ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2423/QĐ-UBND
|
Đà Nẵng, ngày 03
tháng 6 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ
HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI GIAI ĐOẠN 2019-2025 TẠI
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao
tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020;
Căn cứ Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016
của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn
2017 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 11/4/2016
của UBND thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến
lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn
2016-2020;
Theo Công văn số 1439/BYT-TCDS ngày 24/3/2017
của Bộ Y tế về việc xây dựng và triển khai Đề án chăm sóc sức khỏe người cao
tuổi;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số
1321/TTr-SYT ngày 21/5/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2019-2025 tại thành phố Đà Nẵng với
các nội dung chính như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình hành
động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản, Chiến
lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng
thuận và phong trào toàn xã hội tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi:
Các chỉ tiêu đến năm 2025:
- 100% lãnh đạo, các cấp chính quyền, ban ngành
đoàn thể được cung cấp thông tin về già hóa dân số, thực trạng, nhu cầu chăm
sóc sức khỏe người cao tuổi; ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch về chăm sóc sức
khỏe người cao tuổi.
- 100% người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp
chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc
sức khỏe của người cao tuổi và các kiến thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
b) Nâng cao sức khỏe người cao tuổi trên cơ sở nâng
cao kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ
chăm sóc sức khỏe ban đầu của người cao tuổi:
Các chỉ tiêu đến năm 2025:
- 80% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc, được
cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe.
- 60% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít
nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe.
c) Đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám, chữa bệnh của người
cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp tại các cơ
sở y tế, khuyến khích đầu tư dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, bác sĩ
gia đình:
Các chỉ tiêu đến năm 2025:
- 90% người cao tuổi khi bị bệnh được tiếp cận dịch
vụ chăm sóc sức khỏe.
- Tăng thêm 10%/năm tỷ lệ người cao tuổi được khám
sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
- 100% bệnh viện tuyến thành phố (trừ Bệnh viện Phụ
sản-Nhi) và trung tâm y tế quận, huyện, bệnh viện tư nhân có tổ chức khoa lão
khoa hoặc bố trí giường bệnh nội trú để điều trị cho người bệnh là người cao
tuổi; thành lập mới Bệnh viện Lão khoa.
- 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
- Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để thành lập Phòng
khám Lão khoa tại Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ Dân số - Kế hoạch hóa
gia đình (DS-KHHGĐ) thuộc Chi cục DS-KHHGĐ thành phố Đà Nẵng.
d) Đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu chăm sóc sức
khỏe dài hạn của người cao tuổi tại gia đình, cộng đồng và trong cơ sở chăm sóc
sức khỏe tập trung:
Các chỉ tiêu đến năm 2025:
- 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc
được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng.
- Tăng ít nhất 2 lần số người cao tuổi cô đơn không
nơi nương tựa, không còn khả năng tự chăm sóc, không có người trợ giúp tại nhà
và có điều kiện chi trả được chăm sóc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe tập
trung.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện: Kế hoạch được triển
khai thực hiện trên phạm vi toàn thành phố. Tập trung triển khai ở địa bàn có
tỷ lệ người cao tuổi cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn,
người cao tuổi có hoàn cảnh kinh tế xã hội khó khăn.
2. Đối tượng thụ hưởng: Người cao tuổi, gia
đình có người cao tuổi.
3. Thời gian thực hiện Kế hoạch: Từ năm 2019
đến năm 2025, được chia làm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Năm 2019-2020.
- Giai đoạn 2: Năm 2021-2025.
III. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
1. Truyền thông giáo dục thay đổi hành vi về
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
a) Nhiệm vụ:
- Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của lãnh
đạo chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc
tôn giáo, những người uy tín trong cộng đồng... về thách thức của quá trình
“già hóa dân số” đối với việc chăm sóc, chăm sóc sức khỏe và phát huy người cao
tuổi nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư kinh
phí cho các nội dung thích ứng với xã hội “dân số già hóa”, xây dựng môi trường
y tế thân thiện với người cao tuổi.
- Tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người
dân về quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, xóa bỏ định kiến về
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong các cơ sở tập trung; cơ quan, tổ chức và
gia đình về trách nhiệm kính trọng, không kỳ thị, coi tuổi già là gánh nặng;
giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò người cao tuổi; nghĩa vụ, trách
nhiệm phụng dưỡng người cao tuổi của gia đình có người cao tuổi; trách nhiệm
thực hiện tốt và tích cực tham gia giám sát việc thực hiện chính sách đối với
người cao tuổi; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động tự lo
cho tuổi già khi còn trẻ bao gồm cả việc mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.
- Thực hiện hướng dẫn, cung cấp kiến thức, kỹ năng
tự chăm sóc bản thân, nâng cao sức khỏe đối với người cao tuổi và gia đình có
người cao tuổi.
b) Các giải pháp:
- Thường xuyên tổ chức truyền thông giáo dục trên
các phương tiện thông tin đại chúng: Xây dựng các chuyên mục trên sóng Đài Phát
thanh-Truyền hình, Đài Truyền thanh xã, phường.
- Nhân bản và phát hành các sản phẩm truyền thông,
tư vấn (tài liệu, sách, tờ rơi, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu...).
- Định kỳ tổ chức các hoạt động truyền thông sự
kiện, hội thảo, hội nghị, hội thi, hội diễn.
- Tổ chức truyền thông trực tiếp hướng dẫn chăm sóc
và người cao tuổi tự chăm sóc; lồng ghép với các hoạt động truyền thông khác.
2. Xây dựng, triển khai phong trào xã, phường
phù hợp với người cao tuổi
a) Nhiệm vụ: Triển khai thí điểm phong trào xây
dựng xã, phường phù hợp với người cao tuổi.
b) Các giải pháp:
- Năm 2019-2020:
+ Phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Bộ
tiêu chí xã, phường phù hợp với người cao tuổi.
+ Triển khai thí điểm phong trào xây dựng xã,
phường phù hợp với người cao tuổi tại một số quận, huyện.
- Năm 2021-2025: Căn cứ kết quả triển khai thí điểm
ở giai đoạn 2019-2020, triển khai phong trào xây dựng xã, phường phù hợp với
người cao tuổi trên toàn thành phố.
3. Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả
trạm y tế xã, phường trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao
tuổi
a) Nhiệm vụ: Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao
gồm cả trạm y tế xã, phường để tăng cường triển khai các hoạt động chăm sóc sức
khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng.
b) Các giải pháp:
- Giai đoạn 2019-2020:
+ Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về chăm sóc
sức khỏe người cao tuổi cho cán bộ y tế cơ sở, bao gồm cả trạm y tế xã, phường.
+ Xây dựng kế hoạch bổ sung trang thiết bị thiết
yếu cho cơ sở y tế, bao gồm cả trạm y tế xã, phường thực hiện các nhiệm vụ chăm
sóc sức khỏe người cao tuổi và phục hồi chức năng cho người cao tuổi tại cộng
đồng.
+ Thường xuyên tổ chức thực hiện chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường theo quy định bao gồm: Tuyên truyền phổ
biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng bệnh, đặc
biệt là các bệnh thường gặp ở người cao tuổi; hướng dẫn người cao tuổi các kỹ
năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khỏe; khám bệnh, chữa bệnh cho
người cao tuổi tại trạm y tế và tại nơi cư trú của người cao tuổi; xây dựng kế
hoạch chăm sóc sức khỏe cụ thể cho từng người cao tuổi.
+ Tổ chức tốt chiến dịch chăm sóc sức khỏe người
cao tuổi tại trạm y tế xã, phường để khám sàng lọc một số bệnh thường gặp ở
người cao tuổi và lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi (theo hướng dẫn
riêng của Bộ Y tế).
+ Tổ chức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại
cộng đồng theo quy định.
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế về thực hiện chiến
dịch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại trạm y tế xã, phường tiếp tục triển
khai để trở thành hoạt động thường niên.
+ Căn cứ đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn
2019-2020, duy trì và bổ sung các hoạt động phù hợp với giai đoạn 2021-2025.
4. Nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh
viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố và các trung tâm y tế quận, huyện
thực hiện khám, chữa bệnh cho người cao tuổi
a) Nhiệm vụ: Tổ chức tập huấn về lão khoa, cung cấp
trang thiết bị, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho các
phòng khám lão khoa, khoa lão, khu có giường điều trị người bệnh là người cao
tuổi của các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố và các trung tâm y
tế quận, huyện.
b) Các giải pháp:
- Giai đoạn 2019-2020:
+ Xây dựng kế hoạch cung cấp trang thiết bị cho các
phòng khám lão khoa, khoa lão, khu có giường điều trị người bệnh là người cao
tuổi của các bệnh viện.
+ Bố trí cán bộ tham dự các lớp chuyển giao kỹ
thuật và tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
+ Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho các khoa
lão của bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, bệnh viện chuyên khoa và các trung
tâm y tế tuyến quận, huyện thực hiện khám, chữa bệnh cho người cao tuổi.
+ Phối hợp với các cơ sở y tế tuyến trung ương tổ
chức các lớp đào tạo chuyển giao kỹ thuật và đào tạo nâng cao về chuyên ngành
lão khoa.
+ Tiếp tục triển khai các hoạt động của Dự án “Xây
dựng chương trình chăm sóc người cao tuổi và đào tạo nguồn nhân lực cho chăm
sóc người cao tuổi tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng” do
Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật bản (JICA) tài trợ (ủy quyền cho Trường đại học
Chubu Gakuin thực hiện).
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Xây dựng kế hoạch bổ sung trang thiết bị cho các
phòng khám lão khoa, khoa lão, khu có giường điều trị người bệnh của bệnh viện
đa khoa, chuyên khoa là người cao tuổi để 100% bệnh viện có khoa lão hoặc
giường điều trị người bệnh là người cao tuổi.
+ Áp dụng kết quả đạt được từ Dự án “Xây dựng
chương trình chăm sóc người cao tuổi và đào tạo nguồn nhân lực cho chăm sóc
người cao tuổi tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng” cho các
đơn vị y tế công lập trên địa bàn thành phố.
+ Căn cứ đánh giá kết quả hoạt động giai đoạn
2019-2020, duy trì và bổ sung các hoạt động phù hợp với giai đoạn 2021-2025.
+ Triển khai bổ sung các hoạt động theo hướng dẫn
của Bộ Y tế và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
5. Xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình
a) Nhiệm vụ: Phát triển đội ngũ chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi tại gia đình nhằm thực hiện quản lý sức khỏe người cao tuổi
(theo dõi, thăm tại nhà) tại trạm y tế xã, phường, lồng ghép với quản lý sức
khỏe cộng đồng, quản lý các bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại gia đình để đến
năm 2025 có ít nhất 50% tổng số xã, phường xây dựng duy trì hoạt động của đội
ngũ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
b) Các giải pháp:
- Giai đoạn 2019-2020:
+ Thành lập tổ tình nguyện viên chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi cấp xã, phường: Trưởng trạm y tế là Tổ trưởng, cán bộ dân số và
đại diện Hội Người cao tuổi là Tổ phó; thành viên gồm cộng tác viên Dân số-Y
tế, hội viên Câu lạc bộ Tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng và
thành viên một số ban, ngành ở khu dân cư.
+ Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới
tình nguyện viên về kiến thức và kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
+ Trang bị một số thiết bị thiết yếu phục vụ chăm
sóc sức khỏe người cao tuổi cho tình nguyện viên; duy trì các hoạt động của tổ
tình nguyện viên ở cấp xã, phường như: Thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khỏe của
người cao tuổi tại hộ gia đình được phân công; theo dõi, ghi chép tình hình sức
khỏe của người cao tuổi được phân công; tổ chức các buổi họp định kỳ của tổ
tình nguyện viên.
+ Triển khai quản lý bệnh tăng huyết áp, đái tháo
đường cho người cao tuổi theo nguyên lý y học gia đình.
- Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục duy trì các hoạt
động giai đoạn 2019-2020, triển khai bổ sung mở rộng địa bàn và một số hoạt
động theo hướng dẫn của Bộ Y tế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
6. Xây dựng các câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe
người cao tuổi, lồng ghép các nội dung tự chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào
các câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ của người cao tuổi khác
a) Nhiệm vụ: Xây dựng và duy trì hoạt động của câu
lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, lồng ghép các nội dung chăm sóc sức
khỏe người cao tuổi vào sinh hoạt câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu
lạc bộ của người cao tuổi với sự tham gia của người cao tuổi và người nhà của
người cao tuổi nhằm thúc đẩy cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe
của người cao tuổi và kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho
người nhà.
b) Các giải pháp:
- Giai đoạn 2019-2020:
+ Duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Tư vấn và chăm
sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; lồng ghép nội dung chăm sóc sức
khỏe vào các loại hình câu lạc bộ của người cao tuổi khác.
+ Tổ chức tập huấn về chăm sóc sức khỏe người cao
tuổi cho người nhà, chủ nhiệm các câu lạc bộ để hướng dẫn người cao tuổi tự
chăm sóc sức khỏe.
+ Tổ chức các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ tập
trung tại nhà văn hóa thôn, khu phố hoặc các cơ sở khá để hướng dẫn kiến thức
về rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe và phòng bệnh, đặc biệt là phòng các
bệnh thường gặp ở người cao tuổi; hướng dẫn, cung cấp một số dịch vụ chăm sóc
sức khỏe cho người cao tuổi đơn giản, dễ thực hiện cho người nhà người cao
tuổi; chăm sóc sức khỏe tinh thần thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa,
văn nghề, giao lưu.
+ Hằng năm, xem xét, tổ chức Giải Thể dục dưỡng
sinh các câu lạc bộ thành phố Đà Nẵng nhằm động viên tinh thần người cao tuổi
rèn luyện sức khỏe, sống vui, sống khỏe, sống có ích.
- Giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục duy trì các hoạt
động giai đoạn 2019-2020, triển khai bổ sung các hoạt động theo hướng dẫn của
Bộ Y tế phù hợp với địa phương.
7. Thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho người
cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung
a) Nhiệm vụ: Thí điểm triển khai mô hình thí điểm
xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung,
trên cơ sở đó xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe tập trung cho người cao tuổi
tại Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ DS-KHHGĐ.
b) Các giải pháp:
- Giai đoạn 2019-2020:
+ Năm 2019: Tổ chức hội thảo về quá trình già hóa
dân số và các giải pháp thích ứng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trước
mắt và lâu dài; triển khai kế hoạch thí điểm mô hình xã hội hóa Trung tâm dịch
vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn và mô hình xã hội hóa Trung tâm
dịch vụ chăm sóc người cao tuổi ban ngày tại Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch
vụ DS-KHHGĐ.
+ Năm 2020: Phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn
thể, Hội Người cao tuổi đánh giá kết quả mô hình, xây dựng các quy định để
triển khai mở rộng mô hình.
- Giai đoạn 2021-2025: Triển khai mô hình xã hội
hóa dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn và mô hình xã hội hóa
Trung tâm dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ban ngày theo hướng dẫn của
Bộ Y tế.
8. Xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
a) Nhiệm vụ: Xây dựng quy hoạch, phát triển nguồn
nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi các cấp thành phố, quận, huyện, xã,
phường.
b) Giải pháp: Phối hợp với bộ, ngành liên quan xây
dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cấp
thành phố, quận, huyện, xã, phường.
9. Đào tạo bác sĩ chuyên khoa lão khoa; đào tạo,
bồi dưỡng kiến thức về lão khoa cho sinh viên các trường y, người chăm sóc sức
khỏe người cao tuổi: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
10. Xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật
về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi
a) Nhiệm vụ: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban
hành các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về chăm sóc sức khỏe người cao
tuổi, các văn bản liên quan đến việc xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc
sức khỏe người cao tuổi.
b) Các giải pháp:
- Giai đoạn 2019-2020:
+ Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện
các khảo sát đánh giá và đề xuất xây dựng các chính sách, văn bản quy phạm pháp
luật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, các văn bản liên quan đến việc xây
dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
+ Tổ chức triển khai các chính sách, văn bản quy
phạm pháp luật đã được ban hành.
+ Đề xuất các chính sách của địa phương.
- Giai đoạn 2021-2025:
+ Tiếp tục tổ chức triển khai các chính sách, văn
bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
+ Phối hợp với với các bộ, ngành liên quan tiếp tục
rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các văn bản đã được xây dựng và triển khai, đề xuất
chỉnh sửa hoặc ban hành mới.
11. Triển khai một số nghiên cứu khoa học liên
quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Triển khai một số nghiên cứu
khoa học liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở địa phương.
12. Hợp tác quốc tế
- Thực hiện hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ
Dự án “Xây dựng chương trình chăm sóc Người cao tuổi và đào tạo nguồn nhân lực
y tế cho chăm sóc Người cao tuổi tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, thành
phố Đà Nẵng” do cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, ủy quyền cho
trường Đại học Chubu Gakuin phối hợp thực hiện từ tháng 6/2018 đến tháng
8/2021.
- Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong
lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tranh thủ sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật,
chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, nguồn lực từ các địa phương nước ngoài có quan
hệ hợp tác, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài,... thực
hiện Kế hoạch.
13. Xây dựng các chỉ tiêu thống kê và chỉ tiêu
báo cáo, quản lý, giám sát chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Thực hiện theo
hướng dẫn của Bộ Y tế.
14. Xây dựng hệ thống thông tin quản lý và cơ sở
dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Thực
hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
15. Khảo sát đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ và cuối kỳ
để kiểm điểm thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch
- Giai đoạn 2019-2020:
+ Phối hợp triển khai các hoạt động đánh giá của
Trung ương.
+ Năm 2019 thực hiện đánh giá đầu kỳ.
+ Năm 2020 đánh giá giữa kỳ kiểm điểm thực hiện các
mục tiêu của Kế hoạch tại địa phương;
+ Kiểm tra giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế
hoạch tại địa phương theo kế hoạch định kỳ và đột xuất;
+ Thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
- Giai đoạn 2021-2025: Năm 2025 thực hiện đánh giá
cuối kỳ kiểm điểm thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Nguồn kinh phí
Nguồn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp
pháp khác quy định tại mục IV của Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của
Bộ trưởng Bộ Y tế; Công văn số 1439/BYT-TCDS ngày 24/3/2017 của Bộ Y tế; Công
văn số 632/TCDS-CCDS ngày 07/9/2018 của Tổng cục Dân số-KHHGĐ.
2. Nội dung và mức chi: Thực hiện theo các
quy định tài chính hiện hành của Nhà nước.
3. Hằng năm, Sở Y tế có trách nhiệm rà soát
tình hình thực hiện nhiệm vụ các hoạt động theo Kế hoạch này và tổng hợp, lập
dự toán chi tiết kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư (đối với nhiệm vụ chi đầu
tư phát triển) và Sở Tài chính (đối với nhiệm vụ chi thường xuyên) trước ngày
07 tháng 7 (theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định 22/2018/QĐ-UBND ngày
14/6/2018 của UBND thành phố quy định thời gian gửi báo cáo dự toán cho cơ quan
tài chính, cơ quan kế hoạch đầu tư) để làm cơ sở tổng hợp vào dự toán ngân sách
thành phố trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định theo đúng quy định của
Luật Ngân sách nhà nước hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội, Ban đại diện Hội Người cao tuổi thành phố và các đơn vị,
địa phương liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch bảo đảm các mục tiêu đề ra; chú
trọng một số nội dung sau:
- Hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật, quy chế
chuyên môn của cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các cơ sở
khám, chữa bệnh; phổ biến kiến thức, hướng dẫn chăm sóc người cao tuổi tại các
câu lạc bộ, hội thi... của người cao tuổi.
- Chỉ đạo công tác hỗ trợ, chuyển giao chuyên môn
kỹ thuật về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho các tuyến trong phạm vi thành
phố; phối hợp nghiên cứu khoa học về lão khoa cơ bản, lão khoa lâm sàng và lão
khoa xã hội; phối hợp tổ chức thực hiện đào tạo liên tục, đào tạo nâng cao về
chuyên ngành lão khoa.
- Xây dựng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình
tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
- Hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, giám sát
thực hiện Kế hoạch.
- Tổ chức triển khai hệ thống báo cáo, điều tra,
thống kê, hệ cơ sở dữ liệu về người cao tuổi và cơ sở chăm sóc người cao tuổi,
tổng hợp báo cáo định kỳ.
- Tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực
hiện Kế hoạch.
- Quyết định khen thưởng, hoặc đề nghị cấp có thẩm
quyền khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện
Kế hoạch.
- Phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành
các thủ tục tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm cả
nguồn vốn nước ngoài và nguồn vốn huy động hợp pháp khác cho triển khai thực
hiện Kế hoạch.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn và tổ chức thực
hiện Kế hoạch.
- Tổng hợp, thống kê số lượng người cao tuổi để đề
xuất những điều chỉnh nội dung Kế hoạch chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo
từng giai đoạn cụ thể.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ
chức xây dựng mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội, tổ chức cung cấp các dịch vụ công
tác xã hội, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và các loại hình cơ sở khác có chăm
sóc, nuôi dưỡng đối tượng người cao tuổi thuộc bảo trợ xã hội.
3. Sở Tài chính có trách nhiệm thẩm định, cân đối,
đề xuất kinh phí thực hiện Kế hoạch; báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành
phố phê duyệt theo đúng quy định Luật Ngân sách Nhà nước.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Hàng năm, trên cơ sở đề
xuất của các địa phương, đơn vị, tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn đầu
tư phát triển và phối hợp với Sở Y tế, các đơn vị liên quan tiến hành các thủ
tục tiếp nhận và sử dụng các nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật từ nguồn vốn nước
ngoài, vốn viện trợ phi chính phủ để thực hiện Kế hoạch.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ
quan truyền thông tổ chức thông tin tuyên truyền đến cộng đồng nhằm nâng cao
nhận thức, tạo môi trường đồng thuận và phong trào toàn xã hội tham gia công
tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
6. Sở Văn hóa và Thể thao:
- Phát động, triển khai các phong trào rèn luyện
sức khỏe, đồng diễn thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi.
- Tổ chức triển khai các hoạt động văn hóa, thể
thao người cao tuổi, đẩy mạnh các phong trào văn hóa thể thao quần chúng phù
hợp với người cao tuổi, tạo môi trường để người cao tuổi sống vui, sống khỏe,
sống có ích cho gia đình và xã hội.
7. Sở Ngoại vụ: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan
liên quan trong việc xây dựng chương trình hợp tác quốc tế nhằm triển khai thực
hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; phối hợp với các cơ quan liên
quan trong việc vận động các nguồn lực đầu tư, viện trợ nước ngoài cho công tác
chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
8. Sở Khoa học và Công nghệ: Hướng dẫn các đơn vị
thực hiện công tác đăng ký, quản lý triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ
liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn thành phố.
9. Ủy ban nhân dân quận, huyện
- Chỉ đạo Phòng Y tế, Trung tâm Y tế xây dựng kế
hoạch thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi của địa phương, bố
trí nguồn lực thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi theo hướng dẫn của Bộ
Y tế, Sở Y tế, các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ
chức triển khai thực hiện.
- Nghiên cứu, triển khai các nội dung của Bộ tiêu
chí xã, phường phù hợp với người cao tuổi. Phát động các phong trào rèn luyện
sức khỏe, đồng diễn thể dục dưỡng sinh cho người cao tuổi trên địa bàn.
- Huy động nguồn lực và khai thác lợi thế của địa
phương để triển khai thực hiện Kế hoạch; Lồng ghép có hiệu quả các hoạt động
của Kế hoạch với các hoạt động của các chương trình, dự án của Hội người cao
tuổi, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành, đoàn thể khác có liên
quan đang thực hiện trên cùng địa bàn đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm; Kiểm tra,
giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương theo kế hoạch định kỳ
và đột xuất; Thực hiện chế độ báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch theo quy định.
10. Đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố: Phối hợp với
Sở Y tế thực hiện các chính sách bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh và chăm
sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
11. Đề nghị Ban đại diện Hội người cao tuổi thành
phố: Phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ
chức thực hiện Kế hoạch; lồng ghép các hoạt động trong các chương trình, kế
hoạch của Hội để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành
phố, các ban ngành, đoàn thể liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được
giao phối hợp với Sở Y tế lồng ghép các hoạt động trong các chương trình, kế
hoạch của ngành để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc
hội, HĐND và UBND thành phố, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch UBND các quận, huyện và
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như thành phần tổ chức thực hiện;
- Bộ Y tế (Tổng cục DS-KHHGĐ);
- TTTU, TTHĐND TP;
- CT, các PCT UBND TP;
- VP ĐĐBQH, HĐND&UBND TP: CVP, PCVP H.S.Trà;
- Lưu VT, VH-XH, SYT.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Trung Chinh
|