Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 20/VBHN-BKHC hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ 2015

Số hiệu: 20/VBHN-BKHCN Loại văn bản: Văn bản hợp nhất
Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ Người ký: Nguyễn Quân
Ngày ban hành: 01/09/2015 Ngày hợp nhất: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/VBHN-BKHCN

Hà Nội, ngày 01 tháng 09 năm 2015

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BẢO ĐẢM AN NINH NGUỒN PHÓNG XẠ

Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2011, được sửa đổi, bổ sung bởi:

Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-KHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ như sau:1

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn bảo đảm an ninh đối với nguồn phóng xạ kín và Pu-239 được sử dụng như nguồn phóng xạ có hoạt độ trên mức miễn trừ khai báo, cấp giấy phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 5: 2010/BKHCN về An toàn bức xạ - Miễn trừ khai báo, cấp giấy phép ban hành kèm theo Thông tư số 15/2010/TT-BKHCN ngày 14 tháng 9 năm 2010 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến nguồn phóng xạ được quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ là việc áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn hành động tiếp cận bất hợp pháp, đánh cắp, chiếm đoạt, phá hoại và chuyển giao trái phép nguồn phóng xạ; bảo mật thông tin liên quan đến an ninh nguồn phóng xạ.

2. Nguồn phóng xạ kín (sau đây gọi là nguồn phóng xạ) là chất phóng xạ được bao kín bằng lớp vỏ bọc có cấu trúc đặc biệt hoặc được chế tạo dưới dạng một khối rắn bảo đảm không cho chất phóng xạ thoát ra môi trường trong điều kiện bình thường và trong các trường hợp sự cố được dự báo trước.

3. Khóa an ninh là loại khóa được thiết kế với độ tin cậy cao đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.

4. Khu vực kiểm soát an ninh là vùng được kiểm soát ngăn chặn người không có nhiệm vụ đi vào khu vực này nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ bằng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: sử dụng khóa an ninh, thiết bị phát hiện và báo động xâm nhập, thiết bị quan sát bằng hình ảnh và các biện pháp kiểm soát hành chính.

5. Kiểm đếm là việc kiểm tra xác nhận sự tồn tại của nguồn phóng xạ tại nơi đặt nguồn bằng mắt thường hoặc bằng cách sử dụng thiết bị đo bức xạ thích hợp hoặc bằng biện pháp kiểm tra gián tiếp khác có thể khẳng định một cách chắc chắn sự tồn tại nguồn phóng xạ và biện pháp kiểm tra này phải được cơ quan quản lý nhà nước chấp nhận khi thẩm định cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ.

Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ

1. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải chịu trách nhiệm cao nhất về việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ.

2. Yêu cầu bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ phải phù hợp với mức độ nguy hiểm của nguồn phóng xạ.

Điều 4. Mức an ninh nguồn phóng xạ

1. Căn cứ vào mức độ nguy hiểm của các nguồn phóng xạ và nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra cho con người, môi trường, yêu cầu bảo đảm an ninh được chia thành 4 mức an ninh A, B, C và D, trong đó mức an ninh A tương ứng với nhóm nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn cao nhất, mức an ninh D tương ứng với nhóm nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn thấp nhất.

2. Các mức an ninh A, B, C và D tương ứng với các nhóm nguồn phóng xạ được phân nhóm theo quy định tại của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân nhóm nguồn phóng xạ như sau:

a) Mức an ninh A áp dụng đối với các nguồn phóng xạ nhóm 1.

b) Mức an ninh B áp dụng đối với các nguồn phóng xạ nhóm 2.

c) Mức an ninh C áp dụng đối với các nguồn phóng xạ nhóm 3.

d) Mức an ninh D áp dụng đối với các nguồn phóng xạ nhóm 4, nhóm 5.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN SỬ DỤNG, LƯU GIỮ, VẬN CHUYỂN NGUỒN PHÓNG XẠ

Điều 5. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A

1. Thiết lập khu vực kiểm soát an ninh;

2. Lắp đặt thiết bị để phát hiện, báo động sự tiếp cận trái phép vào khu vực kiểm soát an ninh và phòng đặt nguồn phóng xạ. Tại phòng đặt nguồn phóng xạ, các thiết bị phát hiện, báo động phải được lắp đặt tại các lối ra vào và cả bên trong phòng;

3. Đặt các thiết bị quan sát, ghi nhận, lưu giữ hình ảnh bảo đảm quan sát được cả bên trong, bên ngoài phòng đặt nguồn phóng xạ và toàn bộ khu vực kiểm soát an ninh nhằm giám sát liên tục nguồn phóng xạ hoặc thiết bị chứa nguồn phóng xạ;

4. Lắp khóa cho các cửa lối ra vào khu vực kiểm soát an ninh; lắp khóa an ninh cho các cửa ra vào phòng đặt nguồn phóng xạ;

5. Kiểm đếm nguồn phóng xạ hằng ngày; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm;

6. Xây dựng và thực hiện quy định chuyển giao nguồn phóng xạ trong nội bộ cơ sở, bảo đảm việc chuyển giao phải có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền và phải có biên bản giao nhận; xây dựng và thực hiện quy định về bảo dưỡng thiết bị an ninh;

7. Tổ chức lực lượng bảo vệ để giám sát các thiết bị quan sát, phát hiện, báo động trong khu vực kiểm soát an ninh và tổ chức lực lượng ứng phó để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời, phá hoại nguồn phóng xạ;

8. Thực hiện việc kiểm tra lý lịch đối với các nhân viên tham gia lực lượng bảo vệ và làm việc trong khu vực đặt nguồn phóng xạ;

9. Trang bị các phương tiện thông tin liên lạc cho lực lượng bảo vệ để bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng ứng phó khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

10. Xây dựng và thực hiện các quy trình sau đây:

a) Quy trình thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong và ngoài giờ làm việc;

b) Quy trình hoạt động của lực lượng bảo vệ;

c) Quy trình ứng phó sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

d) Quy trình bảo mật thông tin về: nguồn phóng xạ; thiết bị chứa nguồn phóng xạ; kế hoạch di chuyển nguồn phóng xạ; kế hoạch bảo đảm an ninh; người được quyền tiếp cận và thời gian tiếp cận khu vực kiểm soát an ninh; sự phân công và bố trí lực lượng bảo vệ; mã PIN và mã số bí mật của khóa cửa, hộp đựng chìa khóa, thiết bị an ninh;

đ) Quy trình kiểm soát người ra vào khu vực kiểm soát an ninh nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc ra vào trái phép;

e) Quy trình quản lý khóa và chìa khóa.

11. Quy định trách nhiệm, quyền hạn của từng đơn vị, cá nhân liên quan tới việc bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ; tổ chức đào tạo về bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ cho các cá nhân liên quan;

12. Khi xảy ra các trường hợp có sự tiếp cận trái phép tới nguồn phóng xạ hoặc hành động có ý định đánh cắp, phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự việc phải gửi báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nơi xảy ra sự việc, làm rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả và các biện pháp được đề ra để tránh xảy ra sự việc tương tự trong tương lai.

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A

1. Thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều 5 của Thông tư này;

2. Sử dụng kho riêng biệt để lưu giữ nguồn phóng xạ;

3. Cất giữ nguồn phóng xạ trong thiết bị chứa nguồn hoặc bình bảo vệ có khóa và áp dụng các biện pháp để hạn chế khả năng di dời nguồn phóng xạ;

4. Lập sổ kho kiểm soát việc nhập và xuất nguồn phóng xạ từ kho.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh B

1. Trường hợp nguồn phóng xạ đặt cố định và nguồn phóng xạ sử dụng trong xạ trị áp sát suất liều cao:

a) Thực hiện các yêu cầu quy định tại các khoản 1, 4, 6, 8, 9, 11, 12 và các điểm a, c, d, đ, e khoản 10 Điều 5 của Thông tư này;

b) Tổ chức lực lượng bảo vệ để giám sát việc tiếp cận trái phép khu vực kiểm soát an ninh và tổ chức lực lượng ứng phó để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời, phá hoại nguồn phóng xạ;

c) Kiểm đếm nguồn phóng xạ hàng tuần, lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm.

2. Trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng di động:

a) Lập rào chắn và bố trí người giám sát liên tục khu vực tiến hành công việc;

b) Bố trí nơi cất giữ nguồn phóng xạ tại công trường trong thời gian không sử dụng, lắp khóa an ninh tại các điểm có thể tiếp cận vào nơi đặt nguồn; xây dựng và thực hiện quy trình quản lý khóa và chìa khóa; bố trí nhân viên bảo vệ;

c) Tổ chức lực lượng ứng phó để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời, phá hoại nguồn phóng xạ khi sử dụng cũng như khi cất giữ tại công trường;

d) Thực hiện việc kiểm tra lý lịch đối với các nhân viên sử dụng nguồn phóng xạ và nhân viên bảo vệ;

đ) Trang bị các phương tiện thông tin liên lạc cho các nhân viên sử dụng nguồn và nhân viên bảo vệ để bảo đảm cung cấp thông tin kịp thời cho lực lượng ứng phó khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

e) Lập nhật ký sử dụng nguồn phóng xạ, bao gồm thông tin về mục đích sử dụng, địa điểm sử dụng, người sử dụng và thời gian sử dụng nguồn phóng xạ;

g) Xây dựng và thực hiện quy định chuyển giao nguồn phóng xạ giữa các bộ phận trong đơn vị, bảo đảm việc chuyển giao phải có văn bản cho phép của người đứng đầu cơ sở hoặc người được ủy quyền và phải có biên bản giao nhận; quy trình bảo mật thông tin về nguồn phóng xạ, thiết bị chứa nguồn phóng xạ, kế hoạch di chuyển nguồn phóng xạ, kế hoạch bảo đảm an ninh;

h) Phân công người chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ khi sử dụng tại công trường;

i) Kiểm đếm nguồn phóng xạ sau mỗi ca làm việc và định kỳ hàng tuần; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm;

k) Khi xảy ra các trường hợp có sự tiếp cận trái phép tới nguồn phóng xạ hoặc hành động có ý định đánh cắp, phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự việc phải gửi báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nơi xảy ra sự việc, làm rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả và các biện pháp được đề ra để tránh xảy ra sự việc tương tự trong tương lai.

3.2 Trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng trong thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN và phải lắp đặt thiết bị định vị nguồn phóng xạ theo yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Phần I của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh B

1. Thực hiện các yêu cầu quy định tại các khoản 6, 8, 9, 11, 12 và các điểm a, c, d, đ, e khoản 10 Điều 5, các khoản 2, 3 và 4 Điều 6, điểm c khoản 1 Điều 7 của Thông tư này;

2. Lắp khóa an ninh cho các cửa ra vào kho lưu giữ nguồn phóng xạ; xây dựng và thực hiện quy trình quản lý khóa và chìa khóa;

3. Tổ chức lực lượng bảo vệ để giám sát việc tiếp cận trái phép khu vực kho lưu giữ nguồn phóng xạ và tổ chức lực lượng ứng phó để ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận trái phép, di dời, phá hoại nguồn phóng xạ.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh C

1. Trường hợp nguồn phóng xạ lắp đặt sử dụng cố định:

a) Thiết lập khu vực kiểm soát an ninh xung quanh nơi đặt nguồn phóng xạ, lập rào chắn;

b) Làm lồng bằng kim loại có khóa bảo vệ hộp chứa nguồn phóng xạ;

c) Kiểm đếm nguồn phóng xạ hằng tháng; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm;

d) Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm soát ra vào khu vực kiểm soát an ninh;

đ) Thực hiện quy định tại các khoản 6, 12 và điểm c khoản 10 Điều 5 của Thông tư này.

2. Trường hợp nguồn phóng xạ sử dụng di động:

a)[1] Thực hiện yêu cầu quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và k Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ;

b) Kiểm đếm nguồn phóng xạ sau mỗi ca làm việc và định kỳ hằng tháng; lập hồ sơ kiểm đếm ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm.

3. Trường hợp lưu giữ nguồn phóng xạ:

Thực hiện các yêu cầu quy định tại các khoản 6, 8, 9, 11, 12 và điểm d khoản 10 Điều 5, các khoản 2, 3 và 4 Điều 6, các khoản 2 và 3 Điều 8điểm c khoản 1 Điều 9 của Thông tư này.

Điều 10. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh D

Kiểm đếm nguồn phóng xạ định kỳ hằng năm; lập hồ sơ kiểm đếm, ghi rõ người thực hiện kiểm đếm, thời gian kiểm đếm, kết quả kiểm đếm.

Điều 11. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc các mức an ninh A và B bằng đường bộ

1. Bên gửi nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Phối hợp với bên vận chuyển đóng gói kiện hàng phóng xạ và sử dụng phương tiện vận chuyển bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật về vận chuyển an toàn chất phóng xạ;

b) Phối hợp với bên vận chuyển lựa chọn tuyến đường vận chuyển thích hợp bảo đảm ít bị ùn tắc giao thông, ít rủi ro về an toàn giao thông, tránh những khu có vấn đề về mặt an ninh, bảo đảm thời gian vận chuyển tối thiểu, xác định rõ các điểm dừng đỗ trên tuyến đường vận chuyển; lập phương án và tuyến đường vận chuyển dự phòng cho trường hợp tuyến đường vận chuyển chính không thể đi được;

c) Bảo mật thông tin liên quan đến tuyến đường vận chuyển, thời gian vận chuyển, địa điểm giao nhận, nhân viên trực tiếp tham gia vận chuyển, nội dung kiện hàng, biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ được áp dụng;

d) Thống nhất kế hoạch vận chuyển, thời gian và địa điểm giao nhận nguồn phóng xạ với bên vận chuyển và bên nhận;

đ) Tổ chức phổ biến các yêu cầu bảo đảm an ninh, trách nhiệm và quy trình ứng phó cho mọi thành viên tham gia trong vận chuyển.

2. Bên vận chuyển nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Áp dụng các biện pháp an ninh đã được hướng dẫn;

b) Bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật về vận chuyển an toàn chất phóng xạ và sử dụng thùng để chứa kiện hàng vận chuyển có khóa, niêm phong; áp dụng biện pháp để gắn chặt kiện hàng với phương tiện vận chuyển;

c) Bảo đảm tất cả nhân viên tham gia vào quá trình vận chuyển nguồn phóng xạ có nhân thân đáng tin cậy và đã hiểu rõ nhiệm vụ, kế hoạch vận chuyển, các quy trình liên quan trong quá trình vận chuyển; chỉ định trong nhóm vận chuyển một người chịu trách nhiệm giám sát kiện hàng trong suốt quá trình vận chuyển;

d) Bảo đảm các điều kiện thông tin, liên lạc kịp thời giữa người tham gia vận chuyển với tổ chức vận chuyển, cơ quan công an và cơ quan hỗ trợ khác trong trường hợp khẩn cấp;

đ) Trường hợp vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A, phải có lực lượng công an tham gia đi cùng chuyến hàng để có được quyền ưu tiên khi lưu thông trên đường và sẵn sàng ứng phó với các trường hợp mất an ninh đối với kiện hàng vận chuyển;

e) Bảo mật thông tin liên quan đến kế hoạch vận chuyển;

g) Kiểm tra và xác nhận lại về thời gian giao nhận, địa điểm giao nhận kiện hàng với bên nhận trước khi bắt đầu kế hoạch vận chuyển;

h) Trước khi bắt đầu vận chuyển, kiểm tra các địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp để chắc chắn các số điện thoại vẫn còn liên lạc được và người cần liên lạc có thể sẵn sàng hỗ trợ khi được yêu cầu;

i) Trước khi bắt đầu vận chuyển, kiểm tra sự nguyên vẹn của kiện hàng, các biện pháp bảo đảm an ninh đã được áp dụng, điều kiện an toàn của phương tiện vận chuyển;

k) Kiểm tra thông tin của lộ trình tuyến đường trước khi bắt đầu vận chuyển để khẳng định tuyến đường vận chuyển không có vấn đề về ùn tắc giao thông hoặc các vấn đề gây cản trở khác;

l) Cử người giám sát liên tục phương tiện và kiện hàng vận chuyển tại các điểm dừng đỗ dọc tuyến đường vận chuyển;

m) Hỗ trợ kịp thời khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

n) Kiểm tra khóa và dấu niêm phong của kiện hàng chứa nguồn phóng xạ trước khi bàn giao cho bên nhận;

o) Khi xảy ra các trường hợp có sự tiếp cận trái phép tới nguồn phóng xạ hoặc hành động có ý định đánh cắp, phá hoại nguồn phóng xạ phải áp dụng các biện pháp ứng phó kịp thời, điều tra nguyên nhân, tìm biện pháp khắc phục. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra sự việc phải gửi báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nơi xảy ra sự việc, làm rõ nguyên nhân, diễn biến sự việc, các biện pháp ứng phó đã được áp dụng, hậu quả và các biện pháp được đề ra để tránh xảy ra sự việc tương tự trong tương lai.

3. Bên nhận nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Bảo đảm trách nhiệm tiếp nhận nguồn phóng xạ theo đúng kế hoạch vận chuyển đã được báo trước;

b) Phối hợp với bên gửi, bên vận chuyển kiểm tra chính xác thông tin nguồn phóng xạ tiếp nhận;

c) Áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ theo quy định tại Thông tư này sau khi tiếp nhận.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ thuộc các mức an ninh C và D bằng đường bộ

1. Bên gửi nguồn phóng xạ có trách nhiệm thực hiện các quy định tại điểm a, c, d và đ khoản 1 Điều 11 của Thông tư này và xây dựng quy trình ứng phó khi mất an ninh trên đường vận chuyển.

2. Bên vận chuyển nguồn phóng xạ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 2 trừ các điểm đ và k của Điều 11 Thông tư này.

3. Bên nhận nguồn phóng xạ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ bằng đường sắt

1. Bên gửi nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Đóng gói kiện hàng phóng xạ bảo đảm yêu cầu theo quy định của pháp luật về vận chuyển an toàn chất phóng xạ;

b) Bảo mật thông tin liên quan đến tuyến đường vận chuyển, thời gian vận chuyển, địa điểm giao nhận hàng, nhân viên trực tiếp tham gia vận chuyển, nội dung kiện hàng, biện pháp an ninh được áp dụng;

c) Thống nhất kế hoạch vận chuyển, thời gian và địa điểm giao nhận kiện hàng với bên vận chuyển và bên nhận;

d) Tổ chức phổ biến các yêu cầu bảo đảm an ninh, bao gồm trách nhiệm và quy trình ứng phó cho mọi thành viên tham gia trong vận chuyển;

đ) Vận chuyển kiện hàng phóng xạ đến nơi chất hàng lên tàu và vận chuyển kiện hàng phóng xạ tại ga đến về địa điểm giao hàng cho bên nhận.

2. Bên vận chuyển nguồn phóng xạ có trách nhiệm:

a) Kiểm tra điều kiện đóng gói và dấu niêm phong của kiện hàng phóng xạ trước khi xếp hàng lên tàu;

b) Sử dụng toa chở hàng có khóa để vận chuyển và áp dụng biện pháp để gắn chặt kiện hàng phóng xạ với toa tàu;

c) Cử một người chịu trách nhiệm giám sát toa chở kiện hàng phóng xạ; bảo đảm người này nắm rõ kế hoạch bảo đảm an ninh hoặc quy trình ứng phó sự cố đã được xây dựng;

d) Bảo mật thông tin liên quan đến kế hoạch vận chuyển;

đ) Kiểm tra và xác nhận lại về thời gian giao nhận, địa điểm giao nhận kiện hàng với bên gửi;

e) Có kế hoạch hỗ trợ kịp thời khi có sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ;

g) Kiểm tra khóa và dấu niêm phong của kiện hàng chứa nguồn phóng xạ khi bàn giao cho bên gửi hàng;

h) Trường hợp xảy ra sự cố mất an ninh nguồn phóng xạ, trong vòng 24 giờ phải báo cáo cho Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

3. Bên nhận nguồn phóng xạ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quy định tại khoản 3 Điều 11 của Thông tư này.

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong vận chuyển nguồn phóng xạ bằng đường biển và đường không

Tổ chức, cá nhân vận chuyển nguồn phóng xạ bằng đường biển và đường hàng không phải tuân theo các quy định về vận chuyển an toàn hàng hóa nguy hiểm bằng đường biển và đường hàng không theo quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 14a. Trách nhiệm gắn dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa4

1. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ thuộc mức an ninh A, B, C và D phải gắn dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa theo quy định tại Mục 1 và Mục 3 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đối với nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A, B và C, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ phải gắn dấu hiệu cảnh báo bức xạ bổ sung theo quy định tại Mục 2 và Mục 3 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH5

Điều 15. Tổ chức thực hiện6

1. Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện Thông tư này;

b) Xây dựng và duy trì hoạt động của Hệ thống giám sát nguồn phóng xạ di động (sau đây gọi tắt là Hệ thống giám sát) bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật được quy định tại Phần II của Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Hướng dẫn Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khai thác Hệ thống giám sát phục vụ công tác quản lý về an toàn bức xạ và hạt nhân tại địa phương.

2. Hoạt động xây dựng, duy trì, bảo dưỡng Hệ thống giám sát do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí thực hiện.

3. Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có nguồn phóng xạ trên địa bàn thực hiện Thông tư này.

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để đăng Công báo);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Khoa học và Công nghệ (để đăng tải);
- Lưu: VT; ATBXHN.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

 

PHỤ LỤC I

YÊU CẦU KỸ THUẬT CỦA THIẾT BỊ ĐỊNH VỊ VÀ HỆ THỐNG GIÁM SÁT NGUỒN PHÓNG XẠ DI ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

I. Yêu cầu kỹ thuật của thiết bị định vị nguồn phóng xạ sử dụng di động

1. Thiết bị định vị nguồn phóng xạ sử dụng di động là thiết bị phần cứng được thiết kế để lắp đặt trên vật thể chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động.

2. Thiết bị định vị nguồn phóng xạ sử dụng di động phải đáp ứng được các chức năng, yêu cầu kỹ thuật sau:

a) Phải sử dụng được cơ sở hạ tầng viễn thông của Việt Nam để giao tiếp thông tin với Hệ thống giám sát nguồn phóng xạ sử dụng di động đặt tại Cục An toàn bức xạ và hạt nhân;

b) Cung cấp thông tin về suất liều bức xạ trên bề mặt thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động và vị trí của thiết bị chứa nguồn phóng xạ tới Hệ thống giám sát;

c) Thiết bị định vị nguồn phóng xạ sử dụng di động có tính năng kỹ thuật sau:

- Có thiết kế phù hợp với cấu trúc kỹ thuật của thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động, không làm ảnh hưởng đến chức năng và hoạt động thường xuyên của nguồn phóng xạ, được gắn lên trên bề mặt của thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động và được tháo lắp bằng dụng cụ chuyên dụng;

- Có tính bền cơ, lý, hóa cao với khả năng chống chịu được các va đập mạnh, chống chịu thời tiết không thuận lợi (mưa, gió, nhiệt độ cao, độ ẩm cao, ngâm trong nước thời gian dài…); có khả năng hoạt động trong môi trường phóng xạ cao;

- Phải cập nhật được thông tin về suất liều bức xạ trên bề mặt thiết bị chứa nguồn phóng xạ sử dụng di động và vị trí của thiết bị chứa nguồn phóng xạ tới Hệ thống giám sát liên tục trong trường hợp nguồn phóng xạ được sử dụng, vận chuyển và lưu giữ trong kho. Đối với các trường hợp giới hạn về kỹ thuật, việc giám sát nguồn phóng xạ di động cần phải được thực hiện bằng các biện pháp quản lý và khai báo với Hệ thống giám sát.

- Phải giao tiếp được thông tin và thực hiện được các yêu cầu do Hệ thống giám sát thiết lập (có tính năng thiết lập được cấu hình thiết bị từ xa, thực hiện yêu cầu truy vấn thông tin vị trí, thông tin nguồn phóng xạ bất kỳ thời điểm nào...);

- Phải có nguồn pin dự phòng kèm theo, sử dụng được nguồn pin đi kèm và có khả năng duy trì hoạt động ít nhất 10 ngày liên tục, tuổi thọ của pin ít nhất 01 năm trong điều kiện hoạt động bình thường; pin có khả năng nạp xả nhiều lần và ổn định.

II. Yêu cầu kỹ thuật của Hệ thống giám sát nguồn phóng xạ sử dụng di động

1. Hệ thống giám sát nguồn phóng xạ sử dụng di động bao gồm: hệ thống máy chủ, phần mềm, mạng internet, mạng thông tin di động.

2. Hệ thống giám sát phải cung cấp được thông tin, chỉ dẫn và cảnh báo như sau:

a) Nhận biết vị trí của các nguồn phóng xạ thuộc đối tượng quản lý theo quy định của Thông tư này ở bất kỳ thời điểm nào;

b) Cho phép truy cập từ xa đối với đại diện được chỉ định của Sở Khoa học và Công nghệ và người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ có nguồn phóng xạ thuộc diện phải giám sát theo quy định tại Thông tư này để biết được hiện trạng của các nguồn phóng xạ thuộc diện quản lý;

c) Thông báo cho đại diện được chỉ định của Sở Khoa học và Công nghệ qua điện thoại khi có nguồn phóng xạ sử dụng di động được chuyển đến địa phương ở bất kỳ thời điểm nào;

d) Thông báo cho người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ và đại diện được chỉ định của Sở Khoa học và Công nghệ nơi nguồn phóng xạ sử dụng di động đang hoạt động khi mất tín hiệu giám sát đối với nguồn phóng xạ (không có tín hiệu về phóng xạ, mất hoàn toàn tín hiệu viễn thông). Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với nguồn phóng xạ có trách nhiệm trực tiếp xử lý và báo cáo ngay về Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng như thông báo cho đại diện được chỉ định của Sở Khoa học và Công nghệ biết.

PHỤ LỤC II

DẤU HIỆU CẢNH BÁO BỨC XẠ ION HÓA
(Ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN ngày 21 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

1. Dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa

Hình 1: Dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa dùng cho tất cả các nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ
(nguồn phóng xạ, thiết bị có gắn nguồn phóng xạ thuộc các mức an ninh A, B, C và D)

- Dấu hiệu cảnh báo có hình tam giác đều (kích thước tỷ lệ ghi trên hình vẽ)

- D: Đường kính vòng tròn giữa ba cạnh.

- Vòng tròn, ba cạnh và khung viền có mầu đen trên nền vàng.

- Chữ ghi trong ô ghi chú có mầu đen trên nền trắng, ghi rõ hai hàng chữ:

PHÓNG XẠ
NGUY HIỂM CHẾT NGƯỜI

2. Dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa bổ sung

Hình 2: Dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa bổ sung sử dụng cho các nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A, B và C

Kích thước, màu sắc của dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa bổ sung thực hiện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8663:2011 ISO 21482:2007

3. Gắn dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa và dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa bổ sung

Dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa và dấu hiệu cảnh báo bức xạ ion hóa bổ sung phải được khắc, in trên nhãn mác và gắn trực tiếp trên thiết bị chứa nguồn hoặc trên bộ phận che chắn nguồn phóng xạ.



1 Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ có căn cứ ban hành như sau:

“Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ (sau đây viết tắt là Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN).”.

2 Khoản này được bổ sung theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 của Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.

[1] Điểm này được sửa đổi theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.

4 Điều này được bổ sung theo quy định tại Khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.

5 Điều 2 của Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015 quy định như sau:

“Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01tháng 10 năm 2015.

2. Trường hợp nguồn phóng xạ dùng trong thiết bị chụp ảnh phóng xạ công nghiệp đã được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ trước ngày Thông tư này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép có trách nhiệm lắp đặt thiết bị định vị nguồn phóng xạ di động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc có vấn đề mới phát sinh, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét sửa đổi, bổ sung./.”

6 Điều này được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Khoản 4 Điều 1 của Thông tư số 13/2015/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2010/TT-BKHCN ngày 29 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2015.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Văn bản hợp nhất 20/VBHN-BKHC ngày 01/09/2015 hợp nhất Thông tư hướng dẫn bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


4.645

DMCA.com Protection Status
IP: 3.148.105.127
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!