ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT
NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1240/QĐ-UBND
|
Quảng Bình, ngày 13 tháng 4 năm
2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI ỨNG PHÓ THIÊN TAI, THẢM HỌA
TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Phòng chống thiên tai ngày
19/6/2013;
Căn cứ Luật Hoạt động Chữ thập đỏ ngày
03/6/2008;
Căn cứ Nghị định 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014
của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng
chống thiên tai;
Căn cứ Nghị định số 03/2011/NĐ-CP ngày
07/01/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hoạt động
Chữ thập đỏ;
Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-UBND ngày
15/02/2017 của UBND tỉnh về việc kiện toàn đổi tên Đội ứng phó thiên tai, thảm
họa tỉnh Quảng Bình;
Theo đề nghị của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ
huy PCTT và TKCN tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động Đội ứng
phó thiên tai, thảm họa tỉnh Quảng Bình (Có Quy chế kèm theo).
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Văn phòng Thường trực
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, các thành viên Đội
ứng phó thiên tai thảm họa tỉnh Quảng Bình và các tổ chức, cá nhân có liên quan
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Ngân
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI ỨNG
PHÓ THIÊN TAI, THẢM HỌA TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1240/QĐ-UBND ngày 13 tháng 4 năm 2017 của
UBND tỉnh Quảng Bình)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về nhiệm vụ, tổ chức,
nhân sự; quy trình thành lập; quản lý, điều phối hoạt động; quản lý tài chính,
tài sản của Đội ứng phó thiên tai, thảm họa tỉnh Quảng Bình (sau đây viết tắt
là Đội PDRT);
2. Quy chế này áp dụng đối với Đội trưởng, Phó Đội
trưởng và các thành viên thuộc Đội PDRT và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều 2. Nguyên tắc
tổ chức và hoạt động của Đội PDRT
1. Đội ứng phó thiên tai, thảm họa do Ủy ban
nhân dân tỉnh thành lập và giao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh trực tiếp quản lý, chỉ
đạo; đảm bảo hoạt động kịp thời, chuyên nghiệp trên cơ sở tuân thủ Luật Hoạt động
Chữ thập đỏ, Điều lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các nguyên tắc cơ bản của Phong
trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các quy định của Ban Chỉ huy
PCTT và TKCN tỉnh và các quy định tại Quy chế này.
2. Cán bộ, hội viên, tình nguyện viên của Hội Chữ
thập đỏ, các thành viên đại diện cho các ngành, đơn vị liên quan và đại diện
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện tham gia hoạt động của Đội với tinh thần tự
nguyện, cần đáp ứng các yêu cầu cơ bản về sức khỏe, kỹ năng nghiệp vụ và các
yêu cầu liên quan khác.
3. Đội ứng phó thiên tai, thảm họa tạo nguồn đảm
bảo cho các hoạt động từ sự ủng hộ của các chương trình dự án, các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội
Chữ thập đỏ Việt Nam và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Chương II
TỔ CHỨC, TIÊU CHUẨN, NHIỆM
VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ĐỘI VÀ CÁC THÀNH VIÊN
Điều 3. Tổ chức
Đội PDRT do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, gồm:
1. Đội trưởng: Đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ
tỉnh;
2. Phó Đội trưởng: Đại diện Văn phòng Ban Chỉ
huy PCTT và TKCN.
3. Thành viên: Đại diện lãnh đạo, cán bộ các đơn
vị: Ủy ban MTTQVN tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội
Biên phòng tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ cấp huyện, Chi cục Thủy
lợi, Ban Chỉ huy PCTT các huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, Minh Hóa, Bố Trạch.
Điều 4. Tiêu chuẩn thành
viên Đội PDRT
1. Có kinh nghiệm thực tiễn về công tác phòng ngừa,
ứng phó thiên tai, thảm họa, chăm sóc sức khỏe, hậu cần.
2. Độ tuổi từ 18 đến 55 (đối với nam), từ 18 đến
50 tuổi (đối với nữ), ưu tiên độ tuổi từ 27 – 50, có đủ sức khỏe và điều kiện
tham gia hoạt động của Đội.
3. Tôn trọng và tuân thủ Điều lệ Hội Chữ thập đỏ
Việt Nam, 7 nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ
quốc tế.
4. Tôn trọng sự phân công, điều hành của Đội; chấp
hành tốt các quy định của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh trong quá trình thực hiện
nhiệm vụ.
5. Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ của Đội PDRT khi
được điều động và cam kết làm nhiệm vụ kéo dài khi có yêu cầu.
6. Có kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng ra quyết định
và đàm phán; kỹ năng phân tích, xác định tình huống và có khả năng hỗ trợ địa
phương khắc phục hậu quả thiên tai; có khả năng làm việc trong điều kiện đặc biệt
khó khăn, áp lực lớn.
7. Sẵn sàng tham gia các khóa tập huấn chuyên
môn hàng năm.
8. Có nhận thức đúng, luôn tôn trọng, chia sẻ với
đối tượng hưởng lợi.
Điều 5. Nhiệm vụ của Đội và
các thành viên Đội PDRT
1. Nhiệm vụ của Đội PDRT
a) Phối hợp tuyên truyền, vận động di dời người
dân tại địa phương ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai đến nơi an toàn và tham
gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm hoạ dựa vào cộng đồng tại địa
phương;
b) Đánh giá thiệt hại, nhu cầu, báo cáo tại nơi
xảy ra thiên tai và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh,
Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ các quốc gia và
các ngành liên quan, các tổ chức trong nước, quốc tế;
c) Tham mưu xây dựng kế hoạch cứu trợ và hỗ trợ
các hoạt động cứu trợ;
d) Phối hợp với Đội ứng phó thiên tai, thảm họa
cấp trên, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các lực lượng vũ trang và
chính quyền địa phương triển khai hoạt động cứu trợ khẩn cấp bằng nguồn lực dự
trữ của cấp mình;
e) Triển khai hoạt động sơ cấp cứu và chăm sóc sức
khỏe trong thiên tai; tuyên truyền về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh an
toàn thực phẩm sau thiên tai; phối hợp thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và
các hoạt động nhằm ổn định cuộc sống nhân dân trong giai đoạn khẩn cấp trong và
sau thiên tai;
g) Tham mưu kế hoạch huấn luyện kỹ năng, nghiệp
vụ cho thành viên trong Đội PDRT;
h) Thực hiện các nhiệm vụ liên quan khác.
2. Nhiệm vụ của Đội trưởng Đội PDRT:
a) Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong
Đội PDRT;
b) Duy trì liên lạc thường xuyên giữa các thành
viên trong Đội PDRT; sẵn sàng tham gia khi nhận được lệnh điều động từ Ban Chỉ
huy PCTT và TKCN tỉnh, Thường trực Hội Chữ thập đỏ cấp quản lý trực tiếp hoặc Hội
cấp trên;
c) Thu thập thông tin và cung cấp thông tin đến
các thành viên của Đội PDRT (gồm cường độ và mức độ thiệt hại của thiên tai, thảm
hoạ, nhu cầu và khả năng đáp ứng của cộng đồng, tình trạng sẵn sàng tham gia
các hoạt động của các thành viên trong Đội PDRT…);
d) Phối hợp với các nhóm, các tổ chức triển khai
các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm hoạ trong quá trình thực hiện
tại thực địa;
e) Thực hiện các nhiệm vụ khác được cấp có thẩm
quyền giao.
4. Nhiệm vụ của các thành viên Đội PDRT:
a) Chấp hành sự điều động và thực hiện các nhiệm
vụ do Đội trưởng phân công;
b) Hỗ trợ, chia sẻ thông tin với các thành viên
khác của Đội PDRT; báo cáo kết quả hoạt động với lãnh đạo Đội PDRT.
Điều 6. Quyền hạn của Đội và
thành viên Đội PDRT
1. Quyền hạn của Đội PDRT:
a) Được sử dụng Biểu trưng của Hội Chữ thập đỏ
Việt Nam trong các hoạt động chuyên môn của Đội;
b) Được sử dụng trang thiết bị, trang phục và
các cơ sở vật chất khác có gắn Biểu tượng chữ thập đỏ và Biểu trưng Hội Chữ thập
đỏ Việt Nam (theo mẫu do Trung ương Hội quy định).
2. Quyền của Đội trưởng Đội PDRT:
Được quyền điều phối, phân công nhiệm vụ các
thành viên nhóm tác nghiệp các hoạt động phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm hoạ
và các thành viên khác trong tình huống khẩn cấp mà không thể liên hệ được với lãnh
đạo nhóm phụ trách thành viên đó.
3. Quyền của thành viên Đội PDRT:
a) Được trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng ngừa,
ứng phó thiên tai, thảm họa, sơ cấp cứu, chăm sóc sức khỏe và kỹ năng, nghiệp vụ
liên quan khác;
b) Được hưởng các quyền lợi theo quy định của
Nhà nước, tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Chương III
QUY TRÌNH ĐIỀU PHỐI HOẠT
ĐỘNG CỦA ĐỘI PDRT
Điều 7. Quy trình hoạt động
của Đội PDRT
1. Bước 1: Cảnh báo và sẵn sàng: Khi thiên tai
chuẩn bị xảy ra, lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh ban hành dự lệnh và xây dựng kế
hoạch điều động Đội PDRT.
2. Bước 2: Hội Chữ thập đỏ tỉnh thống nhất cùng
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh quyết định điều động các thành viên trong Đội
PDRT thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 3 Quy chế này.
3. Bước 3: Triển khai các hoạt động của Đội PDRT
theo quy trình.
4. Bước 4: Tổng hợp thông tin, báo cáo, dự kiến
kế hoạch ứng phó, tham gia hỗ trợ các hoạt động ứng phó, giám sát và đánh giá.
5. Bước 5: Kết thúc hoạt động: Tổng kết đợt hoạt
động, rút kinh nghiệm và tiến hành công tác thi đua, khen thưởng.
Điều 8. Quy trình điều động
thành viên của Đội PDRT
1. Ban hành dự lệnh điều động thành viên của Đội
PDRT trước ít nhất 04 giờ.
2. Khẩn trương chuẩn bị hậu cần, trang thiết bị,
các loại biểu mẫu thu thập thông tin; chuẩn bị một lượng tiền, hàng cứu trợ (nếu
cần); họp và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; liên hệ với Ban Chỉ huy
PCTT và TKCN và Hội Chữ thập đỏ tại địa phương nơi Đội triển khai hoạt động để
phối hợp.
3. Hoạt động mỗi đợt của Đội PDRT tại địa bàn bị
thiên tai không quá 10 ngày.
4. Kết thúc hoạt động, đánh giá kết quả đợt hoạt
động.
Điều 9. Điều động thành viên
của Đội PDRT tham gia hoạt động ứng phó thảm họa ở nước ngoài, địa bàn khác khi
được yêu cầu
Khi có yêu cầu của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt
Nam điều động thành viên của Đội PDRT tham gia ứng phó thảm hoạ ở nước ngoài,
hay ứng phó thảm hoạ tại các tỉnh/huyện/xã khác, Hội Chữ thập đỏ tỉnh trực tiếp
xin ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các ngành liên quan,
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổ chức điều phối các thành viên của Đội đến nơi
đang có nhu cầu, sau khi trao đổi thống nhất kế hoạch hoạt động của Đội với
chính quyền địa phương nơi Đội đến hoạt động.
Chương IV
QUẢN LÝ, THÔNG TIN, HỘI
HỌP VÀ GIẢI THỂ ĐỘI PDRT
Điều 10. Phân cấp quản lý
và mối quan hệ
1. Cấp quản lý:
Đội PDRT chịu sự quản lý, điều
hành trực tiếp của Hội Chữ thập đỏ tỉnh và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Mối quan hệ:
Đội PDRT có mối quan hệ phối hợp với
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên
quan để tổ chức các hoạt động ứng phó thiên tai, thảm họa.
Điều 11. Hồ
sơ quản lý
1. Hồ sơ quản lý của Đội PDRT, gồm:
a) Quyết định thành lập Đội PDRT;
b) Quy chế hoạt động của Đội PDRT
đã được phê duyệt;
c) Danh sách thành viên của Đội
PDRT;
d) Sổ ghi chép hoạt động và tài
chính của Đội PDRT.
2. Hồ sơ quản lý thành viên Đội
PDRT do Hội Chữ thập đỏ tỉnh lưu trữ (theo mẫu thống nhất của Trung ương Hội
CTĐ Việt Nam), gồm:
a) Văn bản giới thiệu thành viên
tham gia Đội PDRT của các ngành, đơn vị; phiếu đăng ký tham gia Đội PDRT;
b) Sổ quản lý thành viên Đội PDRT.
Điều 12. Quy
định về thông tin
Đội PDRT có trách nhiệm báo cáo
tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra và nhu cầu cứu trợ của địa phương với
Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Thường trực Hội Chữ thập đỏ tỉnh; đề
xuất phương án hỗ trợ về kỹ thuật, lực lượng, tiền, hàng cứu trợ và tham mưu thực
hiện.
Điều 13. Chế
độ sinh hoạt, hội họp
1. Khi có thiên tai, Đội trưởng
triệu tập họp Đội để triển khai các hoạt động của Đội theo quy trình.
2. Tùy điều kiện cụ thể Đội trưởng
Đội PDRT quyết định thời gian sinh hoạt định kỳ phù hợp và hiệu quả.
Điều 14. Giải
thể
1. Đội PDRT bị giải thể trong các
trường hợp sau:
a) Khi Đội hoạt động không có hiệu
quả, không chấp hành Quy chế này, vi phạm nghiêm trọng tôn chỉ, mục đích và Điều
lệ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; vi phạm quy định của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh
hoặc vi phạm pháp luật;
b) Khi Đội đề nghị giải thể và Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định giải thể;
c) Các trường hợp cụ thể khác.
2. Khi giải thể, Đội PDRT phải
thanh toán trả các khoản vay của Nhà nước, tập thể hoặc cá nhân đóng góp (nếu
có). Nếu có tài sản thanh lý phải thành lập Hội đồng để định giá và thanh lý
tài sản theo quy định của pháp luật.
3. Hồ sơ giải thể Đội, gồm;
a) Tờ trình xin giải thể (nêu rõ
lý do giải thể);
b) Bản kê khai tài sản, tài chính
và phương án xử lý.
4. Trong thời hạn 30 ngày sau khi
nhận được hồ sơ xin giải thể, Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định. Khi
có Quyết định giải thể, Đội PDRT có trách nhiệm thực hiện phương án giải thể
trong thời hạn 45 ngày.
Đội PDRT không tự giải thể khi
chưa có quyết định.
Chương V
QUẢN LÝ TÀI CHÍNH,
TÀI SẢN CỦA ĐỘI PDRT
Điều 15. Quản
lý tài chính của Đội PDRT
1. Nguồn thu:
a) Từ ngân sách nhà nước và hỗ trợ
của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Hội Chữ thập đỏ các cấp;
b) Đóng góp tự nguyện của các
thành viên;
c) Sự ủng hộ hợp pháp của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước;
d) Từ nguồn hỗ trợ khi tham gia
các hoạt động ứng phó thiên tai, thảm họa;
e) Từ các nguồn dự án liên quan đến
công tác phòng chống thiên tai, thảm họa;
g) Từ các nguồn thu hợp pháp theo
quy định của pháp luật.
2. Các khoản chi:
a) Chi cho các hoạt động, sinh hoạt
của Đội PDRT;
b) Chi cho việc tổ chức các hoạt động
ứng phó thiên tai, thảm họa;
c) Chi hợp pháp theo quy định của
pháp luật.
3. Việc quản lý thu, chi tài chính
của Đội PDRT phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý tài chính và
công khai, minh bạch với các thành viên.
Điều 16.
Trang thiết bị và quản lý tài sản
1. Trang thiết bị của Đội PDRT tối
thiểu có: Áo phao; dụng cụ sơ cấp cứu; bảo hộ cá nhân; một số phương tiện cứu hộ
cần thiết; máy tính xách tay;
thẻ kết nối internet, USB, máy ảnh
kỹ thuật số có cáp nối máy tính; điện thoại di động có kết nối GPS; trang thiết bị nhận diện và hình ảnh đặc trưng
(áo phông, mũ lưỡi trai, phù hiệu, ba lô, áo mưa, túi đựng máy tính có logo); bộ
dụng cụ cá nhân (màn tẩm thuốc,
kem/thuốc xịt chống muỗi, bộ dụng cụ sơ cấp cứu cá nhân, túi ngủ, đài radio,
đèn pin, lều mái vòm, bếp nấu ăn mini có nhiên liệu, bình nước giữ nhiệt, thuốc
viên lọc nước)...
Trước mắt, từ
nay đến năm 2018, kinh phí hoạt động của Đội PDRT được chi từ nguồn Dự án “Quản
lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng tại tỉnh Quảng Bình” do Hội Chữ thập đỏ
Đức tài trợ.
2. Quản lý tài sản: Thực hiện theo
quy định của Nhà nước và của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 17. Điều
khoản thi hành
1. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp;
các ngành, đơn vị có thành viên tham gia Đội ứng phó thiên tai, thảm họa; Hội
Chữ thập đỏ các cấp; các thành viên Đội PDRT tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện
Quy chế này.
2. Trường hợp
các văn bản được dẫn chiếu trong Quy chế này bị thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung
thì áp dụng theo các văn bản thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu
có nội dung không phù hợp hoặc phát sinh các khó khăn, vướng mắc, Văn phòng Thường
trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.