UBND THÀNH
PHỐ HÀ NỘI
LIÊN SỞ: TÀI CHÍNH -
NÔNG NGHIỆP & PTNT
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6375/HD-LS
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 10 năm 2014
|
HƯỚNG
DẪN
VIỆC
ĐIỀU CHỈNH, PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA XÃ; BIỆN PHÁP HUY ĐỘNG,
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN LỰC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ: Số 800/QĐ-TTg
ngày 04/6/2010, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng
nông thôn mới (XDNTM)
giai đoạn 2010-2020; Số 695/QĐ-TTg
ngày 8/6/2012, sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình MTQG
XDNTM giai đoạn 2010-2020; Số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013, bổ sung cơ chế đầu tư thực
hiện Chương trình MTQG XDNTM giai đoạn 2010-2020.
Căn cứ các Thông tư liên tịch của các
Bộ Nông nghiệp & PTNT, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính: số
26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày
13/4/2011 hướng dẫn một số nội dung thực hiện Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày
04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Số 51/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày
02/12/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư Liên tịch số
26/2011/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT-BTC ngày 13/4/2011 và Thông tư số 28/2012/TT-BTC
ngày 24/2/2012 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý vốn đầu tư thuộc nguồn vốn
ngân sách xã, phường, thị trấn
(NSX);
Căn cứ các Quyết định của UBND Thành phố
Hà Nội: Số
55/2010/QĐ-UBND ngày 15/12/2010 ban hành Quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ
chi giữa các cấp ngân sách;
tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách và định mức phân
bổ dự toán chi ngân sách thuộc Thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015; Số 11/2011/QĐ-UBND ngày
2/3/2011 ban hành quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực
KTXH trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2011- 2015; Số 12/2014/QĐ-UBND
ngày 26/2/2014 sửa đổi, bổ sung
một số điều quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực KTXH trên địa
bàn Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 11/2011/QĐ-UBND ngày 2/3/2011.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực
hiện Đề án XDNTM các xã trong năm 2014, năm 2015 và định hướng 2020 theo Kế
hoạch của BCĐ Thành phố; Liên Sở Tài chính - Nông nghiệp & PTNT hướng dẫn
một số nội dung về “Phương pháp điều chỉnh, phê duyệt Đề án; biện
pháp huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực thực hiện Đề án XDNTM” như sau:
A. Điều chỉnh và phê
duyệt Đề án XDNTM của xã.
I. Mục đích, yêu cầu.
1. Ngoài 19 xã điểm, việc điều
chỉnh Đề án XDNTM các
xã còn lại phải mang tính nhất quán, thống nhất về phương pháp, trình tự lập,
thẩm định và phê duyệt điều chỉnh Đề án của xã theo đúng quy định của Trung ương
và Thành phố Hà Nội; đảm bảo chất lượng công tác quyết toán “các dự án,
công trình, nhiệm vụ” hoàn thành
thuộc Đề án XDNTM của
xã và lập “Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện Đề án XDNTM” các xã đã
hoàn thành XDNTM, sau khi được Thành phố quyết định công nhận đạt danh hiệu “xã
nông thôn mới” trên địa bàn Hà Nội,
2. Đề án XDNTM của xã được UBND huyện, thị xã phê duyệt (lần
đầu), tổng mức đầu tư
là khái toán kinh phí (chấp thuận chủ trương đầu tư) cho nhóm các lĩnh vực,
công việc: “Quy hoạch xã nông thôn mới - Phát triển hạ tầng KTXH - Phát triển kinh tế,
phát triển sản xuất
hàng hóa - Phát
triển Văn hóa, xã hội và Môi trường - Hệ thống chính trị xã hội” để hoàn thành
19 tiêu chí XDNTM theo quy định. Tùy theo quy mô, quy trình kỹ thuật (đơn giản
hay phức tạp), UBND huyện, thị xã giao nhiệm vụ chủ đầu tư từng công trình, dự án
(sau đây gọi chung là dự án) cho UBND xã hoặc các phòng, ban chuyên môn thuộc
huyện, thị xã.
3. Quá trình triển khai thực hiện Đề án
XDNTM của xã, đơn vị được giao nhiệm vụ Chủ đầu tư dự án thành phần (thuộc Đề
án) lập hồ sơ “Báo cáo kinh tế kỹ thuật (KTKT) và dự toán” hoặc
“Báo cáo kinh tế kỹ thuật; bản vẽ thiết kế thi công và dự toán” trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt “Quyết định đầu tư”. UBND xã phải lập dự toán chi tiết nội dung các
khoản chi thực hiện các công việc, nhiệm vụ (thuộc Đề án) trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt “Dự toán chi” theo quy định.
4. Các dự án thành phần và dự toán chi
thực hiện các công việc, nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực đã được phê duyệt, khi
tổng hợp vào Đề án thì tổng
mức đầu tư của Đề án sẽ có
biến động “tăng hoặc
giảm”
so với khái toán
ban đầu. Vì vậy, UBND xã cần
phải điều chỉnh, phê duyệt lại tổng mức đầu tư của Đề án để có căn cứ triển khai thực
hiện và tổng hợp báo cáo kết
quả thực hiện Đề án hoàn
thành.
II. Phân loại dự án,
nhiệm vụ thuộc Đề án.
1. Các chương trình, dự
án “Phát triển sản xuất hàng hóa”:
- Dự án phát triển sản xuất nông nghiệp như: Dự
án trồng lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản, gia súc gia cầm tập trung xa
khu dân cư; sản xuất rau an toàn, cây và hoa cảnh có giá trị cao...
- Dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công
trình giao thông, thủy lợi nội đồng: Đường trục chính nội đồng; đào đắp đường
trục chính nội đồng, bờ vùng, bờ thửa và kênh mương nội đồng; trạm bơm, hệ
thống kênh mương, cống (tưới, tiêu); cầu bắc qua kênh mương, bắc qua
đường giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản;
- Dự án phát triển sản xuất và dịch vụ: Xây dựng cơ sở hạ
tầng làng nghề, xây dựng cụm điểm
công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;
xây dựng chợ, trung tâm thương mại dịch vụ và các khu du lịch, dịch vụ tổng hợp... phù hợp quy hoạch
của huyện và của Thành phố;
- Nhiệm vụ chi cho công tác khuyến nông, khuyến
công; bảo vệ vật nuôi, cây trồng; ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển
giao kỹ thuật, công nghệ mới; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khôi phục và phát
triển làng nghề,
nghề truyền
thống; xây dựng dự án phát triển “Mỗi làng nghề một sản phẩm hàng hóa”;
2. Các dự án đầu tư hạ
tầng kinh tế xã hội:
- Dự án xây dựng, nâng cấp đường giao thông
(trục xã) đến trung tâm xã; đường giao thông (liên xã, trục xã, thôn, xóm);
thoát nước thải khu dân cư;
- Dự án cải tạo, xây dựng mới trụ sở xã (nhà
làm việc, hội trường,..);
- Dự án cải tạo, xây dựng mới trường học đạt
chuẩn quốc gia, gồm: Trường mầm non công
lập, trường tiểu học và THCS; trung tâm giáo dục cộng đồng xã;
- Dự án cải tạo, xây dựng trạm y tế xã (phòng
khám, nhà điều trị);
- Dự án cải tạo, xây dựng Nhà văn hóa, trung tâm
thể thao của xã; Nhà văn hóa, công trình thể thao của thôn;
- Dự án cải tạo, xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; xử
lý
chất
thải và nước thải đảm
bảo vệ sinh môi trường nông thôn; các công trình phúc lợi công viên, cây xanh;
hệ thống chiếu sáng công cộng; nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ
của xã, nghĩa trang nhân dân các thôn;
3. Các dự án và nhiệm vụ khác:
- Dự án Quy hoạch xã nông thôn mới, gồm: Quy
hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển SXNN hàng hóa, công
nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; Quy hoạch phát triển hạ tầng KTXH và
môi trường; Quy hoạch phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân
cư hiện có trên địa bàn xã;
- Kinh phí tổ chức bồi dưỡng kiến thức
về XDNTM cho cán bộ xã, cán bộ thôn, cán bộ hợp tác xã và chủ trang
trại;...
III. Phương pháp điều
chỉnh và phê duyệt Đề án của xã.
1. Căn cứ điều chỉnh, bổ
sung Đề án:
- Căn cứ tổng mức đầu tư Đề án XDNTM
chung của toàn huyện, thị xã được HĐND huyện, thị xã thông qua, UBND thành phố
phê duyệt và tổng hợp tổng mức đầu tư của Đề án các xã
trên địa bàn đã được UBND huyện, thị xã phê duyệt;
- Căn cứ tình hình KTXH và điều kiện, khả năng
huy động nguồn lực tại địa phương (huyện, xã) và thực tế kết quả triển khai
thực hiện Đề án của các xã, sau khi các dự án thành phần hoàn thành thủ tục đầu
tư (đã có quyết định đầu tư) và các công việc, nhiệm vụ đã được duyệt “Dự toán
chi”; UBND huyện,
thị xã chủ động điều chỉnh, bổ sung và phê duyệt Đề án XDNTM các xã còn lại trên địa bàn.
2. Nguyên tắc điều
chỉnh, bổ sung Đề án của xã:
a. Phần kinh phí thuộc trách nhiệm của NSNN các cấp
(ngân sách cấp thành phố, ngân sách
huyện, thị xã) bố trí vốn hỗ trợ trực tiếp, vốn lồng ghép từ các chương trình MTQG,
mục tiêu nhiệm vụ thành phố, sau khi điều chỉnh đề án không vượt quá tỷ lệ quy định tại Quyết
định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ (vốn trực tiếp khoảng
17%, vốn từ các chương trình MTQG và chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu
khoảng 23%);
b. Về cơ cấu nguồn vốn: Căn cứ cơ cấu nguồn vốn phân
bổ theo Đề án của thành
phố (Quyết định số 2333/QĐ-UBND ngày 25/5/2010) và quy định tại Quyết định số
800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Chính phủ; vốn đầu tư thực hiện Đề án của xã
phân kỳ huy động, phân bổ theo từng giai đoạn, cụ thể như sau:
- Nguồn vốn NSNN dự tính khoảng 60%, gồm: vốn
hỗ trợ trực tiếp khoảng 17%, vốn lồng ghép từ các Chương trình MTQG, mục tiêu
nhiệm vụ của Thành phố khoảng 23%. Vốn tín dụng có nguồn gốc từ NSNN (bao gồm tín
dụng đầu tư phát triển và tín dụng
thương mại) khoảng 20%;
- Nguồn vốn ngoài NSNN, bao gồm: Vốn doanh nghiệp,
hợp tác xã và
các loại hình kinh tế khác khoảng 20%; vốn đóng góp tự nguyện của nhân dân
khoảng 10%; vốn huy động từ cộng đồng, các nguồn khác (vốn xã hội hóa) khoảng
10%;
c. Phần kinh phí của đề án tăng thêm
(nếu có), được điều chỉnh, sắp xếp bố trí từ ngân sách huyện, ngân sách xã và
các nguồn huy động ngoài NSNN.
d. Đề án của xã sau khi điều chỉnh được UBND huyện,
thị xã phê duyệt là căn cứ tổ chức triển khai thực hiện; UBND xã lập kế
hoạch, giải pháp huy động các nguồn lực tài chính để bố trí kế hoạch vốn cho
các dự án thành phần và thực hiện giải ngân thanh toán, tổng hợp kết quả
thực hiện Đề án sau khi
hoàn thành.
3. Quy trình điều chỉnh,
bổ sung và phê duyệt Đề án của xã:
a. Ban chỉ đạo XDNTM xã đánh giá kết quả
triển khai thực hiện Đề án của xã
theo 19 tiêu chí; rà soát các dự án thành phần (thuộc nhóm các lĩnh vực) đã có
quyết định đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để so sánh mức vốn đầu tư
thực tế với mức vốn
khái toán khi lập Đề án; xác định
các dự án thành phần, nội dung nhiệm vụ chi cần điều chỉnh (mức vốn tăng, giảm
theo khối lượng đầu tư, suất
đầu tư; bổ sung hay cắt giảm các dự án trong Đề án; dự kiến điều
chỉnh phân bổ lại cơ cấu
nguồn vốn của Đề án...) để
đảm bảo sau khi điều chỉnh các dự án thành phần của Đề án, 19 tiêu
chí thuộc các lĩnh vực đều đạt chuẩn nông thôn mới.
b. Ban chỉ đạo XDNTM xã lấy ý kiến của
Ban phát triển các thôn về các nội dung dự kiến điều chỉnh, bổ sung Đề án của xã;
trong đó cần lưu ý về điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn của từng công trình, dự án thành
phần và công việc cụ thể, đảm bảo theo đúng quy định về phân cấp quản lý dự án
đầu tư, phân cấp nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của huyện hoặc xã theo quy định
của Thành phố.
c. Sau khi tiếp thu chỉnh sửa theo ý kiến
của Ban phát triển các thôn về nội dung
điều chỉnh, bổ sung Đề án; Ban chỉ
đạo XDNTM xã hoàn thiện Tờ trình báo cáo UBND xã (kèm theo biểu số 03 đính kèm), gửi Phòng Kinh tế
chủ trì phối hợp phòng TCKH
và các phòng, ban có liên quan để thẩm định, thống nhất nội dung điều chỉnh
(tăng hoặc giảm) trong Đề án của xã;
d. Căn cứ kết quả thẩm định của tổ công
tác giúp việc Hội đồng thẩm định huyện, thị xã UBND xã tiếp thu hoàn
chỉnh hồ sơ điều chỉnh Đề án gửi về
Phòng Kinh tế chủ trì phối hợp phòng TCKH trình Hội đồng thẩm định huyện, thị xã phê
duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án XDNTM từng xã.
đ. Hội đồng thẩm định huyện, thị xã
tiến hành rà soát, kiểm tra từng tiêu chí, từng dự án thành phần liên quan đến
nội dung đề nghị điều chỉnh: Sự tăng hoặc giảm mức vốn đầu tư từng dự án thành
phần do tăng (giảm) khối lượng đầu tư, suất đầu tư; cắt giảm dự án, nhiệm vụ
chi trong Đề án hoặc bổ
sung dự án thành phần, công việc (ngoài đề án đã duyệt đầu năm); cân nhắc điều
chỉnh cơ cấu các nguồn vốn,... đảm bảo phù hợp với thực tế và điều kiện nguồn lực của địa
phương.
e. Trên cơ sở Tờ trình của UBND xã, báo
cáo kết quả thẩm định của
Hội đồng thẩm định huyện, thị xã và Tờ trình của liên phòng: Kinh tế - TCKH, UBND huyện,
thị xã ra Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án XDNTM của xã làm căn cứ để các xã tổ chức triển khai thực
hiện.
g. Quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ
sung Đề án XDNTM các
xã gửi về Sở Nông nghiệp & PTNT (Chi cục PTNT), Sở Tài chính và Sở Kế hoạch
& Đầu tư (mỗi Sở 01 Quyết định và Đề án điều chỉnh) để tổng hợp báo cáo
Thành phố và theo dõi
chỉ đạo thực hiện.
B. Giải pháp huy
động, phân bổ sử dụng nguồn vốn thực hiện Đề án.
I. Nguyên tắc hỗ trợ
vốn thực hiện Đề án.
1. Ngân sách thành phố, huyện, thị xã chỉ
tập trung hỗ trợ công việc hộ nông dân, tổ chức, doanh nghiệp không có điều
kiện thực hiện như: Sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sơ chế và chế
biến nông sản; giết mổ gia súc gia cầm; ứng dụng dụng khoa học kỹ thuật vào sản
xuất; hoàn chỉnh quy hoạch, vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất
lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
2. Nguồn vốn của ngân sách Thành phố chỉ
mang tính hỗ trợ, còn lại chủ yếu do người dân tự bỏ vốn đầu tư và huy động các nguồn vốn
ngoài NSNN đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn.
3. Mức hỗ trợ phải phù hợp với khả năng
cân đối ngân sách (thành phố;
huyện, thị xã) và điều kiện thực tế từng
địa phương. Việc hỗ trợ phải khuyến khích mọi thành phần kinh tế huy động tối
đa các nguồn nội lực của địa phương; phát huy vai trò, trách nhiệm của người
dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng quê hương đạt chuẩn nông thôn
mới.
4. Nội
dung hỗ trợ từ NSNN cho các công trình, dự án và nhiệm vụ chi phải đảm bảo thực
hiện đúng quy định về quản lý tài chính của Nhà nước; dễ thực hiện, đơn giản về
thủ
tục hành chính. Phân cấp rõ ràng nguồn vốn hỗ trợ, trách nhiệm quản lý giữa các
ngành, các cấp từ thành phố đến huyện, thị xã và các xã.
5. Các dự án được hỗ trợ vốn từ NSNN phải
thực hiện nghiêm túc quy định về điều kiện và nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn
theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn
số 10483/UBND-KH&ĐT
ngày 02/12/2011; Số
6638/UBND-NNNT ngày 5/9/2014 của UBND Thành phố Hà Nội. Các dự án, nhiệm vụ
(thuộc Đề án) chỉ được triển khai
thi công xây dựng và thực hiện, sau khi đã được bố trí giao vốn theo kế hoạch
được duyệt.
II. Phân bổ sử dụng
nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
1. Ngân sách cấp Thành
phố
(bao gồm NSTW):
a. Ưu tiên hỗ trợ trực tiếp cho công tác
quy hoạch xã nông thôn mới; lập Đề án XDNTM của xã; kinh phí hoạt động Ban chỉ
đạo các cấp và bồi dưỡng kiến thức về XDNTM cho cán bộ xã, thôn, cán bộ hợp tác xã, chủ
trang trại. Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, phát
triển sản xuất và dịch vụ;
b. Hỗ trợ thực hiện chính sách khuyến
khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn (theo
quy định tại Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND Thành phố Hà
Nội), bao gồm: Khuyến khích thực hiện dồn điền, đổi thửa; đầu tư sản xuất giống
cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây
dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; cơ sở giết mổ gia súc, gia
cầm tập trung; đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp và kiên cố hóa đường giao
thông thôn, xóm đạt chuẩn nông thôn mới;
c. Hỗ trợ thực hiện chính sách ưu đãi,
khuyến khích đầu tư và quản lý, khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn
(Quyết định số 131/2009/QĐ-TTg ngày 02/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ); chính
sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số
210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ) và các văn bản quy định hiện hành
của Nhà nước, của Thành phố;
d. Hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu: Đường giao thông
(trục chính) đến trung tâm xã; trụ sở làm việc của xã; trường học (mầm non,
tiểu học, trung học cơ sở) công lập và trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia theo
tiêu chí nông thôn mới.
2. Ngân sách huyện,
thị xã:
a. Ngân sách huyện, thị xã đảm bảo bố trí
đủ vốn đối ứng cho các dự án được ngân sách Thành phố hỗ trợ (dự án thuộc trách
nhiệm của huyện, thị xã);
b. Đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án:
Xây dựng Đường giao thông liên xã, liên thôn; hạ tầng cơ sở (ngoài hàng rào)
Làng nghề; cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; khu sản xuất (trồng trọt,
chăn nuôi) tập trung xa khu dân cư. Xây dựng Nhà văn hóa, trung tâm thể thao
xã; trung tâm giáo dục cộng đồng xã; công trình phụ trợ các trường học do
huyện, thị xã quản lý; dự án xử lý chất thải; công trình phúc lợi: Công viên, cây xanh;
chiếu sáng công cộng; thoát nước thải khu dân cư; nghĩa trang Liệt sỹ (theo
phân cấp của Thành phố);
c. Hỗ trợ xã thực hiện các dự án: Đường
giao thông thôn, xóm; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; xây dựng Nhà văn
hóa, khu thể
thao thôn; hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất và dịch vụ; bố trí vốn cho dự
án không nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia thể hiện trong Đề án của xã
được UBND huyện, thị xã phê duyệt.
3. Ngân sách xã:
a. Sử dụng nguồn thu ngân sách xã được
hưởng (theo phân cấp) để đảm bảo bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án được ngân
sách Thành phố, ngân sách huyện, thị xã hỗ trợ (nêu trên).
b. Đảm bảo nguồn vốn thực hiện các dự án:
Đường giao thông nông thôn
(trục thôn; đường làng, ngõ, xóm); đường trục chính nội đồng, đường nội đồng;
đào đắp kênh mương, công trình thủy lợi; cầu, cống và hệ thống thoát nước thải
khu dân cư; nghĩa trang nhân dân (theo phân cấp của Thành phố);
c. Hỗ trợ các chương trình, dự án, nhiệm
vụ khác trong Đề án của xã;
III. Phân bổ sử dụng
nguồn vốn ngoài NSNN.
1. Sử dụng vốn doanh
nghiệp, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân: Các tổ chức, hộ gia
đình và cá nhân tham gia đầu tư thực hiện các công trình, dự án “Có khả năng thu
hồi vốn trực tiếp” thuộc các
lĩnh vực sau:
a. Văn hóa xã hội: Xây dựng Nhà văn hóa, công
trình thể thao; khu du lịch sinh thái; công viên, khu vui chơi giải trí văn
hóa, trung tâm thể thao;...
b. Các dự án, công trình điện phục vụ sản
xuất, sinh hoạt; trạm bưu điện xã; chợ, trung tâm thương mại, dịch vụ; công
trình cấp nước sạch theo quy hoạch cấp nước khu vực nông thôn;
c. Cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản
phẩm nông lâm nghiệp; sản xuất hàng hóa tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã;
sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả, hoa và cây cảnh có giá trị cao; dự án
chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung (xa khu dân cư); dự án phát triển “Mỗi
làng nghề một sản phẩm hàng hóa”;...
2. Sử dụng vốn đóng góp
tự nguyện của nhân dân:
a. Xây dựng đường làng, ngõ, xóm; cải
tạo, nâng cấp đường trục thôn; cầu, cống và hệ thống rãnh thoát nước trong khu
dân cư;
b. Xây dựng đường giao thông (trục chính)
nội đồng, đường nội đồng; đào đắp bờ vùng, bờ thửa, kênh mương (tưới, tiêu) nội đồng; các
công trình thủy lợi; cầu,
cống, phai đập;
c. Tham gia phá dỡ công trình cũ, san lấp
giải phóng mặt bằng.
3. Sử dụng vốn huy động
từ cộng đồng và nguồn vốn khác:
a. Vốn huy động từ cộng đồng và các nguồn
vốn hợp pháp khác
với phương châm “Nhà nước và nhân dân”, cùng thực hiện “dự án, chương trình, nhiệm
vụ”: Đào tạo nguồn nhân lực; chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm;
khôi phục và phát triển nghề truyền thống; chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản
xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa; phát triển thị trường; dịch vụ tư
vấn; áp dụng khoa học công nghệ; phát triển sản xuất và dịch vụ...
b. Các tổ chức, hộ gia đình trên
địa bàn xã tự đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà ở, công trình phụ: Công trình vệ sinh;
cấp nước sạch, thoát nước thải;
chuồng trại chăn nuôi; xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chỉnh trang
đất vườn, trang trại;
c. Vốn do tổ chức và nhân dân tự bỏ vốn,
góp vốn cùng nhà nước, doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án xử lý nước thải,
rác thải, duy trì vệ sinh môi trường; xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh
(ngoài công lập); hỗ trợ xóa nhà dột nát, nhà ở hộ nghèo, xuống cấp nghiêm
trọng...
C. Quản lý và sử dụng
các nguồn lực thực hiện Đề án.
I. Về nguyên tắc: Mọi nguồn
lực huy động thực hiện đề án XDNTM của xã đều phải tập trung phản ánh (hạch toán thu,
chi) đầy đủ vào ngân sách xã, thông qua tài khoản tiền gửi vốn đầu tư thực hiện
đề án của xã tại Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã theo quy định của Luật NSNN,
hướng dẫn của Bộ Tài chính;
II. Quản lý, sử dụng
nguồn vốn hỗ trợ từ NSNN.
1. Căn cứ Quyết định của UBND Thành phố
bổ sung có mục tiêu cho huyện, thị xã; Phòng TC-KH rút dự toán theo quy định và
hạch toán thu ngân sách huyện, thị xã theo mục lục NSNN; đồng thời căn cứ vào
Tờ trình đăng ký nhu cầu vốn của xã (hoặc đơn vị được giao làm chủ đầu tư) kèm
theo “Quyết định đầu tư” các dự án hoặc “Dự toán chi” thực hiện nhiệm vụ, công
việc được giao; phòng TCKH thẩm định, lập Tờ trình UBND huyện,
thị xã quyết định phân bổ vốn cho dự án, nhiệm vụ (chi tiết từng xã hoặc đơn vị
làm chủ đầu tư). Sau khi có quyết định, thông báo kịp thời số bổ sung
có mục tiêu từ ngân sách huyện, thị xã hỗ trợ các xã (chi tiết từng dự án,
nhiệm vụ chi) hoặc Thông báo kế hoạch vốn từng dự án, công trình cho đơn vị
chủ đầu tư thực hiện;
2. Căn cứ Quyết định của UBND huyện,
thị xã bổ sung có mục tiêu cho ngân sách xã (gồm nguồn ngân sách thành phố và
huyện, thị xã) để thực hiện các dự án, nhiệm vụ (thuộc Đề án của xã);
Kế toán NSX làm
thủ tục rút dự toán theo quy định và hạch toán thu NSX khoản thu bổ sung mục
tiêu từ ngân sách cấp trên; đồng thời ban hành quyết định phân bổ giao kế hoạch
vốn cho từng dự án hoặc nhiệm vụ chi; Thông báo kế hoạch vốn chi từ NSX cho dự
án (do xã làm chủ đầu tư) gửi KBNN huyện, thị xã làm căn cứ thanh toán, kiểm
soát chi theo quy định.
3. Nguồn vốn ngân sách Thành
phố và huyện, thị xã chỉ được sử dụng hỗ trợ đầu tư các dự
án, nhiệm vụ (thuộc Đề án đã có
quyết định đầu tư) theo phân cấp quản lý đầu tư, phân cấp ngân sách và chế độ, định mức
chi theo quy định, hướng dẫn hiện hành của Thành phố.
III. Quản lý, sử dụng
nguồn vốn ngoài NSNN.
Trình tự quản lý, hạch toán các nguồn
lực huy động ngoài ngân sách tổng hợp vào ngân sách xã (Sở Tài chính đã
có hướng dẫn tại Công văn số 4791/STC-NSQH ngày 12/10/20120) nay bổ sung, sửa
đổi một số nội dung sau:
1. Trường hợp ủng hộ,
đóng góp bằng tiền:
Căn cứ phương án, kế hoạch
huy động vốn thực hiện Đề án (phần vốn
ngoài NSNN), Ban quản lý XDNTM xã lập danh sách các đơn vị, tổ chức và cá nhân
đã ủng hộ, đóng góp bằng tiền; báo cáo UBND xã tổ chức tiếp nhận vốn, chỉ đạo kế toán
NSX làm thủ tục nộp tiền vào tài khoản NSX và ban hành quyết định phân bổ vốn
cho từng công trình, dự án hoặc nhiệm vụ chi trong Đề án (như mục
đích ủng hộ, đóng góp của đơn vị, tổ chức và cá nhân); trình tự thực hiện như
sau:
- Trưởng thôn lập danh sách các tổ chức, hộ
gia đình và cá nhân đã đóng góp bằng tiền (theo mẫu số 01/HD-STC đính kèm): Ghi rõ họ
và tên cá nhân hoặc đơn vị, địa chỉ, số tiền đã ủng hộ, đóng góp; nội dung đóng
góp (tên dự án, công trình hoặc nhiệm vụ chi thuộc Đề án) và ký
tên; đồng thời viết Biên lai thu tiền NSX cấp cho đơn vị, cá nhân người nộp tiền;
- Định kỳ, Kế toán NSX lập Giấy nộp tiền (bằng
tiền mặt), phối hợp với Trưởng thôn
nộp tiền vào tài khoản thu NSX tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) huyện, thị xã; đồng
thời trình UBND
xã quyết định phân bổ số tiền các thôn đã huy động cho dự án do thôn tự làm
hoặc xã làm chủ đầu tư; làm thủ tục rút vốn tại KBNN huyện, thị xã theo đề nghị
của chủ đầu tư (Ban quản lý XDNTM xã) hoặc Trưởng Tiểu ban phát triển thôn
(Trưởng thôn) để thực hiện giải ngân thanh toán vốn đầu tư cho dự án (đã có
khối lượng nghiệm thu hoàn thành). Trường hợp số tiền ủng hộ, đóng góp để thực hiện công
việc, nhiệm vụ chi (thuộc Đề án); UBND xã quyết định bổ sung dự toán cho đơn vị, bộ phận
hoặc thôn thực hiện nhiệm vụ đó;
- Trường hợp số tiền ủng hộ, đóng góp không ghi tên dự
án, công trình cụ thể, kế toán NSX lập phương án phân bổ giao vốn thực hiện dự
án, nhiệm vụ chi có trong Đề án XDNTM của xã trình Chủ tịch UBND xã phê
duyệt; ưu tiên các nhiệm vụ, dự án sử dụng ít kinh phí và hỗ trợ các dự án,
công trình do dân tự làm (của thôn huy động được nguồn vốn bằng tiền);
2. Trường hợp đóng góp
bằng hiện vật:
Các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và
nhân dân tài trợ,
ủng hộ xã để thực hiện Đề án bằng việc
hiến đất (làm đường giao thông thôn, xóm; giao thông thủy lợi nội đồng);
xây dựng công trình hạ tầng của thôn hoặc xã; ủng hộ bằng vật tư,
trang thiết bị hoặc tài sản cố định; trình tự thực hiện như sau:
- Trưởng thôn lập danh sách các tổ chức, hộ gia
đình và cá nhân (theo biểu số 02/HD-STC đính kèm) đã đóng góp
bằng hình thức hiến đất để xây dựng công trình hoặc tài trợ, ủng hộ bằng tài
sản, trang thiết bị, vật tư (nguyên vật liệu xây dựng): Ghi rõ họ và tên cá
nhân hoặc đơn vị, hộ gia đình; địa chỉ, số diện tích đất hoặc tài
sản, thiết bị, vật tư đã ủng hộ, đóng góp; nội dung đóng góp (Tên dự án hoặc đơn
vị tiếp nhận tài sản, thiết bị) và ký tên xác nhận bàn giao đất, tài sản...
- UBND xã thành lập “Hội đồng định giá Tài
sản” là đất đai, vật tư, trang thiết bị để thống nhất lập “Biên bản xác
định giá trị Tài sản” đã ủng hộ, đóng góp theo “giá thị trường tại địa phương” tại thời điểm bàn giao,
tiếp nhận đất đai hoặc tài sản, trang thiết bị và vật tư; nếu là công trình
tính theo giá trị quyết toán được duyệt;
- Căn cứ vào “Biên bản xác định giá trị Tài
sản” Kế toán NSX
lập: Biên bản giao nhận tài sản, thiết bị giao cho đơn vị sử dụng; Phiếu nhập,
xuất vật tư cho đơn vị thi công công trình; Biên bản bàn giao đất cho chủ đầu
tư dự án, công trình;
- Căn cứ vào Biên bản bàn giao, phiếu nhập và
xuất kho vật tư, kế toán lập Bảng kê tổng hợp số lượng, giá trị diện tích đất hoặc tài
sản vật tư; đồng thời làm thủ tục
(lập Lệnh thu - Lệnh chi) để hạch toán ghi thu, ghi chi vào NSX giá
trị đất, tài sản, vật tư, trang thiết bị đã huy động ủng hộ, tài trợ, đóng góp
của các đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cho từng dự án, công trình.
3. Đối với khoản ủng
hộ, đóng góp bằng ngày công lao động:
Trường hợp các hộ dân tham gia
lao động trực tiếp đào đắp bờ vùng, bờ thửa; làm đường giao thông thôn, xóm; đường giao thông,
thủy lợi nội đồng; trình tự thực hiện như sau:
- Trưởng thôn lập danh sách các tổ chức, hộ gia
đình và cá nhân (theo biểu số 03/HD-STC
đính kèm) đã đóng góp
bằng ngày công tham gia lao động trực tiếp thi công xây dựng công trình: Ghi rõ nội
dung đóng góp (cho dự án, công trình) do cá nhân (họ và tên) hoặc đơn vị, hộ
gia đình; địa chỉ, số ngày công thực tế đã tham gia lao động trực tiếp và ký
tên...
- Kế toán NSX căn cứ vào số lượng ngày
công tham gia lao động thực tế cho dự án, công trình để lập “Biên bản bản xác định giá
trị ngày công'’ với đơn vị thi
công xây dựng công trình; đồng thời làm thủ tục (lập Lệnh thu - Lệnh chi) để hạch toán ghi
thu, ghi chi vào NSX giá trị ngày công đã
huy động ủng hộ, đóng góp của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân cho từng dự án,
công trình.
4. Các khoản tài trợ, ủng
hộ khác:
Trường hợp các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân ủng hộ, tài trợ bằng hình
thức nhận đầu tư toàn bộ hoặc hỗ trợ một phần kinh phí thực hiện dự án; ủng hộ
xã phần chi phí “Lập báo cáo KTKT; thiết kế thi công và dự
toán công trình”; hoặc thực
hiện các “công việc, nhiệm vụ” trong Đề án của xã. UBND xã
cần xác định rõ khoản đóng góp, ủng hộ hoặc được nhận tài trợ của các
đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vào việc gì? Công trình, dự án nào?; Kế toán NSX
thực hiện ghi thu, ghi chi vào NSX (theo hồ sơ quyết toán hoàn thành công việc) cho dự
án, công việc đó theo quy định về quản lý đầu tư XDCB và chế độ, chính sách
hiện hành của Nhà nước; trình tự thực hiện như sau:
- UBND xã căn cứ vào “Quyết định phê duyệt
quyết toán dự án hoàn thành” lập Biên bản giao nhận tài sản (công trình bàn
giao đưa vào sử dụng) giữa đơn vị, cá nhân tài trợ, ủng hộ và đơn vị tiếp nhận
tài sản. Trường hợp ủng hộ chi
phí lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, căn cứ Biên bản cam kết của đơn vị, cá nhân nhận
ủng hộ xã và mức chi phí được duyệt. Nếu thực hiện công việc, nhiệm vụ trong Đề án,
căn cứ vào dự toán chi và quyết toán chi thực tế khi thực hiện nhiệm vụ, công
việc đó;
- Kế toán NSX căn cứ vào “Biên bản giao nhận tài
sản”; “chi phí thiết kế được duyệt” hoặc “quyết toán kinh phí thực hiện công
việc, nhiệm vụ” làm thủ tục (lập Lệnh thu - Lệnh chi) để hạch toán ghi thu, ghi
chi vào NSX giá trị tài sản, số kinh phí của các đơn vị, cá nhân đã tài trợ,
ủng hộ xã.
5. Đối với dự án,
nhiệm vụ thực hiện theo Quyết định 16/QĐ-UBND: Các dự án, nhiệm vụ
được ngân sách cấp trên (thành
phố; huyện, thị xã) hỗ trợ theo Điều 4 và Điều 9 Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày
6/7/2012. Quy trình thực hiện đầu tư và quyết toán dự án hoàn thành thực hiện
như sau:
a. UBND xã lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật
(KTKT), nội dung gồm: Tên công trình, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, quy
mô kỹ thuật công trình, thời gian thi công, thời gian hoàn thành, nguồn vốn đầu tư và cơ chế
huy động vốn đầu tư, kèm theo dự toán và bản vẽ thiết kế thi công xây dựng và tổng hợp danh mục dự
án, công trình gửi phòng Kinh tế hoặc phòng Quản lý đô thị thẩm định. Đối với
công trình có quy mô giá trị từ 3 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng hoặc có yêu cầu kỹ
thuật cao phải lập “Báo cáo kinh tế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công
và dự toán”.
b. Quá trình chuẩn bị đầu tư (lập báo cáo
KTKT, thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán) các dự án, chủ đầu tư hoặc đơn vị
tư vấn phải lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư về: Các nội dung của báo
cáo đầu tư thực hiện dự án; cơ chế huy động vốn và hình thức vận động các đơn
vị, tổ chức và cá nhân đóng góp (bằng tiền, hiến đất, vật tư, nhân
công) để thực hiện dự án. Báo cáo KTKT và dự toán trình UBND huyện
(hoặc xã) phê duyệt quyết định đầu tư dự án (theo phân cấp của thành phố).
c. Căn cứ quyết định đầu tư; thiết kế kỹ
thuật, bản vẽ thi công, dự toán công trình được duyệt; UBND xã tổng hợp toàn bộ
phần chi phí mua vật tư (trong khoản mục chi phí xây dựng) từng dự án kèm theo
tờ trình gửi
phòng TCKH thẩm tra xác
định phần chi phí vật tư được ngân sách cấp trên hỗ trợ theo định mức quy định.
d. Căn cứ vào số tiền được bổ sung từ
ngân sách Thành phố (hoặc ứng trước dự toán ngân sách Thành phố) cho ngân sách
huyện, thị xã; phòng TC-KH trình UBND huyện, thị xã ra quyết định bổ sung có mục
tiêu cho ngân sách từng xã để thực hiện các dự án, nhiệm vụ (thuộc Đề án); UBND xã
chủ động quyết định phân bổ giao vốn cho từng dự án, nhiệm vụ chi và thực hiện
thanh toán, quyết toán kinh
phí hỗ trợ theo quy định của Luật NSNN;
e. Chủ đầu tư lập hồ sơ quyết toán dự án
gửi phòng TC-KH thẩm tra và Thông báo kết quả thẩm tra làm căn cứ để UBND xã phê
duyệt quyết toán dự án hoàn thành (đối với dự án do xã làm chủ đầu tư); hoặc
lập tờ trình UBND huyện, thị xã phê duyệt quyết toán (đối với dự án do huyện,
thị xã làm chủ đầu tư).
g. Căn cứ nội dung quyết toán dự án
hoàn thành được duyệt, UBND xã tổng hợp phần
quyết toán chi phí mua vật tư
từng dự án kèm theo tờ trình gửi phòng TC-KH xem xét trình. UBND huyện,
thị xã quyết định điều chỉnh hoặc bổ sung kinh phí (phần ngân sách cấp trên) hỗ
trợ thực hiện dự án của xã theo quy định.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn
về phương pháp điều
chỉnh, phê duyệt Đề án; biện
pháp huy động, quản lý và sử dụng nguồn lực thực hiện Đề án XDNTM của
xã.
Quá trình tổ chức thực hiện nếu có
vướng mắc, đề nghị các huyện, thị xã phản ánh về Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp
& PTNT để kịp thời hướng dẫn bổ sung. Hướng
dẫn này thay thế Hướng dẫn số 43/HD-TTBCĐ ngày 2/6/2014 của Sở Nông nghiệp và
PTNT Hà Nội./.
SỞ NÔNG NGHIỆP
& PTNT
GIÁM ĐỐC
Chu
Phú Mỹ
|
SỞ TÀI CHÍNH
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC
Nguyễn Duy Phong
|
Nơi nhận:
-
BCĐ CTr02-CTr/TU (để b/c)
- UBND Thành phố; (để b/c)
- Sở: KH&ĐT, KBNN TP (để p/h);
- UBND các huyện, thị xã.
- Lưu: VT, STC, NN&PTNT.