Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 1925/QĐ-UBND 2022 phương án phát triển ngành tôm Trà Vinh 2021 2030

Số hiệu: 1925/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Trà Vinh Người ký: Nguyễn Trung Hoàng
Ngày ban hành: 29/09/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1925/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 29 tháng 9 năm 2022

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH TÔM TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định 3475/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 3550/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án phát triển Nuôi trồng thủy sản bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 434/TTr-SNN ngày 25/8/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn để phát triển ngành tôm trở thành ngành công nghiệp hiện đại, đồng bộ và hiệu quả ở tất cả các khâu trong toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

2. Khoa học công nghệ là nền tảng của quá trình phát triển và là khâu đột phá để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của ngành tôm tỉnh Trà Vinh.

3. Hình thành và phát triển các vùng sản xuất tôm tập trung, với loại hình và công nghệ phù hợp, gắn với tổ chức lại sản xuất và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành thủy sản, ngành hàng tôm nước lợ cả nước và vùng đồng bằng sông Cửu Long và với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của tỉnh.

4. Huy động đầu tư phát triển ngành tôm của tỉnh từ nhiều thành phần kinh tế để phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển và từng bước khép kín chuỗi giá trị ngành tôm; đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phần kinh tế, lợi ích nhà nước và xã hội trong chuỗi giá trị sản xuất và kinh doanh tôm nước lợ.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh thành ngành sản xuất hàng hóa, có hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và bền vững, góp phần quan trọng thực hiện thành công tái cơ cấu ngành thủy sản của tỉnh, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn; thu hút được các thành phần kinh tế tham gia vào ngành tôm, góp phần đầu tư, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đảm bảo đời sống sinh kế người dân ven biển.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

Phát triển nuôi tôm nước lợ với quy mô 34.249 ha (gồm: nuôi thâm canh mật độ cao 2.000 ha, thâm canh 17.500 ha, quảng canh cải tiến 4.208 ha, tôm - lúa 3.500 ha, tôm rừng 7.041 ha), tổng sản lượng ước đạt khoảng 171,88 nghìn tấn.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành tôm thông qua kêu gọi nhà đầu tư xây dựng dự án và vận hành 03 mô hình nuôi tôm điển hình, gồm: (1) Khu nuôi tôm công nghệ cao quy mô 360 ha; (2) Khu nuôi tôm lúa đạt chứng nhận hữu cơ quy mô 750 ha; (3) Khu nuôi tôm rừng đạt chứng nhận sinh thái quy mô 678 ha.

Kêu gọi nhà đầu tư xây dựng ít nhất 01 nhà máy chế biến tôm công suất 18.000 tấn sản phẩm/năm đi vào hoạt động để cải thiện năng lực chế biến tôm tại chỗ, đáp ứng nhu cầu chế biến tôm trong tỉnh.

b) Đến năm 2030

Duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ ở mức 34.249 ha, sản lượng ước đạt 286,33 nghìn tấn.

Chuyển dịch cơ cấu diện tích để hình thành và phát triển các tiểu vùng nuôi tập trung, cụ thể: (1) Nuôi thâm canh mật độ cao tập trung có 07 tiểu vùng với diện tích là 3.617 ha; (2) Nuôi thâm canh tập trung có 21 tiểu vùng với diện tích là 18.880 ha; (3) Nuôi tôm lúa tập trung có 11 tiểu vùng với diện tích là 4.711 ha; (4) Nuôi tôm rừng tập trung có 5 tiểu vùng với diện tích là 7.041 ha.

Kêu gọi đầu tư cụm tổ hợp chế biến, gồm: 03 nhà máy với tổng công suất chế biến tôm 54.000 tấn sản phẩm/năm, 01 nhà máy chế biến gạo tiêu chuẩn hữu cơ công suất 200.000 tấn/năm, 01 khu đô thị, nhà ở công nhân với đầy đủ tiện ích xã hội, tăng năng lực chế biến tôm tại chỗ và đáp ứng được 76% sản lượng tôm trong tỉnh.

Kêu gọi đầu tư khu phức hợp thủy sản cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho cụm ngành tôm, thu hút khoảng 35.000 người làm việc trong ngành công nghiệp tôm nước lợ của tỉnh.

c) Đến năm 2050

Duy trì ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ là 36.620 ha, sản lượng ước đạt 392,58 nghìn tấn.

Duy trì và phát triển ổn định các tiểu vùng nuôi tập trung, cụ thể: (1) Nuôi thâm canh mật độ cao tập trung có 07 tiểu vùng với diện tích là 6.323 ha; (2) Nuôi thâm canh tập trung có 16 tiểu vùng với diện tích là 16.173 ha; (3) Nuôi tôm lúa tập trung có 11 tiểu vùng với diện tích là 7.083 ha; (4) Nuôi tôm rừng tập trung có 5 tiểu vùng với diện tích là 7.041 ha.

III. NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN

1. Phương án phát triển các tiểu vùng nuôi tôm

a) Phát triển các tiểu vùng nuôi tôm thâm canh mật độ cao: Hình thành 07 tiểu vùng nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao tập trung, phấn đấu đến năm 2030 diện tích đạt là 3.617 ha, sản lượng 162 nghìn tấn và đến năm 2050 diện tích đạt 6.323 ha, sản lượng 280 nghìn tấn tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, cụ thể:

- Tiểu vùng 1 và 2: Đến năm 2030 diện tích đạt là 1.092 ha và đến năm 2050 diện tích đạt 2.097 ha tại 03 xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây và Hiệp Mỹ Đông của huyện Cầu Ngang.

- Tiểu vùng 3 và 4: Đến năm 2030 diện tích đạt là 1.322 ha và đến năm 2050 diện tích đạt 2.461 ha tại 02 xã Hiệp Thạnh và Long Hữu của thị xã Duyên Hải.

- Tiểu vùng 5, 6 và 7: Đến năm 2030 diện tích đạt là 1.202 ha và đến năm 2050 diện tích đạt 1.765 ha tại 02 xã Long Vĩnh và Đông Hải của huyện Duyên Hải.

b) Phát triển các tiểu vùng nuôi tôm thâm canh: Hình thành 21 tiểu vùng nuôi tôm thâm canh tập trung, phấn đấu đến năm 2030 diện tích đạt 18.880 ha (50% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và 50% diện tích nuôi tôm sú), sản lượng đạt 113,28 nghìn tấn, đến năm 2050 giảm xuống còn 16 tiểu vùng nuôi với diện tích là 16.173 ha (50% diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng và 50% diện tích nuôi tôm sú), sản lượng đạt 97,04 nghìn tấn, tập trung ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, cụ thể:

- Tiểu vùng 1: Đến năm 2030 và năm 2050 giữ ổn định diện tích 1.284 ha tại 04 xã: Kim Sơn, Hàm Tân, Định An, Đại An của huyện Trà Cú.

- Tiểu vùng 3, 4, 5: Đến năm 2030 và năm 2050 giữ ổn định diện tích 4.501 ha tại 02 xã Long Vĩnh và Long Khánh của huyện Duyên Hải.

- Tiểu vùng 6, 7: Đến năm 2030 và năm 2050 giữ ổn định diện tích 2.677 ha tại 02 xã Long Toàn và Long Hữu của thị xã Duyên Hải.

- Tiểu vùng 8, 9, 10, 11 và 12: Đến năm 2030 và năm 2050 giữ ổn định diện tích 3.691 ha tại 08 xã Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Mỹ Tây, Long Sơn, Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Hòa, Mỹ Long Nam, Vĩnh Kim, Mỹ Long Bắc của huyện Cầu Ngang.

- Tiểu vùng 13, 14, 15, 16 và 17: Đến năm 2030 và năm 2050 diện tích giữ ổn định 4.020 ha tại 02 xã Long Hòa và Hòa Minh của huyện Châu Thành.

* Các tiểu vùng nuôi tôm thâm canh trong vùng nuôi tôm thâm canh mật độ cao, gồm:

- Tiểu vùng 1 và 2: Đến năm 2030 diện tích đạt 1.005 ha tại 03 xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây và Hiệp Mỹ Đông của huyện Cầu Ngang.

- Tiểu vùng 4: Đến năm 2030 diện tích đạt 1.139 ha tại 02 xã Hiệp Thạnh và Long Hữu của thị xã Duyên Hải.

- Tiểu vùng 6 và 7: Đến năm 2030 diện tích đạt 563 ha tại xã Long Vĩnh của huyện Duyên Hải.

c) Phát triển các tiểu vùng tôm - lúa: Hình thành 11 tiểu vùng trồng lúa kết hợp với nuôi tôm (tôm sú), phấn đấu đến năm 2030 diện tích đạt 4.711 ha, sản lượng đạt 6,12 nghìn tấn và đến năm 2050 diện tích đạt 7.083 ha, sản lượng đạt 9,20 nghìn tấn, tập trung ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang và Châu Thành, cụ thể:

- Tiểu vùng 1, 2, 10 và 11: Đến năm 2030 diện tích đạt 1.306 ha và đến năm 2050 diện tích đạt 1.867 ha tại 03 xã: Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn và An Quảng Hữu của huyện Trà Cú.

- Tiểu vùng 3, 4, 5 và 6: Đến năm 2030 diện tích đạt 2.605 ha và đến năm 2050 diện tích đạt 3.449 ha tại 08 xã Thuận Hòa, Long Sơn, Mỹ Hòa, Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, Hiệp Hòa, Kim Hòa, Vĩnh Kim và thị trấn Cầu Ngang của huyện Cầu Ngang.

- Tiểu vùng 7, 8 và 9: Đến năm 2030 diện tích đạt 801 ha và đến năm 2050 diện tích đạt 1.768 ha tại 04 xã Phước Hảo, Hưng Mỹ, Hòa Lợi, Hòa Minh của huyện Châu Thành.

d) Phát triển các tiểu vùng nuôi tôm rừng: Hình thành 05 tiểu vùng nuôi tôm (tôm sú) rừng đến năm 2030 và năm 2050 diện tích giữ ổn định khoảng 7.041 ha, sản lượng năm 2030 đạt 4,93 nghìn tấn và năm 2050 đạt 6,34 nghìn tấn, tập trung ở huyện Duyên Hải và thị xã Duyên Hải, cụ thể:

- Tiểu vùng 1, 2 và 3: Đến năm 2030 và năm 2050 giữ ổn định diện tích là 4.396 ha tại 03 xã Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải và thị trấn Long Thành của huyện Duyên Hải.

- Tiểu vùng 4 và 5: Đến năm 2030 và năm 2050 giữ ổn định diện tích là 2.644 ha tại 02 xã Dân Thành và Trường Long Hòa của thị xã Duyên Hải.

(Chi tiết tại Phụ lục I đính kèm)

2. Phương án phát triển sản xuất và cung ứng tôm giống chất lượng cao

Tổ chức lại các trại sản xuất giống và các cơ sở ương dưỡng giống theo hướng sản xuất tập trung và gắn với vùng nuôi tôm thương phẩm. Đến năm 2025 hình thành 1 - 2 phân khu sản xuất giống tôm nước lợ tập trung trong khu phức hợp thủy sản nhằm thu hút nhà đầu tư có năng lực về sản xuất giống. Đến năm 2030, toàn bộ các trại sản xuất giống được bố trí tập trung trong khu phức hợp thủy sản, đảm bảo năng lực sản xuất từ 18 - 20 tỷ con/năm, cung cấp kịp thời cho sản xuất.

Về không gian vùng sản xuất giống tôm nước lợ: Thực hiện sắp xếp lại các trại sản xuất giống hiện có theo hướng di dời các trại giống ở xa vùng nuôi hoặc trại giống có cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu về an toàn sinh học vào khu phức hợp thủy sản để thuận lợi trong việc quản lý, theo dõi và giám sát. Đồng thời, thực hiện sắp xếp, bố trí lại các cơ sở ương dưỡng giống gắn với các vùng nuôi tôm nước lợ để đáp ứng kịp thời con giống cho thả nuôi, giảm thiểu tỷ lệ tôm bị chết. Các cơ sở ương dưỡng tôm sú giống phải được bố trí đúng vị trí theo thiết kế chi tiết phân khu nuôi tôm lúa, tôm rừng.

3. Phương án phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi tôm nước lợ

a) Hệ thống điện

Đối với hệ thống cung cấp điện, trong điều kiện từ nay đến năm 2030 diện tích nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh được quy hoạch mở rộng và hình thành cụm ngành tôm nên nhu cầu điện năng sẽ tăng lên. Vì vậy, Công ty điện lực tỉnh Trà Vinh cần khảo sát và tính toán lộ trình đầu tư, nâng cấp lưới điện hạ thế tại địa bàn 5 huyện/thị xã Duyên Hải; hoặc bổ sung vào “Quy hoạch chi tiết phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110 Kv” (Quyết định số 1937/QĐ-UBND ngày 13/9/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh), đảm bảo cung cấp đủ phụ tải cho các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh.

Đối với các công trình điện tại các khu nuôi trong các tiểu vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ thực hiện theo 2 phương thức đầu tư. Tỉnh sẽ đầu tư công trình điện đối với khu nuôi phục vụ mục đích cho thuê đất và dịch vụ hạ tầng. Đối với khu nuôi do doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, khu phức hợp thủy sản, nhà máy chế biến tôm, doanh nghiệp sẽ tự đầu tư công trình điện hoặc đầu tư theo cơ chế hợp tác công tư.

b) Hệ thống giao thông

Đối với hệ thống đường giao thông nông thôn tại các vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ, triển khai các dự án đường giao thông liên xã, liên thôn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021 -2025.

Đối với đường vào khu sản xuất, thực hiện xã hội hóa đầu tư mới hoặc bê tông hóa đường đất hiện có đảm bảo tải trọng và mật độ lưu thông, tạo sự thuận lợi trong vận chuyển, giao thương hàng hóa đến các vùng nuôi tôm.

c) Hệ thống thủy lợi

Đối với hệ thống công trình thủy lợi đầu mối, triển khai các dự án xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trong kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với công trình cống, kênh cấp/thoát tại các khu nuôi trong các vùng quy hoạch nuôi tôm nước lợ thực hiện theo 2 phương thức đầu tư. Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống công trình cấp/thoát nước đối với khu nuôi phục vụ mục đích cho thuê đất và dịch vụ hạ tầng. Đối với khu nuôi do doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, doanh nghiệp sẽ tự đầu tư các công trình này theo cơ chế hợp tác công tư.

4. Phương án phát triển cụm ngành tôm

a) Định hướng: Hình thành cụm ngành tôm nước lợ theo chuỗi khép kín, phấn đấu đến năm 2025 có 03 nhà máy chế biến tôm (tổng công suất 118 ngàn tấn/năm) đi vào hoạt động với năng lực chế biến đáp ứng được 45% sản lượng tôm trong tỉnh và ít nhất 01 khu phức hợp thủy sản cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho cụm ngành tôm. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành tôm (nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, sản xuất thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, vật tư, thiết bị phục vụ nuôi tôm) tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Về không gian cụm ngành tôm

- Hình thành cụm tổ hợp chế biến tôm với diện tích 77 ha, bố trí tại xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải (trong khu Kinh tế Định An), quy mô đầu tư:

+ Tổ hợp chế biến tôm: 03 nhà máy, công suất 18.000 tấn tôm thành phẩm/nhà máy/năm, diện tích 25 ha.

+ Tổ hợp chế biến lúa gạo: 01 nhà máy xay sát lúa gạo, công suất 200.000 tấn/năm, diện tích 20 ha.

+ Khu đô thị, nhà ở công nhân với đầy đủ tiện ích xã hội, diện tích 32 ha.

- Hình thành khu phức hợp thủy sản (TV06-1) với các phân khu chức năng về sản xuất giống, kiểm định chất lượng giống, kinh doanh vật tư, dịch vụ logistic, nhà ở cho cán bộ, chuyên gia và người lao động làm việc trong cơ sở của cụm ngành tôm, hộ dân tái định cư từ các vùng định hướng nuôi tôm thâm canh mật độ cao, thâm canh với diện tích 197,2 ha tại xã Long Khánh, huyện Duyên Hải.

5. Các dự án ưu tiên đầu tư: (Chi tiết tại Phụ lục II đính kèm)

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN

1. Về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn

Thực hiện xã hội hóa nguồn vốn đầu tư bằng việc huy động tối đa các nguồn lực và lồng ghép với các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư phát triển, xây dựng nông thôn mới đã được phê duyệt và đang triển khai để thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng vùng sản xuất tập trung,... từ các nguồn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn vốn đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, các tổ chức phi Chính phủ, trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách Nhà nước (vốn Trung ương và vốn địa phương): Chủ yếu hỗ trợ thực hiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu kết nối đến vùng nuôi tôm tập trung, bao gồm hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi và các dịch vụ công cần sự giám sát chặt chẽ của nhà nước như: Giám sát và kiểm soát dịch bệnh, quản lý rủi ro thiên tai, nghiên cứu khoa học, xây dựng trình diễn và chuyển giao các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ mới tiên tiến; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

- Vốn huy động doanh nghiệp: Đầu tư cụm tổ hợp chế biến ngành tôm, khu phức hợp thủy sản cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho cụm ngành tôm, xây dựng dự án và vận hành các mô hình nuôi tôm điển hình, đầu tư kết cấu hạ tầng trong các tiểu vùng nuôi như hệ thống giao thông nội vùng, hệ thống kênh mương nội đồng và điện phục vụ sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp đến thuê đất, đầu tư phát triển nuôi tôm sạch, sinh thái, ứng dụng công nghệ cao.

- Vốn huy động trong dân: Mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng khu nuôi, mua sắm máy móc thiết bị, con giống, thức ăn và thực hiện nuôi tôm thương phẩm theo quy trình nuôi trồng thủy sản tốt, đảm bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các nguồn vốn hợp pháp khác (vốn liên doanh liên kết, vốn lồng ghép các chương trình dự án, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nguồn vốn vay, viện trợ, hợp tác khoa học kỹ thuật của các quốc gia phát triển và các tổ chức quốc tế) đầu tư các dự án về chuyển đổi nghề và sinh kế cho ngư dân chuyển sang nghề nuôi tôm nước lợ hoặc dịch vụ phục vụ phát triển ngành tôm nước lợ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nước sạch, vệ sinh môi trường, sức khoẻ cộng đồng.

Bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển ngành tôm từ nguồn ODA để thực hiện thành công phương án phát triển ngành tôm.

2. Về phát triển nguồn lực

Phát triển nguồn nhân lực ngành tôm tập trung vào các khâu ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ thông minh, IoT, tự động hóa trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm nước lợ. Phối hợp với các doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi để thực hiện các chương trình, đề án đào tạo nhân lực gắn với các công việc cụ thể trong các công đoạn và các khâu của chuỗi giá trị.

Khuyến khích các cơ sở nghiên cứu, đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất tôm để đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất.

Tập trung đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn cao, cán bộ khoa học và cán bộ quản lý ngành tôm; xã hội hóa trong việc đào tạo lực lượng lao động trực tiếp trong ngành tôm, hướng tới đào tạo có địa chỉ, theo nhu cầu thị trường.

Tổ chức tập huấn, đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật, mô hình trình diễn trong sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm để người sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật mới.

3. Về tổ chức và quản lý sản xuất

Tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó doanh nghiệp là mắt xích chủ yếu đóng vai trò dẫn dắt toàn chuỗi và liên kết bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người nuôi với doanh nghiệp. Hình thành các mô hình tổ chức và quản lý sản xuất gắn với từng phương thức và khu nuôi tôm tập trung, đảm bảo thực hành nuôi đạt tiêu chuẩn sạch, sinh thái, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; bảo đảm cho phát triển bền vững.

Đối với các khu nuôi tôm - lúa, tôm rừng, bố trí lại các khu này theo hướng sản xuất tập trung và liên kết các hộ với nhau thành các tổ hợp tác hoặc các hợp tác xã để nâng cao trình độ quản lý cũng như việc bố trí khu nuôi hợp lý, khoa học, kết hợp với cải thiện chu trình thức ăn tự nhiên trong vuông nuôi, cải thiện chất lượng con giống và cải thiện chất lượng môi trường nước nuôi, mà không cần phải tăng mật độ tôm nuôi, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái. Việc tổ chức các mô hình quản lý nuôi tôm này là điều kiện cần thiết để mời gọi doanh nghiệp tham gia vào liên kết để sản xuất và tiêu thụ tôm đạt chứng nhận quốc tế, truy xuất được nguồn gốc, gia tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các bên tham gia.

Đối với các khu nuôi tôm thâm canh mật độ cao, xây dựng đề án và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thành lập, tổ chức và quản lý các khu nuôi tôm này theo mô hình vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Tăng cường kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản của các cơ sở sản xuất giống, sản xuất thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, các yếu tố đầu vào khác trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ chất lượng thủy sản nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu; ngưng hoạt động và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những cơ sở cung cấp con giống kém chất lượng theo quy định của pháp luật,

Phát huy vai trò của các Hội, Hiệp hội, Chi hội theo địa bàn ấp, xã nhằm làm cầu nối và tổ chức liên kết giữa các khâu của quá trình sản xuất; Hội Nông dân tiến hành vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tích cực tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác và các hoạt động khuyến ngư.

Khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng công nghệ tự động hóa trong dây truyền sản xuất để tối ưu hóa sản xuất, chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng để thực hiện thành công chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm thủy sản đặc biệt là sản phẩm tôm xuất khẩu; có cơ chế ưu đãi đặc biệt đối với các dự án lĩnh vực thủy sản đầu tư theo mô hình kinh tế tuần hoàn - gắn nhà máy chế biến thành phẩm với nhà máy chế biến thức ăn để tận dụng phụ phẩm từ tôm.

Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật để áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, sản xuất ngành tôm. Ứng dụng công nghệ mới như: tin học, viễn thám để quản lý môi trường, dịch bệnh ở các vùng nuôi tập trung.

4. Về cơ chế, chính sách và liên kết phát triển

a) Cơ chế chính sách

Triển khai thực hiện tốt Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; Nghị quyết số 11/2016/NQ-HĐND ngày 8/12/1016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 80/2019/NQ-HĐND ngày 12/4/2019 và Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020. Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 19/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 298/QĐ-UBND ngày 09/02/2021 của UBND tỉnh ban hành Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025; và các chính sách khác của trung ương và của tỉnh có liên quan.

Cụ thể hóa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 4/5/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thành cơ chế đầu tư đối với dự án đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm theo phương thức hợp tác công tư trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ Quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao thành cơ chế ưu đãi về đất đai đối với doanh nghiệp thuê đất để đầu tư phát triển ngành tôm tại địa bàn các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh.

Vận dụng, áp dụng các chính sách về khoa học công nghệ, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ mới vào sản xuất ở các khâu của chuỗi sản xuất tôm; các chính sách đất đai, giao, cho thuê sử dụng mặt nước (chính sách tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất lớn, tập trung, trong đó doanh nghiệp là trung tâm; chính sách tín dụng, bảo hiểm,...).

Thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách về thủy sản để điều chỉnh kịp thời, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển tôm nước lợ của địa phương tại từng thời điểm; đảm bảo nguồn lực, bố trí đủ vốn theo tiến độ hàng năm để thực hiện các kế hoạch, phương án, đề án và chính sách phát triển thủy sản đã ban hành.

b) Liên kết phát triển

Mở rộng liên doanh, liên kết với thành phố Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL để mở rộng thị trường và khuyến khích các doanh nghiệp ngoại tỉnh đầu tư vào ngành tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh; những lĩnh vực cần tăng cường hợp tác và liên doanh liên kết, gồm: Hình thành và phát triển các vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh tại các trang trại, doanh nghiệp nuôi - chế biến tôm; hợp tác, trao đổi và phân công các lĩnh vực về con giống, công nghệ sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm tôm; trao đổi tham quan học tập kinh nghiệm kỹ thuật nuôi, mô hình nuôi tôm sinh thái... tiếp cận và đặt hàng công cụ cơ giới hóa - hiện đại hóa ngành tôm; thu hút các doanh nghiệp từ các tỉnh, thành lân cận đến Trà Vinh kinh doanh hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong ngành công nghiệp tôm.

Tạo điều kiện thuận cho các doanh nghiệp trong tỉnh liên doanh, liên kết với các tỉnh của Thái Lan, Indonesia trong việc xây dựng vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, các mô hình quản lý sản xuất, tiêu thụ tiên tiến nhằm học hỏi, tiếp cận trang thiết bị công nghệ hiện đại trong ngành tôm.

5. Về khoa học công nghệ, khuyến ngư và hợp tác quốc tế

Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn cho nuôi tôm nước lợ. Áp dụng công nghệ nuôi tiết kiệm nguồn nước, ứng dụng công nghệ tuần hoàn, công nghệ sinh học trong nuôi tôm nước lợ.

Phối hợp các Viện, Trung tâm nghiên cứu, trường Đại học trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống tôm tăng trưởng nhanh, sạch bệnh để chủ động cung cấp cho vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; giống tôm tăng trưởng nhanh, kháng một số bệnh thường gặp để chủ động cung cấp cho vùng nuôi quảng canh, nuôi sinh thái, nuôi hữu cơ, và công tác chuyển giao quy trình nuôi tôm thương phẩm cho chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Tăng cường chuyển giao, nâng cấp và áp dụng công nghệ tiên tiến trong sơ chế, bảo quản tôm nguyên liệu để nâng cao tỷ trọng hàng giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Đa dạng hóa và mở rộng các hình thức tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất. Thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động khuyến ngư để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật cho phù hợp với điều kiện từng vùng sản xuất.

Tổng hợp các mô hình nuôi thâm canh mật độ cao, nuôi công nghệ cao có hiệu quả trong tỉnh và đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo về môi trường, khuyến cáo nhân rộng để người dân trong tỉnh học tập kinh nghiệm.

Du nhập các thiết bị, tiếp nhận các quy trình nuôi tiên tiến ở các nước có điều kiện tự nhiên tương đồng với nước ta như quy trình nuôi tôm sạch, hạn chế thức ăn, giảm thiểu khí độc trong nuôi tôm nước lợ.

Hợp tác với các nước có công nghệ nuôi tôm nước lợ tiên tiến để tiếp cận công nghệ nuôi mới, thân thiện với môi trường nhằm phát triển nuôi tôm nước lợ của tỉnh theo hướng công nghệ cao và bền vững.

Hợp tác nghiên cứu về công nghệ nuôi, phòng trị bệnh, dinh dưỡng cho tôm với các nước có thế mạnh về nuôi tôm nước lợ. Tăng cường hợp tác với các tổ chức thương mại trong lĩnh vực tôm nước lợ nhằm xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh tôm Việt Nam ra thị trường thế giới.

Tăng cường chuyển giao, nâng cấp và áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến tôm để nâng cao tỷ trọng hàng giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.

Xây dựng thương hiệu tôm hữu cơ, tôm sinh thái gắn với truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị và tiêu thụ qua kênh siêu thị, thương mại trực tuyến.

Ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp quản trị tiên tiến trên thế giới vào quản lý ngành tôm; áp dụng công nghệ tin học, viễn thám để quản lý môi trường, dịch bệnh và các khâu trong chuỗi sản xuất ở các vùng nuôi tập trung.

6. Về thị trường và xúc tiến thương mại

Xây dựng các mô hình liên kết “05 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm nước lợ, trong đó: (1) Nhà nông (tổ hợp tác/hợp tác xã) thực hiện nuôi tôm theo yêu cầu của doanh nghiệp và bán sản phẩm theo hợp đồng đối tác; (2) Nhà doanh nghiệp đưa ra các tiêu chuẩn sản phẩm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt yêu cầu thông qua hợp đồng ký từ đầu vụ với giá mua bảo đảm; (3) Nhà khoa học chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho các tổ hợp tác/hợp tác xã nuôi tôm nước lợ; (4) Nhà nước (nhà quản lý) đóng vai trò bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với các tổ hợp tác/hợp tác xã, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng, báo cáo cơ quan tòa án để xử lý các trường hợp vi phạm hợp đồng. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ để nhân rộng các mô hình liên kết đối tác sản xuất, hình thành chuỗi giá trị tôm hữu cơ, tôm sinh thái phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; (5) Nhà Bank (ngân hàng) nhằm hỗ trợ nguồn vốn vay, lãi suất cho người nuôi và doanh nghiệp thu mua, chế biến tôm.

Tăng cường nghiên cứu thông tin, xây dựng, cập nhật và chia sẻ cơ sở dữ liệu về thị trường trong nước và trên thế giới, về thị hiếu tiêu dùng, chủng loại sản phẩm, dung lượng thị trường, mức độ cạnh tranh với các nước cùng sản xuất và xuất khẩu tôm để làm cơ sở xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất và tiêu thụ. Củng cố, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường tôm nước lợ, nâng cao năng lực dự báo, cung cấp thông tin về cung - cầu, giá cả thị trường trên thị trường thế giới và trong nước; hỗ trợ các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.

Đưa sản phẩm tôm nước lợ của Trà Vinh lên sàn giao dịch điện tử Azuamua.com để giới thiệu, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm tôm nhằm minh bạch hóa thị trường; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể tiếp thị trực tiếp đến các hệ thống phân phối, bán lẻ và người tiêu dùng. Đồng thời, đa dạng hóa các sản phẩm tôm nước lợ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, trong đó chú trọng sản phẩm giá trị gia tăng để tăng giá trị xuất khẩu.

Đẩy mạnh hợp tác công tư để quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm Trà Vinh ở các thị trường trọng điểm.

Tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao kỹ năng marketing, phân phối, nghiên cứu thị trường cho các hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các thành phần kinh tế. Tổ chức tham gia các hoạt động khảo sát thị trường và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm; thông qua việc tham gia các đoàn xúc tiến thương mại của tỉnh, của ngành tại các hội chợ quốc tế và tổ chức kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có liên quan đến lĩnh vực sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm tôm nước lợ.

Tuyên truyền, phổ biến các quy định trong các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới, cũng như các quy định có liên quan tại thị trường nhập khẩu cho doanh nghiệp, người sản xuất để nâng cao năng lực phát triển thị trường, xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng các chứng nhận quốc tế có uy tín như Natuland, GlobalGAP, ASC, BAP... để nhanh chóng tiếp cận thị trường và đáp ứng các yêu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm tôm Trà Vinh và hướng tới phát triển bền vững.

Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, hội thi, triển lãm giống, sản phẩm tôm nuôi và sản phẩm chế biến từ tôm. Hỗ trợ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước.

7. Về con giống, thức ăn phục vụ nuôi tôm nước lợ

a) Về con giống

Phối hợp giữa các địa phương với nhau về công tác quản lý chất lượng giống thủy sản: Thông tin về nguồn gốc, chất lượng và các vấn đề liên quan đến chất lượng giữa các địa phương sản xuất tôm giống và nơi tôm giống được thả nuôi.

Để đảm bảo số lượng và chất lượng con giống phục vụ kịp thời nhu cầu sản xuất trong tỉnh cần tổ chức lại các cơ sở sản xuất giống hiện có, sắp xếp bố trí các cơ sở sản xuất giống vào khu phức hợp thủy sản để quản lý tập trung; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu sản xuất giống và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất để tạo ra nhiều con giống thủy sản mặn, lợ chất lượng cho phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững.

Tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản tiếp cận vốn ngân hàng cũng như tạo mối liên doanh liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hợp tác trên lĩnh vực sản xuất con giống thủy sản ổn định và chất lượng.

b) Về thức ăn

Để chủ động đáp ứng và giảm giá thành thức ăn công nghiệp cho nuôi tôm nước lợ cần phải có chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản trên địa bàn tỉnh, cũng như có các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đại lí thức ăn thủy sản về chi phí thuê mặt bằng kho bãi, thuế, phí.

Để đảm bảo chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản, trước tiên đẩy mạnh công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật cho các loại thức ăn nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và công tác tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản. Tập trung đầu tư nguồn lực cho phòng thí nghiệm hiện đại nhằm phục vụ nhanh chóng, kịp thời cho công tác kiểm tra chất lượng thức ăn nuôi trồng thủy sản.

8. Về bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu

a) Bảo vệ môi trường

Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến về Luật Bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức cá nhân về những vấn đề môi trường bức xúc, những tác động về môi trường đến hoạt động nuôi tôm.

Đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường nước mặt tự động để thực hiện kiểm tra chất lượng môi trường nước cũng như thu nhận thông tin từ các trung tâm cảnh báo môi trường khu vực nhằm thông tin kịp thời cho người nuôi tôm có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời.

Tăng cường quản lý ao nuôi thâm canh, thâm canh mật độ cao, cơ sở nuôi diện tích mặt nước 0,5 - 10 ha phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường và từ 10 ha trở lên phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và trình cấp có thẩm quyền xác nhận trước khi thả nuôi.

Sử dụng vi sinh vật có lợi như vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm men vào trong ao nuôi nhằm phân giải lượng lớn thức ăn dư thừa cũng như các chất thải trong ao nuôi.

Sử dụng công nghệ Biofloc: Công nghệ Biofloc đã và đang được áp dụng thành công trong nuôi tôm thương phẩm ở nhiều quốc gia như Ecuador, Belize, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và kể cả ở Việt Nam. Biofloc cung cấp hai vai trò quan trọng là xử lý chất thải hữu cơ và là nguồn dinh dưỡng tốt cho tôm cá sử dụng.

Nuôi trồng kết hợp: Việc sử dụng một số loài thân mềm hai mảnh vỏ, rong biển, một số loài cá có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa từ các ao nuôi tôm thâm canh đã và đang được chú ý ở nhiều nơi trên thế giới bởi kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy phương pháp này rất hiệu quả trong việc cải thiện môi trường ao nuôi.

Lập thủ tục môi trường đối với cơ sở nuôi tôm theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ tài nguyên và môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường

Thực hành nuôi tốt, nuôi có trách nhiệm: Thực hành nuôi tốt, nuôi có trách nhiệm đã và đang được quan tâm bởi các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng vì hình thức nuôi này hướng tới khía cạnh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Các nước EU, Mỹ và Nhật Bản đã đưa ra những yêu cầu khắt khe với các sản phẩm thủy sản về truy xuất nguồn gốc và chứng nhận tiêu chuẩn như GlobalGAP, BAP, ASC liên quan đến bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Việc triển khai sản xuất theo các tiêu chuẩn này là cần thiết, hướng tới nền sản xuất an toàn, bền vững.

Có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư về công tác bảo vệ môi trường cho các cơ sở chế biến, nhất là đầu tư công nghệ chế biến và xử lý chất thải theo hướng hiện đại. Dành riêng nguồn vốn cho các doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý chất thải với thời gian cho vay dài hạn, mức lãi thấp (hoặc không tính lãi).

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, nhất là cần kiên quyết xử lý triệt để những hành vi vi phạm các quy định của Luật bảo vệ môi trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các chủ đầu tư và các chủ doanh nghiệp.

Thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nuôi tôm nhằm tạo các mô hình quản lý cộng đồng về môi trường, đảm bảo cho mục tiêu phát triển bền vững môi trường.

Sớm đầu tư và nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm theo yêu cầu quy hoạch để đảm bảo nhu cầu về nguồn nước nuôi tôm. Hệ thống thủy lợi có hệ thống cấp thoát riêng biệt đối với những khu nuôi tôm tập trung. Đầu tư hệ thống mạng lưới điện đủ để cung cấp cho các vùng nuôi tôm thâm canh mật độ cao, thâm canh tập trung.

Áp dụng các quy trình nuôi sạch để giảm các loại thuốc và hóa chất dùng trong quá trình sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với Tổng cục Thủy sản tăng cường công tác kiểm dịch con giống trước khi đưa từ tỉnh ngoài vào và đưa xuống ao nuôi thương phẩm; kiểm dịch các loại thức ăn, thuốc, hóa chất ở các cơ sở kinh doanh thức ăn và vật tư thủy sản.

Có các biện pháp chế tài, xử phạt để xử lý các hộ dân trong vùng quy hoạch không tuân theo các quy định và hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn và các ban ngành có chức năng.

Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ của các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp trong việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, có kế hoạch xử lý chất thải, chất tồn dư trước khi xả thải ra môi trường.

b) Thích ứng biến đổi khí hậu

Tăng cường công tác dự báo về ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu đến từng vùng để xây dựng kế hoạch sản xuất tôm nước lợ phù hợp giảm thiểu rủi ro, tổn thất có thể xảy ra.

Tích cực phối hợp với cơ quan quản lý, nghiên cứu về tài nguyên và môi trường trong việc dự báo được các kịch bản biến đổi khí hậu cụ thể ở các vùng cửa sông, ven biển; dự báo các công trình phục vụ thủy sản, các vùng nuôi bị đe dọa do nước biển dâng, xâm nhập mặn.

Nghiên cứu, lồng ghép các kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào các dự án đầu tư phát triển nuôi tôm nước lợ, đặc biệt các dự án đầu tư công nghệ cao, vốn đầu tư lớn.

Phối hợp với các ngành giao thông, thủy lợi,...xây dựng hệ thống đê, trạm bơm nước, để ứng phó kịp thời, chủ động với các biểu hiện tiêu cực của biến đổi khí hậu có thể xảy ra.

Ưu tiên triển khai nhanh xây dựng đê kè biển ở những khu vực đang chịu tác động xâm thực hoặc có nguy cơ cao về xâm thực; đê kè biển phải xây dựng trên cơ sở có dự báo, tính toán ứng phó với nước dâng; kết hợp xây dựng đê kè biển với trồng rừng phòng hộ ven biển trước và sau kè.

Bảo vệ và khôi phục rừng ngập mặn ven biển, hệ thống cây xanh bảo vệ chống xói lở bờ biển, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi tôm nước lợ.

Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về tài chính, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực để ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời chủ động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, liên hệ thực tiễn ứng phó với biến đổi khí hậu của các quốc gia trên toàn thế giới, nhất là các quốc gia có điều kiện tương đồng về địa lý.

9. Về tổ chức thực hiện

Phổ biến và vận động nhân dân, doanh nghiệp tham gia thực hiện định hướng phát triển ngành tôm nước lợ. Tổ chức công bố công khai Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức hội nghị, các kênh thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở các cơ quan hành chính đến cấp xã, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tổ chức chính trị, chính trị nghề nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân khi triển khai thực hiện.

Triển khai xây dựng kế hoạch hành động và thường xuyên cập nhật, cụ thể hóa các nội dung của phương án thành kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm. Tổ chức xây dựng kế hoạch hành động, xây dựng các chương trình, đề án, dự án, cơ chế chính sách, đánh giá và huy động nguồn lực để đảm bảo việc thực hiện phương án có hiệu quả. Định kỳ 5 năm tổ chức đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển ngành tôm của từng thời kỳ, bổ sung và điều chỉnh lại mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế.

Các sở, ban ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã ven biển theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh được duyệt và nhu cầu của thị trường nhằm phát huy, khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của từng vùng nuôi tôm và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản lý thực hiện. Xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá thông qua việc xây dựng các chỉ tiêu, phân công nhiệm vụ gắn với thời gian cụ thể; tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Phương án, trong đó:

Tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, quán triệt đến các cấp, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân về định hướng phát triển ngành tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Triển khai phương án, tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Phương án phát triển ngành tôm trên địa bàn tỉnh để đạt được mục tiêu đề ra đến năm 2030 và đến năm 2050.

Triển khai các chương trình, đề án, dự án trong Phương án.

Tổ chức áp dụng và kiểm soát thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chuỗi giá trị sản xuất của tôm sú, tôm thẻ chân trắng.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh và địa phương có liên quan tăng cường thu hút vào tất cả các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm nước lợ theo mục tiêu, định hướng của phương án, triển khai chính sách phát triển nuôi tôm theo Tiêu chuẩn chứng nhận.

Tổ chức, liên kết giữa các thành phần trong chuỗi sản xuất ngành tôm.

Tổ chức thực hiện tốt lịch mùa vụ hàng năm, quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra đột xuất các hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ ngành tôm. Giám sát bệnh dịch trên tôm nuôi; kiểm soát và quản lý chất lượng con giống, sản phẩm vật tư đầu vào, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp trong nuôi trồng thủy sản, các cơ sở thu gom, chế biến tôm.

Xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh.

Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan về vốn, khoa học - công nghệ, đào tạo, xúc tiến thương mại; tài trợ của các tổ chức quốc tế phục vụ sự nghiệp phát triển ngành tôm.

Tổng kết, đánh giá các mô hình sản xuất tôm hiệu quả để phổ biến, tuyên truyền đến người sản xuất áp dụng.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu nuôi tập trung từ vốn ngân sách nhà nước; phối hợp kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư; tham mưu chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án của các thành phần kinh tế theo Phương án được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Đề xuất giải pháp huy động các nguồn lực (bao gồm vốn ODA) để xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án phát triển ngành tôm Trà Vinh.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan để bố trí kinh phí thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch đầu tư cho phát triển nuôi tôm nước lợ thuộc nguồn vốn sự nghiệp; hướng dẫn thanh quyết toán vốn theo quy định; hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện các dự án, kế hoạch theo quy định, cân đối các nguồn vốn để triển khai thực hiện các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện vùng định hướng phát triển ngành tôm rà soát, cập nhật diện tích đất định hướng phát triển nuôi tôm thương phẩm nước lợ vào kế hoạch sử dụng đất của tỉnh. Hướng dẫn người dân thực hiện công tác bảo vệ môi trường và trình tự, thủ tục bảo vệ môi trường trình cơ quan quản lý thẩm định, phê duyệt.

Tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường trong nuôi tôm.

Xây dựng chính sách, quy chế phối hợp trong việc giao đất, cho thuê đất, mặt nước ven biển để nuôi trồng thủy sản.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xác định danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ phát triển ngành tôm; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp về đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, mô hình tiên tiến trong nuôi trồng, chế biến và xử lý chất thải trong hoạt động sản xuất.

Huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp và các tổ chức khác tham gia vào nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển ngành tôm ở tỉnh Trà Vinh.

6. Sở Công Thương

Thường xuyên cập nhật thông tin giá cả thị trường trong và ngoài nước cho các cơ quan, doanh nghiệp, người sản xuất liên quan theo dõi.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các doanh nghiệp thủy sản tăng cường thực hiện công tác xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tôm với thị trường trong và ngoài nước; xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm tôm;

Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện và Công ty Điện lực Trà Vinh để cập nhật, bổ sung nhu cầu điện cho các vùng nuôi tôm vào kế hoạch phát triển hệ thống lưới điện của tỉnh.

7. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Trà Vinh

Phối hợp với các Sở, ngành chức năng chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung đầu tư vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; hướng dẫn, thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, đặc biệt là Chương trình cho vay đối với chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp.

8. Điện lực Trà Vinh

Rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống điện các vùng sản xuất tôm tập trung theo danh mục khu vực địa phương cung cấp. Xây dựng kế hoạch bố trí vốn đầu tư lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn để cung cấp đủ điện ba pha cho các vùng nuôi tôm công nghiệp, ưu tiên các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT trong quản lý, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện định hướng phát triển ngành tôm chi tiết trên địa bàn.

Cập nhật các tiểu vùng định hướng phát triển nuôi tôm nước lợ vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đảm bảo cho việc giao đất, cho thuê đất, mặt nước ven biển nuôi trồng thủy sản.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các xã, phường, thị trấn trong vùng định hướng phát triển ngành tôm thực hiện quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc nuôi trồng thủy sản tự phát của người dân trên địa bàn, đặc biệt là các vùng sản xuất lúa

Khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tư nhân, phát triển các mô hình tổ hợp tác hoặc hợp tác xã đầu tư vào nuôi, sản xuất giống tôm.

Phối hợp với ngành chức năng tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống, thức ăn, thuốc và chất xử lý cải tạo môi trường trong sản xuất tôm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Phối hợp giám sát, quản lý dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, đặc biệt là các vùng nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học, nuôi tôm an toàn, nuôi tôm sạch.

Căn cứ các chỉ tiêu về ngành tôm được phân bổ trong Phương án này để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể chi tiết cho địa phương mình, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả.

10. Các Hội, Hiệp hội nghề nghiệp

Có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn đến các Chi hội, hội viên tích cực tham gia Phương án phát triển ngành tôm của tỉnh; tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm tôm Trà Vinh; tạo mối liên kết giữa người nuôi với ngân hàng, cơ quan khoa học, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, bảo đảm phát triển ổn định, chất lượng và hiệu quả.

Phối hợp với các cơ quan chức năng để khuyến khích, hỗ trợ ngành tôm phát triển, đồng thời tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm tôm xuất khẩu; phối hợp với doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, ổn định và mở rộng thị trường;

Thường xuyên thông tin về thị trường trong nước và trên thế giới cho doanh nghiệp và người nuôi tôm để chủ động trong sản xuất.

11. Doanh nghiệp, cá nhân nuôi và chế biến tôm nước lợ

Thực hiện nghiêm Phương án phát triển ngành tôm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; không đầu tư dự án ngoài phạm vi định hướng phát triển của Phương án.

Thực hiện nuôi tôm thương phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được cấp có thẩm quyền ban hành; thực hiện các quy trình nuôi trồng thủy sản tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường trách nhiệm cộng đồng về bảo vệ môi trường, phòng trừ dịch bệnh trong các vùng nuôi tôm thương phẩm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Trà Vinh; Giám đốc Điện lực Trà Vinh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan, các hội, hiệp hội nghề nghiệp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; doanh nghiệp, cá nhân nuôi và chế biến tôm nước lợ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ NN&PTNT;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- LĐVP;
- Các Phòng: CN-XD, KT, KG-VX, TH-NV và BTCD-NC;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trung Hoàng

PHỤ LỤC I

PHƯƠNG ÁN PHÁT TRIỂN CÁC VÙNG NUÔI TÔM
(Kèm theo Quyết định số: 1925/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

Vùng nuôi

Ký hiệu

Huyện

Định hướng phát triển tiểu vùng (ha)

Lộ trình thực hiện

Năm 2030 (ha)

Năm 2050 (ha)

I. Các tiểu vùng nuôi tôm thâm canh mật độ cao

6.323

3.617

6.323

Tiểu vùng 1

TV01-1

Cầu Ngang

Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông

1.660

830

1.660

Tiểu vùng 2

TV01-2

Cầu Ngang

Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông

437

262

437

Tiểu vùng 3

TV01-3

TX. Duyên Hải

Long Hữu

183

183

183

Tiểu vùng 4

TV01-4

TX. Duyên Hải

Hiệp Thạnh, Long Hữu

2.278

1.139

2.278

Tiểu vùng 5

TV01-5

Duyên Hải

Đông Hải

358

358

358

Tiểu vùng 6

TV01-6

Duyên Hải

Long Vĩnh

544

326

544

Tiểu vùng 7

TV01-7

Duyên Hải

Long Vĩnh

863

518

863

II. Các tiểu vùng nuôi thâm canh

16.173

18.880

16.173

Tiểu vùng 1

TV02-1

Trà Cú

Kim Sơn, Hàm Tân, Định An, Đại An

1.284

1.284

1.284

Tiểu vùng 3

TV02-3

Duyên Hải

Long Vĩnh, Long Khánh

3.419

3.419

3.419

Tiểu vùng 4

TV02-4

Duyên Hải

Long Vĩnh

497

497

497

Tiểu vùng 5

TV02-5

Duyên Hải

Long Vĩnh

585

585

585

Tiểu vùng 6

TV02-6

TX. Duyên Hải

Long Toàn

977

977

977

Tiểu vùng 7

TV02-7

TX. Duyên Hải

Long Toàn, Long Hữu

1.700

1.700

1.700

Tiểu vùng 8

TV02-8

Cầu Ngang

Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Mỹ Tây

465

465

465

Tiểu vùng 9

TV02-9

Cầu Ngang

Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn, Hiệp Mỹ Tây

1.009

1.009

1.009

Tiểu vùng 10

TV02-10

Cầu Ngang

Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Hòa, Hiệp Mỹ Tây

1.526

1.526

1.526

Tiểu vùng 11

TV02-11

Cầu Ngang

Hiệp Mỹ Đông, Mỹ Long Nam

392

392

392

Tiểu vùng 12

TV02-12

Cầu Ngang

Vĩnh Kim, Mỹ Long Bắc

299

299

299

Tiểu vùng 13

TV02-13

Châu Thành

Long Hòa

205

205

205

Tiểu vùng 14

TV02-14

Châu Thành

Long Hòa

1.613

1.613

1.613

Tiểu vùng 15

TV02-15

Châu Thành

Hòa Minh

79

79

79

Tiểu vùng 16

TV02-16

Châu Thành

Hòa Minh

105

105

105

Tiểu vùng 17

TV02-17

Châu Thành

Hòa Minh

2.018

2.018

2.018

* Các tiểu vùng nuôi tôm thâm canh trong vùng nuôi tôm thâm canh mật độ cao

2.707

2.707

0

Tiểu vùng 1

TV01-1

Cầu Ngang

Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông

830

830

0

Tiểu vùng 2

TV01-2

Cầu Ngang

Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông

175

175

0

Tiểu vùng 4

TV01-4

Thị xã Duyên Hải

Hiệp Thạnh, Long Hữu

1.139

1.139

0

Tiểu vùng 6

TV01-6

Duyên Hải

Long Vĩnh

218

218

0

Tiểu vùng 7

TV01-7

Duyên Hải

Long Vĩnh

345

345

0

III. Các tiểu vùng tôm - lúa

7.083

4.711

7.083

Tiểu vùng 1

TV03-1

Trà Cú

Lưu Nghiệp Anh

485

485

485

Tiểu vùng 2

TV03-2

Trà Cú

Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn

1.122

561

1.122

Tiểu vùng 3

TV 03-3

Cầu Ngang

Thuận Hòa, Long Sơn, Mỹ Hòa

434

434

434

Tiểu vùng 4

TV03-4

Cầu Ngang

Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa

495

495

495

Tiểu vùng 5

TV03-5

Cầu Ngang

Hiệp Hòa, Thuận Hòa, TT. Cầu Ngang

832

832

832

Tiểu vùng 6

TV03-6

Cầu Ngang

Kim Hòa, Vĩnh Kim, TT. Cầu Ngang

1.688

844

1.688

Tiểu vùng 7

TV03-7

Châu Thành

Phước Hảo

1.133

453

1.133

Tiểu vùng 8

TV03-8

Châu Thành

Hưng Mỹ, Hòa Lợi

574

287

574

Tiểu vùng 9

TV03-9

Châu Thành

Hòa Minh (Ấp Cồn Chim)

61

61

61

Tiểu vùng 10

TV03-10

Trà Cú

An Quảng Lưu

126

126

126

Tiểu vùng 11

TV03-11

Trà Cú

An Quảng Lưu, Lưu Nghiệp Anh

134

134

134

IV. Các tiểu vùng nuôi tôm rừng

7.041

7.041

7.041

Tiểu vùng 1

TV04-1

Duyên Hi

Long Khánh, Long Vĩnh, Đông Hải

1.791

1.791

1.791

Tiểu vùng 2

TV04-2

Duyên Hải

Đông Hải

679

679

679

Tiểu vùng 3

TV04-3

Duyên Hải

Long Thành, Long Khánh, Đông Hải

1.926

1.926

1.926

Tiểu vùng 4

TV04-4

Thị xã Duyên Hải

Dân Thành

290

290

290

Tiểu vùng 5

TV04-5

Thị xã Duyên Hải

Trường Long Hòa, Dân Thành

2.354

2.354

2.354

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2022 - 2030
(Kèm theo Quyết định số: 1925/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Nội dung và quy mô đầu tư

Tổng mức đầu tư (tr.đ)

Phân kỳ đầu tư

Nguồn vốn

Ghi chú

1

Hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp ngoài đê bao xã Vinh Kim, Mỹ Long Bắc

Huyện Cầu Ngang

Xây dựng hệ thống điện, thủy lợi, giao thông phục vụ cho khoảng 300 ha nuôi tôm TC-BTC

147.000

2021-2025

NSĐP

Đã được thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 7/5/2021

2

Hạ tầng thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản cánh đồng Đon

Huyện Cầu Ngang và Duyên Hải

Đảm bảo cấp thoát nước NTTS cho khoảng 1460 ha

133.621

2021-2025

NSĐP

Đã được thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 7/5/2021

3

Hạ tầng nuôi trồng thủy sản huyện Cầu Ngang Khu II (xã Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, Mỹ Hòa, Hiệp Mỹ Đông)

Huyện Cầu Ngang

Xây dựng hệ thống điện, thủy lợi, giao thông phục vụ nuôi tôm - lúa cho khoảng 600 ha

61.730

2021-2025

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

4

Đầu tư xây dựng hạ tầng bổ sung phục vụ nuôi trồng thủy sản cánh đồng Đon

Huyện Cầu Ngang và huyện Duyên Hải

Xây dựng hệ thống điện, thủy lợi, giao thông phục vụ nuôi trồng thủy sản cho khoảng 1000 ha

131.150

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

5

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp xã Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn

Huyện Cầu Ngang

Phục vụ vùng nuôi tôm TC/BTC quy mô khoảng 500 ha

70.000

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

6

Hệ thống hạ tầng phục vụ NTTS cánh đồng Trà Côn (xã Hiệp Mỹ Tây, Long Sơn, Thạnh Hòa Sơn)

Huyện Cầu Ngang

Xây dựng hệ thống điện, thủy lợi, giao thông phục vụ NTTS cho khoảng 400 ha

66.520

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

7

Đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi tôm sú và thẻ chân trắng theo hình thức TC-BTC xã Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Mỹ Long Nam

Huyện Cầu Ngang

Phục vụ vùng nuôi tôm TC/BTC quy mô 1500 ha

210.000

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

8

Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi tôm công nghiệp cánh đồng Tây (xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông)

Huyện Cầu Ngang

Xây dựng hệ thống điện, thủy lợi, giao thông phục vụ nuôi tôm công nghiệp cho khoảng 600 ha

70.150

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

9

Đầu tư cơ sở hạ tầng chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp lúa - tôm các xã Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Vinh Kim, Hiệp Mỹ Đông

Huyện Cầu Ngang

Xây dựng hệ thống điện, thủy lợi, giao thông phục vụ NTTS cho khoảng 900 ha

150.000

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

10

Dự án đầu tư khu nuôi tôm nước lợ công nghệ cao tại các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn

Huyện Cầu Ngang

Diện tích: 700 - 1600 ha/khu

Hình thành khu nuôi tôm TCMĐC tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nuôi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

500.000-1000.000

2021-2030

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

11

Dự án hợp tác liên kết nuôi tôm tôm - lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ xuất khẩu tại các xã Thuận Hòa, Mỹ Hòa, Mỹ Long Nam, Mỹ Long Bắc, Kim Hòa, Vinh Kim, thị trấn Cầu Ngang

Huyện Cầu Ngang

Diện tích: 350 - 1600 ha/vùng

Hình thành vùng nuôi tôm - lúa tập trung, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, phục vụ xuất khẩu.

Hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất tôm lúa hữu cơ. Xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, HTX trong tiêu thụ sản phẩm

5.000-10.000

2021-2030

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

12

Xây dựng hệ thống thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng thủy sản huyện Trà Cú

Huyện Trà Cú

Nạo vét hệ thống kênh, cống, bọng; hệ thống điện

20.000

2021-2025

NSĐP

Đã được thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 7/5/2021

13

Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Đôn Xuân và Đôn Châu (giai đoạn 1)

Huyện Trà Cú

66.000

2021-2025

NSĐP

Đã được thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 7/5/2021

14

Hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi lúa kết hợp nuôi tôm phía Nam huyện Trà Cú (xã Định An, Kim Sơn, Đại An, Lưu Nghiệp Anh)

Huyên Trà Cú '

Chiều dài 9.000m, xã Kim Sơn: 3000m, xã Định An: 6000m; bề rộng mặt kè 4m; cao trình đỉnh đê 3.0m; phục vụ 700ha

100.000

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

15

Dự án hợp tác liên kết nuôi tôm tôm - lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ xuất khẩu tại các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn

Huyn Trà Cú

Diện tích: 200 - 1000 ha/vùng Hình thành vùng nuôi tôm - lúa tập trung, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, phục vụ xuất khẩu.

Hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất tôm - lúa hữu cơ.

Xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, HTX trong tiêu thụ sản phẩm

5.000-10.000

2021-2030

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

16

Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Đông Hải, Long Toàn, Hiệp Thanh

TX. Duyên Hải

1430 ha

105.992

2021-2025

NSĐP

Đã được thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 7/5/2021

17

Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản xã Long Vĩnh, Long Hữu

TX. Duyên Hải

4800 ha

133.394

2021-2025

NSĐP

Đã được thông qua tại Nghị quyết số 01/NQ-HĐND ngày 7/5/2021

18

Dự án đầu tư xây dựng cụm tổ hợp chế biến tôm xuất khẩu (tại xã Long Toàn)

TX. Duyên Hải

Tổng diện tích 77 ha, gồm:

- Tổ hợp chế biến tôm: 03 nhà máy, công suất 18.000 tấn tôm thành phẩm/nhà máy/năm. Diện tích 25 ha;

- Tổ hợp chế biến lúa gạo: 01 nhà máy xay xát lúa gạo, công suất 200.000 tấn/năm. Diện tích 20 ha;

- Khu đô thị, nhà ở công nhân với đầy đủ tiện ích xã hội. Diện tích 32 ha

500.000

2021-2025

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

19

Dự án đầu tư khu nuôi tôm nước lợ công nghệ cao tại các xã Long Hữu, Hiệp Thạnh

TX. Duyên Hải

Diện tích: 70 - 2000 ha/khu

Hình thành khu nuôi tôm TCMĐC tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nuôi trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

500.000-1000.000

2021-2030

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

20

Dự án hợp tác liên kết nuôi tôm sinh thái (tôm - rừng) xuất khẩu tại các xã Dân Thành, Trường Long Hòa

TX. Duyên Hải

Diện tích: 200-2.300 ha/vùng

Hình thành vùng nuôi tôm nước lợ hữu cơ đạt chứng nhận phục vụ xuất khẩu

5.000-10.000

2021-2030

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

21

Đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp huyện Duyên Hải

Huyện Duyên Hải

Đầu tư xây dựng hệ thống điện, giao thông, thủy lợi phục vụ nuôi tôm công nghiệp cho khoảng 750 ha

428.000

2021-2025

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

22

Dự án đầu tư xây dựng khu phức hợp thủy sản (tại xã Long Khánh)

Huyện Duyên Hải

Quy mô 197 ha

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng công năng về sản xuất giống, kinh doanh và dịch vụ phục vụ phát triển tôm nước lợ

500.000-800.000

2021-2025

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

23

Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản các xã Đông Hải, Long Vĩnh, Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải) và xã Hiệp Thạnh (TX. Duyên Hải)

Huyện Duyên Hải và TX. Duyên Hải

Xây dựng hệ thống điện, thủy lợi, giao thông phục vụ NTTS cho khoảng 600 ha

157.730

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

24

Nâng cấp hệ thống đê bao ngăn triều cường cù lao Long Hòa - Hòa Minh

Huyện Châu Thành

Mở rộng đê bao dài 42 km và xây dựng mới 25 cầu giao thông nông thôn

360.000

2021-2025

NSTW

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

25

Hệ thống hạ tầng phục vụ chuyển đổi lúa kết hợp nuôi tôm huyện Châu Thành (xã Phước Hảo, Hưng Mỹ)

Huyện Châu Thành

Xây dựng hệ thống điện, giao thông, thủy lợi phục vụ NTTS cho khoảng 550 ha

26.500

2026-2030

NSTW; NSĐP

Đề xuất trong Phương án phát triển NLTS phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

26

Dự án hợp tác liên kết nuôi tôm tôm - lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ xuất khẩu tại các xã Phước Hảo, Hưng Mỹ, Hòa Lợi, Hòa Minh

Huyện Châu Thành

Diện tích: 350 - 700 ha/vùng

Hình thành vùng nuôi tôm - lúa tập trung, đạt tiêu chuẩn hữu cơ, phục vụ xuất khẩu.

Hình thành các tổ hợp tác, HTX sản xuất tôm lúa hữu cơ. Xây dựng liên kết giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, HTX trong tiêu thụ sản phẩm

5.000-10.000

2021-2030

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

27

Nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản

Khu kinh tế Định An

Quy mô 1 ha

Công suất: 60.000 tấn thức ăn/năm trở lên

150.000

2021-2030

Nhà đầu tư

Đề xuất trong Phương án phát triển ngành tôm phục vụ tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

* Ghi chú:

- NTTS: Nuôi trồng thủy sản;

- TC-BTC: Thâm canh - bán thâm canh;

- HTX: Hợp tác xã;

- NSTW: Ngân sách Trung ương;

- NSĐP: Ngân sách địa phương.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 1925/QĐ-UBND ngày 29/09/2022 phê duyệt Phương án phát triển ngành tôm tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.019

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.214.226
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!