
Bộ Nội vụ:
Phối
hợp với Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bố trí đủ biên chế hợp lý
cho các cơ quan thi hành án dân sự để bảo đảm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước
và công tác đôn đốc thi hành án hành chính trong giai đoạn 2012-2015.
đ)
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
Kiểm
tra, đôn đốc các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan, tổ chức khác trên
địa bàn nghiêm túc thi hành án hành chính, không để tồn động các bản án, quyết
định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp có
căn cứ đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;
Chỉ
đạo các cơ quan, tổ chức trên địa bàn phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự
trong việc đôn đốc thi hành án hành chính, thống kê, báo cáo kết quả thi hành
án hành chính.
3.
Tổ chức thực hiện
Các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm
thực hiện Chỉ thị này.
Bộ
trưởng Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, định kỳ báo cáo
Thủ tướng Chính phủ và tổng kết việc thực hiện Chỉ thị này cùng với việc sơ kết
thi hành Luật tố tụng hành chính vào năm 2015 theo quy định của Luật ban hành
văn bản quy phạm pháp luật.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND và UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp TW;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các Đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý Thủ tướng, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, PL(3).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|