NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
|
CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số :
49/2006/QĐ-NHNN
|
Hà Nội,
ngày 29 tháng 9 năm 2006
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 07/2006/NĐ-CP ngày 10/01/2006 của Chính phủ về chế độ tài
chính của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH
Điều
1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý tài
chính của Ngân hàng Nhà nước.
Điều
2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ
ngày đăng Công báo. Các văn bản và một số quy định sau hết hiệu lực thi hành:
Quyết định số
657/2003/QĐ-NHNN ngày 25/6/2003 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban
hành Quy chế quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước.
Công văn số
935/NHNN-KTTC ngày 25/8/2005 của Ngân hàng Nhà nước về hướng dẫn đấu thầu mua
sắm tài sản cố định trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
Điều 11; 13; 14; 15;
17; 18; 19; 20 và Mục 2 Chương I của Quyết định số 1407/QĐ-NHNN ngày 12/11/2001
của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng và
hạch toán tài sản cố định, công cụ lao động, vật liệu.
Điều
3.
Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính, Vụ
trưởng Vụ Tổng kiểm soát, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận
-
Như
điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (2 bản);
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Bộ Tài chính;
- Thống đốc và các PTĐ NHNN;
- Lưu VP, Vụ Pháp chế, Vụ KTTC (P. QLTC
|
THỐNG
ĐỐC
Lê Đức Thuý
|
QUY
CHẾ
QUẢN
LÝ TÀI CHÍNH CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 49/2006/QĐ-NHNN ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy chế này quy định nội dung và phương pháp quản lý, sử
dụng các loại vốn, quỹ, tài sản, thu nhập và chi phí của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 2. Đối tượng áp dụng Quy chế này, bao gồm: Vụ Kế toán - Tài
chính, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Văn phòng đại diện Ngân
hàng Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản trị Ngân hàng Nhà nước, Cục
Công nghệ Tin học Ngân hàng, Cục Phát hành và kho quỹ, Sở giao dịch Ngân hàng
Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước (không bao gồm Học
viện Ngân hàng và trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) (sau đây gọi chung
là các đơn vị).
Điều 3. Các đơn vị phải thực hiện thu đúng, thu đủ các nguồn thu;
sử dụng các nguồn vốn, quỹ, tài sản và kinh phí đúng mục đích, hợp lý, tiết
kiệm và hiệu quả, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu hoạt động của Ngân hàng Nhà
nước; chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả và tuân thủ quy định của chế độ tài chính
hiện hành.
Điều 4. Thủ trưởng các đơn vị phải thường xuyên chỉ đạo, tổ chức tự
kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản, kinh phí tại đơn vị
đảm bảo an toàn, chặt chẽ, đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành; chịu trách
nhiệm trước pháp luật và trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về hoạt động tài
chính của đơn vị mình.
Chương 2
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN, QUỸ VÀ TÀI SẢN
MỤC 1: QUẢN LÝ, SỬ
DỤNG VỐN VÀ QUỸ
Điều 5. Nguyên tắc quản lý, sử dụng vốn và quỹ
1. Các loại
vốn, quỹ của Ngân hàng Nhà nước được quản lý thống nhất và hạch toán tập trung
tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương (Vụ Kế toán - Tài chính).
2. Ngân hàng
Nhà nước thực hiện công khai việc sử dụng vốn đầu tư xây dựng và mua sắm tài
sản cố định.
3. Việc sử
dụng vốn để đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định (bao gồm cả việc đầu tư,
mua sắm tài sản cố định phục vụ công tác đấu thầu tín phiếu kho bạc và trái
phiếu Chính phủ) phải căn cứ vào kế hoạch đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố
định hàng năm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt sau khi đã được thảo
luận, lấy ý kiến tham gia của Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ trưởng các
đơn vị có liên quan tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước.
4. Các quỹ
của Ngân hàng Nhà nước: Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia; Khoản dự
phòng rủi ro được quản lý và sử dụng theo quy chế riêng do Ngân hàng Nhà nước phối
hợp với Bộ Tài chính ban hành.
5. Khi triển
khai thực hiện dự án bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại hoặc vay của nước
ngoài, tổ chức quốc tế, đơn vị quản lý dự án phải thông báo ngay và phối hợp
với Vụ Kế toán - Tài chính để có hướng dẫn cụ thể việc mua sắm tài sản, chi phí
khác (nếu có) và quản lý, hạch toán, sử dụng tài sản theo chế độ quy định.
Khi kết thúc dự án,
đơn vị quản lý dự án lập hồ sơ đề nghị xử lý tài sản nhận từ dự án gửi Vụ Kế
toán - Tài chính và Bộ Tài chính theo chế độ quy định.
6. Mọi giao
dịch phát sinh bằng ngoại tệ và đánh giá lại số dư các tài khoản ngoại tệ, các
tài khoản có nguồn gốc ngoại tệ trong năm và xử lý hạch toán chênh lệch do đánh
giá lại giá trị VND của số dư ngoại tệ, vàng thuộc Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà
nước cuối năm thực hiện theo đúng quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Điều 6. Các
loại vốn và quỹ
1. Vốn pháp
định: Mức vốn pháp định của Ngân hàng Nhà nước là 5.000.000.000.000 đồng
(năm ngàn tỷ đồng) thuộc nguồn vốn Nhà nước.
a) Vốn pháp định được
hình thành từ các nguồn vốn sau:
- Nguồn vốn hiện có:
nguồn vốn Ngân sách Nhà nước cấp, vốn đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố
định.
- Nguồn vốn được bổ
sung:
+ Vốn Ngân sách Nhà
nước cấp;
+ Khoản trích từ chi
phí bằng 12% trên giá trị tài sản cố định bình quân hàng năm;
+ Chênh lệch tăng do
đánh giá lại tài sản cố định theo quy định của Nhà nước;
+ Nguồn vốn khác.
b) Vốn pháp định được
sử dụng để đầu tư và xây dựng trụ sở làm việc, nhà công vụ và mua sắm tài sản
cố định, phương tiện kỹ thuật tin học, máy móc, thiết bị an toàn kho quỹ và các
mục đích khác theo quy định của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước.
2. Các khoản
chênh lệch tỷ giá, chênh lệch giá do đánh giá lại ngoại tệ, vàng, bạc và
tài sản.
3. Quỹ thực
hiện chính sách tiền tệ quốc gia:
Quỹ thực hiện chính
sách tiền tệ quốc gia được hình thành trên cơ sở trích 10% chênh lệch thu
chi hàng năm của Ngân hàng Nhà nước.
4. Khoản dự
phòng rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng:
Khoản dự phòng rủi ro
trong hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng được hình thành trên cơ sở trích 10%
chênh lệch thu chi chưa bao gồm khoản dự phòng rủi ro.
5. Các khoản
viện trợ hoặc vay của nước ngoài, tổ chức quốc tế qua các dự án.
6. Các loại
vốn khác được quản lý và hạch toán theo chế độ tài chính hiện hành.
Điều 7. Lập kế hoạch sử dụng vốn
1. Kế hoạch
sử dụng vốn đầu tư và xây dựng: Trước ngày 10 tháng 9 hàng năm, các đơn
vị lập kế hoạch đầu tư xây dựng mới và kế hoạch sửa chữa lớn trụ sở, nhà công
vụ gửi Vụ Kế toán - Tài chính để tổng hợp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê
duyệt. Trình tự lập và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng thực hiện theo hướng
dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trong
hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
2. Kế hoạch
vốn mua sắm tài sản cố định: Trước ngày 10 tháng 9 hàng năm, các đơn vị
lập kế hoạch mua sắm tài sản cố định gửi Vụ Kế toán - Tài chính tổng hợp trình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Trình tự lập và phê duyệt kế hoạch mua
sắm tài sản cố định được quy định tại Mục 2 Chương II Quy chế này.
Điều 8. Thông báo công khai kế hoạch sử dụng vốn (năm) cho từng đơn
vị.
Căn cứ kế hoạch sử
dụng vốn đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Vụ Kế toán - Tài chính
thông báo kế hoạch vốn được sử dụng để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản cố định
cho từng đơn vị thực hiện, trong đó nêu rõ những việc cần phải triển khai thực
hiện ngay sau khi nhận được thông báo vốn.
MỤC 2: QUẢN LÝ, SỬ
DỤNG TÀI SẢN CỐ ĐỊNH
Điều 9. Trình tự thực hiện mua sắm tài sản cố định
1. Lập kế
hoạch vốn mua sắm tài sản cố định:
Căn cứ nhu cầu mua
sắm tài sản cố định, các đơn vị lập kế hoạch gửi Vụ Kế toán - Tài chính tổng
hợp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, bao gồm:
- Kế hoạch vốn trang bị thiết bị tin học;
- Kế hoạch vốn trang bị phương tiện và thiết
bị an toàn kho quỹ;
- Kế hoạch vốn mua sắm tài sản cố định khác.
2. Tổ chức thực hiện mua sắm tài sản cố định:
a) Đối với Vụ Kế toán - Tài chính:
- Thẩm định và tổng hợp kế hoạch vốn mua sắm
tài sản cố định trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
- Căn cứ kế hoạch vốn mua sắm tài sản cố định
hàng năm được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, Vụ Kế toán - Tài chính
thông báo kế hoạch để các đơn vị tổ chức thực hiện.
- Thẩm định và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước: Phê duyệt dự toán; Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu; Quyết
toán mua sắm tài sản cố định và thông báo cho các đơn vị thực hiện theo phân
cấp được quy định tại Điều 30 Quy chế này. Thời gian thẩm định được quy định
tại Điều 32 Quy chế này.
b) Đối với các đơn vị Ngân hàng Nhà nước:
- Lập dự toán mua sắm tài sản cố định:
Khi nhận được thông báo kế hoạch mua sắm tài
sản cố định và thiết bị tin học (máy PC, máy in, máy quét, UPS và các thiết
bị tin học khác) các đơn vị phải xác nhận lại nhu cầu về tài sản cần mua
sắm và có công văn đề nghị mua sắm tài sản cố định, nêu rõ loại tài sản cố định
cần mua sắm, địa điểm lắp đặt, mã hiệu, các cấu hình kỹ thuật chủ yếu, xuất xứ
và kèm theo ít nhất 03 báo giá, lập dự toán gửi Vụ Kế toán - Tài chính để thẩm
định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo cho đơn vị tổ chức mua
sắm. Riêng dự toán mua sắm trang thiết bị tin học (trong trường hợp được Thống
đốc cho phép các đơn vị tự mua sắm), các đơn vị lập dự toán mua sắm theo cấu
hình kỹ thuật do Cục Công nghệ tin học Ngân hàng hướng dẫn hoặc tương đương cấu
hình kỹ thuật do Cục Công nghệ tin học Ngân hàng đã mua sắm gần nhất.
- Tổ chức mua sắm: Các đơn vị phải thành lập
Hội đồng mua sắm tài sản (đối với các loại tài sản không phải tổ chức đấu
thầu), đối với các tài sản khi mua sắm phải tổ chức đấu thầu, các đơn vị thực
hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Hội đồng mua sắm tài sản do Thủ trưởng đơn vị
thành lập, thành phần gồm: Đại diện lãnh đạo đơn vị làm chủ tịch hội đồng; Kế
toán; Kiểm soát; hành chính quản trị.
Hội đồng mua sắm có nhiệm vụ tham mưu giúp
Thủ trưởng đơn vị lựa chọn chất lượng, giá cả tài sản mua sắm trong phạm vi dự
toán được duyệt và thực hiện việc mua sắm, nghiệm thu và chuyển giao tài liệu
liên quan đến mua sắm tài sản cho bộ phận Kế toán đơn vị lập hồ sơ quyết toán
gửi Vụ Kế toán - Tài chính phê duyệt.
Các đơn vị chỉ được tiến hành mua sắm tài sản
cố định sau khi đề nghị mua sắm tài sản cố định và dự toán mua sắm do đơn vị
lập đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt bằng văn bản. Trong phạm vi dự toán
được duyệt, khi ký kết hợp đồng cung cấp hàng hóa cần nêu cụ thể về điều kiện
thanh toán. Trong đó, các đơn vị được phép tạm ứng thanh toán tối đa 85%
tổng giá trị hợp đồng, số còn lại sẽ được thanh toán ngay sau khi quyết toán
được duyệt.
- Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm toàn
diện về việc đề xuất mua sắm, thực hiện mua sắm tài sản cố định tại đơn vị và
đảm bảo sử dụng hiệu quả, không lãng phí.
c) Đối với Cục Công nghệ tin học Ngân hàng:
- Khi thực hiện mua sắm tài sản cho Cục Công
nghệ tin học Ngân hàng, việc tổ chức mua sắm thực hiện như qui định đối với các
đơn vị Ngân hàng Nhà nước.
- Cục Công nghệ tin
học Ngân hàng thực hiện mua sắm và cấp bằng hiện vật các thiết bị tin học cho
các đơn vị theo kế hoạch do Vụ Kế toán - Tài chính thông báo.
+ Để thực hiện việc mua sắm thiết bị tin học
trang bị cho các đơn vị, Cục Công nghệ tin học Ngân hàng được tạm ứng tiền để
mua sắm: Tạm ứng tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (đối với Cục Công nghệ tin
học Ngân hàng) và tại Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (đối với Chi
cục Công nghệ tin học Ngân hàng).
+ Khi lắp đặt thiết bị tin học, Cục Công nghệ
tin học Ngân hàng phối hợp với các đơn vị, gồm: Các Vụ, Cục tại Ngân hàng Nhà
nước Trung ương và các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (đơn vị
được trang bị thiết bị tin học) để tổ chức nghiệm thu và tiến hành lập biên bản
nghiệm thu và giao nhận tài sản.
Trong biên bản nghiệm thu và giao nhận thiết
bị tin học, yêu cầu ghi rõ số lượng, đơn giá, thành tiền (bằng tiền đồng Việt Nam hoặc bằng ngoại tệ). Nếu Cục Công nghệ tin học Ngân hàng tạm ứng tiền đồng Việt Nam đi
mua ngoại tệ để nhập thiết bị tin học thì ghi rõ số tiền bằng ngoại tệ và tỷ
giá tại thời điểm mua ngoại tệ.
d) Đối với Cục Phát hành và kho quỹ:
- Khi thực hiện mua sắm tài sản cho Cục Phát
hành và kho quỹ, việc tổ chức mua sắm thực hiện như qui định đối với các đơn vị
Ngân hàng Nhà nước.
- Khi thực hiện kế hoạch mua sắm xe ô tô
chuyên dùng, máy hủy tiền, máy phân loại tiền và các máy móc thiết bị khác để
trang bị cho các Kho tiền Trung ương: Cục Phát hành và kho quỹ được tạm ứng
tiền tại Sở Giao dịch để mua sắm và cấp bằng hiện vật cho các đơn vị theo kế
hoạch đã được Vụ Kế toán - Tài chính thông báo.
3. Thời gian thực hiện mua sắm tài sản cố
định:
- Đối với việc mua sắm các tài sản cố định
thông thường không phải tổ chức đấu thầu (lựa chọn trên cơ sở báo giá): Trong
phạm vi tối đa 30 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo bằng
văn bản của Vụ Kế toán - Tài chính về phê duyệt dự toán mua sắm tài sản cố
định, các đơn vị phải hoàn thành việc mua sắm và gửi hồ sơ quyết toán về Vụ Kế
toán - Tài chính.
- Đối với các tài sản cố định khi mua sắm
phải tổ chức đấu thầu: Trong phạm vi tối đa 30 ngày làm việc
kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản của Vụ Kế toán – Tài chính về phê
duyệt dự toán mua sắm tài sản cố định, các đơn vị phải lập Kế hoạch đấu thầu
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thực hiện các bước tiếp theo về
đấu thầu mua sắm tài sản cố định.
Quá thời gian quy định nêu trên, các đơn
vị chưa triển khai thực hiện việc mua sắm tài sản cố định (đối với tài sản mua
sắm không phải đấu thầu) và chưa lập Kế hoạch đấu thầu (đối với tài sản phải tổ
chức đấu thầu) thì thông báo phê duyệt dự toán mua sắm tài sản cố định của Vụ
Kế toán – Tài chính cho đơn vị hết hiệu lực và coi như đơn vị không có nhu cầu
mua sắm. Khi cần mua sắm tài sản cố định các đơn vị phải lập và trình lại dự
toán mới, trường hợp dự toán mới có giá trị cao hơn so với dự toán cũ do giá cả
hàng hóa tăng thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi hoàn vật chất do
tăng giá.
- Trong quá trình mua sắm tài sản cố định,
thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý việc chi tiêu mua sắm tài sản cố
định, đảm bảo mua sắm đúng chủng loại tài sản, trong phạm vi dự toán được phê
duyệt, trang bị đúng đối tượng và không được vượt định mức, tiêu chuẩn,
chế độ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành, sử dụng tốt và thực hiện
đúng các quy định về mua sắm tài sản của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước.
4. Nghiệm thu bàn giao, thanh lý hợp đồng và
hạch toán nhập tài sản:
- Sau khi hoàn thành việc mua sắm tài sản cố
định, Hội đồng mua sắm tài sản hoặc Hội đồng nghiệm thu tài sản (đối với tài
sản khi mua sắm phải tổ chức đấu thầu) tổ chức nghiệm thu làm cơ sở cho việc
thanh lý hợp đồng. Hội đồng bàn giao tài sản trên cơ sở biên bản nghiệm thu tài
sản và lập biên bản giao tài sản cho đơn vị sử dụng theo quy định.
- Đối với thiết bị tin học do Cục Công nghệ
tin học Ngân hàng mua sắm, lắp đặt cho các đơn vị, trong phạm vi tối đa 30
ngày làm việc kể từ ngày đơn vị bán bàn giao thiết bị tin học theo hợp
đồng đã cam kết, Cục Công nghệ tin học Ngân hàng phải hoàn thành việc
lắp đặt, nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị sử dụng.
- Đối với xe ô tô chuyên dùng, máy hủy tiền,
máy phân loại tiền và các máy móc thiết bị khác để trang bị cho các Kho tiền
Trung ương do Cục Phát hành và kho quỹ mua sắm, lắp đặt, trong phạm vi tối
đa 30 ngày làm việc kể từ ngày đơn vị bán bàn giao máy móc, thiết bị
theo hợp đồng đã cam kết, Cục Phát hành và kho quỹ phải hoàn thành việc
lắp đặt, nghiệm thu và bàn giao cho các đơn vị sử dụng.
- Các đơn vị phải kiểm tra, kiểm soát hồ sơ
của tài sản cố định (gồm hồ sơ kế toán và hồ sơ kỹ thuật) đảm bảo đầy đủ các
loại giấy tờ và lưu trữ theo đúng quy định của chế độ lưu trữ chứng từ hiện
hành.
5. Quyết toán mua sắm tài sản cố định:
Ngay sau khi hoàn thành việc mua sắm tài sản
cố định và thanh lý hợp đồng, các đơn vị gửi hồ sơ quyết toán về Vụ Kế toán -
Tài chính để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để thanh
toán số tiền còn lại (theo giá trị hợp đồng) cho bên cung cấp hàng hóa.
a) Hồ sơ quyết toán gồm có:
Công
văn đề nghị duyệt quyết toán của đơn vị;
Thông
báo duyệt dự toán của Ngân hàng Nhà nước;
Hồ
sơ đấu thầu hoặc chào hàng cạnh tranh hoặc báo giá theo qui định;
Hợp
đồng;
Biên
bản nghiệm thu giữa người mua và người bán;
Biên
bản bàn giao tài sản cho người (đơn vị) sử dụng;
Chứng
nhận xuất xứ hàng hóa (đối với tài sản nhập khẩu từ nước ngoài);
Hóa
đơn tài chính;
Biên
bản thanh lý hợp đồng.
b) Thời gian gửi quyết toán:
- Đối với các hợp đồng mua bán tài sản cố
định thông thường khi mua sắm không phải tổ chức đấu thầu: Thời gian các đơn vị
gửi quyết toán về Vụ Kế toán - Tài chính tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày
đơn vị ký biên bản nghiệm thu bàn giao tài sản và thanh lý hợp đồng.
- Đối với các hợp đồng mua bán tài sản cố
định khi mua sắm phải tổ chức đấu thầu: Thời gian các đơn vị gửi quyết toán về
Vụ Kế toán - Tài chính tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày đơn
vị ký biên bản nghiệm thu bàn giao tài sản và thanh lý hợp đồng.
c) Xử lý đối với các hồ sơ quyết toán không
hợp lệ:
Đối với tài sản cố định đã được các đơn vị
thực hiện mua sắm và gửi hồ sơ quyết toán về Ngân hàng Nhà nước, nhưng sau khi
kiểm tra hồ sơ quyết toán không đủ điều kiện để duyệt quyết toán, Ngân hàng Nhà
nước sẽ thông báo bằng văn bản cho đơn vị biết về việc từ chối duyệt quyết
toán. Trong trường hợp lỗi do bên bán thì đơn vị phải yêu cầu bên bán thực hiện
nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật về hợp đồng. Trường hợp lỗi do
đơn vị (bên mua) thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi thường theo
quy định tại Điều 11 Quy chế này.
6. Báo cáo đánh giá về tình hình mua sắm tài
sản cố định:
Hàng năm (vào thời gian quyết toán tài chính
cuối năm), Cục Phát hành và kho quỹ, Cục Công nghệ tin học Ngân hàng tổng hợp
báo cáo đánh giá tình hình mua sắm tài sản theo kế hoạch được Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước phê duyệt (đối với tài sản cố định và dịch vụ do Cục Phát hành và
kho quỹ, Cục Công nghệ tin học Ngân hàng mua sắm và trang cấp bằng hiện vật cho
các đơn vị sử dụng) gửi Vụ Kế toán - Tài chính để tổng hợp báo cáo trình Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước về tình hình thực hiện kế hoạch mua sắm tài sản cố định
toàn hệ thống.
7. Kiểm soát thực hiện công tác mua sắm tài sản
cố định:
Định kỳ hàng quý hoặc đột xuất, Vụ Tổng kiểm
soát thực hiện kiểm tra việc tổ chức mua sắm tài sản tại các đơn vị Ngân hàng
Nhà nước. Đối với các gói thầu có giá trị lớn phải tổ chức kiểm tra hoặc kiểm
toán trước khi các đơn vị lập báo cáo quyết toán để chấn chỉnh kịp thời các sai
sót trong quá trình tổ chức mua sắm, tránh tổn thất vốn.
Điều
10. Quản lý và sử dụng tài sản cố định đã mua sắm
1. Nâng cấp tài sản cố định:
a) Đối với tài sản cố định là công trình xây
dựng: Nâng cấp là việc xây dựng thêm một hoặc một số hạng mục công trình bổ
sung thêm vào công trình xây dựng hiện có, làm tăng thêm diện tích sử dụng hoặc
tăng tuổi thọ của công trình so với thiết kế ban đầu. Khi cần nâng cấp các loại
tài sản cố định này, các đơn vị phải thực hiện theo đúng quy định về quản lý
đầu tư xây dựng trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
b) Đối với tài sản cố định là máy móc thiết
bị, phương tiện vận tải: Nâng cấp là việc bổ sung thêm một hoặc một số bộ phận
làm cho tài sản cố định có thêm tính năng tác dụng mới (tính năng tác dụng mới
phải là tính năng tác dụng chính của tài sản cố định) hoặc nâng cao năng lực
hoạt động của tài sản cố định, kéo dài tuổi thọ của tài sản cố định so với
thiết kế ban đầu. Khi cần tiến hành nâng cấp, các đơn vị phải có công văn đề
nghị cho phép nâng cấp tài sản cố định, ghi rõ hiện trạng tài sản cố định cần
nâng cấp (nguyên giá tài sản cố định, giá trị đã trích khấu hao, giá trị còn
lại, số năm đã sử dụng, số lần đã sửa chữa bảo dưỡng), lý do nâng cấp và lập dự
toán số tiền nâng cấp gửi Vụ Kế toán - Tài chính để xem xét, tổng hợp trình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Khi có nhu cầu nâng cấp tài sản cố định là
máy móc thiết bị, các đơn vị lập kế hoạch như mua sắm tài sản cố định.
Giá trị nâng cấp tài sản cố định được thực
hiện bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng và mua sắm tài sản cố định và được ghi tăng
nguyên giá tài sản cố định.
2. Sửa chữa tài sản cố định:
Chi về sửa chữa, bảo dưỡng tài sản cố định
(bao gồm sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên) là chỉ tiêu trong tổng mức giao
khoán chi phí quản lý hàng năm. Trường hợp trong năm không chi hết theo kế hoạch
được Vụ Kế toán - Tài chính thông báo, các đơn vị không được điều chỉnh sang
chỉ tiêu khác; đồng thời phải có báo cáo giải trình cụ thể lý do không sử dụng
hết khoản chi này, gửi kèm theo báo cáo thu nhập chi phí năm của đơn vị.
a) Sửa chữa lớn tài sản cố định:
Hàng năm, các đơn vị lập kế hoạch gửi Vụ Kế
toán - Tài chính về sửa chữa tài sản cố định để duy tu, bảo dưỡng, chống xuống
cấp, sửa chữa những hư hỏng phát sinh trong quá trình hoạt động của tài sản cố
định nhằm khôi phục lại năng lực hoạt động bình thường của tài sản cố định. Kế
hoạch phải ghi rõ: Hiện trạng tài sản cố định (giá trị nguyên giá, giá trị đã
khấu hao, giá trị còn lại, số năm đã sử dụng; số lần đã sửa chữa bảo dưỡng), lý
do sửa chữa và dự kiến kinh phí sửa chữa lớn gửi Vụ Kế toán - Tài chính để tổng
hợp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt.
Việc
cải tạo, sửa chữa trụ sở làm việc phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê
duyệt, không sửa chữa chắp vá, tùy tiện làm ảnh hưởng đến kết cấu và thời gian
sử dụng của công trình. Đối với công trình hết niên hạn sử dụng phải được đơn
vị chức năng kiểm định chất lượng công trình, có kết quả kiểm định đảm bảo công
trình tiếp tục sử dụng, trước khi lập kế hoạch sửa chữa lớn trụ sở làm việc.
b) Sửa chữa thường xuyên tài sản cố định:
Đối với kinh phí chi
sửa chữa thường xuyên được Vụ Kế toán - Tài chính thông báo phê duyệt trong kế
hoạch chi phí quản lý giao khoán hàng năm: Các đơn vị chỉ được sử dụng để sửa
chữa phương tiện vận tải, máy móc thiết bị, điện, nước, sửa chữa nhỏ hàng rào,
cống thoát nước, sửa chữa thường xuyên khác trụ sở làm việc và nhà công vụ.
c) Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản
lý, kiểm tra, theo dõi quá trình sửa chữa tài sản cố định, đảm bảo chi tiêu
tiết kiệm, đúng thiết kế và dự toán được duyệt, đảm bảo chất lượng.
d) Khi hoàn thành sửa chữa tài sản cố định,
đơn vị phải lập quyết toán từng hạng mục công trình sửa chữa trình cấp có thẩm
quyền phê duyệt. Đồng thời phải rà soát lại các hồ sơ chứng từ có liên quan đến
việc sửa chữa tài sản cố định và lưu trữ theo đúng quy định của chế độ lưu trữ
chứng từ hiện hành.
đ) Chi phí về sửa chữa tài sản cố định được Vụ
Kế toán - Tài chính thông báo trong tổng chi phí quản lý giao khoán hàng năm.
Trường hợp không thực hiện hết theo kế hoạch, các đơn vị phải báo cáo và không
được điều chỉnh sang chỉ tiêu khác.
3. Thanh lý tài sản cố
định:
a) Các đơn vị được thanh lý tài sản cố định
trong những trường hợp sau:
- Tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị và
không còn phù hợp để sử dụng.
- Tài sản cố định bị hỏng, không sửa chữa
được.
b) Khi cần thanh lý tài sản cố định, các đơn
vị phải có công văn ghi rõ hiện trạng tài sản cố định và lý do thanh lý (thanh
lý phương tiện vận tải phải có ý kiến của cơ quan Nhà nước chuyên ngành - Sở
Giao thông công chính); Thanh lý thiết bị tin học (đối với máy chủ, hệ thống
mạng và phần mềm) phải có ý kiến của Cục Công nghệ tin học Ngân hàng gửi Vụ Kế
toán - Tài chính để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các đơn vị chỉ được
thanh lý tài sản cố định sau khi đề nghị thanh lý tài sản cố định được Ngân
hàng Nhà nước phê duyệt và thông báo bằng văn bản.
c) Khi thanh lý tài sản cố định, các đơn vị
phải thành lập Hội đồng thanh lý tài sản cố định, các thành phần bắt buộc của
Hội đồng gồm: Thủ trưởng đơn vị, trưởng phòng kế toán, kiểm soát viên trưởng
(đối với các đơn vị có bộ phận kiểm soát), trưởng phòng hành chính quản trị,
cán bộ kỹ thuật. Hội đồng thanh lý tài sản cố định có nhiệm vụ xác định hiện
trạng kỹ thuật, dự kiến giá trị khởi điểm của tài sản bán thanh lý và tổ chức bán
thanh lý tài sản cố định.
Tùy theo giá trị khởi điểm của tài sản bán
thanh lý để tổ chức bán đấu giá thanh lý tài sản tại đơn vị hoặc bán đấu giá
thanh lý tài sản thông qua Trung tâm bán đấu giá tài sản tại địa phương theo
chế độ quy định.
d) Sau khi thanh lý tài sản cố định, các đơn
vị phải lập "Biên bản thanh lý tài sản cố định" và gửi Báo cáo kết
quả thanh lý tài sản cố định về Vụ Kế toán - Tài chính.
đ) Số tiền thu được từ thanh lý tài sản cố
định các đơn vị hạch toán vào tài khoản thu khác; Chi phí về thanh lý tài sản cố
định và giá trị còn lại của tài sản chưa khấu hao hết giá trị các đơn vị hạch
toán vào tài khoản chi khác quy định trong hệ thống tài khoản kế toán của Ngân
hàng Nhà nước tại đơn vị.
4. Điều chuyển và nhượng bán tài sản cố định:
Việc điều chuyển tài sản cố định giữa các
đơn vị Ngân hàng Nhà nước và nhượng bán tài sản cố định cho các tổ chức ngoài
Ngân hàng Nhà nước chỉ được thực hiện theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng
Nhà nước.
- Khi điều chuyển, nhượng bán tài sản cố
định, đơn vị điều chuyển, nhượng bán tài sản và đơn vị nhận tài sản phải tổ
chức Hội đồng giao nhận tài sản, gồm đại diện của cả hai bên. Hội đồng có nhiệm
vụ xác định số lượng, giá trị (nguyên giá, giá trị đã khâu hao, giá trị còn
lại), hiện trạng của tài sản bàn giao, các hồ sơ, chứng từ có liên quan và lập
"Biên bản giao nhận tài sản". Biên bản giao nhận được lập thành 3
bản, mỗi bên lưu một bản và gửi một bản về Vụ Kế toán - Tài chính.
- Số tiền thu được từ nhượng bán tài sản cố
định cho các tổ chức ngoài Ngân hàng Nhà nước các đơn vị hạch toán vào thu
nhập; Chi về nhượng bán tài sản cố định và giá trị còn lại của tài sản cố định
chưa khấu hao hết giá trị các đơn vị hạch toán vào tài khoản chi khác quy định trong
hệ thống tài khoản kế toán của Ngân hàng Nhà nước tại đơn vị.
5. Thuê tài sản cố định:
a) Khi cần thuê tài sản cố định là nhà cửa
làm trụ sở, kho tàng, nhà công vụ, các đơn vị phải có văn bản gửi Vụ Kế toán -
Tài chính để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện
(ghi rõ tài sản cố định cần thuê, mục đích thuê, thời gian thuê, giá thuê).
b) Khi thuê tài sản, Thủ trưởng đơn vị phải
ký hợp đồng thuê tài sản. Các tài sản cố định đi thuê không được trích khấu
hao.
Chi phí về thuê tài sản cố định được hạch
toán vào chi phí tại đơn vị.
6. Kiểm kê tài sản cố định:
a) Thời điểm 0 giờ ngày 01/01 hàng năm,
các đơn vị thực hiện kiểm kê tài sản cố định tại đơn vị. Đơn vị có thể tổ chức
kiểm kê đột xuất khi cần thiết (khi có thay đổi về người quản lý tài sản hoặc
khi xẩy ra thiên tai hoặc các sự kiện bất thường khác làm ảnh hưởng đến tài sản
của đơn vị).
b) Khi kiểm kê, đơn vị phải thành lập Hội
đồng kiểm kê, thành phần bắt buộc của Hội đồng gồm: Thủ trưởng đơn vị, trưởng
phòng kế toán, trưởng phòng hành chính quản trị, kiểm soát viên trưởng (đối với
các đơn vị có bộ phận kiểm soát) và cán bộ kỹ thuật (nếu cần thiết). Hội đồng
kiểm kê chịu trách nhiệm tổ chức quá trình kiểm kê chặt chẽ, chịu trách nhiệm
về kết quả kiểm kê.
c) Khi kiểm kê, đơn vị phải kiểm kê về số
lượng, chất lượng và chủng loại tài sản cố định, so sánh với số liệu trên sổ kế
toán để phát hiện các trường hợp tài sản thừa, thiếu, mất phẩm chất, phân loại
tài sản không cần sử dụng, đề nghị điều chuyển, nhượng bán hoặc thanh lý.
d) Sau khi kiểm kê, các đơn vị phải lập
"Biên bản kiểm kê tài sản" theo mẫu quy định và điều chỉnh lại số
liệu kế toán cho phù hợp với thực trạng tài sản tại đơn vị theo kết quả kiểm
kê.
đ) Căn cứ vào kết quả kiểm kê các đơn vị phải
rà soát lại sổ kế toán, nếu do ghi sổ nhầm thì phải điều chỉnh lại sổ kế toán,
đồng thời, phải điều chỉnh lại các khoản chi phí có liên quan. Trường hợp không
phải do ghi sổ nhầm thì xử lý:
- Đối với tài sản cố định phát hiện thừa: Đơn
vị phải tìm chủ sở hữu của tài sản đó và trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Nếu
không tìm được chủ sở hữu thì các đơn vị phải có văn bản gửi Vụ Kế toán - Tài
chính để xem xét, hướng dẫn xử lý.
- Đối với tài sản cố định phát hiện thiếu,
hỏng, giảm chất lượng thì xử lý như trường hợp tổn thất tài sản quy định tại
Điều 11 Quy chế này.
e) Căn cứ vào các biên bản kiểm kê, các đơn
vị lập và gửi báo cáo kết quả kiểm kê về Vụ Kế toán - Tài chính theo đúng quy
định của chế độ báo cáo hiện hành.
7. Đánh giá lại giá trị
tài sản cố định:
a)
Ngân hàng Nhà nước thực hiện đánh giá lại giá trị tài sản cố định trong các
trường hợp sau:
- Kiểm kê đánh giá
lại tài sản theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
- Nhượng bán cho các
tổ chức ngoài Ngân hàng Nhà nước.
b) Các đơn vị chỉ đánh giá lại giá trị tài
sản cố định khi có văn bản của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc đánh giá
lại tài sản.
c) Khi đánh giá lại giá trị tài sản cố định,
đơn vị phải thành lập Hội đồng đánh giá lại tài sản cố định, thành phần bắt
buộc của Hội đồng gồm có: Thủ trưởng đơn vị, trưởng phòng kế toán, trưởng phòng
hành chính quản trị, kiểm soát viên trưởng (đối với các đơn vị có bộ phận kiểm
soát), cán bộ kỹ thuật (nếu có). Sau khi đánh giá lại giá trị tài sản cố định,
Hội đồng phải lập "Biên bản đánh giá lại tài sản cố định" làm cơ sở
hạch toán điều chỉnh giá trị tài sản trên sổ kế toán và gửi về Vụ Kế toán - Tài
chính.
d) Các khoản chênh lệch tăng, giảm do đánh
giá lại tài sản cố định được hạch toán tăng, giảm vốn pháp định.
Điều
11.
Xử lý tổn thất tài sản, mua sắm và sử dụng tài sản lãng
phí, vượt tiêu chuẩn, định mức quy định
1. Tài sản được coi là tổn thất, mua
sắm và sử dụng tài sản lãng phí, vượt tiêu chuẩn, định mức quy định, trong
những trường hợp sau:
- Tài sản bị mất, hỏng, không đảm bảo chất
lượng trong quá trình sử dụng hoặc bảo quản. Tài sản là vật liệu hao hụt quá
định mức quy định.
- Tài sản do Thủ trưởng đơn vị quyết định
việc mua sắm không phù hợp với nhu cầu sử dụng, vượt tiêu chuẩn, định mức so
với quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (gây lãng phí vốn).
2. Khi phát hiện tài sản bị tổn thất, gây lãng
phí vốn các đơn vị phải lập ngay Biên bản để làm căn cứ xử lý (do cá nhân, tập
thể hay nguyên nhân khách quan).
3. Trách nhiệm bồi thường: trên cơ sở biên bản
xử lý tổn thất, lãng phí vốn, hồ sơ quyết toán mua sắm tài sản không phù hợp
với nhu cầu sử dụng, vượt tiêu chuẩn định mức so với quy định của cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền, cá nhân hoặc tập thể bị quy trách nhiệm phải thực hiện bồi
thường theo quy định hiện hành của Pháp lệnh cán bộ, công chức; Luật phòng,
chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
MỤC 3: QUẢN LÝ, SỬ
DỤNG CÔNG CỤ LAO ĐỘNG VÀ VẬT LIỆU
Điều 12. Lập kế hoạch và tổ chức mua sắm
1. Kế hoạch mua sắm công cụ lao động và vật
liệu: Các đơn vị lập dự toán chung trong kế hoạch chi phí quản lý hàng năm đề
nghị được giao khoán.
2. Nguồn mua
sắm công cụ lao động và vật liệu của đơn vị nằm trong tổng chi phí quản lý được
Vụ Kế toán - Tài chính thông báo giao khoán cho đơn vị được phép chi tiêu hàng
năm. Các đơn vị chỉ được chi mua sắm công cụ lao động và vật liệu trong phạm vi
tổng mức chi phí quản lý giao khoán cho đơn vị.
3. Tổ chức mua sắm công cụ lao động và vật liệu:
a) Căn cứ thông báo về chỉ tiêu giao
khoán của Vụ Kế toán - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm tổ
chức việc mua sắm công cụ lao động, vật liệu tại đơn vị, đảm bảo hợp lý, hài
hòa với tổng thể trụ sở, phòng làm việc, tiết kiệm, đúng chế độ Nhà nước quy
định.
b) Khi hoàn thành
việc mua sắm công cụ lao động, vật liệu, các đơn vị phải làm các thủ tục sau:
- Tổ chức
Ban kiểm nhận (đối với công cụ lao động, vật liệu không phải là vật rẻ tiền mau
hỏng), gồm: Đại diện lãnh đạo đơn vị, bộ phận hành chính, quản trị để kiểm nhận
về số lượng, chất lượng, giá trị, chủng loại của công cụ lao động, vật liệu mua
về.
+ Đối với công cụ lao động, các đơn vị lập
“Biên bản kiểm nhận công cụ lao động” cho từng lần mua sắm công cụ lao động.
+ Đối với vật liệu, nếu phát hiện vật liệu
mua không đúng quy định, các đơn vị lập biên bản để làm căn cứ xử lý.
Trường hợp nhập công cụ lao động, vật liệu
với quy mô lớn hoặc có tính chất lý, hoá phức tạp hoặc vật tư quý hiếm thì đơn
vị làm thủ tục kiểm nghiệm và lập Biên bản kiểm nghiệm công cụ lao động, vật
liệu.
- Làm thủ tục nhập kho hoặc bàn giao cho đơn
vị hoặc cá nhân sử dụng.
Điều 13. Quản lý và sử dụng công cụ lao động và vật liệu đã mua sắm
1. Phân loại công cụ lao động:
a) Các đơn vị phân loại công cụ lao động theo
công dụng, chủng loại của công cụ lao động.
Công cụ lao động tại các đơn vị Ngân hàng Nhà
nước chủ yếu gồm các loại chính sau: Thiết bị tin học (máy PC, máy in, modem,
UPS, phần mềm máy tính không đủ giá trị tài sản cố định); Bàn, ghế, quạt, tủ,
xe (xe đẩy, xe nâng), hòm, kệ, giường, máy tính để bàn, máy tính bỏ túi, ti vi,
tủ lạnh, máy điều hoà, máy điện thoại, máy ảnh, máy đếm tiền, máy phát hiện
tiền giả, ổn áp, biến thế, dụng cụ cân, đo, dụng cụ y tế, máy sấy tay, bình
nóng lạnh, quạt thông gió, máy hút bụi, hút ẩm, đồng hồ treo tường, máy khoan,
máy cắt, máy đục, thiết bị bảo vệ (gậy điện tử, bình hơi cay), máy đèn chiếu,
màn chiếu. Một số dụng cụ nếu hạch toán riêng từng chiếc như: Micro, âm ly, loa.
Các dụng cụ, thiết bị, đồ đạc khác không đủ tiêu chuẩn là tài sản cố định (có
thể phân loại chi tiết theo thực tế phát sinh).
b) Các đơn vị căn cứ vào hướng dẫn nêu trên
và tình hình thực tế tại đơn vị để phân loại công cụ lao động tại đơn vị cho
phù hợp với yêu cầu quản lý. Đối với các loại công cụ lao động có số lượng ít,
tương đối giống nhau về chức năng, công dụng, không cần thiết phải theo dõi
riêng từng loại thì có thể gộp chung vào một loại. Đối với các công cụ lao động
cùng công dụng chung nhưng công dụng cụ thể hoặc chủng loại có khác nhau, nếu
số lượng nhiều hoặc giá cả chênh lệch lớn thì có thể phân loại chi tiết hơn.
c) Các loại tài sản có giá trị thấp, mau
hỏng, lắp đặt bổ sung vào tài sản khác hoặc cấp phát cho cá nhân sử dụng thì
không hạch toán vào công cụ lao động mà hạch toán vào vật liệu như các dụng cụ
ăn uống, nhà bếp (ví dụ: phích nước, ấm chén, bát đĩa, xô chậu, xoong nồi),
dụng cụ nhà khách (ví dụ: chăn, màn, chiếu, đệm, gối), dụng cụ trang trí (ví
dụ: phông màn, rèm cửa, tranh tượng, thảm, lọ hoa, chậu cảnh, gương soi).
2. Phân loại vật liệu:
a) Giấy trắng đặc biệt: là các loại giấy
chuyên dùng để in tiền và các sản phẩm đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.
b) Giấy tờ in quan trọng (còn gọi là
ấn chỉ quan trọng): là các loại giấy tờ in để thực hiện các nghiệp vụ phát hành
tiền, thanh toán, ngân quỹ như lệnh điều chuyển, các loại séc, tín phiếu, trái
phiếu chưa đưa ra sử dụng.
c) Giấy tờ in thông thường: là các loại giấy
tờ in không thuộc giấy trắng đặc biệt, giấy tờ in quan trọng.
d) Vật liệu văn phòng: là các loại vật liệu
dùng cho công tác văn phòng (ví dụ: bút, túi đựng hồ sơ, cặp).
đ) Phụ tùng thay thế: là các loại phụ tùng dự
trữ để thay thế cho máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải.
e) Xăng, dầu và các loại nhiên liệu khác.
g) Công cụ lao động chưa dùng: Các loại công
cụ lao động chưa xuất dùng (còn đang bảo quản trong kho) cũng được coi như một
loại vật liệu để thuận tiện cho việc kiểm kê và theo dõi.
h) Vật liệu khác: bao gồm các loại vật liệu
không thuộc các nhóm trên.
Đối với các loại phế liệu thu hồi từ quá
trình sử dụng chưa thanh lý hoặc sử dụng vào các nhu cầu khác của đơn vị (nếu
có) các đơn vị cũng phân loại vào "Vật liệu khác" và mở sổ theo dõi
chặt chẽ.
Để quản lý chặt chẽ các loại vật liệu, các
đơn vị phân loại vật liệu chi tiết theo từng vật liệu (ví dụ: giấy tờ in quan
trọng cần phân loại riêng: séc, lệnh phát hành).
Điều
14. Xác
định giá trị vật liệu, công cụ lao động mua vào
1. Giá trị vật liệu, công cụ lao động mua vào:
là giá mua ghi trên hoá đơn của người bán, trừ đi các khoản chiết khấu, giảm
giá (nếu có), cộng với các chi phí hợp lệ có liên quan đến vật liệu, công cụ
lao động mua vào (ví dụ: chi phí vận chuyển, bảo quản) có đầy đủ chứng từ hợp
lệ.
Trường hợp chi phí mua, bảo quản liên quan
đến nhiều loại vật liệu, công cụ lao động, các đơn vị phải phân bổ cho từng
loại vật liệu, công cụ lao động, trường hợp không thể phân bổ được cho từng
loại thì thủ trưởng đơn vị xem xét và phê duyệt, cho phép ghi trực tiếp các khoản
chi này vào chi phí.
2. Trường hợp vật liệu sau khi nhập kho phải
xuất kho để gia công chế biến cho phù hợp với mục đích sử dụng thì giá trị vật
liệu nhập kho từ gia công chế biến là giá trị vật liệu xuất kho cộng với các
chi phí có liên quan đến việc gia công chế biến vật liệu, bao gồm cả chi phí
vận chuyển, bảo quản (nếu có).
Điều
15. Xác
định giá trị công cụ lao động và vật liệu phân bổ vào chi phí
1. Đối với công cụ lao động: các đơn vị
phân bổ toàn bộ giá trị công cụ lao động vào chi phí khi đưa ra sử dụng.
2. Đối với vật liệu: các đơn vị ghi vào
chi phí giá trị vật liệu thực tế xuất dùng. Đối với giá trị vật liệu xuất kho,
đơn vị phải xác định phương pháp tính giá thực tế vật liệu xuất kho thích hợp
(giá nhập kho thực tế của vật liệu hoặc giá bình quân).
Điều
16. Sửa
chữa công cụ lao động
1. Thủ trưởng các đơn vị quyết định việc sửa
chữa, duyệt dự toán và quyết toán việc sửa chữa công cụ lao động tại đơn vị.
Việc sửa chữa công cụ lao động phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, có đầy đủ
chứng từ hợp lệ.
2. Chi phí sửa chữa công cụ lao động được ghi
vào chi sửa chữa, bảo dưỡng tài sản trong phạm vi dự toán được duyệt.
Điều
17. Thanh
lý công cụ lao động, vật liệu
1. Các đơn vị được thanh lý công cụ lao động bị
hỏng không sửa chữa được, các loại vật liệu tồn kho lâu ngày bị hỏng hoặc không
sử dụng, không cần thiết phải tiếp tục dự trữ.
2. Thủ trưởng đơn vị quyết định việc thanh lý
công cụ lao động, vật liệu tại đơn vị mình.
3. Khi thanh lý công cụ lao động, vật liệu đơn
vị phải thành lập Hội đồng thanh lý công cụ lao động và lập "Biên bản
thanh lý công cụ lao động" như trường hợp thanh lý tài sản cố định.
4. Số tiền thu về thanh lý công cụ lao động
hạch toán vào các khoản thu khác tại đơn vị. Chi phí thanh lý công cụ lao động
hạch toán vào chi phí khác tại đơn vị.
Điều
18. Thuê
công cụ lao động
1. Thủ trưởng đơn vị quyết định việc thuê công
cụ lao động tại đơn vị. Khi thuê công cụ lao động, các đơn vị phải lập hợp đồng
thuê công cụ lao động.
2. Chi phí thuê công cụ lao động được ghi vào
các khoản chi khác tại đơn vị.
Điều
19. Kiểm kê công cụ lao
động, vật liệu
Các đơn vị thực hiện kiểm kê công cụ lao
động, vật liệu tương tự như kiểm kê tài sản cố định. Trường hợp kiểm kê vật
liệu, thành phần Hội đồng kiểm kê bao gồm cả thủ kho vật liệu. Đối với công cụ
lao động, vật liệu phát hiện thừa mà không tìm được chủ sở hữu thì thủ trưởng
đơn vị được phép quyết định ghi nhập tài sản và tăng thu nghiệp vụ tại đơn vị.
Trường hợp công cụ lao động, vật liệu phát hiện thiếu, hỏng, giảm phẩm chất thì
xử lý theo quy định tại Điều 11 Quy chế này.
Chương 3
QUẢN LÝ THU NHẬP VÀ CHI PHÍ
MỤC 1: NGUYÊN TẮC
QUẢN LÝ THU NHẬP VÀ CHI PHÍ
Điều 20. Nguyên tắc quản lý thu nhập
1. Các khoản
thu của Ngân hàng Nhà nước được hạch toán theo nguyên tắc kế toán dồn tích; Các
khoản thu bằng ngoại tệ được thực hiện thông qua nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ để
chuyển đổi ra đồng Việt nam (VND) theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh
để hạch toán vào các tài khoản thu nhập.
Cuối năm, số dư Có
các tài khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, chênh lệch giá vàng, chênh lệch đánh
giá lại công cụ phái sinh tiền tệ (do đánh giá lại số dư ngoại tệ, vàng thuộc
Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước) không hạch toán vào thu nhập mà hạch toán vào
tài khoản đánh giá lại ngoại tệ, vàng.
2. Các đơn vị
phải tính và thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định và hạch toán đúng tính
chất các tài khoản thu nhập.
3. Các khoản
thu từ hoạt động tiền gửi, cấp tín dụng và đầu tư là số lãi phải thu trong kỳ
được xác định theo nguyên tắc sau:
- Các đơn vị hạch
toán vào thu nhập số lãi phải thu trong kỳ của các khoản tiền gửi, đầu tư và các
khoản cho vay trong hạn.
- Đối với số lãi phải
thu của các khoản cho vay đã quá hạn thì không hạch toán vào thu nhập, các đơn
vị theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.
- Đối với số lãi phải
thu của các khoản cho vay trong hạn đã hạch toán thu nhập nhưng đến kỳ thanh
toán khách hàng không trả đúng hạn (hoặc chưa đến kỳ thanh toán lãi nhưng khoản
cho vay tương ứng bị chuyển quá hạn) các đơn vị hạch toán vào chi phí để giảm
thu và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu
nhập
4. Thu do
chênh lệch giá bán lớn hơn giá mua bình quân trong kỳ ngoại tệ thuộc Quỹ dự trữ
ngoại hối Nhà nước.
5. Đối với
thu nhập từ hoạt động còn lại: là toàn bộ số tiền cung ứng dịch vụ được khách
hàng chấp nhận thanh toán, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được
tiền.
6. Các đơn
vị không được tự ý miễn giảm các khoản thu. Nghiêm cấm việc để các khoản thu
ngoài sổ kế toán, giữ lại các khoản thu để lập quỹ trái phép dưới mọi hình
thức.
Điều 21. Nguyên tắc quản lý chi phí
1. Các khoản
chi của Ngân hàng Nhà nước được hạch toán theo nguyên tắc kế toán dồn tích; Các
khoản chi bằng ngoại tệ được thực hiện thông qua nghiệp vụ mua, bán ngoại tệ để
chuyển đổi ra đồng Việt nam (VND) theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh
để hạch toán vào các tài khoản chi phí.
Cuối năm, số dư Nợ
các tài khoản chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, chênh lệch giá vàng, chênh lệch đánh
giá lại công cụ phái sinh tiền tệ (do đánh giá lại số dư ngoại tệ, vàng thuộc
Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước) không hạch toán vào chi phí mà hạch toán vào tài
khoản đánh giá lại ngoại tệ, vàng.
2. Các khoản
chi hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ Ngân hàng (các khoản chi không thuộc phạm vi
giao khoán theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Các đơn vị được chi
trên cơ sở nhu cầu thực tế phát sinh phục vụ hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ
theo các quy định hiện hành của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước.
3. Các khoản
chi phí quản lý thực hiện theo cơ chế khoán của Bộ Tài chính:
Ngân hàng Nhà nước
thực hiện cơ chế khoán chi phí quản lý theo quy định của Bộ Tài chính. Các đơn
vị thực hiện khoán chi phí quản lý theo quy định về khoán kinh phí hoạt động
của Ngân hàng Nhà nước.
Trong phạm vi tổng
chi phí quản lý được Ngân hàng Nhà nước giao khoán trong năm, các đơn vị được
điều hoà giữa các khoản chi để bảo đảm hoạt động của đơn vị (trừ khoản chi về
sửa chữa, bảo dưỡng tài sản) trên cơ sở chi tiêu đúng chế độ, định mức quy định
của Nhà nước và của Ngân hàng Nhà nước.
4. Các khoản
chi từ nguồn kinh phí do Ngân sách Nhà nước cấp hoặc do các nguồn kinh phí khác
đài thọ được hạch toán theo dõi riêng theo quy định và hướng dẫn của Ngân hàng
Nhà nước.
5. Chi do
chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá mua bình quân trong kỳ ngoại tệ thuộc Quỹ dự trữ
ngoại hối Nhà nước và các khoản chi khác liên quan đến mua bán ngoại tệ thuộc
Quỹ.
6. Các đơn
vị không được ghi vào chi phí những khoản chi sau đây:
- Các khoản tiền phạt
phải nộp Nhà nước hoặc phải trả cho khách hàng về những thiệt hại vật chất do
nguyên nhân chủ quan của Ngân hàng Nhà nước gây ra trong quá trình thực hiện
nghiệp vụ ngân hàng.
- Các khoản chi đầu
tư, mua sắm, cải tạo, nâng cấp tài sản cố định thuộc nguồn vốn đầu tư xây dựng
và mua sắm tài sản cố định. Các khoản chi cho xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng và trang
thiết bị các tài sản phúc lợi như nhà ở, nhà nghỉ của cán bộ, công chức, viên
chức Ngân hàng Nhà nước; Các khoản chi cho các công trình phúc lợi khác.
- Các khoản chi ủng
hộ địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan khác.
- Các khoản chi thuộc
các nguồn kinh phí khác đài thọ.
7. Các khoản
chi phí sau đây chỉ được hạch toán tại Vụ Kế toán - Tài chính:
- Chi phí in, đúc
tiền.
- Chi phí in giấy tờ
có giá và các phương tiện thanh toán thay tiền.
- Chi đầu tư xây dựng
và mua sắm tài sản cố định.
- Chi đầu tư phát
triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ Ngân hàng.
- Chi lập khoản dự
phòng rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ Ngân hàng.
- Chi khen thưởng cho
tập thể, cá nhân ngoài ngành có đóng góp xuất sắc cho hoạt động Ngân hàng.
- Chi từ Quỹ dự phòng
ổn định thu nhập.
- Chi trợ cấp thêm
ngoài chính sách chung cho những người tự nguyện về nghỉ chế độ trong quá trình
sắp xếp, tổ chức lại lao động theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
8. Trong
thời gian thực hiện mức giao khoán kinh phí, khi Nhà nước thay đổi chính sách,
chế độ, các đơn vị phải tự trang trải chi phí tăng thêm theo chính sách, chế độ
mới.
9. Mức giao
khoán kinh phí được xem xét điều chỉnh trong một số trường hợp do nguyên nhân
khách quan dẫn đến nguồn kinh phí giao khoán không đủ đảm bảo mức chi tối thiểu
về tiền lương theo chế độ Nhà nước quy định và duy trì hoạt động của đơn vị, cụ
thể:
- Bổ sung chức năng,
nhiệm vụ theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Thiên tai, địch họa
và các nguyên nhân khách quan khác.
MỤC 2: NỘI DUNG CÁC
KHOẢN THU NHẬP, CHI PHÍ
Điều 22. Các khoản thu nhập của Ngân hàng Nhà nước
1. Thu về
nghiệp vụ tiền gửi, cấp tín dụng:
- Thu lãi tiền gửi:
Các khoản lãi phải
thu về tiền gửi của Ngân hàng Nhà nước gửi tại các tổ chức tín dụng; thu lãi
tiền gửi ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước gửi tại nước ngoài.
- Thu lãi cho vay:
Các khoản lãi phải
thu về cho vay bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng ở
trong nước, Ngân hàng liên doanh, Ngân hàng nước ngoài.
- Thu phí lưu ký
chứng khoán.
- Thu khác về hoạt
động tín dụng:
Các khoản thu ngoài
các khoản thu nói trên về nghiệp vụ tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
2. Thu về nghiệp vụ
thị trường mở:
Thu về nghiệp vụ thị
trường mở thông qua nghiệp vụ mua bán ngắn hạn các giấy tờ có giá do Ngân hàng
Nhà nước thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện chính sách tiền tệ
quốc gia.
3. Thu về
hoạt động ngoại hối:
- Thu về mua bán
vàng:
Các khoản thu về hoạt
động kinh doanh vàng như lãi về mua bán vàng, tiền hoa hồng bán vàng hộ nước
ngoài.
- Thu về mua bán
ngoại tệ:
Các khoản thu về hoạt
động kinh doanh ngoại tệ như lãi từ nghiệp vụ mua bán, chuyển đổi ngoại tệ trên
thị trường trong và ngoài nước.
- Thu khác về giao
dịch ngoại hối:
Các khoản thu ngoài
các khoản thu nói trên về hoạt động ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.
4. Thu lãi
đầu tư chứng khoán, thu chênh lệch giữa giá bán và giá trị ghi sổ của chứng
khoán.
5. Thu lãi
góp vốn vào các tổ chức quốc tế.
6. Thu về dịch vụ Ngân hàng, gồm:
- Thu dịch vụ thanh
toán:
Các khoản thu dịch vụ
thanh toán của Ngân hàng Nhà nước đối với khách hàng.
- Thu dịch vụ thông
tin gồm các khoản thu về dịch vụ trao đổi thông tin về tiền tệ, tín dụng và các
dịch vụ thông tin khác của Ngân hàng Nhà nước.
- Các khoản thu dịch
vụ khác:
Các khoản thu dịch vụ
khác ngoài các khoản thu dịch vụ nói trên.
7. Thu phí
và lệ phí:
Khoản thu từ việc cấp
giấy phép thành lập và hoạt động cho các tổ chức tín dụng, cấp giấy phép hoạt
động ngoại hối, phí thẩm định, phí đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ
chức kinh tế nước ngoài tại Việt Nam áp dụng trong ngành Ngân hàng.
8. Các khoản
thu khác:
Gồm các khoản thu
ngoài các khoản thu nói trên của Ngân hàng Nhà nước như thu về tiêu huỷ tiền,
thu tiền nhượng bán, thanh lý tài sản cố định, thanh lý công cụ lao động và vật
liệu, thu nợ đã xóa nay thu hồi được, thu tiền thừa quỹ, thu về tiêu hủy tiền, thu
từ bán mẫu tiền, bán tiền lưu niệm, thu từ dự án do các nước và các tổ chức quốc
tế tài trợ trong lĩnh vực Ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, các khoản thu khác.
Điều 23. Các khoản chi phí của Ngân hàng Nhà nước
1. Chi hoạt
động nghiệp vụ và dịch vụ Ngân hàng:
1.1. Chi trả lãi tiền
gửi:
Là khoản lãi phải trả
tiền gửi bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước,
tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế và pháp nhân nước ngoài.
1.2. Chi trả lãi
tiền vay:
Là khoản lãi phải trả
tiền vay nước ngoài và trả lãi tín phiếu Ngân hàng Nhà nước đã phát hành để
thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia.
1.3. Chi nghiệp vụ
thị trường mở:
Các khoản chi phí
liên quan đến các giao dịch thông qua nghiệp vụ mua, bán ngắn hạn các giấy tờ
có giá do Ngân hàng Nhà nước thực hiện trên thị trường tiền tệ nhằm thực hiện
chính sách tiền tệ quốc gia.
1.4. Chi về hoạt động
ngoại hối:
Các khoản chi trực
tiếp trong hoạt động mua bán vàng, ngoại tệ (kể cả thuế nhập khẩu, chi phí vận
chuyển, đóng gói, chế tác vàng, phí nhờ tiêu thụ ngoại tệ, phí dịch vụ thanh
toán ngoại tệ), chênh lệch giữa giá mua và giá bán ngoại tệ, vàng và các chi
phí khác về mua bán ngoại hối thuộc Quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước.
1.5. Chi về chênh
lệch giữa giá trị ghi sổ của chứng khoán với giá bán chứng khoán và các khoản
chi khác liên quan đến mua bán chứng khoán.
1.6. Chi về hoạt động
lưu ký chứng khoán.
1.7. Chi dịch vụ
thanh toán, thông tin:
Các khoản chi trực
tiếp về thực hiện dịch vụ thanh toán, thông tin như cước viễn thông và các
khoản chi về bưu phí, điện báo, thuê kênh truyền tin trả cho cơ quan Bưu chính
viễn thông và các nhà cung cấp khác (Swift, Reuteur), chi vật liệu như giấy,
mực in, ru băng máy tính để phục vụ cho nghiệp vụ thanh toán và thông tin.
Chi bảo trì Hệ thống thanh
toán liên Ngân hàng và máy móc, thiết bị phục vụ nghiệp vụ thanh toán, thông
tin.
1.8. Chi phí in, đúc,
bảo quản, vận chuyển, phát hành tiền, giấy tờ có giá:
- Các khoản chi về vẽ
mẫu tiền, chế bản mẫu tiền.
- Chi thanh toán tiền
mua sản phẩm đặc biệt (tiền).
- Chi phí mua giấy in
tiền và nguyên liệu để đúc tiền. Tiền gia công cho đơn vị in, đúc sản phẩm.
Ngân hàng Nhà nước
thực hiện phân bổ các khoản chi này vào chi phí phù hợp với lượng tiền mới đưa
vào lưu thông.
- Chi phí in áp
phích, tờ rơi giới thiệu đồng tiền Việt nam.
- Các chi phí liên
quan đến in các giấy tờ có giá.
- Các chi phí về giao
nhận, vận chuyển, bảo quản tiền và giấy tờ có giá mới in trong quá trình vận
chuyển về Kho tiền Trung ương.
1.9. Chi phí bốc xếp,
giao nhận, vận chuyển, tuyển chọn, kiểm đếm, tiêu huỷ tiền, giấy tờ có giá:
- Chi phí vận chuyển,
bốc xếp tiền, giấy tờ có giá: Chi xăng dầu cho phương tiện vận chuyển. Chi thuê
phương tiện vận chuyển được thanh toán theo hợp đồng ký kết với bên cho thuê,
chi bốc xếp tại cảng, nhà ga, sân bay theo hợp đồng ký kết với bên cho thuê.
Chi giao nhận, bốc xếp tiền tại kho của Ngân hàng Nhà nước.
Chi phí sửa chữa, bảo
dưỡng xe ô tô chuyên dùng, chi phí kiểm định, khám xe định kỳ (bao gồm cả xe ô
tô tải và xe ô tô hộ tống), xe nâng hàng và các phương tiện, máy móc thiết bị
an toàn kho quỹ phục vụ bảo quản tiền và tiêu hủy tiền.
- Chi tuyển chọn,
kiểm đếm, đóng bó, niêm phong tiền, gồm:
+ Chi phí vật liệu
tuyển chọn, kiểm đếm, phân loại và đóng bó tiền: Giá trị mua sắm vật liệu thực
xuất dùng như bao bì, dây buộc, keo dán và các loại vật liệu khác phục vụ cho
quá trình tuyển chọn, kiểm đếm, phân loại, đóng bó, niêm phong tiền.
+ Chi trực tiếp cho
cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tuyển chọn, kiểm đếm, đóng bó, niêm
phong tiền theo định mức và mức chi bồi dưỡng tuyển chọn, kiểm đếm do Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước quy định.
- Chi phí về tiêu huỷ
tiền, bao gồm:
+ Chi vật liệu cho
công tác tiêu huỷ, chi bồi dưỡng cho cán bộ tham gia phục vụ công tác tiêu huỷ.
Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ tham gia tiêu huỷ theo quy định của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước (sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận).
+ Chi tiền công tác
phí cho Hội đồng giám sát và Hội đồng tiêu hủy; Chi hỗ trợ cho cán bộ trưng tập
giám sát tiêu hủy.
1.10. Chi bảo vệ
tiền:
- Chi hỗ trợ cho lực
lượng công an, cán bộ Ngân hàng Nhà nước làm nhiệm vụ đi áp tải vận chuyển và
giao tiền, giấy tờ có giá theo từng chuyến hàng ngoài tiền công tác phí theo
chế độ quy định.
- Chi mua sắm vật tư
phương tiện phòng chống đột nhập, phòng cháy chữa cháy trong và ngoài kho tiền.
- Chi cho việc phát
hiện, kiểm tra, giám định tiền giả, tiền phá hoại.
- Các khoản phụ cấp
cho lực lượng canh gác, bảo vệ kho, áp tải tiền, vàng bạc, đá quý, giấy tờ có
giá.
- Chi phí đảo kho
định kỳ và đột xuất.
- Chi trả
tiền điện sử dụng cho các thiết bị điện sử dụng cho kho tiền.
- Chi phòng chống
mối, mọt kho tiền.
1.11. Các khoản chi
khác về hoạt động nghiệp vụ và dịch vụ Ngân hàng.
2. Các khoản
chi phí quản lý thực hiện theo cơ chế khoán, gồm:
2.1. Chi cho cán
bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước, nhân viên hợp đồng và chi khen
thưởng phúc lợi.
2.1.1. Chi lương và
phụ cấp lương:
- Chi lương theo
ngạch, bậc và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định, tiền lương làm thêm
giờ cho cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và những người làm hợp đồng
theo hình thức không xác định thời hạn và hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở
lên theo chế độ quy định đối với Ngân hàng Nhà nước.
- Chi tiền công cho
nhân viên hợp đồng ngắn hạn (dưới 12 tháng).
2.1.2. Chi ăn trưa
cho cán bộ, công chức và cán bộ chuyên trách công tác đoàn thể của Ngân hàng
Nhà nước. Mức chi cho mỗi người hàng tháng không vượt quá mức lương tối thiểu chung
do Nhà nước quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức.
2.1.3. Chi trang
phục giao dịch và bảo hộ lao động:
- Chi trang phục giao
dịch: Mức chi trang phục giao dịch hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức
(bao gồm cả cán bộ, công chức là thanh tra và bảo vệ của Ngân hàng Nhà nước) thực
hiện theo quy định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Trong phạm vi mức chi
trang phục giao dịch, đối với các bộ phận cán bộ, công chức, viên chức bắt buộc
phải mặc trang phục theo quy định thống nhất phù hợp với nhiệm vụ được giao thì
từng bộ phận tổ chức thuê may đo cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng.
- Chi bảo hộ lao động
(ngoài chế độ trang phục giao dịch): Gồm chi mua găng tay, áo choàng vải, mũ,
khẩu trang, khăn mặt cho một số đối tượng theo chế độ quy định của Nhà nước và
hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.1.4. Chi bồi dưỡng
độc hại:
Đối tượng và mức chi bồi
dưỡng độc hại thực hiện theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng
Nhà nước.
2.1.5. Chi khen
thưởng và phúc lợi:
Hàng năm, Ngân hàng
Nhà nước được chi khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ công chức, viên chức theo định
kỳ và đột xuất, mức chi bằng tổng quỹ tiền lương thực hiện trong năm (bao gồm
cả tiền lương của cán bộ chuyên trách công tác đoàn thể của Ngân hàng Nhà nước
và khoản hỗ trợ thu nhập về phúc lợi, khen thưởng cho cán bộ chuyên trách Công
đoàn ngành).
2.2. Các khoản chi để
đóng góp theo lương:
Gồm các khoản chi nộp
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn và các khoản đóng góp khác
theo chế độ của Nhà nước quy định.
2.3. Chi công tác xã hội:
Gồm chi tiền tàu xe
cho cán bộ, công chức, viên chức đi nghỉ phép hàng năm, thanh toán tiền phép
theo chế độ quy định và các khoản chi khác về công tác xã hội.
2.4. Chi hỗ trợ hoạt
động của các đoàn thể của Ngân hàng Nhà nước:
Chi hỗ trợ cho các tổ
chức Đảng, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ. Chi cho công tác tuyên truyền giáo
dục chính trị tư tưởng, văn hoá, hoạt động phong trào văn thể, hội thao, hội
diễn.
2.5. Chi trợ cấp khó
khăn, trợ cấp thôi việc:
Đối tượng chi và mức
chi thực hiện theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.6. Chi hoạt động
quản lý và công vụ:
2.6.1. Chi về vật
liệu và giấy tờ in:
Chi mua sắm các loại
vật liệu văn phòng, vật rẻ tiền mau hỏng, chi về các loại giấy tờ in, vật mang
tin, chi xăng dầu và vật liệu khác phục vụ cho hoạt động của Ngân hàng Nhà nước
(trừ giấy, Mực in, Vật mang tin, Ru băng máy tính và các vật liệu khác phục
vụ cho hoạt động thanh toán).
2.6.2. Chi bưu phí,
điện thoại và viễn thông:
Các khoản chi về cước
phí tem thư chuyển công văn, bưu phẩm và cước phí điện thoại (bao gồm cước phí
của các máy điện thoại cố định, máy Fax, điện thoại di động theo chế độ quy
định) và các thiết bị thông tin liên lạc khác. Khoản chi này không bao gồm
chi phí viễn thông về mạng trả cho cơ quan Bưu điện khi thực hiện nghiệp vụ
thanh toán, thông tin.
Đối tượng trang bị
điện thoại cố định tại nhà riêng, điện thoại di động và quy chế quản lý và sử
dụng điện thoại các đơn vị thực hiện theo Quy chế của Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước.
2.6.3. Chi về điện,
nước, vệ sinh cơ quan, gồm:
- Chi về tiền điện:
Thanh toán tiền điện sử dụng tại trụ sở làm việc, nhà công vụ, kho tàng và các
địa điểm làm việc khác phải thuê ngoài (không bao gồm tiền điện dùng cho các
máy móc, thiết bị sử dụng điện để bảo vệ kho tiền, khoản chi này hạch toán vào
chi bảo vệ tiền).
- Chi về tiền nước
sử dụng tại trụ sở làm việc và nhà công vụ trả cho cơ quan kinh doanh nước.
- Chi làm vệ sinh cơ
quan (dụng cụ, phương tiện làm vệ sinh, thuê người làm vệ sinh tại trụ sở và
nhà công vụ).
- Chi y tế cơ quan:
+ Chi mua thuốc phòng
bệnh, chữa bệnh.
+ Chi cho cơ sở y tế
khám bệnh tại cơ quan cho cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan tổ chức.
+ Chi về
tổ chức vệ sinh phòng dịch.
+ Chi
tuyên truyền phổ biến về bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ, công chức, viên chức.
2.6.4.
Chi nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, bao gồm các khoản chi sau
- Chi tổ
chức các cuộc hội thảo khoa học.
- Chi
nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
- Chi
thuê dịch tài liệu nước ngoài.
- Chi cho
đề tài nghiên cứu khoa học.
- Chi
triển khai ứng dụng khoa học công nghệ Ngân hàng.
- Chi cho
các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiệp vụ.
- Các
khoản chi khác theo quy định của Nhà nước.
Các khoản
chi trên phải được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt chủ trương, nội dung,
địa điểm tổ chức và kinh phí.
2.6.5.
Chi công tác phí:
Chi công tác phí cho
cán bộ, công chức, viên chức đi công tác trong nước (phụ cấp lưu trú, tiền vé
tàu, xe, lệ phí đường, cầu, phà, sân bay, cước hành lý phục vụ cho chuyến đi
công tác, tiền thuê phòng ngủ theo chế độ quy định) và phụ cấp công tác phí cho
cán bộ, công chức, viên chức đi công tác nước ngoài thực hiện theo quy định
hiện hành của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.6.6.
Chi tổ chức hội nghị, tập huấn, đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ, gồm:
a) Chi
phí cho cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước đi dự hội nghị, tập huấn
nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học theo giấy triệu tập của Ngân hàng Nhà
nước (trên cơ sở kế hoạch đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt nội
dung, thời gian, địa điểm). Thời gian tổ chức hội nghị không quá 3 ngày;
Thời gian tổ chức tập huấn không quá 7 ngày:
- Đơn vị
đăng cai thực hiện tổ chức hội nghị, tập huấn phối hợp với đơn vị chủ trì tổ
chức hội nghị, lớp học (Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước) lập dự toán, quyết
toán chi phí hội nghị, tập huấn. Thủ trưởng đơn vị đăng cai thực hiện tổ chức
hội nghị, tập huấn phê duyệt dự toán, quyết toán và hạch toán tại đơn vị. Đối
với các hội nghị, tập huấn do các Vụ, Cục thuộc Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại
Hà nội hoặc TP. Hồ Chí Minh, Cục trưởng Cục Quản trị hoặc Vụ trưởng - Trưởng
Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh phê duyệt dự toán, quyết toán. Các đơn
vị gửi 01 bản báo cáo quyết toán về Vụ Kế toán - Tài chính kèm theo dự toán có
xác nhận của đơn vị chủ trì tổ chức hội nghị, tập huấn để xem xét trình Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước bổ sung kinh phí cho đơn vị.
- Cán bộ,
công chức, viên chức đi dự hội nghị, tập huấn được thanh toán tiền phụ cấp công
tác phí và tiền thuê phòng ngủ theo chế độ quy định.
- Đơn vị
đăng cai tổ chức hội nghị, tập huấn chỉ liên hệ đặt thuê phòng ngủ cho cán bộ,
công chức, viên chức tham dự hội nghị (nếu có nhu cầu) và chi phí tổ chức hội
nghị, tập huấn (nội dung chi và mức chi thực hiện theo quy định của Bộ Tài
chính và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước).
b) Chi
phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi học các lớp đào tạo:
- Trung
tâm đào tạo Ngân hàng Nhà nước lập kế hoạch đào tạo trình Thống đốc phê duyệt gửi
Vụ Kế toán - Tài chính và các cơ sở tập huấn nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước để
bố trí kinh phí và tổ chức triển khai các lớp đào tạo.
- Đơn vị
đăng cai (nơi có cơ sở tập huấn nghiệp vụ) phối hợp với Trung tâm đào tạo Ngân
hàng Nhà nước lập dự toán, quyết toán chi phí lớp đào tạo. Thủ trưởng đơn vị
đăng cai tổ chức lớp đào tạo phê duyệt dự toán, quyết toán và hạch toán tại đơn
vị. Đồng thời gửi 01 bản báo cáo quyết toán về Vụ Kế toán - Tài chính kèm theo
dự toán có xác nhận của Trung tâm đào tạo Ngân hàng Nhà nước để xem xét trình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ sung kinh phí cho đơn vị.
Khi Trung tâm đào tạo
Ngân hàng Nhà nước có cơ chế tài chính riêng, việc quản lý chi tiêu và tổ chức
các lớp đào tạo sẽ thực hiện theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Chi phí
tổ chức lớp học và hỗ trợ tiền ăn cho học viên (nếu có) được thực hiện theo quy
định của Bộ Tài chính và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước. Trung tâm đào tạo Ngân
hàng Nhà nước phải tính toán bố trí số lượng học viên lớp đào tạo phù hợp với
cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có tại các cơ sở tập huấn nghiệp vụ để
không phải chi thêm tiền thuê chỗ ngủ và trang thiết bị giảng dạy.
- Cán bộ,
công chức, viên chức tham dự lớp học được thanh toán tiền tàu, xe (lượt đi,
lượt về, nghỉ lễ, nghỉ tết) tại đơn vị cử đi học.
c) Chi
phí cho cán bộ, công chức, viên chức đi học các lớp nghiệp vụ chuyên môn (học
trong nước) được Ngân hàng Nhà nước phân bổ chỉ tiêu đào tạo hàng năm như các
lớp đào tạo học tại chức, học chuyển đổi, đào tạo sau đại học, chuyên môn
nghiệp vụ khác. Đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học được thanh toán
các khoản sau đây nếu kết quả học tập đạt yêu cầu trở lên:
- Tiền
học phí, tiền mua giáo trình của khóa học, lệ phí thi tuyển theo quy định của
cơ sở đào tạo.
- Chi phí
in ấn, đóng quyển khóa luận, luận văn, luận án lần cuối và bản tóm tắt luận
văn, luận án gửi lấy ý kiến nhận xét theo chế độ quy định.
- Chi phí
đi lại một lần cho một đợt học, nghỉ lễ, Tết theo chế độ quy định.
- Tiền
thuê phòng ngủ (theo mức quy định đối với ký túc xá của trường cho sinh viên
thuê ở tập thể). Các cơ sở đào tạo thuộc Ngân hàng Nhà nước có nhà công vụ
hoặc nhà nghỉ bố trí được chỗ ở cho học viên thì không được thanh toán tiền
thuê phòng ngủ.
d) Chi
phí cho cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước đi đào tạo, khảo sát ở
nước ngoài và các đoàn của nước ngoài khảo sát tại Ngân hàng Nhà nước theo qui
định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.6.7. Chi phí cho
thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Ngân hàng Nhà nước:
Đây là
khoản chi cho các đoàn đến thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại đơn vị, bao gồm
chi phí mua vật liệu văn phòng và các chi phí khác phục vụ cho đoàn thanh tra,
kiểm tra, kiểm toán.
2.6.8. Chi xuất bản
tài liệu, tuyên truyền quảng cáo:
- Các
khoản chi về xuất bản sách, các bản tin hoạt động Ngân hàng, trang Website của
Ngân hàng Nhà nước, xuất bản các văn bản thể lệ chế độ của Ngân hàng Nhà nước đã
được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
- Chi
nhuận bút cho người viết bài.
- Chi
tiền thuê in thanh toán theo hợp đồng với các cơ sở in.
- Chi phí
cho các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, quảng cáo các văn bản thể
lệ chế độ và hoạt động của Ngân hàng, các cuộc họp với cơ quan thông tin đại
chúng, các khách hàng để phổ biến chủ trương chính sách và chế độ nghiệp vụ
Ngân hàng.
- Chi
phí hoạt động của Thời báo Ngân hàng và Tạp chí Ngân hàng thực hiện theo cơ chế
tài chính do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.
2.6.9.
Chi lễ tân, khánh tiết:
Gồm các
khoản chi tiếp khách trong nước, tiếp khách Quốc tế tới làm việc ở đơn vị, chi
tổ chức các buổi họp mặt nhân ngày lễ, ngày kỷ niệm (thành lập ngành, quân đội
nhân dân, phụ nữ, thương binh liệt sỹ, tết nguyên đán).
Đối với
cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước (bao gồm cả lái xe và cán bộ,
công chức, viên chức áp tải tiền) đến công tác và làm việc tại các đơn vị Ngân
hàng Nhà nước do đã được chi phụ cấp tiền công tác phí tại đơn vị cử đi công
tác nên các đơn vị (nơi đến công tác) không được chi tiếp khách (gồm tiền thuê
phòng ngủ, tiền ăn) đối với những trường hợp này.
2.6.10.
Các khoản chi hoạt động quản lý và công vụ khác:
- Chi mua
tài liệu, sách báo: Chi mua tài liệu, sách báo để phục vụ cho việc nghiên cứu
và cung cấp các thông tin cần thiết chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
- Chi
thuê chuyên gia trong và ngoài nước, khoản chi này phải được Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước phê duyệt trước khi thực hiện. Định mức và mức chi thực hiện theo
quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
- Chi phí phòng cháy,
chữa cháy, phòng chống lụt, bão, chi cho công tác dân quân tự vệ: như chi công
tác an ninh quốc phòng, trực cơ động sẵn sàng chiến đấu, chi phí luyện tập,
diễn tập hàng năm cho đội phòng cháy, chữa cháy, phòng chống bão, lụt cho đội
dân quân tự vệ của cơ quan hoặc thuê cơ quan chuyên môn huấn luyện.
- Các khoản chi hoạt
động quản lý và công vụ khác.
2.7. Các khoản chi
khác: gồm các khoản chi chủ yếu sau:
+ Chi
nhượng bán, thanh lý tài sản;
+ Giá trị
còn lại của tài sản thanh lý, nhượng bán;
+ Chi cho việc thu
hồi các khoản nợ đã xóa;
+ Khoản
tổn thất sau khi đã bù đắp bằng các nguồn theo quy định hiện hành;
+ Chi bảo quản hồ sơ,
chứng từ, sổ kế toán và tài liệu;
+ Chi bồi
dưỡng quyết toán cuối năm;
+ Chi bồi
dưỡng lao động đặc thù;
+ Chi về
bảo hiểm tài sản;
+ Chi nộp
thuế, lệ phí: Ví dụ phí lưu kho, lưu bãi, phí mua bảo hiểm và phí kiểm định
định kỳ các phương tiện vận tải (trừ các khoản thuế, phí khi mua sắm tài sản cố
định phải hạch toán vào giá trị tài sản cố định theo quy định của pháp luật);
+ Chi cho
cán bộ trực tiếp và gián tiếp tham gia vào việc đưa hợp đồng quảng cáo về Thời
báo Ngân hàng và Tạp chí Ngân hàng. Mức chi tối đa không vượt quá mức 40% giá
trị của hợp đồng quảng cáo;
+ Chi hỗ
trợ kinh phí hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp thuộc Ngân hàng Nhà nước (không
hưởng kinh phí Ngân sách Nhà nước); Chi phí hoạt động của các đơn vị sự nghiệp
thực hiện theo cơ chế tài chính do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành;
+ Các
khoản chi khác.
2.8. Chi
bảo dưỡng, sửa chữa tài sản cố định và công cụ lao động:
Gồm các
khoản chi bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên tài sản cố định, công cụ lao động
(bao gồm cả tài sản cố định và công cụ lao động trang bị cho các tổ chức đoàn
thể của đơn vị); Bảo trì định kỳ các tài sản cố định, thiết bị để chống sự
xuống cấp và duy trì năng lực sử dụng của tài sản.
Đối với
chi phí sửa chữa, bảo dưỡng xe chuyên dùng chở tiền, xe nâng hàng và máy móc thiết
bị an toàn kho quỹ, các đơn vị hạch toán vào Chi phí tuyển chọn, kiểm đếm, bảo
quản, vận chuyển, tiêu huỷ tiền, giấy tờ có giá.
2.9. Chi
mua sắm công cụ lao động:
Các đơn vị tính toán
để mua sắm các tài sản thực sự cần thiết và trong phạm vi tổng mức chi phí quản
lý được giao khoán hàng năm.
2.10. Chi thuê tài
sản:
Số tiền chi về thuê
tài sản căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản giữa bên cho thuê và đơn vị Ngân hàng
Nhà nước. Các tài sản cố định đi thuê được hạch toán ngoại bảng (không trích
khấu hao), tiền thuê được hạch toán vào chi về thuê tài sản tại đơn vị. Trường
hợp trả tiền thuê tài sản một lần cho nhiều năm thì tiền thuê được phân bổ dần
vào chi phí theo số năm sử dụng tài sản.
3. Các khoản
chi phí quản lý không thực hiện theo cơ chế khoán:
3.1. Chi
khen thưởng cho tập thể, cá nhân ngoài ngành có đóng góp xuất sắc cho hoạt động
Ngân hàng; Mức chi tối đa bằng 01 tháng lương thực hiện bình quân trong năm.
Khoản chi
này được thực hiện theo Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
3.2. Chi khen thưởng
cho đấu thầu tín phiếu kho bạc và trái phiếu Chính phủ.
3.3. Chi
về đấu thầu tín phiếu kho bạc và trái phiếu Chính phủ:
Khoản chi
này thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phát hành tín phiếu
kho bạc và trái phiếu Chính phủ. Tùy theo nội dung và tính chất của từng khoản
chi để hạch toán vào các tài khoản thích hợp.
3.4. Trích khấu hao
cơ bản tài sản cố định:
- Thực hiện theo quy
định hiện hành của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà
nước.
- Những
tài sản cố định không trích khấu hao gồm:
+
Nhà ở;
+
Tài sản cố định chưa đưa vào sử dụng;
+
Tài sản cố định hình thành từ quỹ phúc lợi;
+
Tài sản cố định trước đây mua sắm từ chi phí quản lý hoặc từ công cụ lao động
chuyển thành tài sản cố định.
3.5. Chi
đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ Ngân hàng:
Nội dung
chi đầu tư phát triển kỹ thuật nghiệp vụ và công nghệ Ngân hàng là khoản được
ghi vào chi phí bằng 12% giá trị tài sản cố định bình quân hiện có trong
năm để bổ sung vốn pháp định và được sử dụng để đầu tư xây dựng và mua sắm tài
sản cố định của Ngân hàng Nhà nước.
3.6. Chi
lập khoản dự phòng rủi ro:
Vụ Kế toán - Tài
chính trích lập khoản dự phòng rủi ro bằng 10% chênh lệch thu- chi chưa
có khoản dự phòng rủi ro. Việc quản lý và sử dụng khoản dự phòng rủi ro thực
hiện theo Quy chế của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
3.7. Chi bổ sung thu
nhập từ nguồn kinh phí khoán.
3.7.1.
Chi bổ sung thu nhập từ nguồn tiết kiệm chi.
3.7.2. Chi bổ sung
thu nhập từ chênh lệch thu chi.
3.7.3.
Chi lập quỹ ổn định thu nhập.
3.7.4.
Chi trợ cấp thêm ngoài chính sách chung cho những người tự nguyện về nghỉ chế
độ trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại lao động theo quy định của Ngân hàng
Nhà nước.
MỤC 3: CHÊNH LỆCH THU,
CHI VÀ NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 24. Kết
thúc năm tài chính, Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào chênh lệch thu nhập, chi phí
phát sinh thực tế trong năm để xác định số bổ sung kinh phí khoán, phân phối và
nộp Ngân sách Nhà nước, cụ thể như sau:
1. Xác định
chênh lệch thu, chi thực tế:
Chênh Tổng Tổng các
khoản chi (loại trừ
lệch thu, = thu nhập -
khoản 3.3, 3.7 Điều 23 Mục2 (1)
chi thực tế thực tế Chương
III Quy chế này)
2. Xác định
số bổ sung kinh phí khoán:
Số bổ Chênh lệch %
được trích từ
sung kinh = thu, chi x
chênh lệch thu, chi để (2)
phí khoán thực tế bổ
sung kinh phí khoán
3. Xác định
chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước để phân phối và nộp Ngân sách Nhà
nước:
Chênh lệch thu, Chênh
lệch Số bổ
chi của Ngân hàng = thu,
chi - sung kinh (3)
Nhà nước thực tế phí
khoán
4. Chênh
lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước được phân phối theo trình tự sau:
- Trích quỹ thực hiện
chính sách tiền tệ quốc giá bằng 10% chênh lệch thu chi.
- Phần chênh lệch còn
lại nộp Ngân sách Nhà nước. Việc nộp Ngân sách Nhà nước thực hiện tại Vụ Kế
toán-Tài chính và thực hiện như sau:
Hàng quý, Vụ Kế toán
– Tài chính trích nộp Ngân sách Nhà nước theo hình thức tạm nộp bằng 70% số
chênh lệch thu chi của quý. Việc tạm nộp thực hiện trong 10 ngày đầu của quý
tiếp theo.
Kết thúc năm tài
chính, trong thời gian 10 ngày kể từ khi báo cáo quyết toán năm được Thống đốc
phê duyệt, Vụ Kế toán – Tài chính nộp Ngân sách Nhà nước số chênh lệch thu chi
còn lại theo số liệu quyết toán.
Số chênh lệch thu chi
tài chính năm phải nộp sẽ được xác định chính thức theo kết quả kiểm tra của
Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp số đã nộp lớn hơn số phải nộp theo kết luận
chính thức của Kiểm toán Nhà nước thì số chênh lệch nộp thừa sẽ được trừ vào số
phải nộp của năm sau. Ngược lại, nếu số đã nộp nhỏ hơn số phải nộp thì Vụ Kế
toán – Tài chính nộp tiếp số chênh lệch còn thiếu cho Ngân sách Nhà nước trong
thời gian 10 ngày tiếp theo kể từ khi có kết luận chính thức của Kiểm toán Nhà
nước.
5. Trường
hợp kết quả tài chính năm của Ngân hàng Nhà nước bị lỗ (thu nhập không đủ bù
đắp chi phí) do thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ - :ín dụng - ngân
hàng, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý.
MỤC 4: LẬP VÀ GỬI BÁO
CÁO TÀI CHÍNH
Điều 25. Tại
Vụ Kế toán - Tài chính
1. Trước ngày
10 tháng 7 hàng năm, Vụ Kế toán - Tài chính lập các kế hoạch năm sau trình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt gửi Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư:
- Kế hoạch thu nhập
và chi phí;
- Kế hoạch thu, chi
của các đơn vị sự nghiệp hưởng kinh phí từ Ngân sách Nhà nước.
- Kế hoạch đầu tư xây
dựng.
2. Trước ngày
20 tháng 10 hàng năm, Vụ Kế toán - Tài chính tổng hợp các kế hoạch của năm
sau trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt:
- Kế hoạch thu nhập
và chi phí;
- Kế hoạch đầu tư xây
dựng;
- Kế hoạch sửa chữa
lớn tài sản cố định;
- Kế hoạch mua sắm
tài sản cố định (gồm 3 loại: Thiết bị tin học, thiết bị an toàn kho quỹ và tài
sản cố định khác);
- Kế hoạch phân bổ
mức giao khoán chi phí quản lý cho các đơn vị (căn cứ mức giao khoán của Bộ Tài
chính đối với Ngân hàng Nhà nước).
3. Kết thúc
quý, năm tài chính, Vụ Kế toán - Tài chính tổng hợp báo cáo thực hiện các kế
hoạch nêu tại Khoản 2 Điều này và báo cáo quyết toán tài chính năm trình Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt gửi các cơ quan quản lý Nhà nước.
Điều 26. Tại các đơn vị Ngân hàng Nhà nước
1. Trước
ngày 10 tháng 9 hàng năm, các đơn vị lập các kế hoạch tài chính năm sau của
đơn vị gửi Vụ Kế toán - Tài chính để tổng hợp trình Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước phê duyệt và thông báo cho các đơn vị thực hiện, bao gồm:
- Kế hoạch thu nhập,
chi phí (Biểu số 01);
Kèm theo bản thuyết
minh đầy đủ, chi tiết các chỉ tiêu về thu nhập, chi phí dự kiến thực hiện trong
năm, số biên chế, lao động, giá trị nguyên giá tài sản cố định và công cụ lao
động hiện có tại đơn vị. Giải trình cụ thể đối với từng chỉ tiêu giao khoán.
- Kế hoạch trang bị
phương tiện tin học (Biểu số 02);
- Kế hoạch trang bị
máy móc thiết bị an toàn kho quỹ (Biểu số 03);
- Kế hoạch mua sắm
tài sản cố định khác (Biểu số 04);
- Kế hoạch đầu tư xây
dựng;
- Kế hoạch sửa chữa
lớn tài sản cố định.
2. Kết thúc
quý và năm, ngoài các báo cáo tài chính gửi theo qui định, các đơn vị lập báo
cáo thực hiện kế hoạch tài chính của đơn vị gửi Vụ Kế toán - Tài chính, gồm:
- Báo cáo
trích khấu hao tài sản cố định (quý);
- Báo cáo
thực hiện kế hoạch thu nhập, chi phí (quý, năm);
- Báo cáo
kiểm kê tài sản cố định, công cụ lao động (năm);
- Báo cáo về tăng,
giảm tài sản cố định (năm);
- Báo cáo thực hiện
bổ sung thu nhập từ kinh phí khoán (năm).
3. Thời hạn
gửi báo cáo được quy định như sau:
- Báo cáo
quý gửi chậm nhất ngày 2 tháng đầu quý kế tiếp.
- Báo cáo năm gửi
chậm nhất ngày 5 tháng 01 năm kế tiếp.
Điều 27. Điều chỉnh kế hoạch
1. Về kế
hoạch đầu tư xây dựng; kế hoạch sửa chữa lớn tài sản cố định; kế hoạch mua sắm
tài sản cố định: Vào cuối quí III hàng năm, Vụ Kế toán - Tài chính trình
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh các loại kế hoạch theo đề nghị
của các đơn vị hoặc theo tiến độ thực hiện của các đơn vị. Hồ sơ đề nghị
phải nêu rõ lý do, đề xuất hướng xử lý.
2. Về điều
chỉnh giao khoán chi phí quản lý: Vào cuối Quý III hàng năm, Vụ Kế toán
– Tài chính trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh mức giao
khoán chi phí quản lý theo đề nghị của các đơn vị.
Hồ sơ đề nghị điều
chỉnh mức giao khoán phải nêu rõ: Chỉ tiêu được giao khoán; tình hình thực hiện
mức giao khoán (chi tiết các khoản chi của chỉ tiêu đề nghị điều chỉnh); đánh
giá, phân tích cụ thể từng chỉ tiêu đã thực hiện, các biện pháp đã áp dụng tại
đơn vị để thực hiện mức giao khoán và xác định nguyên nhân dẫn đến mức giao
khoán theo thông báo của Vụ Kế toán - Tài chính không đáp ứng yêu cầu hoạt
động; mức đề nghị bổ sung.
Chương 4
PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ
THẨM QUYỀN XÉT DUYỆT VỀ TÀI CHÍNH
Điều 28. Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước:
1.
Phê
duyệt kế hoạch năm của Ngân hàng Nhà nước về:
- Kế hoạch sử dụng vốn để đầu tư xây dựng và sửa
chữa tài sản cố định;
- Kế hoạch mua sắm tài sản cố định;
-
Kế hoạch trang bị phương tiện tin học;
- Kế hoạch trang bị máy
móc thiết bị an toàn kho quỹ;
- Kế hoạch thu nhập,
chi phí;
- Kế hoạch giao
khoán chi phí quản lý;
2. Phê duyệt dự toán, quyết toán mua sắm
tài sản cố định là nhà cửa, ô tô và các tài sản cố định khác có giá trị bằng hoặc
lớn hơn 500 triệu đồng/lần mua sắm.
3. Phê duyệt báo cáo thực hiện kế hoạch thu chi
tài chính năm của Ngân hàng Nhà nước.
4. Phê duyệt thanh lý, nhượng bán tài sản cố
định là nhà cửa, ô tô và các tài sản cố định khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 500
triệu đồng/nguyên giá 1 tài sản.
5. Phê duyệt chuyển nhượng tài sản cố định của
Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức ngoài Ngân hàng Nhà nước.
Điều 29. Phó
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
1. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách đơn
vị:
Phê duyệt việc tổ chức mua sắm tài sản cố
định có giá trị bằng hoặc lớn hơn 500 triệu đồng/lần mua sắm của các đơn vị
được phân công phụ trách sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt kế
hoạch mua sắm, cụ thể:
a) Phê duyệt: Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời
thầu; Kết quả đấu thầu của đơn vị được phân công phụ trách thực hiện.
b) Yêu cầu đơn vị
chức năng trong hoặc ngoài ngành có đủ năng lực thẩm định Kế hoạch đấu thầu; Hồ
sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu trước khi phê duyệt.
2.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách công tác kế toán tài chính:
- Thực
hiện phê duyệt các công việc qui định tại Điều 28 Quy chế này theo sự ủy quyền
của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
- Thực
hiện các nội dung công việc được giao của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ
trách đơn vị (nêu tại Khoản 1 Điều này).
- Phê
duyệt Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu đối với các gói thầu
có giá trị bằng hoặc lớn hơn 500 triệu đồng/lần mua sắm do Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện và đề nghị phê duyệt.
- Giúp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch mua sắm
tài sản cố định của hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
Điều 30. Vụ
trưởng Vụ Kế toán - Tài chính:
1.
Thông báo kế hoạch năm cho các đơn vị sau khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê
duyệt các kế hoạch nêu tại Khoản 1 Điều 28 Quy chế này.
2.
Phê duyệt báo cáo thực hiện kế hoạch thu chi tài chính (năm) của các đơn vị
Ngân hàng Nhà nước.
3. Phê duyệt: Kế hoạch đấu
thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu; Dự toán; Quyết toán tài sản cố định
(trừ nhà cửa và xe ô tô) có giá trị dưới 500 triệu đồng/lần mua sắm.
4. Phê duyệt thanh lý,
nhượng bán tài sản cố định là nhà cửa, ô tô và các tài sản cố định khác có giá
trị dưới 500 triệu đồng/nguyên giá 1 tài sản.
5. Thẩm định Hồ sơ đấu
thầu; Dự toán; Quyết toán đối với gói thầu có giá trị bằng hoặc lớn hơn 500
triệu đồng/lần mua sắm:
- Trong
trường hợp được yêu cầu (nêu tại Điểm b Khoản 1 Điều 29): Thẩm định và trình
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách đơn vị kết quả thẩm định về thủ tục
đối với: Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu và Kết quả đấu thầu.
- Thẩm
định và trình Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách công tác kế toán, tài
chính phê duyệt: Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu do Ngân
hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện và đề nghị phê duyệt.
- Thẩm
định và trình Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách công tác kế toán, tài
chính phê duyệt dự toán và quyết toán mua sắm tài sản cố định.
6.
Giúp Phó Thống đốc phụ trách thực hiện công tác kiểm tra, đôn đốc công tác mua
sắm tài sản và quản lý tài chính của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 31. Thủ
trưởng đơn vị Ngân hàng Nhà nước:
1.
Phê duyệt thiết kế, dự toán và quyết toán các công việc sửa chữa thường xuyên
tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng/lần sửa chữa.
Đối với
các công trình sửa chữa có giá trị dưới 100 triệu đồng, nhưng việc sửa chữa làm
thay đổi cơ bản kiến trúc và kết cấu của công trình, các đơn vị phải lập thiết
kế, dự toán gửi Vụ Kế toán – Tài chính để xem xét trình Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước phê duyệt và chỉ được thực hiện khi có văn bản thông báo của Ngân hàng Nhà
nước.
2. Phê duyệt
dự toán và quyết toán chi phí mua sắm công cụ lao động và vật liệu trang bị và
sử dụng tại đơn vị.
3. Phê duyệt
việc thanh lý công cụ lao động tại đơn vị.
4. Đối với
các tài sản mua sắm phải tổ chức đấu thầu:- Thành lập Tổ chuyên gia đấu thầu
hoặc lựa chọn tổ chức tư vấn hoặc một tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thay mình
làm bên mời thầu.
- Phê duyệt Kế hoạch
đấu thầu; Hồ sơ mời thầu và Kết quả đấu thầu đối với các gói thầu có giá trị
dưới 500 triệu đồng/lần mua sắm.
- Trình trực tiếp Phó
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phụ trách đơn vị phê duyệt Kế hoạch đấu thầu; Hồ
sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu của các gói thầu có giá trị bằng hoặc lớn hơn 500
triệu đồng/lần mua sắm.
- Sau khi hoàn thành
việc mua sắm tài sản cố định, các đơn vị gửi hồ sơ quyết toán về Vụ Kế toán -
Tài chính để xét duyệt theo đúng quy định.
Điều 32. Thời gian thẩm định, đánh giá và phê duyệt hồ sơ đấu thầu
mua sắm tài sản cố định
1. Thời gian
thẩm định: Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu không quá 20
ngày làm việc, kể từ khi đơn vị thẩm định nhận đủ hồ sơ theo quy định.
2. Thời gian
phê duyệt: Kế hoạch đấu thầu; Hồ sơ mời thầu; Kết quả đấu thầu không quá 05
ngày làm việc đối với gói thầu có quy mô nhỏ và không quá 07 ngày làm việc
đối với các gói thầu khác kể từ khi nhận được báo cáo của đơn vị thẩm định.
3. Thời gian
đánh giá Hồ sơ dự thầu, tính từ thời điểm mở thầu đến khi trình duyệt kết quả
đấu thầu lên người có thẩm quyền, không quá 20 ngày làm việc đối với gói
thầu trong nước có quy mô nhỏ; không quá 45 ngày làm việc đối với gói thầu
trong nước có giá trị lớn, phức tạp; và không quá 60 ngày làm việc đối với
gói thầu quốc tế. Trường hợp áp dụng hình thức đấu thầu hai giai đoạn, thời
gian đánh giá hồ sơ dự thầu được tính từ thời điểm mở thầu giai đoạn hai.
Điều 33. Thời
gian thẩm định và phê duyệt dự toán và quyết toán mua sắm tài sản cố định
1. Thời gian
thẩm định và phê duyệt dự toán mua sắm taì sản cố định không quá 10 ngày làm
việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định hoặc từ khi nhận được kết quả
thẩm định giá.
2. Thời gian
thẩm định và phê duyệt quyết toán mua sắm tài sản cố định không quá 15 ngày
làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 34. Vụ trưởng
Vụ Kế toán - Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức triển khai thực
hiện Quy chế này trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước.
Điều 35. Vụ trưởng
Vụ Tổng kiểm soát có trách nhiệm thực hiện kiểm toán nội bộ và hướng dẫn các
đơn vị Ngân hàng Nhà nước tổ chức kiểm soát nội bộ công tác quản lý tài chính,
tài sản của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Quy chế này.