THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
46/2004/CT-TTg
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 12 năm 2004
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC QUẢN LÝ XE CÔNG NÔNG THAM GIA GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
Hiện nay, cả nước có gần 120 nghìn
xe công nông các loại (thường gọi là xe công nông đầu ngang, đầu dọc, xe tự chế...)
bao gồm khoảng 66 nghìn xe máy kéo nhỏ và 54 nghìn xe lắp ráp từ các động cơ
điêzen một xi lanh và tận dụng các tổng thành ô tô. Trong thời gian qua, tuy xe
công nông có tác dụng nhất định trong việc vận chuyển hàng hoá, nhất là ở vùng
nông thôn, miền núi, nhưng do công nghệ sản xuất lạc hậu, chất lượng kém và
chưa được quản lý tốt nên còn nhiều xe hoạt động không có đăng ký, chưa được kiểm
tra định kỳ chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; nhiều người điều
khiển chưa có giấy phép lái xe nên hoạt động của xe công nông đã gây ra nhiều
tai nạn giao thông, trong đó có rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng,
làm nhiều người chết, bị thương, gây cản trở, ùn tắc giao thông và gây lo lắng
trong nhân dân.
Để quản lý có hiệu quả hoạt động
của xe công nông, hạn chế tới mức thấp nhất việc gây mất trật tự, an toàn giao
thông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Các Bộ,
ngành ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
theo chức năng, trách nhiệm của mình, cần chủ động phối hợp chặt chẽ để quản lý
hoạt động của xe công nông tham gia giao thông đường bộ theo chủ trương chỉ đạo
sau:
a) Tăng cường công tác quản lý
nhà nước; tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật Giao thông đường
bộ đối với xe công nông tham gia giao thông đường bộ, như xe phải có đăng ký
đăng kiểm, xe có kết cấu tương tự ô tô phải được kiểm tra định kỳ chất lượng an
toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, người điều khiển phải có giấy phép lái xe.
b) Đình chỉ việc sản xuất mới
các loại xe công nông (trừ xe máy kéo nhỏ). Đối với số xe đã sản xuất hiện chưa
có đăng ký, phải thực hiện kiểm tra nghiêm túc nếu đạt yêu cầu về an toàn kỹ
thuật, bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn hiện hành quy định cho loại xe này thì
mới được đăng ký sử dụng. Đối với các xe đã được cấp đăng ký, thời hạn tối đa
được tham gia giao thông đến ngày 31 tháng 12 năm 2007. Căn cứ điều kiện cụ thể
của địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể
quy định thời hạn sớm hơn.
Các cơ quan chức năng, căn cứ
các quy định hiện hành, cần có kế hoạch, giải pháp cụ thể đẩy mạnh việc sản xuất
các loại ô tô tải nhẹ với giá cả phù hợp và có các cơ chế, chính sách hỗ trợ,
khuyến khích các chủ phương tiện thực hiện việc thay thế xe công nông trước thời
hạn quy định.
c) Quy định rõ phạm vi hoạt động
của xe công nông theo hướng :
Cấm xe công nông hoạt động ở khu
vực nội thành các đô thị loại 3 trở lên, trên các đường cao tốc và trên các tuyến
đường có mật độ giao thông cao. Quy định thời gian hoạt động thích hợp cho xe
công nông tham gia giao thông trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao
nhưng chưa có điều kiện phân luồng sang các tuyến khác.
Tổ chức các tuyến đường dân
sinh, đường gom để phân luồng cho xe công nông.
2. Bộ Giao
thông vận tải :
a) Phối hợp với Bộ Công an trong
việc kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật để đăng ký cấp biển số cho xe công
nông theo quy định hiện hành.
b) Bổ sung, sửa đổi và tổ chức thực
hiện các tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường đối với xe
công nông (trừ xe máy kéo nhỏ).
c) Hướng dẫn, kiểm tra việc đào
tạo người điều khiển xe công nông với các nội dung, thời gian và chi phí đào tạo
thích hợp.
Tổ chức việc sát hạch, cấp giấy
phép lái xe cho người điều khiển xe công nông.
d) Theo dõi tình hình thực hiện
quản lý hoạt động của xe công nông để chỉ đạo giải quyết kịp thời và báo cáo Thủ
tướng Chính phủ giải quyết những khó khăn, vướng mắc vượt quá thẩm quyền giải
quyết của các Bộ, ngành.
3. Bộ Công an:
a) Tổ chức đăng ký, cấp biển số
cho xe công nông (trừ xe máy kéo nhỏ nói ở khoản b điểm 1) đã sản xuất trước
ngày Chỉ thị này có hiệu lực, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật và
bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
b) Tổ chức đăng ký cấp biển số
cho xe máy kéo nhỏ tham gia giao thông được sản xuất theo đúng tiêu chuẩn kỹ
thuật của cơ quan quản lý có thẩm quyền.
c) Thực hiện kiểm tra, kiểm
soát, xử lý các vi phạm của xe công nông và người điều khiển theo quy định hiện
hành.
4. Bộ Công nghiệp:
a) Chỉ đạo ngành công nghiệp ô
tô bảo đảm cung cấp đủ số lượng ô tô tải nhẹ đạt các điều kiện về an toàn kỹ
thuật để thay thế số xe công nông phải loại bỏ theo thời hạn nêu ở khoản b điểm
1.
b) Chỉ đạo các địa phương quản
lý chặt chẽ, không để sản xuất trái phép xe công nông.
5. Uỷ ban nhân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương :
a) Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành ở
địa phương tổ chức thực hiện tốt các việc :
- Đình chỉ việc sản xuất, lắp
ráp trái phép xe công nông. Hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở này chuyển sang sản xuất
các sản phẩm phù hợp khác.
- Thống kê, kiểm tra chất lượng,
an toàn kỹ thuật xe công nông để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số theo quy định
trên địa bàn tỉnh, thành phố.
ư- Tổ chức tuyên truyền, vận động
chủ phương tiện và nhân dân địa phương thực hiện đúng chủ trương quản lý hoạt động
xe công nông của Chính phủ.
- Kiểm tra, xử lý các vi phạm của
cơ sở sản xuất, chủ xe và người điều khiển xe công nông theo quy định hiện
hành.
b) Căn cứ vào điều kiện thực tế ở
địa phương để quy định cụ thể phạm vi và thời gian hoạt động của xe công nông.
c) Tổ chức các tuyến đường gom,
đường dân sinh để hạn chế, tiến tới cấm xe công nông hoạt động trên các tuyến
đường có mật độ giao thông cao.
6. Chỉ thị này
có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
7. Các Bộ: Tài
chính, Văn hoá - Thông tin, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu
tư, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Công
nghiệp và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực
hiện tốt Chỉ thị này.
8. Đề nghị Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp hỗ trợ các Bộ, ngành liên
quan và Uỷ ban nhân dan các địa phương trong việc tuyên truyền vận động chủ
phương tiện và nhân dân địa phương thực hiện nghiêm chủ trương quản lý hoạt động
xe công nông của Chính phủ.