ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1442/QĐ-UBND
|
Thành phố Hồ Chí
Minh, ngày 26 tháng 3 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRỒNG RỪNG VÀ CÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN
2016 - 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày
06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch
chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số
17/2015/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế
quản lý rừng phòng hộ;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP
ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số
17/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án Quản lý bảo vệ, phát triển
các loại rừng và cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2025;
Căn cứ Quyết định số
05/2012/QĐ-UBND ngày 03 tháng 02 năm 2012 của Ủy
ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt Đề án trồng rừng và cây
xanh Thành phố giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 342/TTr-SNN ngày 26 tháng 02 năm
2016 về ban hành Kế hoạch trồng rừng và
cây xanh trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch trồng rừng và cây
xanh trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016 - 2020.
Điều 2. Căn cứ nội dung Kế hoạch trồng rừng và cây xanh trên địa bàn
Thành phố giai đoạn 2016 - 2020 đã được phê duyệt, các sở, ngành, Ủy ban nhân
dân các quận, huyện có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực
hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Trưởng Ban chỉ đạo,
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban
nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi
nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng Chuyên viên;
- Trung tâm Công báo
- Lưu: VT, (CNN-Tg) MH42
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Thanh Liêm
|
KẾ HOẠCH
TRỒNG RỪNG VÀ CÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ GIAI ĐOẠN 2016 – 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số
1442/QĐ-UBND ngày 26 tháng 3
năm 2016 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân Thành phố)
Phần I
KẾT
QUẢ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Công tác trồng rừng, cây xanh đô thị,
cây lâm nghiệp phân tán, cây ven sông, kênh, rạch, cây xanh đường phố, ... của
các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2011-2015 đã thực hiện
vượt kế hoạch đề ra là 5.164.092 cây (theo kế hoạch: 4.454.000 cây), tương
đương diện tích quy đổi 1.216,9 ha.
I. CÂY TRỒNG PHÂN
TÁN
- Cây trồng phân tán do tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân tự trồng: Giai đoạn 2011 - 2015, các tổ chức, gia đình, cá
nhân đã tự túc kinh phí trồng 3.029.165 cây các loại, với diện tích quy đổi 412
ha.
- Chi cục Lâm nghiệp đã cung cấp
1.535.031 cây giống trồng phân tán cho các đơn vị, quận, huyện, trường học, lực
lượng vũ trang, các xã thực hiện chương trình nông thôn mới, tương đương diện
tích quy đổi 595 ha. Cung cấp 667 cây
Bàng Trường Sa cho các trường học trên địa bàn trồng nhân dịp khai giảng năm học
mới trong 2 năm 2013, 2014 nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức, trách
nhiệm bảo vệ biển đảo quê hương, chủ quyền Tổ quốc đối với học sinh trên địa
bàn Thành phố, cung cấp 600 cây Bàng Trường Sa cho xã An Phú Tây (Bình Chánh),
xã Nhị Bình (Hóc Môn), Công đoàn Sở Tài chính tổ chức trồng dịp lễ 19/5, chào mừng
Đại hội đảng các cấp trong năm 2015. Qua kiểm tra thực tế hàng năm, ghi nhận tỷ
lệ cây trồng sống đạt trên 85% theo quy định.
- Trong 3 năm (2011 - 2013), tổng số
cây trồng của công trình trồng cây ven sông, kênh rạch là 480.452 cây, gồm các
loài: Dừa nước, Tràm nước, Nhạc ngựa nước, Gõ nước, Săng
máu... Bước đầu công trình đã hình thành được những dải cây xanh phòng hộ ven
sông rạch tại các quận, huyện, góp phần hạn chế tình trạng
sạt lở bờ sông, tạo cảnh quan môi trường đẹp, nâng cao nhận thức của người dân
trong việc trồng và bảo vệ cây xanh. Tuy nhiên, do có những bất cập nhất định
trong công tác thiết kế, phối hợp thi
công, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, triển khai các công trình thủy lợi, đê kè tại
khu vực trồng cây nên tỷ lệ cây sống qua khảo sát thực tế trong năm 2014 còn hạn
chế (54,6%) tương đương diện tích 38 ha.
- Tổ chức trồng 1.487 cây gỗ quý các
loại trong dịp tổ chức lễ Tết trồng cây 19/5 cấp Thành phố
hàng năm với sự tham gia của đại diện các Sở, ngành, Ủy
ban nhân dân các quận, huyện, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động
trên địa bàn thành phố tại các địa điểm gắn liền với di tích văn hóa, lịch sử
thành phố như: Khu Công viên Lịch sử -Văn hóa Dân tộc, Đền
tưởng niệm chiến khu An Phú Đông, Khu Tưởng niệm Cuộc tổng tiến công và nổi dậy
xuân Mậu Thân năm 1968... Số cây trồng kể trên đạt tỷ lệ sống 100% khi bàn giao
cho đơn vị thụ hưởng tiếp tục chăm sóc, bảo vệ.
II. PHÁT TRIỂN RỪNG
- Trồng chuyển hóa rừng 22 ha tại Khu
Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc, quận 9 với tổng số cây trồng là 10.600
cây, chủ yếu các loài cây gỗ quý, có giá trị kinh tế cao như: Sao đen, Dầu, Lim
xanh, Lát hoa, Gõ mật, Gõ đỏ, Giáng hương... Sau 3 năm trồng và chăm sóc, các
cây trồng đều sinh trưởng tốt, rừng đã khép tán tạo thành khu vực rừng sinh
thái có cảnh quan đẹp trong Khu Công viên Lịch sử - Văn hóa Dân tộc.
- Thực hiện Vườn Thực vật Củ Chi: tổ
chức trồng, chăm sóc 11.497 cây (từ năm 2011 - 2015 trồng 6013 cây các loại), với
788 loài được sưu tập từ khắp các vùng miền cả nước, hình thành khu vực rừng có
tính đa dạng thực vật cao, là nơi lưu trữ nguồn giống cây rừng quý giá của Việt
Nam.
- Tổ chức công nhận thành rừng đối với
diện tích 884 ha hiện trạng la, Ib, Ic trong rừng phòng hộ Cần Giờ thành rừng theo Quyết định số 1075/QĐ-UBND ngày 05/3/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
- Triển khai thực hiện dự án Khoanh
nuôi xúc tiến tái sinh, trồng rừng mới trên hiện trạng la, Ib, Ic trong rừng
phòng hộ Cần Giờ với tổng diện tích 76,24 ha với 47.750
cây các loại (trồng rừng mới trên diện tích 19,1ha, khoanh
nuôi xúc tiến tái sinh 57,14 ha); Phối hợp với Hội Nam Du thực hiện trồng, chăm
sóc rừng tại các tiểu khu 21,17 rừng phòng hộ Cần Giờ với số lượng 12.500 cây
Cóc trên tổng diện tích 5ha (mỗi năm 1 ha). Đang triển khai dự án phục hồi rừng
trên đất ruộng muối tại khu vực Hào Võ, tiểu khu 21 rừng
phòng hộ Cần Giờ với tổng diện tích 24,6 ha.
- Đang triển khai thực hiện các bước
chuẩn bị đầu tư các dự án trồng mới rừng phòng hộ tại ấp 3, Xã Lê Minh Xuân,
huyện Bình Chánh; dự án mở rộng Vườn Thực vật Thành phố theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Đối với các dự án trồng cây sưu tập tại
Củ Chi, trồng cây cảnh quan chuyển hóa rừng phòng hộ tại Quận 9, tỷ lệ cây xanh
luôn đảm bảo 100% theo quy định của dự án. Đối với các dự án trồng rừng khác đảm
bảo tỷ lệ sống trên 85% theo quy định của trồng rừng khi kiểm tra, nghiệm thu.
III. PHÁT TRIỂN HỆ
THỐNG CÂY XANH ĐƯỜNG PHỐ
Trong giai đoạn 2011-2015, Sở Giao
thông vận tải đã tổ chức trồng 39.827 cây các loại, tương đương với diện tích
quy đổi khoảng 39,83 ha, được triển khai thực hiện theo dự án xây dựng mới,
nâng cấp, mở rộng đường giao thông, phát triển
cây xanh trên các vỉa hè, tuyến đường giao thông, phủ xanh đất dự trữ giao
thông, nơi công cộng và khu vực các công trình giao thông theo kế hoạch hàng
năm.
IV. CÔNG TÁC BẢO VỆ
RỪNG, PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG
Ban chỉ huy về những vấn đề cấp bách
trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng thành phố thường xuyên phối hợp
kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị chủ rừng chủ động thực hiện các biện
pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, tập trung những địa bàn trọng điểm
có nguy cơ xảy ra cháy rừng, điểm nóng về
phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật. Các địa phương có rừng tích cực thực
hiện Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường
chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và
chống người thi hành công vụ.
Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ
và phát triển rừng theo chiều hướng giảm. Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa
cháy rừng có những chuyển biến tích cực.
V. CÔNG TÁC TUYÊN
TRUYỀN, GIÁO DỤC VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG,
PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG
- Ủy
ban nhân dân các quận, huyện, Sở - ban ngành, cơ quan, tổ chức chủ động
tuyên truyền, vận động quần chúng trong địa phương, trong tổ chức mình về việc
hưởng ứng trồng cây xanh tại nơi sinh sống, học tập, công tác qua dịp lễ Tết trồng cây 19/5 hàng năm dưới nhiều hình thức đa dạng phù hợp thực tiễn
của địa phương, đơn vị.
- Các cơ quan truyền thông báo chí,
đài truyền hình, đài phát thanh phối hợp chính quyền địa phương, cơ quan chức năng
đưa tin, hình ảnh, viết bài về Lễ tết trồng cây 19/5 hàng năm do thành phố tổ
chức, thực hiện các phóng sự về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cảnh
báo phòng cháy chữa cháy rừng...
- Chi cục kiểm lâm phối hợp với Trạm
phát thanh tại 25 xã có rừng và cây trồng phân tán trên địa bàn thành phố tuyên
truyền về lợi ích của rừng, cây xanh, vận động quần chúng nhân dân địa phương
tích cực tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh; Phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo các quận,
huyện có rừng tổ chức Hội thi tìm hiểu về “Rừng, cây xanh với đời sống đô thị”
với học sinh các trường THCS tại các địa phương có rừng trong 3 năm 2013 - 2015
với sự tham gia của 20.561 lượt học sinh. Tổ chức 221 lượt tuyên truyền lưu động,
cung cấp 162.898 tờ bướm và 14.638 áp phích có nội dung tuyên truyền bảo vệ rừng,
phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.
VI. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Những mặt làm được:
- Giai đoạn 2011 - 2015, số lượng cây
trồng rừng và cây xanh trên địa bàn thành phố đều vượt chỉ tiêu đề ra là
1.000.000 cây/năm. Một số công trình, dự
án trồng rừng, trồng cây xanh đã được triển khai thực hiện hiệu quả, tạo thêm mảng
xanh, góp phần tạo cảnh quan đẹp cho Thành phố.
- Phong trào trồng cây phân tán tại
các cơ quan hành chính sự nghiệp đơn vị lực lượng vũ trang, bệnh viện, trường học,
các xã điểm xây dựng nông thôn mới, các khu dân cư, các tuyến đường giao thông
nông thôn, các Khu di tích Lịch sử - Văn hóa
các dân tộc tiếp tục được duy trì, phát triển, giống cây trồng phân tán cấp cho
các cơ quan, đơn vị, trường học đều có tỷ lệ trồng sống cao.
- Phong trào trồng cây đã được nhân
dân nhiệt liệt hưởng ứng và thực hiện tại 24 quận, huyện của thành phố sau khi
được thành phố phát động trồng rừng và cây xanh trong dịp Lễ Tết trồng cây 19 tháng 5 đời đời nhớ ơn Bác Hồ
hàng năm.
- Công tác quản lý nhà nước luôn bám
sát các mục tiêu, kế hoạch của ngành và Ủy ban
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao, gắn liền với thực tiễn nhằm nâng cao năng
lực, hiệu quả quản lý chuyên ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong quản lý
lâm nghiệp đô thị.
2. Hạn chế:
- Số lượng cây trồng đạt được nhiều
hơn so với mục tiêu của đề án, tuy nhiên, cây trồng của tổ chức, cá nhân tự trồng chủ yếu là những loài cây kiểng, cây
bonsai..., dẫn đến đạt mục tiêu về số lượng cây trồng, nhưng diện tích che phủ
quy đổi thấp hơn so với tiến độ đề án đặt ra.
- Công tác đền bù giải phóng mặt bằng
phục vụ lập dự án triển khai trồng rừng tiến độ còn chậm. Một số dự án trồng rừng
vẫn chưa thể triển khai thực hiện được do chưa có đất trống để trồng rừng như dự
án trồng 82,54 ha rừng phòng hộ Bình Chánh; dự án mở rộng Vườn thực vật thành phố tại huyện Củ Chi.
- Một số quận, huyện còn khó khăn nhất
định trong việc xác định vị trí, địa điểm trồng cây xanh do diện tích đất trống
để triển khai trồng cây xanh trên địa bàn Thành phố còn hạn chế.
- Bên cạnh những hiệu quả tích cực về
tuyên truyền, vận động người dân, tầng lớp thanh thiếu niên thành phố tham gia
trồng và bảo vệ cây xanh, phòng chống sạt lở bờ sông, dự án trồng cây ven sông,
kênh, rạch theo mô hình phối hợp thực hiện
giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành đoàn và Ủy ban nhân dân các
quận, huyện còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ trong quá trình thực hiện trồng, bảo
vệ cây trồng. Tình trạng sạt lở bờ sông, triều cường dâng cao, chưa có sự phối
hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các công trình thủy lợi trên khu vực trồng
cây, khô hạn kéo dài, hiện tượng cây trồng bị phá do trâu bò thả rong, ý thức bảo
vệ cây xanh của một số người dân chưa thật sự tốt... làm cho một số cây đã trồng
bị chết, thiệt hại. Qua kiểm tra thực tế
toàn bộ các tuyến sông, kênh, rạch có trồng cây của dự án ghi nhận số lượng cây
trồng còn sống đến cuối năm 2014 là 262.719 cây chiếm tỷ lệ 54,6% số cây đã trồng.
- Đối với một số dự án xây dựng đường
giao thông, khu dân cư, khu đô thị mới trong thời gian qua chưa thật sự quan
tâm đúng mức đến việc bố trí không gian thích hợp, đảm bảo cho việc trồng cây
xanh cảnh quan.
3. Nguyên nhân:
- Quỹ đất để
phát triển rừng và cây xanh của thành phố Hồ Chí Minh có giới hạn. Tình trạng ô
nhiễm môi trường cũng đe dọa đến sự tồn tại của các khu rừng và mảng cây xanh
đô thị, cây trồng ven sông, kênh, rạch, đê biển...
- Giá trị sử dụng trực tiếp các sản
phẩm từ rừng và cây xanh thành phố còn thấp so với các ngành kinh tế khác nên
chưa khuyến khích được người dân, tổ chức chủ động bỏ vốn trồng rừng, trồng cây
xanh. Chu kỳ sản xuất và khai thác của cây lâm nghiệp dài, lợi nhuận thấp, nhiều
rủi ro cũng tạo khó khăn nhất định.
- Công tác tuyên truyền, vận động người
dân tham gia công tác trồng rừng, trồng cây xanh trên địa bàn thành phố chưa thật
sự mạnh mẽ, nhận thức về yêu cầu cấp thiết và ý nghĩa của việc trồng cây gây rừng
còn hạn chế.
- Công tác xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển rừng và cây xanh đô thị còn hạn chế, sự
phối hợp về công tác đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ lập dự án triển khai trồng
rừng tiến độ còn chậm.
Phần II
KẾ HOẠCH TRỒNG RỪNG
VÀ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
I. MỤC TIÊU, NHIỆM
VỤ
1. Mục tiêu:
- Tăng cường diện tích rừng, cây
xanh, hệ thống công viên, vườn hoa đô thị; khôi phục các hệ sinh thái, phục hồi
đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, góp phần
giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp trên địa
bàn Thành phố, đảm bảo độ che phủ rừng và cây xanh đến cuối năm 2020 đạt tỷ lệ
40,3%.
- Phát huy thành quả đạt được của
giai đoạn 1 thực hiện Quyết định 05/2012/QĐ-UBND ngày 03
tháng 02 năm 2012, tiếp tục triển khai hiệu quả việc thực hiện Quyết định số
17/2011/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy
ban nhân dân Thành phố về phê duyệt đề án Quản lý bảo vệ phát triển các
loại rừng và cây xanh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
và Chỉ thị số 11/2011/CT-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2011 của Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường các biện
pháp bảo tồn, phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
2. Nhiệm vụ:
- Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành
phố tiếp tục phấn đấu mỗi năm trồng được ít nhất 1.000.000 cây xanh, góp phần duy
trì và phát triển diện tích rừng và mảng cây xanh trên địa bàn Thành phố.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền,
nâng cao hiệu quả vận động nhân dân thành phố tích cực tham gia trồng cây xanh,
nhất là các loài cây gỗ có giá trị cao (Sao, Dầu, Gõ đỏ, Giáng hương, Căm xe,
Long não, Bằng lăng...) dưới nhiều hình thức phong phú, đa
dạng.
- Tiếp tục thực hiện các dự án phát
triển rừng trên địa bàn huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, phát triển hệ thống
cây xanh công viên, vườn hoa đô thị, cây xanh đường phố.
Tổng diện tích trồng rừng và diện
tích quy đổi trồng cây lâm nghiệp phân tán, cây do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự trồng, phát triển cây xanh cảnh quan, đường phố là 1613,89
ha với số lượng cây trồng dự kiến 5.000.000 cây.
Trong đó:
+ Cây do tổ chức, gia đình, cá nhân tự
trồng: 2.964.750 cây/364,41 ha.
+ Trồng cây phát triển rừng: 748.750
cây/790,13 ha.
+ Trồng cây phân tán: 1.250.000
cây/421,35 ha.
+ Trồng cây 19/5 nhân ngày sinh nhật
Bác Hồ: 1.500 cây/3ha.
+ Trồng cây đường phố, công viên, vườn
hoa đô thị: 35.000 cây/35 ha.
II. KẾ HOẠCH THỰC
HIỆN
1. Trồng cây của các tổ chức, hộ
gia đình, cá nhân:
- Phát động phong trào toàn dân tham
gia trồng cây xanh, trồng cây gỗ quý (Sao, Dầu, Cẩm lai, Gõ
đỏ, Giáng Hương...). Vận động mỗi hộ gia đình, mỗi đoàn viên thanh
niên, mỗi cán bộ, công nhân trồng ít nhất 01 cây xanh tại nơi công cộng thuộc địa
bàn mình sinh sống, làm việc, mỗi học sinh, sinh viên trồng 1 cây xanh trong
khuôn viên trường học.
- Đơn vị thực hiện: Các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các tổ chức
đoàn thể, lực lượng vũ trang,... tổ chức vận động mỗi thành viên của tổ chức
mình trồng ít nhất 01 cây xanh góp phần tạo cảnh quan môi trường, giáo dục lòng
yêu thiên nhiên, nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của hệ thống
cây xanh trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, điều hòa khí hậu tại Thành
phố, trung tâm công nghiệp, kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước.
- Nguồn vốn đầu tư: tổ chức, cá nhân
tự túc kinh phí thực hiện.
- Số lượng cây trồng dự kiến:
2.964.750 cây.
- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Bằng
Lăng, Giáng Hương...
- Tiến độ thực hiện: Năm 2016:
649.390 cây (tương đương diện tích quy đổi 79,82 ha); Năm 2017: 606.130 cây
(74,50 ha); Năm 2018: 571.830 cây (70,29 ha); Năm 2019: 568.700 cây (69,90 ha);
Năm 2020: 568.700 cây (69,90 ha).
2. Trồng cây phát triển rừng:
a) Trồng rừng phòng hộ tại huyện Bình
Chánh.
- Địa điểm trồng cây: Ấp 3, Xã Lê
Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
- Đơn vị thực hiện: Chi cục Lâm nghiệp.
- Diện tích trồng cây: 82,54 ha.
- Số lượng cây trồng: 67.050 cây.
- Loài cây trồng: Dầu, Sao, Mù u, Bằng
lăng, Gáo, Trâm...
- Tiến độ thực hiện: Năm 2016: 18.310
cây; năm 2017: 24.370 cây; năm 2018: 24.370 cây.
- Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.
b) Dự án mở rộng Vườn thực vật Thành
phố.
- Địa điểm trồng cây: Vườn thực vật Thành
phố, Xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.
- Đơn vị thực hiện: Chi cục Lâm nghiệp.
- Diện tích trồng cây: 120 ha
- Số lượng cây trồng: 66.000 cây.
- Loài cây trồng: Các loài cây sưu tập
vùng miền Đông nam bộ.
- Tiến độ thực hiện: Năm 2017: 16.500
cây; năm 2018: 16.500 cây; năm 2019: 16.500 cây; Năm 2020: 16.500 cây.
- Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.
c) Diện tích rừng phòng hộ còn thiếu
theo quy hoạch theo Quyết định 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Địa điểm trồng cây: huyện Bình
Chánh.
- Đơn vị thực hiện: Ủy ban nhân dân huyện Bình Chánh.
- Diện tích: 437,59 ha.
- Số lượng cây trồng: 240.700 cây.
- Loài cây trồng: Dầu, Sao, Mù u, Bằng
lăng, Gáo, Trâm...
- Tiến độ thực hiện: Năm 2017: 20.700
cây; năm 2018: 55.000 cây; năm 2019: 82.500 cây; năm 2020: 82.500 cây.
- Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.
d) Trồng rừng tại huyện Cần Giờ.
- Địa điểm trồng cây: Trồng rừng trên
đất ngập nước, bãi bồi ven sông rạch tại các tiểu khu
trong rừng phòng hộ Cần Giờ.
- Đơn vị thực hiện: Ban quản lý rừng
phòng hộ Cần Giờ.
- Diện tích: 150 ha.
- Số lượng cây trồng: 375.000 cây.
- Loài cây trồng: Gõ biển, Vẹt,
Cóc...
- Tiến độ thực hiện: năm 2016: 75.000
cây (30 ha); năm 2017: 75.000 cây (30 ha); năm 2018: 75.000 cây (30 ha); năm
2019: 75.000 cây (30 ha); năm 2020: 75.000 cây (30 ha).
- Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.
e) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, phục
hồi rừng tại rừng Cần Giờ.
- Triển khai khoanh nuôi, xúc tiến
tái sinh tự nhiên trên hiện trạng rừng la, Ib, Ic trong rừng phòng hộ Cần Giờ.
- Đơn vị thực hiện: Ban quản lý rừng
phòng hộ Cần Giờ
- Diện tích: 57 ha.
- Tiến độ thực hiện: Năm 2016: 17 ha;
năm 2017: 20 ha; năm 2018: 20 ha.
- Nguồn vốn: ngân sách nhà nước.
3. Trồng
cây phân tán:
- Địa điểm trồng cây: Trên địa bàn
thành phố.
- Đơn vị thực hiện: Chi cục Lâm nghiệp
cung cấp cây giống.
- Số lượng cây trồng: 1.250.000 cây.
- Diện tích quy đổi tương đương:
421,35 ha.
- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Gõ
đỏ, Giáng Hương, Bằng Lăng, Xà cừ...
- Tiến độ thực hiện: Bình quân mỗi
năm trồng 250.000 cây
- Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.
4. Trồng
cây dịp Lễ Tết trồng cây 19/5 do Thành phố tổ chức:
- Địa điểm trồng cây: Trên địa bàn
thành phố.
- Đơn vị thực hiện: Chi cục Lâm nghiệp.
- Số lượng cây trồng: 1.500 cây.
- Diện tích quy đổi tương đương: 3
ha.
- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Gõ
đỏ, Giáng Hương, Bằng Lăng...
- Tiến độ thực hiện: Bình quân mỗi
năm trồng 300 cây
- Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.
5. Phát
triển cây xanh cảnh quan, đường phố:
- Địa điểm trồng cây: Trên địa bàn
Thành phố, theo các dự án xây dựng mới, nâng cấp - mở rộng đường, cầu vượt, nút
giao thông; dự án cải thiện môi trường nước, xây dựng, cải tạo bờ kè ven sông,
kênh, rạch trong đô thị; trồng cây phủ xanh các khu đất dự trữ, dọc theo hành
lang an toàn giao thông và trồng bổ sung
vào vị trí còn trống trên các tuyến đường.
- Đơn vị thực hiện: Sở Giao thông vận
tải.
- Số lượng cây trồng: 35.000 cây.
- Diện tích quy đổi tương đương: 35
ha.
- Loài cây trồng: Sao, Dầu, Gõ
đỏ, Giáng Hương, Bằng Lăng, Xà cừ...
- Tiến độ thực hiện: Bình quân mỗi
năm 7.000 cây.
- Nguồn vốn: Ngân sách nhà nước.
6. Tiếp tục chăm sóc, bảo dưỡng, bảo
vệ cây rừng, cây xanh cảnh quan, đường phố:
Tiếp tục công tác chăm sóc, bảo vệ rừng,
phòng cháy, chữa cháy rừng, duy tu, bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh cảnh quan, đường
phố đã được xây dựng, cải tạo trong thời gian trước đó.
III. ƯỚC KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí ước tính: 479.397 triệu
đồng.
Trong đó:
1. Nguồn vốn do Tổ chức, gia đình, cá
nhân tự bỏ vốn:
- Trồng cây của tổ chức, gia đình, cá
nhân: 160.097 triệu đồng.
2. Nguồn vốn ngân sách nhà nước:
319.300 triệu đồng.
- Trồng cây phát triển rừng: 285.736
triệu đồng.
- Trồng cây phân tán: 13.875 triệu đồng.
- Trồng cây 19/5: Theo dự toán được
phê duyệt. 1.500 triệu đồng.
- Trồng cây Vườn hoa, đường phố: 17.500
triệu đồng.
- Thông tin tuyên truyền, vận động:
689 triệu đồng
IV. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Quản lý Nhà nước:
- Tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiêm
Luật Bảo vệ và phát triển rừng cùng các văn bản liên quan để bảo vệ diện tích rừng
và cây lâm nghiệp, cây xanh, cây trồng ven biển, sông, kênh, rạch.
- Xây dựng quy chế quản lý nhằm phát
huy tinh thần trách nhiệm của chính quyền địa phương, cộng đồng trong công tác
bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh trên vỉa hè, công viên, khu dân cư, khu vực công cộng,
ven sông, kênh, rạch.
2. Thông tin, tuyên truyền, vận động:
- Tổ chức thông tin, tuyên truyền đến
người dân thành phố dưới nhiều hình thức phong phú, xây dựng chuyên đề phát
sóng trên Đài phát thanh, truyền hình, tờ bướm phổ biến đến từng hộ gia đình trên địa bàn thành phố, gắn bảng panô tuyên truyền
tại các công trình trồng cây... nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng
dân cư trong công tác gây trồng, phát triển
bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh.
- Tiếp tục phát động phong trào Tết
trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ hàng năm nhân dịp sinh nhật Bác, trồng cây tại
các xã nông thôn mới, phong trào trồng cây của các tổ chức chính trị - xã hội nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất
nước, trong lực lượng học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, cán bộ, công
chức, viên chức.
3. Giải pháp về quy hoạch:
- Chính quyền địa phương các quận,
huyện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí diện tích thích hợp cho công tác trồng
rừng, quy hoạch đất công viên, vườn hoa, phát triển cây xanh trên địa bàn quản
lý.
- Kiểm tra, quản lý diện tích trồng
cây xanh đảm bảo tuân thủ theo các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu
được duyệt.
- Ủy
ban nhân dân huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi đẩy nhanh quy hoạch diện
tích rừng phòng hộ còn thiếu theo quy hoạch tại Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ
tướng Chính phủ.
4. Giải pháp về phát triển rừng:
- Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
phục vụ việc triển khai trong thực tế các dự án trồng rừng,
phát triển cây xanh theo chủ trương, kế hoạch của Ủy
ban nhân dân Thành phố.
- Tập trung mọi nguồn lực hoàn thành
các dự án trồng rừng, chăm sóc, tu bổ rừng đã được phê duyệt.
5. Định kỳ
tổ chức sơ tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân
có thành tích trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, phát triển cây xanh trên địa bàn thành phố.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Ban Chỉ
đạo trồng rừng, bảo vệ rừng và phát triển cây xanh trên địa bàn Thành phố Hồ
Chí Minh giai đoạn 2011-2020 kịp thời rà soát, kiện toàn theo hướng tinh gọn,
phù hợp thực tế, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả trong công tác tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo việc triển khai thực hiện các Đề án trồng rừng và phát triển cây xanh.
2. Ủy
ban nhân dân các quận, huyện:
- Chỉ đạo các Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các tổ chức đoàn thể
chính trị - xã hội tại địa phương rà soát những khoảng đất trống
tại cơ quan, đơn vị, khu dân cư, hộ gia đình và những cây trồng đã chết trên địa
bàn, tổ chức ngày hội trồng cây, chịu
trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ cây xanh đã trồng trên địa bàn, thiết lập đường
dây nóng để các cá nhân, tổ chức kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương,
các cơ quan chức năng khi phát hiện những hành vi xâm hại đến mảng xanh vỉa hè,
cây xanh đường phố, gửi báo cáo định kỳ hàng năm về Ủy ban nhân dân quận, huyện.
- Phối
hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các đơn
vị có liên quan rà soát, bổ sung quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, xác định,
công khai địa điểm, khu vực phát triển cây xanh, công viên, vườn hoa đô thị.
- Chủ động xây dựng Kế hoạch Trồng rừng
và cây xanh của đơn vị hàng năm, đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã được
ban hành.
- Đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường
giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển
rừng, phát triển cây xanh đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với các Sở, ngành và các quận, huyện có rừng:
- Xây dựng và triển khai các chương
trình, dự án, kế hoạch hàng năm, 5 năm bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ;
phối hợp với địa phương tổ chức phổ biến công khai cho các ngành, các cấp,
doanh nghiệp, hộ sản xuất, nhân dân biết để thực hiện; định kỳ tổng hợp, báo
cáo kết quả thực hiện, tham mưu, đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc.
- Chủ trì phối hợp
đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố ban
hành, điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển các loại rừng, cây trồng lâu năm, góp phần
xây dựng, phát huy hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới của Thành phố.
- Chỉ đạo Chi cục Lâm nghiệp tư vấn,
hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, địa phương về cây giống, kỹ thuật trồng cây,
phương pháp chăm sóc... để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Phối hợp các địa phương, cơ quan, đơn vị, lực
lượng vũ trang thực hiện tốt công tác trồng cây phân tán trên địa bàn. Tập
trung nguồn lực triển khai tốt các dự án trồng rừng, chương trình trồng cây
xanh được giao.
4. Sở Tài
nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các Sở,
ngành liên quan rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc chuyển đổi mục
đích sử dụng đất, dự án quy hoạch khu dân cư và các chương trình sử dụng đất trồng
rừng và cây xanh để điều chỉnh, bổ sung
theo hướng ưu tiên, đảm bảo độ che phủ rừng và cây xanh thành phố.
5. Sở
Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Ủy ban
nhân dân các quận, huyện và Sở, ngành liên quan rà soát hoàn chỉnh quy hoạch đất
cây xanh sử dụng công cộng (công viên, vườn hoa), cây xanh dọc các tuyến đường
giao thông (nội và ngoại thành), chủ trì đề xuất các giải pháp để triển khai thực
hiện các chương trình cải tạo, chỉnh trang và phát triển công viên, cây xanh đường phố, tập trung triển khai thực hiện
các công trình, dự án trồng cây xanh được phê duyệt.
6. Sở Quy
hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp Sở Giao thông vận tải, Sở Tài nguyên và Môi
trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp và Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện rà
soát các dự án khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, đảm bảo tỷ lệ công
viên cây xanh, cây xanh cách ly theo quy định.
7. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài
chính, các Sở, ngành liên quan:
- Nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình Ủy ban nhân dân Thành phố về cơ chế, chính sách
hỗ trợ trong việc đầu tư các chương trình, dự án, quản lý, bảo vệ phát triển
các loại rừng và cây xanh trên địa bàn Thành phố.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố giải quyết, cân đối, bố trí kế hoạch vốn
đầu tư hàng năm để thực hiện phát triển rừng, hệ thống cây xanh Thành phố Hồ
Chí Minh đến năm 2020.
8. Sở Du
lịch chủ trì, phối hợp với các Sở ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiên cứu quy
hoạch, xây dựng các vùng du lịch sinh thái trên địa bàn có rừng và cây xanh.
9. Sở
Giáo dục và Đào tạo: Phát động phong trào học sinh, sinh viên tham gia trồng
cây xanh trong khuôn viên trường học nhân dịp khai giảng năm học mới, kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5...
10. Bộ Tư
lệnh Thành phố và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn phát động phong
trào mỗi cán bộ, chiến sĩ trồng một cây xanh trong doanh trại quân đội.
11. Cán bộ,
công chức, người dân Thành phố:
Trồng rừng và cây xanh, chăm sóc bảo
vệ cây xanh, bảo vệ rừng là trách nhiệm cao quý của chính quyền, nhân dân thành
phố góp phần cải thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển kinh
tế xã hội một cách bền vững.
Mỗi người dân sinh sống, làm việc
trên địa bàn thành phố, cán bộ, công chức, người lao động,
chiến sĩ lực lượng vũ trang, hội viên Hội Nông dân, Hội cựu chiến binh, Hội
liên hiệp phụ nữ thành phố, đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản và thanh niên
thành phố là lực lượng nòng cốt để phát động trồng cây xanh và chăm sóc bảo vệ
cây xanh, đưa nội dung tuyên truyền vào cuộc họp tại Khu phố, Tổ dân phố, hội nghị, thực hiện bản tin, loa truyền thanh, treo băng rôn, khẩu hiệu tại trụ sở làm việc và khu dân cư trọng điểm, phát tài liệu, tờ bướm, tổ chức ngày hội trồng cây xanh trên địa bàn.
12. Thành
đoàn Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các đoàn thể, Sở, ngành tuyên
truyền, vận động đoàn viên, nhân dân tích cực tham gia trồng cây xanh, cải thiện
môi trường cảnh quan, phối hợp chính quyền địa phương chăm sóc, bảo vệ cây trồng
ven sông, kênh, rạch, các tuyến đường giao thông nông thôn.
13. Đài
Truyền hình Thành phố, Đài Phát thanh Thành phố, Báo Sài Gòn Giải Phóng: tuyên
truyền Kế hoạch trồng rừng và cây xanh của
thành phố giai đoạn 2016 - 2020, thông tin kịp thời về các phong trào trồng cây
xanh của thành phố, hình ảnh lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác dịp
19/5, trồng cây dịp khai giảng năm học mới...
14. Các
cơ quan, đơn vị, doanh trại quân đội, trường học và mỗi người dân Thành phố
tích cực tham gia trồng cây xanh, quản lý bảo vệ cây xanh, vận động mọi người
cùng học tập, lao động, sản xuất tích cực tham gia các phong trào trồng cây
xanh, trồng rừng để tăng cường độ che phủ mảng xanh của Thành phố.
15. Căn cứ
Kế hoạch trồng rừng và cây xanh của thành
phố giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, sở, ban ngành và
các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động xây dựng Kế hoạch trồng rừng và cây xanh hàng năm theo lĩnh vực được phân
công, phụ trách để triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc đề nghị các đơn vị báo cáo, đề xuất kịp thời về Ban Chỉ đạo trồng
rừng, bảo vệ rừng và phát triển cây xanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
giai đoạn 2011 - 2020 tổng hợp, báo cáo Ủy
ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết./.