ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1075/QĐ-UBND
|
Hưng
Yên, ngày 27 tháng 6 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI
CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TỈNH
HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2013-2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết
định số 1215/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề
án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu
tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Công
văn số 3346/LĐTBXH-BTXH ngày 05/10/2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
về việc triển khai Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần,
người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;
Xét đề nghị
của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 28/TTr-LĐTBXH
ngày 03/5/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối
nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng tỉnh Hưng Yên, giai đoạn 2013-2020 với những nội
dung chủ yếu như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu
chung:
Nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội đối với người tâm thần,
người rối nhiễu tâm trí; huy động các nguồn lực về vật chất, tinh thần để trợ
giúp, phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí ổn định cuộc
sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
2. Mục tiêu cụ
thể:
- 90% số người
tâm thần có hành vi nguy hiểm đến gia đình, cộng đồng và số người tâm thần lang
thang được phục hồi chức năng luân phiên tại cơ sở bảo trợ xã hội;
- 90% số người
rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, người tâm thần được tư vấn, trị
liệu tâm lý và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội khác;
- 100% gia đình
có người tâm thần, 70% người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần được
nâng cao nhận thức, kỹ năng trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa
vào cộng đồng;
- Hình thành
các nhóm cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội kết hợp với nhân
viên y tế trợ giúp và phục hồi chức năng cho người tâm thần tại xã, phường, thị
trấn.
II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2013-2020
1. Tổ chức các
hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ
năng của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc, quản lý, trợ giúp xã hội
và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng
đồng bằng nhiều hình thức như: Hội nghị, sử dụng các phương tiện truyền thông,
pano, tờ rơi; thiết lập các kênh chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các vấn đề
có liên quan đến chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần.
2. Hoàn thành
việc xây dựng và tiếp tục nâng cấp và đầu tư trang thiết bị y tế, phục hồi chức
năng cho Trung tâm Điều dưỡng tâm thần kinh thuộc Sở Lao động - Thương binh và
Xã hội với quy mô tiếp nhận, quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng từ 300 - 500 bệnh
nhân tâm thần.
3. Xây dựng 02
cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí: Dự kiến tại Trung tâm Điều dưỡng tâm
thần kinh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Bệnh viện Đa khoa Phố Nối
thuộc Sở Y tế.
4. Phát triển
nguồn nhân lực làm công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm
thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng với các nội dung sau:
- Bố trí đội
ngũ cộng tác viên công tác xã hội theo Kế hoạch số 121/KH-UBND của UBND tỉnh
Hưng Yên về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2011 - 2015 (mỗi xã, phường,
thị trấn có 1 cộng tác viên) để phối hợp với nhân viên, cộng tác viên y tế hỗ
trợ gia đình, cộng đồng, cơ sở bảo trợ xã hội làm công tác trợ giúp xã hội;
phòng ngừa, phát hiện sớm, tư vấn tâm lý và phục hồi chức năng cho người tâm thần,
người rối nhiễu tâm trí.
- Tổ chức đào tạo,
tập huấn kiến thức, kỹ năng trợ giúp người tâm thần, rối nhiễu tâm trí cho các
đối tượng: Cán bộ, nhân viên y tế và cộng tác viên công tác xã hội trong lĩnh vực
chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các xã/phường/thị trấn (khoảng 750 lượt); các
phòng ban chuyên môn liên quan của UBND các huyện, thành phố, cán bộ đang công
tác tại các trung tâm bảo trợ xã hội và cán bộ có liên quan của các sở, ban,
ngành, hội, đoàn thể tỉnh (khoảng 250 người/năm).
- Tập huấn cho
khoảng 900 hộ gia đình có đối tượng tâm thần, rối nhiễu tâm trí về kỹ năng,
phương pháp chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu
tâm trí.
5. Xây dựng 02
đường dây nóng nhằm tư vấn ứng phó với stress và tư vấn cho người bệnh, gia
đình người bệnh tại Trung tâm Điều dưỡng Tâm thần kinh và Bệnh viện Tâm thần
kinh.
6. Tổ chức hoạt
động giám sát, đánh giá hiệu quả các hoạt động của Đề án định kỳ hàng năm để
rút kinh nghiệm cho năm sau. Năm 2020 tổ chức tổng kết Đề án.
7. Điều tra, khảo
sát, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động trợ giúp và phục hồi chức năng
cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần:
- Điều tra, khảo
sát, đánh giá nhu cầu phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí trên địa bàn toàn tỉnh;
- Xây dựng phần
mềm quản lý và rà soát, cập nhật thông tin về người tâm thần, người rối nhiễu
tâm trí cần được trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng tại cộng đồng.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Dự kiến tổng
kinh phí thực hiện Đề án: Khoảng 20 tỷ đồng.
- Nguồn kinh
phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn hợp pháp khác.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội:
Chủ trì, phối hợp
với các sở, ban, ngành, đoàn thể xã hội có liên quan và UBND các huyện, thành
phố tổ chức thực hiện Đề án, cụ thể:
- Triển khai
các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng; tham
mưu UBND tỉnh việc phát triển các cơ sở phòng và trị liệu tâm thần, rối nhiễu
tâm trí.
- Quản lý, theo
dõi, điều tra, khảo sát, đánh giá, thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu
trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm
trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
- Trình UBND tỉnh
xem xét, giao bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Trung tâm Điều dưỡng tâm thần
kinh tỉnh; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự toán
kinh phí hàng năm, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất đảm bảo thực hiện có hiệu quả
các mục tiêu đề ra.
- Phối hợp với
Sở Y tế, Sở Nội vụ và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xem xét thành
lập 02 cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí theo quy định của pháp luật và
quy định của tỉnh.
- Phát triển đội
ngũ cán bộ, viên chức, cộng tác viên làm công tác trợ giúp xã hội, phục hồi chức
năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng. Tổ chức đào
tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức và cộng tác viên làm
công tác trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người
tâm thần dựa vào cộng đồng.
- Hướng dẫn,
đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện Đề án; thường xuyên giám sát, kiểm tra,
đánh giá, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Đề án của các ngành, các địa
phương; giúp UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án hàng năm và cả
giai đoạn.
2. Sở Y tế hướng
dẫn nghiệp vụ y tế trong điều trị và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người
rối nhiễu tâm trí tại cộng đồng, các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở điều trị;
nâng cao năng lực đội ngũ nhân viên, cộng tác viên y tế về chăm sóc sức khỏe
tâm thần; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh
thành lập, phát triển các cơ sở điều trị, phục hồi chức năng cho người tâm thần,
rối nhiễu tâm trí.
3. Sở Giáo dục
và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể triển khai lồng ghép
các chương trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, học viên trong
các cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai các chương trình phòng ngừa, can thiệp
sớm các trường hợp học sinh, sinh viên có biểu hiện rối nhiễu tâm trí trong các
cơ sở giáo dục và đào tạo.
4. Các Sở: Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc quản
lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện Đề án theo quy định của pháp
luật; huy động các nguồn lực trong và ngoài nước góp phần thực hiện hiệu quả Đề
án.
6. Các sở, ban,
ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các hoạt động của Đề án nói riêng
và các hoạt động về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm
trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng nói chung trên địa bàn tỉnh.
7. UBND các huyện,
thành phố:
- Xây dựng kế
hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện các hoạt động trợ giúp xã hội và phục hồi chức
năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa
bàn.
- Phối hợp chặt
chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan chỉ đạo, tổ
chức thực hiện tốt các hoạt động của Đề án được triển khai trên địa bàn huyện,
thành phố.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Thủ trưởng
các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Khắc Hào
|