ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3178/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 22 tháng 06 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16 tháng
01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển
chăn nuôi đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 75/2008/QĐ-UBND ngày 24
tháng 10 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án Chiến lược
phát triển chăn nuôi thành phố Hồ Chí Minh tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá giai
đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 70/2009/QĐ-UBND ngày 28
tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình giám
sát dịch tễ gia súc trên địa bàn thành phố đến năm 2010 và định hướng đến năm
2020;
Căn cứ Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28
tháng 12 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về Phê duyệt “Quy hoạch sản
xuất nông nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm
nhìn đến năm 2025”;
Căn cứ Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07
tháng 5 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Đề án phát triển
nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm
2025”;
Căn cứ Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09
tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình chuyển
dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố
giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tại Công văn số 840/SNN-NN ngày 14 tháng 6 năm 2011 về
việc phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn
thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay
phê duyệt kèm theo Quyết định này “Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia
cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Điều 2.
- Giao Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện
và các Sở, ngành liên quan có kế hoạch triển khai thực hiện có hiệu quả Quy
hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; đồng thời tổ chức kiểm tra, giám sát
nhằm thực hiện tốt Quy hoạch này.
- Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản xuất
nông nghiệp: tổ chức quy hoạch vùng chăn nuôi ổn định và công bố rộng rãi quy
hoạch vùng chăn nuôi tập trung cho người dân, các Doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
- Thủ trưởng các đơn vị: các Tổng Công ty
Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH
một thành viên, Lực lượng Thanh niên xung phong, các Doanh nghiệp chăn nuôi
liên quan lập chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể phù hợp quy hoạch trình cấp
thẩm quyền phê duyệt.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện,
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu
tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Công Thương, Giám đốc
Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thủ trưởng các
sở ngành, đơn vị và các Tổng công ty, Doanh nghiệp có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 4;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển NT;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, PCT/TT, CNN, TM, VX;
- VPUB: PVP/CNN, TM, ĐT, VX;
- Phòng CNN, ĐTMT, ĐT, TC-TM-DV, TH-KH; VX;
- Lưu: VT, (CNN-M) H.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Trung Tín
|
QUY HOẠCH
PHÁT
TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM
2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3178/QĐ-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2011 của
Ủy ban nhân dân thành phố)
Phần 1.
ĐÁNH GIÁ
TÌNH HÌNH CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TỪ NĂM 2006 - 2010
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC,
GIA CẦM GIAI ĐOẠN 2006 - 2010 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Trong giai đoạn 2006 - 2010, tình hình chăn
nuôi vẫn phát triển ổn định, bên cạnh những ảnh hưởng bất lợi, do thời tiết,
giá nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi, sự cạnh tranh của các sản phẩm động vật
đông lạnh nhập khẩu và tình hình dịch bệnh cúm gia cầm và dịch Lở mồm long
móng, Hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS).
Tốc độ tăng trưởng bình quân trong lĩnh vực
chăn nuôi giai đoạn 2006 - 2010 là 9%/năm, trong đó đàn heo tăng bình quân
7,8%/năm, đàn bò tăng 5,4%/năm, bò sữa tăng 7,3%/năm, đàn cá sấu tăng
16,7%/năm; sản lượng thịt heo tăng 12%/năm, thịt trâu bò tăng 2,8%/năm, sản
lượng sữa tươi tăng 12,8%/năm; hằng năm thành phố đã sản xuất cung cấp ra thị
trường từ 90.000 - 1.000.000 con heo giống và đã gắn trên 12.500 thẻ CITES cho
cá sấu phục vụ xuất khẩu.
Khuynh hướng chăn nuôi đang di chuyển về các
huyện ngoại thành, tập trung chủ yếu tại huyện Củ Chi, do tốc độ đô thị hóa
nhanh chóng. Các cơ sở chăn nuôi đang giảm dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, từng
bước hình thành chăn nuôi tập trung, trang trại theo hướng an toàn sinh học,
công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, quy mô đàn heo nái là 5,73 con/hộ, heo
thịt là 28,23 con/hộ và bò sữa là 9,13 con/hộ. Bên cạnh đó, các Doanh nghiệp
thành phố đã đầu tư chăn nuôi tại các tỉnh cũng góp phần cung cấp nguồn thực
phẩm cho người dân thành phố.
Nhập con giống và các dòng tinh heo, bò sữa,
bò thịt cao sản, dê… chất lượng tốt. Tổ chức nhân thuần, nghiên cứu các công
thức lai, nhằm, cải thiện chất lượng con giống trên địa bàn thành phố. Hình
thành hệ thống sản xuất giống heo theo 3 cấp, trong đó doanh nghiệp nhà nước
đóng vai trò giữ và nhân đàn giống gốc. Thường xuyên khuyến cáo tái cấu trúc,
chọn lọc thay đàn, giữ lại những con bò sữa có năng suất cao. Tổ chức bình
tuyển đàn bò sữa và heo đực giống, nhằm thiết lập hệ thống quản lý giống thống
nhất từ nông hộ đến cơ quan quản lý giống.
Chi cục Thú y thành phố đã xây dựng hệ thống
giám sát, thông tin dịch bệnh, ứng dụng phần mềm quản lý dịch tễ; quy hoạch hệ
thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn; chủ động lấy mẫu chẩn
đoán và giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; xây dựng và được Cục Thú y
công nhận 45 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật, từng bước xây dựng
vùng an toàn dịch của thành phố. Phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương,
các Sở, ngành, Đoàn thể thực hiện công tác tuyên truyền, kiểm soát chặt chẽ
hoạt động chăn nuôi, giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung. Phối hợp với các
tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Thành phố vẫn duy trì tổ chức tiêm phòng định
kỳ 2 đợt/năm và thường xuyên bổ sung theo lứa tuổi. Hỗ trợ kinh phí tiêm phòng
Lở mồm long móng và Dịch tả heo trên đàn heo (50% đối với các hộ chăn nuôi và
100% đối với các hộ xóa đói giảm nghèo); miễn phí tiêm phòng Lở mồm long móng
và tụ huyết trùng cho đàn trâu bò, 50% kinh phí tiêm phòng Lở mồm long móng
trên dê, cừu và trợ giá tiêm phòng vắc xin dại chó, mèo cho khu vực ngoại
thành.
Phối hợp với Hội nông dân, Ủy ban nhân dân
các quận, huyện tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm về nâng cao hiệu
quả trong chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh… Biên soạn và phát hành tài
liệu tuyên truyền, cẩm nang hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn. Xây dựng
các mô hình trình diễn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa,
hiện đại hóa trong chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng hơn 4.000 hầm biogas trong các hộ
chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển chăn nuôi bền vững.
Từng bước xây dựng mô hình sản xuất khép kín
từ khâu con giống - thức ăn - chăn nuôi - giết mổ - chế biến - tiêu thụ. Triển
khai các hình thức liên doanh, liên kết, vệ tinh, nhượng quyền. Tổ chức ký kết
hợp đồng tiêu thụ nông sản cho người chăn nuôi. Triển khai đến các nhà hàng,
quán ăn, cơ sở chế biến cam kết đăng ký mua thực phẩm có nguồn gốc, kiểm soát
của Thú y; quy định các sản phẩm trứng phải được khử trùng, đóng gói trước khi
tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm gia cầm phải có tủ bảo ôn, để cải thiện văn minh
thương mại và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hỗ trợ lãi vay, khuyến khích chuyển dịch cơ
cấu kinh tế nông nghiệp. Khuyến khích người dân tận dụng đất trống và mạnh dạn
chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả, sang trồng cỏ phục vụ cho đàn bò và
thử nghiệm các giống cỏ mới có năng suất và chất lượng cao (VA06, Sweet Jumbo …).
Diện tích trồng cỏ liên tục tăng từ 1.973 ha năm 2006 nâng lên 3.000 ha năm
2010 (tăng 9,7%), năng suất bình quân 240 tấn/ha. Sản lượng cỏ cung cấp ước đạt
720.000 tấn/ha.
II. NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ
1. Những thành tựu:
Chất lượng giống và kỹ thuật chăn nuôi đã
được cải thiện, nâng cao một bước, giúp cải thiện tình trạng về sinh sản, sinh
trưởng. Đàn heo nái của thành phố hầu hết là giống thuần hoặc lai ngoại 2 máu;
đàn bò sữa luôn được thuần hóa bằng các dòng tinh Holstein Friesland của Mỹ,
Canada, Israel; nhập và chọn lọc những giống vật nuôi dê, bò thịt chất lượng
cao, như giống dê Boer, giống bò thịt Brahman, Drought Master.
Công tác quản lý, kiểm định giống vật nuôi
được cải thiện; tiên phong trong việc ứng dụng phương pháp đánh giá di truyền
giống bằng phương pháp BLUP (Best Linear Unbiased Prediction), việc nhập thêm
đàn giống tốt có năng suất cao, giúp từng bước cải thiện chất lượng đàn heo
giống của thành phố.
Công tác quản lý đàn gia súc, bố trí cơ cấu
đàn hợp lý dần được chú trọng. Công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng vùng,
cơ sở an toàn dịch bệnh, hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống biogas… luôn được
quan tâm, giúp ổn định tình hình dịch tễ trên địa bàn, làm tiền đề thực hiện
chuỗi vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu cho các cơ sở chăn nuôi
cung cấp sản phẩm an toàn.
Các mô hình khuyến nông góp phần nâng cao
hiệu quả sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi, từng bước hình
thành quy mô chăn nuôi trang trại và công nghiệp; các mô hình chuồng kín, có hệ
thống làm mát, chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học. Công tác chuyển
giao và ứng dụng công nghệ mới góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả trong
chăn nuôi. Từng bước hình thành phương thức sản xuất theo hướng khép kín từ
cung cấp con giống chất lượng tốt - thức ăn - chăn nuôi - tiêu thụ - giết mổ - chế
biến và phân phối. Đồng thời, hình thành một số mô hình liên kết trong chăn
nuôi có hiệu quả, như Hợp tác xã heo an toàn Tiên Phong, Hợp tác xã chăn nuôi
bò sữa Tân Thông Hội…
2. Những tồn tại:
Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán còn
phổ biến và tình trạng chăn nuôi tự phát không đảm bảo vệ sinh chưa được xử lý
triệt để, ảnh hưởng đến công tác quản lý giống, dịch tễ và tiêm phòng.
Giá thành các sản phẩm chăn nuôi còn cao,
công tác vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi
hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng.
Công tác giống vật nuôi trên địa bàn thành
phố trong thời gian qua tuy có nhiều bước tiến đáng kể về cơ sở vật chất, trang
thiết bị và cải thiện chất lượng giống, nhưng quy mô còn hạn chế, chưa toàn
diện, chưa theo kịp một số nước trong khu vực.
Dịch bệnh từ các tỉnh thành lân cận và trong
cả nước luôn tạo áp lực cho thành phố trong kiểm dịch vận chuyển động vật và
kiểm soát sản phẩm động vật nhập vào thành phố, cũng như ảnh hưởng không nhỏ
đến kiểm soát an toàn dịch bệnh cho các trại chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
Tốc độ đô thị hóa tại một số quận, huyện khá
nhanh, nhất là các quận 12, Hóc Môn, quận Thủ Đức, nên đất nông nghiệp bị thu
hẹp, người dân không chủ động được nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Phần 2.
QUY
HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA QUY
HOẠCH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
1. Sự cần thiết:
Trong những năm qua, thành phố đã tập trung
đẩy mạnh cải thiện chất lượng giống vật nuôi; các tiến bộ trong công tác di
truyền giống heo, bò sữa, bò thịt đã giúp cải thiện chất lượng và sản lượng vật
nuôi. Đã bắt đầu xuất hiện phương pháp nuôi heo an toàn tại Hợp tác xã chăn
nuôi heo an toàn Tiên Phong, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành
viên để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng.
Thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu, phát triển công
nghiệp - nông dân - nông thôn, từ nay đến năm 2020 theo Quyết định số
10/2009/QĐ-UBND, ngày 22 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố thực
hiện Chương trình hành động số 43-CTr/TU ngày 20 tháng 10 năm 2008 của Thành
ủy, theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X và
định hướng quy hoạch sản xuất nông nghiệp thành phố đến năm 2020, tầm nhìn năm
2025, công tác xây dựng quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm trên
địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng 2025 là hết sức cần
thiết.
Xác định các địa bàn phát triển chăn nuôi ổn
định, giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư lâu dài, quy mô lớn, góp phần nâng
cao hiệu quả, gia tăng lợi nhuận, cải thiện môi trường, bảo đảm an toàn sinh
học và phát triển chăn nuôi bền vững.
2. Cơ sở pháp lý:
Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16 tháng 01
năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến
năm 2020.
Quyết định số 75/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10
năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án Chiến lược phát triển
chăn nuôi thành phố Hồ Chí Minh tạo nguồn thực phẩm bình ổn giá giai đoạn 2008
- 2010 và định hướng đến năm 2015;
Quyết định số 70/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 9
năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình giám sát dịch
tễ gia súc trên địa bàn thành phố đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Quyết định số 5930/QĐ-UBND ngày 28 tháng 12
năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về Phê duyệt “Quy hoạch sản xuất nông
nghiệp phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến
năm 2025”;
Quyết định số 2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 5
năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt “Đề án phát triển nông
nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025”;
Quyết định số 13/2011/QĐ-UBND ngày 09 tháng 3
năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Chương trình chuyển dịch cơ
cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn
2011 - 2015.
II. MỘT SỐ DỰ BÁO TÁC ĐỘNG ĐẾN PHÁT TRIỂN
CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
1. Những mặt thuận lợi:
Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành
phố đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần IX xác định là 1 trong 6
chương trình trọng điểm trong giai đoạn 2010 - 2015, nên chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông nghiệp là một phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế
chung của thành phố, đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông
thôn và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
trong giai đoạn 2010 - 2020.
Kinh nghiệm và hiệu quả từ các chương trình,
chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2006 -
2010; các chương trình phát triển giống cây con chất lượng cao, bò sữa; công
tác phòng chống dịch bệnh… đã được người chăn nuôi tích cực hưởng ứng, tham gia
và phát triển đúng định hướng.
Xu hướng áp dụng những tiến bộ khoa học - công
nghệ phát triển nhanh, nhất là cải tiến kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, ứng dụng
công nghệ sinh học trong chọn tạo giống mới.
Cơ sở hạ tầng nông nghiệp nông thôn được quan
tâm đầu tư, ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ, điều kiện sản xuất và sinh hoạt của
người nông dân ngày càng được nâng cao.
2. Những khó khăn và thách thức:
Đất canh tác của nông dân, lao động nông
nghiệp giảm dần và chuyển đổi ngành nghề; quy mô chăn nuôi nhỏ, phân tán.
Diễn biến bất thường của thời tiết, thiên
tai, vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả; dịch
bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, phải luôn phòng, chống nguy cơ lây
lan; giá cả các loại nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi luôn biến động, ảnh hưởng
đến chi phí sản xuất và hiệu quả chăn nuôi.
Trình độ quản lý, khoa học công nghệ và trang
thiết bị chăn nuôi, thú y, chế biến thực phẩm nhìn chung chưa cao; hệ thống tổ
chức và năng lực quản lý ngành chăn nuôi, thú y còn nhiều bất cập chưa đáp ứng
kịp với đà phát triển và hội nhập; các dịch vụ và cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất
nông nghiệp và nông thôn chậm phát triển, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế
biến, tiêu thụ mới hình thành, chưa chặt chẽ, hệ thống phân phối, tiếp thị nông
sản ở ngoại thành còn nhiều hạn chế.
Trong quá trình hội nhập với kinh tế thế
giới, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp dự báo sẽ chịu sự cạnh tranh gay
gắt.
III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
1. Quan điểm:
Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng trong
sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng chăn nuôi là giải pháp chủ yếu để duy trì
và nâng cao giá trị của sản xuất nông nghiệp. Duy trì mức tăng trưởng trong
lĩnh vực chăn nuôi là 6,5%/năm.
Phạm vi, đối tượng: tập trung phát triển
giống vật nuôi chính của thành phố là Heo, Bò sữa và gia cầm (gà hướng trứng,
hướng thịt và gà thả vườn lông màu), xây dựng quy hoạch theo hướng công nghệ
mới, vật liệu xây dựng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển theo hướng
trang trại.
Duy trì phát triển chăn nuôi tại các huyện ngoại
thành; giảm dần chăn nuôi tại các quận ven nội, các khu vực chăn nuôi xen cài
trong khu dân cư. Phát triển chăn nuôi toàn diện gắn với tạo mối liên kết, hợp
tác hỗ trợ chăn nuôi nông hộ và áp dụng công nghệ tiên tiến, từng bước công
nghiệp hóa và hiện đại hóa ngành chăn nuôi hướng tới phương thức chăn nuôi
trang trại, công nghiệp. Sản phẩm chăn nuôi không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu
dùng trong nước mà còn định hướng cho nhu cầu xuất khẩu.
Tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm cung
cấp giống vật nuôi, tập
trung vào giống heo, bò sữa cao sản và gia cầm. Đồng thời, liên kết các tỉnh
như: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng… để xây dựng
các vùng sản xuất tập trung và ổn định lâu dài, nhằm cung ứng nguồn thịt, trứng
thương phẩm, sữa tươi cho thị trường thành phố.
Nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch bệnh, vệ
sinh an toàn thực phẩm đối với chăn nuôi nông hộ. Đồng thời, xây dựng các chuỗi
sản phẩm từ trang trại đến tiêu thụ, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, vệ sinh
an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi
trường và
sức khỏe cộng đồng. Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ những hoạt động
chăn nuôi, lưu thông vận chuyển, giết mổ động vật và kinh doanh phân phối.
Khai thác nguồn nguyên liệu nông sản, phụ
phẩm trong nước, hạn
chế nhập khẩu nguyên vật liệu, nhằm chủ động cung cấp nguồn thức ăn cho gia
súc, gia cầm; tạo việc làm, nâng cao thu nhập của khu vực nông nghiệp.
2. Mục tiêu:
2.1. Mục tiêu tổng quát:
Giảm dần phát triển đàn heo thịt, tăng tỷ lệ
phát triển đàn heo nái, hình thành các trại giống hạt nhân; nhập khẩu giống,
các dòng tinh chất lượng cao và công nghệ mới để chọn tạo và nâng cao chất
lượng con giống; tiếp tục là trung tâm cung cấp giống chất lượng cao cho cả
nước.
Phát triển các trang trại, cơ sở chăn nuôi
tập trung theo phương thức chăn nuôi công nghiệp, an toàn sinh học. Tập trung
chuyển đổi phương thức quản lý “chi phí thấp - hiệu quả cao”, tổ chức cung ứng
con giống chất lượng cao cho người chăn nuôi thành phố và các tỉnh, thu mua lại
nguồn thịt thương phẩm cho thị trường thành phố; hình thành các trang trại vệ
tinh chăn nuôi thương phẩm thông qua các hình thức liên kết, hợp tác với các
tỉnh, thành trong cả nước.
Huấn luyện và chuyển giao quy trình chăn nuôi
an toàn (VietGAHP) và các tiêu chuẩn tương đương; tập trung các hoạt động nâng
cao hiệu quả công tác thú y, chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm,
mở rộng vùng an toàn dịch bệnh; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ và tăng cường
công tác quản lý, kiểm dịch giống các loại vật nuôi; ứng dụng các phương pháp
công nghệ mới để đánh giá tiềm năng di truyền.
2.2. Mục tiêu cụ thể:
Phấn đấu tỷ trọng chăn nuôi gia súc, gia cầm
trong giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đến năm 2015 là 38,6%, đến năm 2020
đạt 33,7%. Duy trì mức tăng trưởng giá trị ngành chăn nuôi giai đoạn 2011 - 2020
đạt 6,5%/năm. Giá trị sản xuất chăn nuôi tính theo giá cố định 1994 là 1.510 tỷ
đồng năm 2015 và 1.982 tỷ đồng năm 2020.
Duy trì tổng đàn vật nuôi của thành phố như
sau:
- Năm 2015: đàn heo là 298.000 con, phát
triển đàn nái sinh sản là 50.000 con, trong đó có 2.200 con giống cụ kỵ (GGP)
và cung ứng cho thị trường thành phố và các tỉnh 6.000.000 con heo giống nuôi
thịt thương phẩm; phát triển đàn bò sữa là 83.500 con; đàn gia cầm là 500.000
con; đàn dê 5.000 con và đàn cá sấu là 195.000 con.
- Năm 2020: đàn heo là 275.000 con, phát
triển đàn nái sinh sản là 50.000 con, trong đó có 3.300 con giống cụ kỵ (GGP)
và cung ứng cho thị trường thành phố và các tỉnh 9.000.000 con heo giống nuôi thịt
thương phẩm; duy trì đàn bò sữa là 75.000 con; đàn gia cầm là 550.000 con; đàn
dê 5.000 con và đàn cá sấu là 200.000 con.
- Năm 2025: đàn heo là 272.000 con, phát
triển đàn nái sinh sản là 50.000 con, trong đó có 4.000 giống cụ kỵ (GGP) và
cung ứng cho thị trường thành phố và các tỉnh 11.000.000 con heo giống nuôi thịt
thương phẩm; đàn bò sữa là 70.500 con; đàn gia cầm là 650.000 con; đàn dê 5.000
con và đàn cá sấu là 200.000 con.
Xây dựng vùng chăn nuôi theo hướng GAHP; đến
năm 2020, phương thức chăn nuôi bán công nghiệp và công nghiệp trên địa bàn
thành phố tăng lên 45%.
Ứng dụng quản lý giống vật nuôi theo các
chương trình quản lý giống tiên tiến như chương trình BLUP trên heo và chương
trình DHI trên bò sữa.
Tăng cường khả năng kiểm soát dịch bệnh, nhất
là những bệnh nguy hiểm, trong đó khống chế được bệnh Lở mồm long móng, cúm gia
cầm, Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở heo.
Giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, đưa
số gia trại, trang trại có hệ thống xử lý chất thải chiếm 65 - 67% năm 2015, 78
- 80% năm 2020 và 100% năm 2025.
Tỷ lệ sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh
(TMR) trong chăn nuôi bò sữa lên 20 - 25% năm 2015, 45 - 50% năm 2020 và 70 - 75%
năm 2025.
Tỷ lệ cơ giới hóa trong chăn nuôi đạt 30 - 35%
vào năm 2015, 50 - 60% vào năm 2020 và 75 - 80% vào năm 2025.
Diện tích đất trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò
sữa đạt 4.090 ha năm 2015, 4.160 ha năm 2020 và 4.300 ha năm 2025.
IV. QUY HOẠCH CHI TIẾT CHĂN NUÔI GIA SÚC, GIA
CẦM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025
1. Đối với đàn heo:
Tổng đàn heo đến năm 2015 là 298.000 con, năm
2020 là 275.000 con và 272.000 đến năm 2025, trong đó:
- Năm 2015: Tổng đàn heo của thành phố là
304.000 con, trong đó:
+ Tổng đàn nái sinh sản là 50.000 con, trong
đó có 2.200 con giống cụ kỵ (GGP), 26.399 con giống ông bà (GP), 316.783 con
giống cha mẹ (PS) và cung ứng cho thị trường thành phố và các tỉnh 6.000.000
con heo giống nuôi thịt thương phẩm.
+ Tổng đàn thịt là 254.000 con.
- Năm 2020: Tổng đàn heo của thành phố là
275.000 con, trong đó:
+ Tổng đàn nái sinh sản là 50.000 con, trong
đó có 3.300 con giống cụ kỵ (GGP), 39.600 con giống ông bà (GP), 475.200 con
giống cha mẹ (PS) và cung ứng cho thị trường thành phố và các tỉnh 9.000.000
con heo giống nuôi thịt thương phẩm.
+ Tổng đàn thịt là 225.000 con.
- Năm 2025: Tổng đàn heo của thành phố là
272.000 con, trong đó:
+ Tổng đàn nái sinh sản là 50.000 con, trong
đó có 4.000 con giống cụ kỵ (GGP), 48.000 con giống ông bà (GP), 576.000 con
giống cha mẹ (PS) và cung ứng cho thị trường thành phố và các tỉnh 11.000.000
con heo giống nuôi thịt thương phẩm.
+ Tổng đàn thịt là 222.000 con.
Số lượng giống cung ứng cho thị trường đạt
1.000.000 con vào năm 2015, 1.500.000 con giống vào năm 2020 và 2.500.000 con
giống năm 2025.
Phương thức sản xuất:
- Tập trung xây dựng tháp giống trên địa bàn
thành phố theo một đầu mối là Xí nghiệp chăn nuôi heo giống cấp I thuộc Tổng
công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên nhân đàn và giữ giống ông bà cố
(GGP), các trại còn lại như Đồng Hiệp, Phước Long và một số trang trại lớn tập
trung nuôi giữ đàn giống ông bà (GP) và cung ứng đàn cha mẹ (PS) nhằm cung ứng
cho các trại chăn nuôi tại thành phố và các tỉnh.
- Các Doanh nghiệp nhà nước: Tổng Công ty
Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên, Công ty TNHH một thành viên Việt Nam
Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Công ty Cổ phần phát triển Nông nghiệp Thanh niên
xung phong… tập trung nhân thuần, lai tạo; nhập con giống, tinh cao sản; phát
triển hệ thống vệ tinh, nhượng quyền sản xuất, gia công; sản xuất thức ăn cung
ứng, gia công.
- Các trang trại sản xuất giống tập trung tại
huyện Củ Chi, Hóc Môn - thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình
Phước, … cung cấp giống heo hậu bị, heo giống nuôi thịt chất lượng phù hợp với
nhu cầu thị trường và người chăn nuôi.
- Phát triển chăn nuôi heo thịt theo hướng an
toàn, bảo vệ môi trường; tăng quy mô sản xuất, hình thành các trang trại, hệ
thống hợp tác, từng bước xây dựng thương hiệu chăn nuôi gắn với sản phẩm an
toàn.
Dự kiến quy hoạch chăn nuôi heo tập trung tại
các quận, huyện:
- Huyện Củ Chi: tổng đàn heo là 200.000 con
vào năm 2015, 230.000 con năm 2020 và 245.000 con năm 2025. Tăng nhanh đàn
giống chất lượng để cung cấp con giống cho các vùng lân cận. Do tập quán sản xuất
của người chăn nuôi, nên vẫn còn vùng chăn nuôi tạm thời xen cài ở khu dân cư và
vùng chăn nuôi ổn định. Quy hoạch chăn nuôi heo tập trung tại các xã Tân Thạnh
Đông, An Phú, Nhuận Đức, Phạm Văn Cội, Phú Hòa Đông, Tân An Hội, Tân Phú Trung,
Thái Mỹ. Đồng thời, vận động người chăn nuôi xây dựng hầm biogas để bảo vệ môi
trường và tận dụng nguồn khí đốt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
- Huyện Hóc Môn: tổng đàn heo là 25.000 con
năm 2015, 15.000 con năm 2020 và 10.000 con năm 2025. Khu vực chăn nuôi chủ yếu
tại các xã Nhị Bình, Xuân Thới Thượng, Đông Thạnh, Tân Thới Nhì, Thới Tam Thôn.
- Huyện Bình Chánh: tổng đàn heo là 28.000
con vào năm 2015, 10.000 con năm 2020 và 5.000 con năm 2025. Tập trung chăn nuôi
tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai.
- Huyện Cần Giờ: tổng đàn heo là 9.000 con
năm 2015, 10.000 con năm 2020 và 10.000 con năm 2025. khu vực chăn nuôi chủ yếu
tại Long Hòa, Bình Khánh, Cần Thạnh và An Thới Đông.
- Huyện Nhà Bè: tổng đàn heo là 10.000 con
năm 2015, 5.000 con năm 2020 và 2.000 con năm 2025. Khu vực chăn nuôi chủ yếu
tại xã Nhơn Đức, Hiệp Phước.
- Các quận, huyện còn lại: Tập trung chủ yếu
vào các quận 9, 12, Thủ Đức. Tổng đàn heo năm 2015 là 26.000 con, 5.000 con năm
2020 và không còn chăn nuôi heo vào năm 2025.
2. Đối với đàn trâu, bò:
Ưu tiên tập trung phát triển đàn bò sữa trên
địa bàn thành phố tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Trong đó tổng đàn
bò sữa đến năm 2015 là 83.500 con, năm 2020 là 75.000 con và 2025 là 70.500
con. Duy trì đến năm 2025, sản lượng sữa tươi đạt 250.000 - 260.000 tấn/năm.
- Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống Cây
trồng - Vật nuôi, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên tập
trung xây dựng đàn hạt nhân mở trong chăn nuôi bò sữa; nhập con giống, tinh cao
sản; nhân thuần, lai tạo đàn giống bò sữa chất lượng cao.
- Các trang trại sản xuất giống tập trung tại
huyện Củ Chi, Bình Chánh - thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng, cung cấp giống
bò sữa hậu bị chất lượng cao cung ứng cho người chăn nuôi thành phố và các
tỉnh.
Dự kiến quy hoạch chăn nuôi bò sữa tập trung
tại các quận, huyện:
- Huyện Củ Chi: Tổng đàn bò sữa là 60.000 con
từ năm 2015 đến 2020 và có khuynh hướng giảm nhẹ đến năm 2025. Do diện tích đất
nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nên quy hoạch chăn nuôi bò sữa vẫn xen cài trong
khu dân cư tại các xã Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Trung An, An Phú, Phú Hòa
Đông, Tân An Hội.
- Huyện Hóc Môn: Tổng đàn bò sữa là 16.600
con năm 2015, 11.000 con năm 2020 và 10.000 con năm 2025. Khu vực chăn nuôi chủ
yếu tại các xã Đông Thạnh, Thới Tam Thôn, Xuân Thới Thượng.
- Huyện Bình Chánh: Tổng đàn bò sữa là 2.500
con năm 2015, 1.800 con năm 2020 và 500 con năm 2025. Tập trung chăn nuôi tại
các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai, trong đó có 1 trang trại kiểu mẫu
theo công nghệ Israel.
- Các quận, huyện còn lại: Tổng đàn bò sữa là
4.400 con năm 2015, 1.000 con năm 2020.
3. Đối với đàn gia cầm:
Phát triển đàn gia cầm giống hướng trứng và
hướng thịt được nuôi tại huyện Củ Chi, Bình Chánh, Cần Giờ thành phố Hồ Chí
Minh và tại các tỉnh Bình Phước và Bình Dương với tổng đàn giống cung ứng và
thu lại nguồn sản phẩm trứng và thịt cụ thể như sau:
- Năm 2015: Tổng đàn giống gia cầm của thành
phố và đầu tư nuôi tại các tỉnh là 137.000 con giống gà GP và PS, để tạo ra
16.000.000 con gà 1 ngày tuổi, trong đó đàn giống hướng trứng là 2.000.000 con;
đàn giống hướng thịt lông trắng là 9.000.000 con và đàn giống hướng thịt lông
màu là 5.000.000 con.
- Năm 2020: Tổng đàn giống gia cầm của thành
phố và đầu tư nuôi tại các tỉnh là 180.000 con giống gà GP và PS, để tạo ra
21.000.000 con, trong đó đàn giống hướng trứng là 3.000.000 con; đàn giống
hướng thịt lông trắng là 12.000.000 con và đàn giống hướng thịt lông màu là 6.000.000
con.
- Năm 2025: Tổng đàn giống gia cầm của thành
phố và đầu tư nuôi tại các tỉnh là 242.000 con giống gà GP và PS, để tạo ra
28.000.000 con, trong đó đàn giống hướng trứng là 4.000.000 con; đàn giống
hướng thịt lông trắng là 15.000.000 con và đàn giống hướng thịt lông màu là
9.000.000 con.
Từ nguồn giống được sản xuất cung ứng cho
thành phố và các tỉnh tạo ra sản phẩm từ chăn nuôi cung ứng cho thành phố với
sản lượng như sau:
+ Sản lượng trứng đạt 480 triệu quả trứng năm
2015, 720 triệu quả trứng năm 2020, 960 triệu quả trứng năm 2025;
+ Sản lượng thịt gà hơi năm 2015 là 31.500 tấn,
năm 2020 là 40.800 tấn và năm 2025 là 53.700 tấn.
Phát triển giống gia cầm:
- Đối với con giống hướng trứng: chọn nhập bộ
giống Hyline hoặc Brown Nick nuôi đàn cha mẹ và đưa con giống 1 ngày tuổi được
ưa chuộng và mang lại hiệu quả cao nhất đưa ra thị trường tiêu thụ.
- Đối với con giống hướng thịt: phát triển
chăn nuôi theo 2 hướng.
+ Gà thịt công nghiệp cao sản: nhập con giống
đang được thị trường tiêu thụ mạnh hiện nay là giống gà Cobb 500 nguồn gốc của
Mỹ, hay giống gà Ross của Đức.
+ Gà thịt lông màu: nhập con cha mẹ Lương
Phượng thuần từ Trung tâm giống gia cầm Thụy Phương hoặc từ Trung Quốc, sau đó
tiến hành chọn lọc nhân thuần. Sau khi tạo được các dòng mái ổn định và đồng
đều tiến hành lai tạo với các dòng trống lông màu nhập nội như Kabir, Sasso…
hoặc với các giống gà nội địa để cho ra con lai có năng suất thịt cao hơn hoặc
chất lượng thịt gà ngon hơn.
- Trên địa bàn thành phố tập trung phát triển
chăn nuôi gia cầm quy mô công nghiệp, chuồng kín, đảm bảo các điều kiện về an
toàn sinh học, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y. Ưu tiên phát triển
tại các địa điểm:
+ Khu vực xã An Phú, huyện Củ Chi thuộc Tổng
Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên.
+ Khu vực nông trường Phạm Văn Hai, huyện
Bình Chánh và một số xã đủ điều kiện chăn nuôi gia cầm khác của huyện Bình
Chánh.
+ Khu vực các xã An Thới Đông, Bình Khánh,
Long Hòa, huyện Cần Giờ.
4. Đối với các vật nuôi khác:
- Đối với đàn dê: Duy trì đàn dê ở mức
5.000 con đến năm 2025, tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
- Đối với cá sấu: Duy trì tổng đàn
khoảng 200.000 con đến năm 2020, tập trung tại quận 9, 12, Thủ Đức, huyện Củ
Chi, Bình Chánh, Cần Giờ.
- Đồng cỏ chăn nuôi: Tổng diện tích trồng
cỏ chăn nuôi đến năm 2015 là 5.000 ha, năm 2020 là 4.160 ha và năm 2025 là
4.300 ha, tập trung tại huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.
V. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Giải pháp chung:
1.1. Giải pháp về quy hoạch:
Công bố công khai quy hoạch chi tiết vùng
khuyến khích chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố; xây dựng các
vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tập trung tại các huyện, triển khai quy hoạch
hệ thống các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
Quy hoạch vùng sản xuất giống vật nuôi chất
lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu của thành phố và các tỉnh; phát triển vùng sản
xuất nguyên liệu gắn với các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến công nghiệp; vùng,
cơ sở an toàn dịch bệnh với thị trường tiêu thụ, an toàn sinh học và bảo vệ môi
trường.
1.2. Tổ chức sản xuất gắn với xúc tiến thương mại
và tiêu thụ sản phẩm:
Tổ chức lại sản xuất ngành, hàng theo các
chuỗi liên kết theo vùng, nhóm sản phẩm. Tạo mối liên kết dọc gắn kết các khâu
từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các Doanh nghiệp chế
biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu,
hỗ trợ sản xuất. Đồng thời, hình thành các mối liên kết ngang trong tổ chức sản
xuất của từng khâu, từng yếu tố đầu vào, trong đó các hiệp hội, Hợp tác xã,
trang trại giữ vai trò trung tâm.
Phát triển nhanh phương thức trang trại, công
nghiệp. Xây dựng hệ thống vệ tinh, nhượng quyền sản xuất, gia công tại các trại
ở các trường giáo dưỡng của Lực lượng Thanh niên xung phong, Sở Lao động -
Thương binh Xã hội và liên kết với các tỉnh, nhằm cung cấp con giống, tư vấn kỹ
thuật…
Khuyến khích phát triển dịch vụ chăn nuôi,
thú y theo hướng xã hội hóa, huy động các nguồn lực đáp ứng nhu cầu phát triển
chăn nuôi.
1.3. Khoa học, công nghệ:
Ưu tiên và tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động
nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương pháp công nghệ mới để
đánh giá tiềm năng di truyền, nhất là công nghệ sinh học, đánh giá khả năng
thích nghi của các giống mới.
Làm chủ phương pháp BLUP nhằm phục vụ cho
công tác kiểm định, chọn lọc, lai tạo để nâng cao năng suất. Nghiên cứu sâu về
phương pháp đánh giá chất lượng giống theo phương pháp tiên tiến và sinh học
phân tử.
Áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, quy trình
chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh theo phương thức chăn nuôi trang trại,
công nghiệp; đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị và cơ sở vật chất kỹ thuật
trong chăn nuôi. Ưu tiên đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các dự án trại bò
sữa An Phú - Củ Chi, trại thực nghiệm bò sữa công nghệ cao (hợp tác với
Israel), các trại heo giống Củ Chi trong giai đoạn 2010 - 2020.
Áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ
thuật trong chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị dinh dưỡng, hệ số tiêu hóa
thức ăn, tăng vòng quay trong sản xuất; đồng thời nghiên cứu, xây dựng quy
chuẩn kỹ thuật địa phương, nhằm cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm vật
nuôi với giá thành hạ, phù hợp với thị hiếu của thị trường trong nước và hướng
đến xuất khẩu.
Bảo tồn và khai thác hợp lý các nguồn gen,
giống gốc trong nước; nhập mới các giống có năng suất, chất lượng cao để chọn
lọc, thích nghi, cải thiện nguồn gen trong nước và ứng dụng nhanh vào sản xuất.
1.4. Chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi:
Triển khai các cơ chế, chính sách về khuyến
khích và hỗ trợ người chăn nuôi, nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, giúp người chăn nuôi nhanh chóng tiếp cận
với kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, phát triển kinh tế trang trại.
Có chính sách hỗ trợ đối với các tổ chức, Hợp
tác xã, cá nhân đầu tư xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý nước thải, chất
thải công nghiệp tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp; đầu tư nghiên
cứu giống vật nuôi chất lượng cao; đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa ngành
chăn nuôi.
Thông qua các hoạt động khuyến nông xây dựng
mô hình chăn nuôi, hỗ trợ vật tư kỹ thuật, quy trình quản lý… phù hợp với yêu
cầu sinh trưởng, phát triển của vậy nuôi. Hỗ trợ kinh phí xây dựng các mô hình
chăn nuôi trang trại có hiệu quả, bền vững và an toàn sinh học; các mô hình Hợp
tác xã, Tổ hợp tác và Câu lạc bộ chăn nuôi tại các xã, để phổ biến các kinh
nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ mới trong chăn nuôi và ký kết hợp
đồng trách nhiệm đối với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ
sản phẩm cho nông dân.
1.5. Xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm:
Tăng cường cập nhật và quảng bá thông tin về
tình hình chăn nuôi và thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong nước và quốc tế.
Gắn kết khuyến nông với thị trường, nhằm định hướng phát triển chăn nuôi phù
hợp với nhu cầu tiêu dùng.
Xây dựng các chuỗi ngành hàng thịt an toàn,
có sự kiểm soát từ trang trại đến bàn ăn; hình thành mối liên kết giữa người
sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ kịp
thời, giá cả phù hợp. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm chăn nuôi được
tính trên chất lượng quầy thịt tại các cơ sở giết mổ.
Tổ chức lại hệ thống tiêu thụ sản phẩm gắn
với cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm,
nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng (tăng tỷ lệ sử dụng thịt mát, sản phẩm chế
biến…).
Hướng dẫn và chứng nhận giống vật nuôi theo
các phương pháp tiên tiến; xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm đặc trưng
của thành phố, như giống heo hướng nạc, bò sữa chất lượng cao.
Tổ chức các Hội chợ, Hội thi, Triển lãm giống
vật nuôi, nhằm tạo điều kiện cho Doanh nghiệp, người chăn nuôi giới thiệu sản
phẩm.
2. Một số giải pháp kỹ thuật:
2.1. Công tác giống:
Tổ chức hệ thống tháp giống, chuẩn hóa hệ
thống sản xuất và quản lý giống heo. Nhập, giữ thuần và nhân thuần các nhóm
giống heo (Yorkshire, Landrace, Duroc, Piétrain, Hampshire). Bình tuyển và chọn
dòng bò sữa có năng suất tốt, thích nghi với điều kiện nóng ẩm của thành phố,
phát triển giống bò thịt chất lượng cao. Mở rộng chăn nuôi bò thịt từ giống bò
chuyên thịt và đàn bê đực giống sữa, cung cấp nguồn thịt bò cho thành phố.
Cơ quan quản lý nhà nước về giống giúp kiểm
định, đánh giá con giống bằng phương pháp tiên tiến, hướng dẫn ghép đôi giao
phối. Hình thành trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu đánh giá di truyền giống heo,
bò sữa.
Xây dựng các trại giống chất lượng tốt, quy
mô lớn; tổ chức đồng bộ và hiệu quả hệ thống sản xuất - cung ứng giống để
chuyển giao giống mới đến nông dân nhanh chóng, kịp thời với giá cả hợp lý.
Đầu tư xây dựng trang thiết bị phòng thí
nghiệm chuyên sâu về sinh học phân tử. Ứng dụng công nghệ chuyển cấy phôi để
chọn lọc và lưu giữ các con giống gia súc cao sản.
Khuyến khích thành lập các Hiệp hội sản xuất
giống vật nuôi; phối hợp với Viện, Trường, các Doanh nghiệp sản xuất giống tổ
chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn, kỹ thuật nhân giống, trao đổi con
giống để hạn chế nhập từ nước ngoài.
2.2. Kỹ thuật chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng và
quản lý đàn tại nông hộ:
Hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật mới về
chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý và tăng tỷ lệ cơ giới hóa, hiện đại
hóa trong chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh và xử lý môi
trường. Đối với các trang trại công nghiệp cần áp dụng công nghệ tự động hóa
từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất.
Chuyển giao quy trình chăn nuôi tạo sản phẩm
an toàn. Thiết lập hệ thống theo dõi và quản lý dịch tễ đàn gia súc, thường
xuyên cập nhật các dữ liệu về giống, thuốc thú y và dịch bệnh. Khuyến khích các
trang trại quản lý nông hộ ứng dụng phần mềm quản lý hiện hành.
Sử dụng các loại nguyên liệu đã được kiểm
soát, đảm bảo chất lượng. Đối với thức ăn chăn nuôi công nghiệp phải có thương
hiệu, bao bì quy cách theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn
theo quy định.
Đẩy nhanh tiến độ sử dụng khẩu phần thức ăn
hỗn hợp hoàn chỉnh (TMR) trong chăn nuôi bò sữa, kết hợp với việc tận dụng phụ
phế phẩm nông nghiệp để giảm giá thành chăn nuôi. Khuyến khích và có chính sách
hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các Nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp
hoàn chỉnh (TMR) cung cấp cho các Tổ hợp tác, Hợp tác xã chăn nuôi bò sữa.
Định kỳ, đột xuất lấy mẫu đánh giá sản phẩm
chăn nuôi an toàn tại các cơ sở chăn nuôi; tăng cường giám sát chất lượng thức
ăn chăn nuôi sản xuất trên địa bàn.
2.3. Phòng, chống dịch bệnh:
Chủ động tổ chức và nâng cao hiệu quả công
tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch tễ đàn gia súc, gia cầm và các
vật nuôi khác; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, nhất là những vùng có
các cơ sở sản xuất giống và vùng chăn nuôi lớn, tập trung.
Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học,
thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) đối với các cơ sở chăn nuôi. Đẩy mạnh tỷ lệ
tiêm phòng bắt buộc và có biện pháp loại trừ các cá thể mang trùng đối với các
bệnh nguy hiểm, tạo đàn gia súc sạch bệnh.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và trang bị
thiết bị cho kiểm tra thường xuyên các bệnh nguy hiểm, chất lượng sản phẩm chăn
nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm. Ưu tiên nghiên cứu và sản xuất các loại vắc
xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; các bộ kit chẩn đoán nhanh một số bệnh
trên gia súc, gia cầm.
Phối hợp với các tỉnh trong công tác kiểm
soát nguồn gia súc, gia cầm và các sản phẩm chế biến cung cấp cho thành phố.
2.4. Giết mổ, chế biến:
Triển khai Quy hoạch các cơ sở giết mổ, chế
biến công nghiệp đảm bảo xử lý môi trường, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Khuyến khích các cơ sở giết mổ và chế biến
thực phẩm hiện đại hóa công nghiệp và đa dạng hóa các mặt hàng thực phẩm chế
biến phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Xây dựng cơ sở theo tiêu chuẩn
GMP và quản lý chất lượng theo HACCP.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, khuyến cáo
người tiêu dùng thay đổi thói quen, tăng tỷ lệ sử dụng thịt mát, sản phẩm chế
biến. Xây dựng chuỗi thực phẩm từ cơ sở sản xuất, vận chuyển đến khi đưa vào
giết mổ, chế biến, tiêu thụ trên thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
VI. CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ ĐỀ ÁN CHỦ YẾU
1. Quy hoạch:
Triển khai Quy hoạch sản xuất nông nghiệp
phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm
2025.
Triển khai Quy hoạch hệ thống các cơ sở giết
mổ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 - 2015.
2. Chương trình, đề án liên quan:
Triển khai Chương trình chuyển dịch cơ cấu
kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố.
Triển khai đề án phát triển nông nghiệp đô
thị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025.
Chương trình giống cây trồng - vật nuôi chất
lượng cao.
Chương trình xây dựng vùng, cơ sở an toàn
dịch bệnh trên gia súc.
Chương trình cơ giới hóa trong chăn nuôi.
Chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ
sinh học phục vụ nông nghiệp - phát triển nông thôn tại thành phố Hồ Chí Minh
đến năm 2020.
Chương trình củng cố và phát triển kinh tế
tập thể và trang trại.
Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công
nghệ cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2025.
Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn
thực phẩm (LIFSAP).
Dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông
sản, thực phẩm (CIDA).
Phần 3.
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Căn cứ nội dung quy hoạch sản xuất nông
nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được phê
duyệt, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các Sở ngành liên quan có trách nhiệm
tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể:
1. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:
Tổ chức phổ biến, công khai các quy hoạch
được phê duyệt, đồng thời chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch, kế hoạch phát
triển chăn nuôi trên địa bàn, nhằm đảm bảo phát triển ổn định, kiểm soát dịch
bệnh và bảo vệ môi trường.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động
nâng cao ý thức phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường cho người chăn
nuôi. Khuyến khích tổ chức lại chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, quy
mô lớn, gắn với hệ thống các cơ sở giết mổ, chế biến công nghiệp. Hướng dẫn các
thủ tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp cho các chủ đầu
tư có năng lực.
Tổ chức kiểm tra, giám sát việc xử lý nước
thải của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ và có biện pháp xử lý kịp thời các cơ sở
gây ô nhiễm môi trường.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chủ trì, phối hợp với các Sở Quy hoạch - Kiến
trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các quận, huyện có sản
xuất nông nghiệp:
- Xây dựng và triển khai các chương trình, đề
án, kế hoạch hàng năm, 5 năm đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu phát triển chăn nuôi
trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; tổ chức phổ
biến, công khai quy hoạch cho các ngành, các cấp, doanh nghiệp, hộ sản xuất,
nông dân biết, thực hiện.
- Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi kỹ thuật
chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng, xây dựng các mô hình trình diễn về chăn nuôi
an toàn thực phẩm và dịch bệnh.
- Chứng nhận con giống theo các phương pháp
tiên tiến. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường sản phẩm chăn nuôi, giá cả
thức ăn chăn nuôi, con giống trong nước và quốc tế, góp phần cho việc điều phối
bình ổn giá thị trường.
- Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương
mại, nghiên cứu khảo sát thị trường, thuế, hàng rào kỹ thuật, xu thế tiêu dùng,
tiềm năng xuất và nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Giúp người chăn nuôi tiếp
cận thông tin, huấn luyện phương pháp tiếp cận thị trường, kinh nghiệm quản lý
sản xuất và kinh doanh.
3. Sở Quy hoạch - Kiến trúc:
Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại quy hoạch phát triển
nông nghiệp, dân cư và các chương trình, dự án sử dụng đất nông nghiệp, để điều
chỉnh lại theo hướng phải ưu tiên giữ lại các vùng đất đai, mặt nước có lợi thế
về sản xuất giống, nông sản hàng hóa, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cho phát
triển chăn nuôi bền vững, ổn định lâu dài.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đầu
tư, hỗ trợ nông dân về chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; đầu
tư con giống, chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi, thức ăn, thuốc thú y, xây
dựng cơ sở giết mổ, chế biến.
- Cân đối, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố
bố trí kế hoạch vốn hàng năm, đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển chăn nuôi
trong thời kỳ xây dựng phát triển nông nghiệp đô thị hóa, cơ giới hóa, hiện đại
hóa.
5. Sở Tài chính:
Chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành
phố ban hành hoặc điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát
triển chăn nuôi gia súc, gia cầm phù hợp với định hướng nông nghiệp, nông dân,
nông thôn; xây dựng nông thôn mới.
- Hỗ trợ rủi ro đối với thiên tai, dịch bệnh
thông qua chính sách bảo hiểm, hỗ trợ. Kết hợp xã hội hóa hoạt động bảo hiểm để
người chăn nuôi yên tâm sản xuất.
6. Sở Khoa học và Công nghệ:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Sở Y tế:
- Hoàn thiện và áp dụng hệ thống các tiêu
chuẩn, quy chuẩn cho từng loại nguyên liệu sản phẩm phù hợp với quốc tế và khu
vực.
- Ưu tiên cho các nghiên cứu về giống để chọn
lọc thích nghi đưa vào sản xuất, các nghiên cứu sản xuất thiết bị trong nước
phục vụ chăn nuôi, giết mổ, chế biến.
7. Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành các quy định về xây dựng
chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng công nghệ mới, vật liệu xây
dựng thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển chăn nuôi theo hướng trang
trại, quy mô công nghiệp.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường:
Hướng dẫn các quận, huyện có chăn nuôi trên
địa bàn thành phố về các quy định bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Thường xuyên kiểm soát và có biện pháp xử lý
về tình trạng gây ô nhiễm do các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn thành phố.
9. Các doanh nghiệp: Tổng Công ty Nông
nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH một
thành viên, Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố, các Doanh nghiệp tham
gia chương trình phát triển chăn nuôi phục vụ bình ổn giá của thành phố:
- Tổ chức ngành hàng sản xuất theo chuỗi liên
kết từ sản xuất đến tiêu thụ, theo nhiều hình thức đa dạng:
+ Cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, phát
triển hệ thống vệ tinh, chăn nuôi gia công, nhượng quyền sản xuất, phát triển
chăn nuôi gia công tại các trường của Lực lượng Thanh niên xung phong, Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội, quân đội, trong nhân dân và các tỉnh;
+ Ký kết hợp đồng thu mua sản phẩm, bảo đảm
số lượng, chất lượng an toàn thực phẩm đáp ứng cho thị trường thành phố.
- Tổ chức mối liên kết ngang giữa những hộ,
trang trại, Hợp tác xã, khuyến khích hình thành Hợp tác xã chăn nuôi.
- Xây dựng hệ thống thông tin thị trường giá
cả thức ăn chăn nuôi, con giống, sản phẩm chăn nuôi trong nước và quốc tế, góp
phần phát triển chăn nuôi bền vững./.