ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/CT-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 30
tháng 01 năm 2013
|
CHỈ THỊ
VỀ TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH
CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Sau hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU ngày
10/8/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công
tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) giai đoạn 2010 - 2015; công tác
DS - KHHGĐ đã đạt được những kết quả quan trọng, nhận thức của nhân dân từng bước
chuyển biến tích cực, quy mô gia đình có một hoặc hai con được chấp nhận ngày
càng rộng rãi, tốc độ gia tăng dân số nhanh bước đầu đã được kiểm soát, mức
sinh tiếp tục giảm, chất lượng dân số từng bước được nâng cao.
Tuy vậy, mức sinh giảm còn chậm và không đạt chỉ
tiêu đề ra, đặc biệt tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh trên 2 con tăng mạnh từ đầu năm
2011 tới nay; tỷ số giới tính khi sinh tăng, tình trạng cán bộ, đảng viên vi
phạm chính sách dân số nhất là sinh con thứ 3 trở lên diễn ra ở nhiều địa
phương, đơn vị, gây tác động tiêu cực đến việc thực hiện chính sách DS - KHHGĐ
trong nhân dân.
Nguyên nhân chủ yếu là do các cấp, các ngành chưa
nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng, tính chất khó khăn,
phức tạp và lâu dài của công tác DS - KHHGH trong tình hình hiện nay; đặc biệt
đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được, dẫn đến
buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo. Tổ chức và bộ máy làm công tác DS - KHHGĐ, nhất
là cấp xã thiếu ổn định, năng lực và hiệu quả còn hạn chế, Công tác tuyên truyền,
vận động, giáo dục chưa đủ mạnh; xử lý các vi phạm về chính sách DS - KHHGĐ
chưa nghiêm túc, kiên quyết và kịp thời.
Để tiếp tục đẩy mạnh công tác DS - KHHGĐ nhằm đạt
các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các lớp
1.1. Tập trung mọi nỗ lực thực hiện hoàn thành các
chỉ tiêu: Mức giảm sinh trung bình hàng năm là 0,4‰, giảm tỷ lệ sinh trên 2 con
hàng năm 2%. Đến năm 2015, tỷ suất sinh thô ở mức 12,5‰, tỷ lệ sinh trên 2 con
ở mức 16%; tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi
sinh đẻ) đạt mức sinh thay thế 2,1 con; tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 106
trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 0,7%.
1.2. Tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các
nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:
a) Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các
cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác DS - KHHGD. Xác định đây là một mục
tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chương
trình, kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị; quy ước, hương ước của xã,
phường, thôn xóm và là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá mức độ hoàn thành
nhiệm vụ của các tập thể, cá nhân. Tổ chức rà soát, nắm chắc tình hình biến
động dân số, kết quả thực hiện KHHGĐ, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về sự giảm sút,
yếu kém của công tác này ở các đơn vị, địa phương để có biện pháp lãnh đạo, chỉ
đạo và khắc phục kịp thời.
b) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận
động về DS - KHHGĐ thông qua việc quán triệt sâu rộng chủ trương của Đảng, pháp
luật của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc
thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; nâng cao hiệu quả hoạt
động tư vấn, cung cấp các biện pháp KHHGĐ kịp thời, an toàn, thuận tiện, tập
trung ở vùng sâu, vùng xa, nới có mức sinh cao, chưa ổn định, các đối tượng
sinh con một bề. Tăng cường lồng ghép các hoạt động giáo dục về dân số, sức khỏe
sinh sản, giới và giới tính trong các trường học.
c) Tăng đầu tư nguồn lực, sử dụng có hiệu quả ngân
sách Chương trình mục tiêu Quốc gia dân số KHHGĐ. Các địa phương
không được cắt chuyển nguồn ngân sách hỗ trợ cho công tác DS - KHHGD sang làm
việc khác; hàng năm phải có kế hoạch bổ sung kinh phí để thực hiện Chương trình
theo tỷ lệ quy định tại Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh (tối thiểu bằng 0,1% tổng
chi ngân sách thường xuyên của địa phương). Cán bộ, công chức, viên chức phải
gương mẫu thực hiện, vận động gia đình và nhân dân thực hiện tốt chính sách DS
- KHHGĐ; nếu vi phạm phải bị xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định.
d) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác DS
– KHHGĐ, huy động toàn xã hội tích cực tham gia. Thực hiện lồng ghép Chương
trình mục tiêu quốc gia DS - KHHGĐ với chương trình xóa đói. giảm nghèo và các
chương trình, các cuộc vận động khác một cách phù hợp, hiệu quả.
2. Sở Y tế
2.1. Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ,
Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện Thông báo số 69/TB-HĐND ngày
20/11/2012 của HĐND tỉnh và Công văn số 4137/UBND-VX ngày 28/11/2012 của UBND tỉnh
về công tác dân số; tham mưu Xây dựng Đề án bố trí cán bộ làm công tác DS –
KHHGĐ cấp xã, báo cáo UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh vào kỳ họp giữa năm 2013.
Trước mắt, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội
ngũ hiện có, nhất là tuyến cơ sở; tăng phụ cấp cho cán bộ dân số cấp xã tối thiểu
bằng một hệ số lương cơ bản, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao.
2.2. Tham mưu phương án bổ sung
ngân sách địa phương hàng năm cho công tác DS - KHHGĐ trình cấp có thẩm quyền
thẩm định, phê duyệt để đảm bảo công tác này vẫn duy trì ổn định, hoạt động
hiệu quả sau khi nguồn đầu tư của trung ương bị cắt giảm.
2.3. Chỉ đạo, phối hợp đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện chính sách DS- KHHGĐ. Tổ chức chiến
dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản
KHHGĐ có hiệu quả.
2.4. Phối hợp với UBND cấp huyện
tiếp tục củng cố mạng lưới y tế, đặc biệt là tuyến cơ sở nhất là cán bộ, cơ sở vật
chất, trang thiết bị phương tiện để thực hiện và nâng cao chất lượng các dịch
vụ KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhân dân. Cung cấp kịp thời, đảm bảo
chất lượng, an toàn, thuận tiện và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người sử dụng các
biện pháp tránh thai. Tổ chức triển khai thực hiện các mô hình, dự án nhằm góp
phần nâng cao chất lượng dân số.
2.5. Nâng cao năng lực quản lý, xử
lý thông tin về biến động dân số, thực hiện kế hoạch hóa gia đình bằng phần mềm
điện tử "Hệ thông tin thống kê chuyên ngành dân số" đáp ứng yêu cầu
quản lý; đồng thời phục vụ cho việc hoạch định và xây dựng kế hoạch, chính sách
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2.6. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ
với các cấp, các ngành, đoàn thể theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện
công tác DS - KHHGĐ trên địa bàn.
3. Sở Thông tin và Truyền thông,
các cơ quan truyền thông đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về công tác DS -
KHHGĐ. Chú trọng xây dựng các chuyên đề, chuyên mục với thời lượng thích hợp để
tuyên truyền kết quả, thành tích, nêu gương những điển hình, nhân tố mới trong
thực hiện chính sách DS - KHHGĐ; đồng thời phê phán đơn vị, địa phương kết quả đạt
thấp, có nhiều cán bộ, đảng viên, người dân vi phạm chính sách DS -KHHGĐ.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài
chính hàng năm tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư nguồn ngân sách địa phương cho công
tác DS - KHHGĐ. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng nguồn lực của
Chương trình.
5. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
tỉnh và các đoàn thể phối hợp với chính quyền các cấp tuyên truyền, vận động đoàn
viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách DS - KHHGĐ;
tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về DS - KHHGĐ.
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các
ban, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường,
thị trấn có trách nhiệm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm,
theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh kết quả thực hiện Chỉ thị./.
Nơi nhận:
- Tổng cục Dân số - KHHGĐ; (để báo cáo)
- TTr Tỉnh ủy, HĐND, UBMTTQ tỉnh; (để báo cáo)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh; (để báo cáo)
-Các thành viên BCĐ DS – KHHGĐ tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Bí thư các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Hà Tĩnh;
- Đài PTTH tỉnh;
- Chánh, phó VP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh; (để đăng tải)
- Trung tâm Công báo – Tin học;
- Lưu: VT, VX
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Kim Cự
|