Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 97/2005/QĐ-BNV Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nội vụ Người ký: Đặng Quốc Tiến
Ngày ban hành: 13/09/2005 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ NỘI VỤ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 97/2005/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 13 tháng 09 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI) HỘI NHỮNG NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM (GỌI TẮT LÀ HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM)

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập Hội;
Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 88/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội;
Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội những người làm công tác Điện ảnh Việt Nam (gọi tắt là Hội Điện ảnh Việt Nam) đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Điện ảnh Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 7 năm 2005.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

 

BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Đặng Quốc Tiến

 

ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI)

HỘI NHỮNG NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM (GỌI TẮT LÀ HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM)
(Ban hành theo Quyết định số 97/2005/QĐ-BNV ngày 13/09/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)

Chương 1:

TÊN GỌI, TÔN CHỈ MỤC ĐÍCH, LĨNH VỰC VÀ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI

Điều 1. Tên gọi

1. Tên gọi của Hội là: Hội những người làm công tác điện ảnh Việt Nam

Gọi tắt là: HỘI ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM.

2. Tên Hội viết bằng Anh ngữ: THE VIETNAM CINEMA ASSOCIATION.

Điều 2. Tôn chỉ mục đích của Hội

1. Hội Điện ảnh Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm công tác điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam.

2. Hội Điện ảnh Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng; chịu sự quản lý của Nhà nước, tổ chức, hoạt động theo quy định của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Điều lệ của Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Hội Điện ảnh Việt Nam tập hợp, đoàn kết, huy động mọi năng lực sáng tạo của những người làm công tác điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam để tạo ra các tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình có giá trị về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, góp phần bảo vệ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

4. Hội Điện ảnh Việt Nam bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên trong việc sáng tạo các tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình và các hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Phạm vi hoạt động của Hội

Hội Điện ảnh Việt Nam hoạt động trong phạm vi cả nước.

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Hội

Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, quyết định theo đa số, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của hội viên.

Hội hoạt động theo Điều lệ của Hội và quy định của Pháp luật.

Điều 5. Mối quan hệ của Hội

1. Là thành viên của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

2. Có quan hệ hợp tác chặt chẽ với các ngành, cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương và các tổ chức, hội hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.

3. Có quan hệ hợp tác với các tổ chức điện ảnh trên thế giới theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Điều 6. Trụ sở, tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản của Hội

1. Hội Điện ảnh Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu (dấu ướt to, dấu ướt thu nhỏ, dấu nổi) và tài khoản riêng.

2. Trụ sở cơ quan Trung ương Hội đặt tại Thủ đô Hà Nội.

Chương 2:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỘI

Điều 7. Quyền của Hội

1. Đại diện cho hội viên trong quan hệ đối nội, đối ngoại liên quan đến tôn chỉ, mục đích của Hội. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên;

2. Thành lập các tổ chức và cơ quan trực thuộc có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật để tiến hành các hoạt động nghề nghiệp;

3. Thẩm định, phản biện các vấn đề thuộc lĩnh vực nghề nghiệp cho các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức, cá nhân khi có yêu cầu;

4. Được gây quỹ Hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để hỗ trợ các hoạt động nghiệp vụ;

5. Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch của Hội; quản lý tài chính, tài sản của Hội; quản lý các cơ quan trực thuộc Hội và các hoạt động của chi hội, hội viên trong cả nước;

6. Đề xuất với Đảng, Nhà nước và các cơ quan hữu quan khen thưởng cho tập thể, cá nhân hội viên, cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan trực thuộc Hội;

Xét kỷ luật đối với hội viên và cán bộ, nhân viên trong cơ quan trực thuộc Hội;

7. Được gia nhập làm hội viên của các tổ chức, hiệp hội quốc tế trong lĩnh vực hoạt động chuyên ngành theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.

Điều 8. Nghĩa vụ của Hội

1. Tuyên truyền, phổ biến đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là đường lối, chính sách văn hóa văn nghệ cho hội viên;

2. Tuyên truyền tôn chỉ mục đích của Hội, cung cấp thông tin cần thiết cho hội viên theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho hội viên nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn;

3. Tổ chức hoạt động của Hội theo đúng Điều lệ Hội và quy định của Pháp luật;

4. Báo cáo tình hình tổ chức hoạt động của Hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật;

5. Tổ chức phối hợp hoạt động giữa các cơ quan trực thuộc Hội, các chi hội, hội viên vì lợi ích chung của Hội; hòa giải tranh chấp trong nội bộ Hội;

6. Vận động, tập hợp, tổ chức các hoạt động sáng tác nhằm phấn đấu sáng tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, có tác dụng sâu sắc xây dựng con người mới, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;

7. Khuyến khích và bảo vệ sự tìm tòi, sáng tạo trong các tác phẩm, công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình nghệ thuật điện ảnh và sáng tác phim truyền hình của hội viên;

8. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức cá nhân ở trong nước và nước ngoài nhằm tổ chức các hoạt động sáng tác, hỗ trợ sáng tác, đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội viên; giúp đỡ về nghiệp vụ đối với những người hoạt động điện ảnh và làm phim truyền hình không chuyên;

9. Cùng các tổ chức văn học nghệ thuật trong cả nước đấu tranh chống các hoạt động văn nghệ phản động, đồi trụy, các quan điểm trái với đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng;

10. Tham mưu, tư vấn, đề xuất ý kiến với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế chính sách, đường lối phát triển nền điện ảnh dân tộc, các vấn đề liên quan đến tổ chức và sự phát triển của Hội;

11. Thực hiện chế độ thu chi tài chính và báo cáo tài chính theo đúng quy định của pháp luật.

Chương 3:

HỘI VIÊN

Điều 9. Điều kiện để trở thành hội viên

Công dân Việt Nam tán thành tôn chỉ mục đích của Hội, có đủ các điều kiện sau đều có thể trở thành hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam:

1. Có năng lực tổ chức, thực hiện và sáng tạo trong chức năng chính của mình khi tham gia sáng tác tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình.

2. Ở lĩnh vực điện ảnh, những người làm công tác biên kịch, biên tập, đạo diễn, quay phim, diễn viên, họa sỹ thiết kế, nhạc sỹ điện ảnh, người làm âm thanh, hóa trang, dựng phim, các nhà lý luận phê bình, các nhà báo chuyên viết về điện ảnh; những người làm công tác đào tạo và ở các khâu khác trong ngành như kinh tế điện ảnh, kỹ thuật điện ảnh, phổ biến phim ... có cống hiến cho nghệ thuật điện ảnh và có thời gian hoạt động điện ảnh ít nhất 5 năm.

3. Những người được xét kết nạp vào Hội là tác giả chính của các loại phim hoặc các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình có giá trị phục vụ ngành, được công nhận rộng rãi.

- Đối với phim truyện nhựa: các tác giả là biên dịch, đạo diễn, quay phim, diễn viên chính, họa sỹ thiết kế, người làm âm thanh phải có từ 3 phim trở lên được phát hành rộng rãi. Tác giả có phim đạt một trong các giải thưởng sau: 1 Bông sen vàng hoặc 2 Bông sen bạc, hoặc 1 Cánh diều vàng, hoặc 2 Cánh diều bạc trở lên thì được xét đặc cách để kết nạp vào Hội.

Ngoài các thành phần tác giả nói trên, các thành phần khác tham gia làm phim truyện nhựa ít nhất phải có 5 phim được phát hành.

- Đối với phim tài liệu nhựa, phim hoạt hình và phim ngắn nhựa: các tác giả chính là biên kịch, đạo diễn, quay phim, người làm âm thanh, họa sỹ thể hiện phải có 5 tác phẩm được phát hành. Tác giả có phim đạt 1 trong các giải thưởng sau: 1 Bông sen vàng hoặc 2 Bông sen bạc, hoặc 1 Cánh diều vàng, hoặc 2 Cánh diều bạc trở lên thì được xét đặc cách để kết nạp vào Hội.

- Đối với phim truyện truyền hình: các tác giả là biên kịch, đạo diễn, quay phim chính, diễn viên chính, họa sỹ thiết kế chính, người làm âm thanh chính phải có tối thiểu 8 phim trở lên được phát sóng rộng rãi. Tác giả có phim đạt một trong các giải thưởng sau: 1 Bông sen vàng hoặc 3 Bông sen bạc, hoặc 1 Cánh diều vàng hoặc 3 Cánh diều bạc, hoặc 1 Giải vàng hoặc 3 Giải bạc của Liên hoan phim truyền hình toàn quốc trở lên thì được xét đặc cách để kết nạp vào Hội.

- Đối với phim tài liệu, phim hoạt hình, phim ngắn truyền hình: các tác giả chính là biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sỹ, họa sỹ thể hiện phải có tối thiểu 10 phim được phát sóng rộng rãi. Tác giả có phim đạt một trong các giải thưởng sau: 1 Bông sen vàng hoặc 3 Bông sen bạc, hoặc 1 Cánh diều vàng hoặc 3 Cánh diều bạc, hoặc 1 Giải vàng hoặc 3 Giải bạc của Liên hoan phim truyền hình toàn quốc trở lên thì được xét đặc cách để kết nạp vào Hội.

- Đối với ngành lý luận phê bình, nghiên cứu: các tác giả có từ 2 công trình ở dạng tác phẩm hoàn chỉnh được in thành sách và công bố rộng rãi.

Điều 10. Nghĩa vụ hội viên

1. Chấp hành pháp luật của Nhà nước và Điều lệ, Nghị quyết của tổ chức Hội.

2. Không ngừng học tập, nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, góp phần củng cố và phát triển nền điện ảnh dân tộc.

3. Đoàn kết hỗ trợ nhau xây dựng Hội vững mạnh, phát hiện và giúp đỡ tài năng trẻ phát triển;

4. Giới thiệu hội viên mới;

5. Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn.

Điều 11. Quyền của hội viên

1. Được tham gia sinh hoạt, học tập nhằm nâng cao nghiệp vụ do Hội tổ chức; được giúp đỡ trong sáng tác, nghiên cứu; được bênh vực và bảo vệ quyền tự do sáng tạo chính đáng;

2. Được Hội giúp đỡ trong việc tham gia hợp tác, giao lưu quốc tế trong lĩnh vực hoạt động điện ảnh và làm phim truyền hình theo đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước và quy định của pháp luật;

3. Được bầu cử, ứng cử, đề cử người vào cơ quan lãnh đạo Hội;

4. Được thảo luận và tham gia ý kiến vào các chủ trương, phương hướng hoạt động của Hội. Được phê bình, khiếu nại về các vấn đề thuộc quyền lợi của Hội, quyền hành nghề và các quyền khác của hội viên theo quy định của pháp luật;

5. Được xin ra Hội.

Điều 12. Thể thức gia nhập Hội

1. Người xin vào Hội phải viết đơn và bản tóm tắt lý lịch công tác cùng các tác phẩm, công trình (theo mẫu của Ban Chấp hành trung ương Hội quy định) được cơ quan chủ quản hoặc chính quyền địa phương nơi đăng ký hộ khẩu xác nhận, Ban Thư ký Chi hội nhận xét về nghiệp vụ. Ban công tác hội viên và Ban kiểm tra xem xét và đề nghị Ban Chấp hành Hội quyết định.

2. Sau khi Ban Chấp hành xét kết nạp, Chủ tịch Hội là người ký quyết định kết nạp. Tuổi hội viên được tính từ ngày ra quyết định.

Điều 13. Thể thức ra Hội

1. Hội viên muốn ra Hội, tự nguyện làm đơn gửi Ban Chấp hành trung ương Hội.

2. Ban Thường vụ xét đơn xin ra Hội, Chủ tịch Hội ra quyết định.

3. Khi ra Hội, phải trả lại thẻ hội viên.

Điều 14. Bảo lưu tư cách hội viên

Hội viên đã chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu nhưng tiếp tục tham gia sinh hoạt Hội, chấp hành Điều lệ Hội vẫn là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam.

Chương 4:

TỔ CHỨC CỦA HỘI

Điều 15. Cơ cấu tổ chức của Hội

1. Cơ quan lãnh đạo Hội gồm có:

- Ban Chấp hành trung ương Hội.

- Ban Thường vụ.

2. Các tổ chức của Hội gồm có: Ban kiểm tra, Hội đồng nghệ thuật, các ban chuyên môn và các chi hội cơ sở.

3. Các cơ quan hành chính và nghiệp vụ của Hội gồm có:

- Văn phòng Hội (bao gồm Câu lạc bộ điện ảnh).

- Tạp chí cơ quan ngôn luận của Hội.

- Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam.

- Các tổ chức, cơ quan nghiệp vụ trực thuộc được thành lập theo quy định của pháp luật. Ban Chấp hành trung ương Hội quy định nhiệm vụ, chức năng và quy chế hoạt động đối với các tổ chức trực thuộc Hội.

Điều 16. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội

1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam là Đại hội đại biểu toàn quốc.

2. Nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc là 5 năm, trong trường hợp đặc biệt Đại hội có thể tiến hành sớm hơn hoặc muộn hơn, nhưng không quá một năm so với thời gian của một nhiệm kỳ và phải được thông báo đến toàn thể hội viên.

3. Đại hội bất thường chỉ được triệu tập khi có ý kiến đề nghị của quá 1/2 số hội viên và 2/3 ủy viên Ban chấp hành trung ương Hội, hoặc do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Ban chấp hành trung ương Hội là cơ quan quyết định triệu tập Đại hội.

4. Đại hội toàn quốc gồm 2 cấp: Đại hội cơ sở và Đại hội đại biểu toàn quốc.

5. Đại hội cơ sở được tổ chức theo chi hội hoặc theo khu vực. Nội dung của Đại hội cơ sở gồm:

- Thảo luận và góp ý kiến Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ vừa qua và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới.

- Thảo luận và góp ý kiến sửa đổi Điều lệ Hội.

- Bầu đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc.

- Lấy phiếu tín nhiệm của hội viên giới thiệu nhân sự vào các cơ quan lãnh đạo Hội trong nhiệm kỳ mới.

6. Nội dung chính của Đại hội đại biểu toàn quốc:

- Thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ qua và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới.

- Thảo luận và thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành trung ương Hội trong nhiệm kỳ.

- Thảo luận sửa đổi Điều lệ Hội.

- Bầu Ban Chấp hành trung ương Hội.

- Thông qua Nghị quyết Đại hội.

Điều 17. Thể thức bầu, bãi miễn đại biểu đi dự đại hội toàn quốc

1. Đại biểu chính thức dự Đại hội toàn quốc của Hội gồm có:

- Đại biểu dự Đại hội toàn quốc được bầu từ Đại hội cơ sở tổ chức theo chi hội hoặc theo khu vực.

- Đại biểu đương nhiên gồm tất cả ủy viên của Ban Chấp hành trung ương Hội đương nhiệm.

2. Đại biểu dự khuyết là đại biểu có số phiếu sát với số phiếu của đại biểu chính thức cuối cùng được bầu từ Đại hội cơ sở.

3. Số lượng đại biểu chính thức và dự khuyết được phân bổ theo tỷ lệ chung do Ban tổ chức Đại hội quy định trên cơ sở số lượng hội viên từng chi hội.

4. Thể thức bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc bằng phương pháp bỏ phiếu kín.

- Mỗi hội viên được quyền ghi tên trong phiếu bầu theo từng chi hội để được bầu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc.

- Đại biểu trúng cử chính thức lấy theo thứ tự số phiếu từ trên xuống theo số lượng được Ban tổ chức Đại hội quy định.

- Số lượng đại biểu dự khuyết theo quy định của Ban tổ chức đại hội. Đại biểu dự khuyết chỉ được bổ sung đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc khi có đại biểu chính thức không tham dự đại hội.

5. Trường hợp khuyết đại biểu chính thức thuộc chi hội nào thì Ban tổ chức Đại hội quyết định mời đại biểu dự khuyết của chi hội đó làm đại biểu chính thức theo thứ tự đại biểu dự khuyết.

6. Đại biểu chính thức vi phạm các quy định về tư cách đại biểu thì bị bãi miễn quyền đại biểu. Việc bãi miễn quyền đại biểu do Ban kiểm tra tư cách đại biểu của Đại hội đề nghị và Đại hội biểu quyết, quyết định.

7. Các đại biểu chính thức có quyền phát biểu ý kiến, ứng cử, đề cử và bầu cử tại Đại hội.

8. Ban tổ chức Đại hội có quyền mời một số hội viên có công đóng góp cho Hội dự Đại hội, nhưng số lượng không quá 5% tổng số đại biểu chính thức của Đại hội. Các đại biểu được mời có quyền phát biểu ý kiến nhưng không được tham gia đề cử, ứng cử và bầu cử tại Đại hội.

Điều 18. Ban Chấp hành trung ương Hội

1. Ban Chấp hành trung ương Hội là cơ quan điều hành cao nhất của Hội giữa 2 kỳ đại hội, do Đại hội trực tiếp bầu bằng phiếu kín.

2. Ban Chấp hành trung ương Hội thực hiện các nghị quyết của Đại hội, đề ra chủ trương công tác và phương hướng hoạt động của Hội trong từng thời kỳ, kết nạp và khai trừ hội viên, xét khen thưởng, kỷ luật, thành lập hoặc giải thể các chi hội, các tổ chức trực thuộc Hội và triển khai các công việc khác.

3. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội do Đại hội quyết định.

4. Ban Chấp hành trung ương Hội bầu Chủ tịch Hội, các Phó Chủ tịch Hội.

5. Người trúng cử Ban Chấp hành trung ương Hội có số phiếu cao nhất triệu tập các ủy viên Ban Chấp hành mới để bầu Chủ tịch Hội, sau đó Chủ tịch Hội điều hành cuộc họp của Ban Chấp hành bầu các Phó Chủ tịch Hội và các Trưởng ban chuyên môn của Hội.

6. Việc bầu bổ sung các ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội nho nhu cầu được Ban Chấp hành trung ương Hội quyết định. Số lượng ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội bổ sung không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội và được bầu bằng phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu quá bán hợp lệ.

7. Việc miễn nhiệm ủy viên Ban Chấp hành do Ban Chấp hành trung ương Hội xem xét quyết định bằng phiếu kín và phải có số phiếu quá bán hợp lệ.

Điều 19. Ban Thường vụ

1. Ban Thường vụ gồm Chủ tịch Hội và các Phó Chủ tịch Hội.

2. Số lượng thành viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành trung ương Hội quy định. Việc bổ sung hoặc miễn nhiệm ủy viên Ban Thường vụ phải được quá bán số ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội đồng ý bằng phiếu kín.

3. Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thường vụ:

- Tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Hội.

- Điều hành toàn bộ hoạt động đối nội và đối ngoại của Hội. Chỉ đạo công việc của Văn phòng Hội, Tạp chí cơ quan ngôn luận của Hội cùng các cơ quan trực thuộc của Hội.

- Soạn thảo văn bản chuẩn bị cho các cuộc họp của Ban Chấp hành trung ương Hội.

- Cùng Ban công tác hội viên và Ban kiểm tra xem xét việc kết nạp hội viên và xóa tên hội viên để báo cáo Ban Chấp hành trung ương Hội quyết định.

- Đề xuất việc thành lập hoặc giải thể các chi hội và các cơ quan nghiệp vụ để Ban Chấp hành trung ương Hội xem xét quyết định.

Điều 20. Chủ tịch Hội

1. Là thủ trưởng cơ quan Hội, điều hành chung các hoạt động của Hội và là đại diện Hội về mặt pháp lý.

2. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành trung ương Hội bầu trong số các ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội và phải được quá bán số ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội tán thành bằng phiếu kín.

3. Khi khuyết hoặc miễn nhiệm Chủ tịch Hội, Ban Chấp hành trung ương Hội bầu Chủ tịch Hội mới từ các ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội. Kết quả được thông báo đến các chi hội cơ sở.

Điều 21. Phó Chủ tịch Hội

1. Phó Chủ tịch Hội được Chủ tịch Hội phân công phụ trách từng phần việc cụ thể và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội về các quyết định của mình. Giải quyết các công việc khác được Chủ tịch Hội ủy nhiệm khi Chủ tịch Hội vắng mặt và phải báo cáo lại cho Chủ tịch Hội biết.

2. Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành trung ương Hội bầu và miễn nhiệm theo nguyên tắc quá bán số ủy viên Ban chấp hành trung ương thông qua bằng phiếu kín.

Điều 22. Ban kiểm tra

1. Ban kiểm tra do Ban Chấp hành trung ương Hội bầu bằng phiếu kín. Số lượng ủy viên Ban kiểm tra do Ban Chấp hành trung ương Hội quyết định. Trưởng Ban kiểm tra phải là ủy viên của Ban Chấp hành trung ương Hội.

2. Việc bầu Ban kiểm tra, bầu bổ sung hoặc miễn nhiệm một ủy viên Ban kiểm tra do Ban Chấp hành trung ương Hội xem xét, quyết định bằng phiếu kín và phải có số phiếu quá bán hợp lệ.

3. Ban kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Hội của các cơ quan trực thuộc Hội, các chi hội cơ sở và hội viên; xem xét đề xuất việc giải quyết đơn thư khiếu nại và các sai phạm của các cơ quan, tổ chức, hội viên để Ban Chấp hành trung ương Hội quyết định. Trường hợp đặc biệt, Ban kiểm tra có quyền đề nghị cơ quan pháp luật nhà nước can thiệp.

4. Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kiểm tra do Ban Chấp hành trung ương Hội quy định.

Điều 23. Hội đồng nghệ thuật

1. Hội đồng nghệ thuật bao gồm một số nhà chuyên môn có uy tín là các đạo diễn, quay phim, biên kịch, lý luận phê bình, diễn viên, họa sỹ, kỹ sư âm thanh, dựng phim ... cùng một số ủy viên Ban chấp hành trung ương Hội, để làm nhiệm vụ:

a) Định hướng hoạt động sáng tác theo đường lối của Đảng và Nhà nước.

b). Thẩm định giá trị các tác phẩm và công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh xuất sắc hàng năm của hội viên.

c) Thẩm định các tác phẩm có nhiều tìm tòi sáng tạo nhưng có sự đánh giá khác nhau. Chịu trách nhiệm về ý kiến của mình.

2. Hội đồng nghệ thuật do Ban Chấp hành trung ương Hội bầu bằng phiếu kín. Số lượng thành viên Hội đồng nghệ thuật do Ban Chấp hành trung ương Hội quyết định. Thành viên Hội đồng nghệ thuật phải được quá bán số ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội tán thành. Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật phải là ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội.

3. Việc bổ sung hoặc miễn nhiệm ủy viên Hội đồng nghệ thuật do Hội đồng nghệ thuật đề nghị và phải được Ban Chấp hành trung ương Hội xem xét biểu quyết và phải có số phiếu quá bán số ủy viên Ban Chấp hành trung ương Hội tán thành bằng phiếu kín.

4. Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng nghệ thuật do Ban Chấp hành trung ương Hội quy định.

Điều 24. Tổ chức cơ sở của Hội

1. Chi hội là tổ chức cơ sở của Hội.

2. Tại những đơn vị điện ảnh và truyền hình có từ 10 hội viên trở lên được lập Chi hội. Ở những đơn vị có được 10 hội viên thì lập Chi hội ghép các đơn vị kề cận về địa dư và nghiệp vụ.

3. Đại hội Chi hội tiến hành sau Đại hội toàn quốc của Hội có nhiệm vụ:

- Đại hội Chi hội có nhiệm vụ kiểm điểm công tác trong nhiệm kỳ và đề ra phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ mới.

- Bầu Ban Chấp hành Chi hội nhiệm kỳ mới bằng phiếu kín. Chi hội có dưới 30 hội viên được bầu 1 Chi hội trưởng, 1 Chi hội phó và 1 ủy viên. Chi hội có 30 hội viên trở lên được bầu 1 Chi hội trưởng, 2 Chi hội phó và 2 ủy viên.

Danh sách Ban Chấp hành Chi hội phải được Ban Thường vụ Hội xem xét ra quyết định công nhận. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Chi hội là 5 năm.

4. Chi hội có trách nhiệm:

a) Quán triệt và triển khai việc thực hiện Điều lệ và Nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Hội.

b) Phát hiện người đủ tiêu chuẩn và tự nguyện để đề nghị kết nạp vào Hội.

c) Xem xét tư cách hội viên để đề nghị khen thưởng hoặc xử lý kỷ luật.

d) Thu hội phí và thực hiện nghĩa vụ nộp hội phí về Văn phòng Hội. Mức đóng góp hội phí do Ban Chấp hành trung ương Hội quy định.

5. Chi hội sinh hoạt 3 tháng một lần và định kỳ 6 tháng báo cáo hoạt động bằng văn bản tới Văn phòng Hội.

Điều 25. Các cơ quan chuyên trách trực thuộc Hội

1. Tạp chí Thế giới Điện ảnh

- Hội Điện ảnh Việt Nam là cơ quan chủ quản của Tạp chí Thế giới Điện ảnh.

- Tạp chí Thế giới Điện ảnh là cơ quan ngôn luận của Hội, đứng đầu là Tổng biên tập, có con dấu và tài khoản riêng.Tạp chí hoạt động theo Luật Báo chí, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường vụ và thực hiện các Nghị quyết của Ban Chấp hành trung ương Hội.

- Tổng biên tập Tạp chí Thế giới Điện ảnh có trách nhiệm trước Chủ tịch Hội về mọi hoạt động của Tạp chí trên cơ sở tôn chỉ mục đích của tờ báo đã được pháp luật quy định.

- Việc bổ nhiệm Tổng biên tập và các Phó tổng biên tập được tiến hành: Ban Thường vụ đề xuất, Ban Chấp hành trung ương Hội thông qua, Chủ tịch Hội ra quyết định sau khi đã được các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chấp thuận.

2. Văn phòng Hội là cơ quan chuyên trách trực tiếp chịu sự điều hành của Ban Thường vụ Hội để giải quyết công việc đối nội và đối ngoại hàng ngày.

3. Các Ban công tác của Hội do Ban Chấp hành trung ương Hội cử ra để hoạt động được sự điều hành của Ban Thường vụ Hội. Nếu Hội có điều kiện và trong trường hợp cần thiết các Ban công tác được Hội hỗ trợ kinh phí hoạt động.

Chương 5:

TÀI SẢN - TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 26. Nguồn tài sản, tài chính của Hội gồm:

1. Tài sản của Hội bao gồm động sản, bất động sản do Nhà nước giao cho Hội quản lý và do Hội tự trang bị, do các tổ chức, cá nhân khác ủng hộ.

2. Tài chính của Hội bao gồm các nguồn thu:

- Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, hỗ trợ.

- Hội phí và các đóng góp khác của hội viên.

- Tiền (kể cả ngoại tệ) do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ.

- Thu nhập từ các hoạt động nghiệp vụ, kinh tế do Hội tổ chức theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của Hội

1. Tài sản và tài chính của Hội được giao cho các cơ quan trực thuộc Hội quản lý sử dụng đúng mục đích được quy định trong chức năng của đơn vị. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Hội về việc sử dụng tài sản, tài chính được giao và thực hiện báo cáo theo định kỳ.

2. Việc điều chuyển tài sản, tài chính của các cơ quan trực thuộc Hội do Ban Thường vụ Hội quyết định.

3. Tài sản, tài chính của Hội được sử dụng cho các mục đích hoạt động theo kế hoạch chung của Hội. Nghiêm cấm việc sử dụng tài sản, tài chính của Hội cho mục đích cá nhân hoặc không đem lại lợi ích chung cho Hội.

4. Tài sản tài chính của Hội khi sáp nhập, chia tách, giải thể được thực hiện theo quy định của pháp luật.

5. Việc quản lý tài sản, tài chính theo đúng quy định của pháp luật.

Chương 6:

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 28. Khen thưởng

1. Hội viên và cán bộ, nhân viên của Hội có thành tích xuất sắc, có công lao đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền điện ảnh nước nhà được Hội biểu dương hoặc lập hồ sơ đề nghị Đảng, Nhà nước khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Thành lập Hội đồng khen thưởng để giúp Ban Chấp hành trung ương Hội thực hiện công tác khen thưởng của Hội. Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng khen thưởng do Ban Chấp hành Hội quy định.

Điều 29. Kỷ luật

1. Hội viên và cán bộ, nhân viên của Hội vi phạm Điều lệ Hội và pháp luật Nhà nước, tuỳ theo mức độ nặng nhẹ sẽ chịu các hình thức xử lý sau:

- Xóa tên hội viên đối với hội viên không sinh hoạt hoặc không đóng hội phí 2 năm liền;

- Khiển trách;

- Cảnh cáo;

- Khai trừ hoặc buộc thôi việc đối với trường hợp hội viên hoặc cán bộ, nhân viên làm việc tại các cơ quan trực thuộc Hội vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Hội hoặc pháp luật Nhà nước.

2. Mức độ xử lý do Ban kiểm tra xem xét, đề nghị. Ban Thường vụ Hội hoặc Ban Chấp hành trung ương Hội quyết định, sau đó thông báo đến tất cả các ủy viên Ban Chấp hành, Ban kiểm tra và Ban công tác hội viên.

Chương 7:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 30. Thẩm quyền sửa đổi Điều lệ

Chỉ có Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Điện ảnh Việt Nam mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ.

Điều 31. Hiệu lực thi hành

Điều lệ gồm 7 Chương, 31 Điều đã được Đại hội toàn quốc lần thứ VI Hội Điện ảnh Việt Nam thông qua ngày 30 tháng 7 năm 2005 và có hiệu lực theo Quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ./.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 97/2005/QĐ-BNV ngày 13/09/2005 phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội những người làm công tác Điện ảnh Việt Nam (gọi tắt là Hội Điện ảnh Việt Nam) do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.620

DMCA.com Protection Status
IP: 13.59.5.179
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!