KIỂM TOÁN
NHÀ NƯỚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 383/QĐ-KTNN
|
Hà Nội, ngày
15 tháng 4 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
ĐỔI TÊN VỤ QUAN HỆ QUỐC TẾ THÀNH VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA VỤ HỢP TÁC QUỐC TẾ
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH11 ngày
15/9/2005 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH13 ngày
16/01/2013 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Thanh tra Kiểm toán
Nhà nước và đổi tên Vụ Quan hệ quốc tế thành Vụ Hợp tác quốc tế trực thuộc Kiểm
toán Nhà nước;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ
và Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Đổi tên Vụ Quan hệ quốc tế thành Vụ Hợp tác quốc tế.
Điều 2. Chức năng
Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị trực thuộc Kiểm
toán Nhà nước có chức năng tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quản lý thực
hiện các hoạt động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán
nhà nước; tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước; quản lý
và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà
nước.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trong công tác quản lý và thực hiện các hoạt
động hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm toán nhà nước:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
xây dựng đề án, chiến lược hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về lĩnh vực kiểm
toán nhà nước trình cấp có thẩm quyền ban hành;
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
xây dựng, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước kế hoạch hợp tác quốc tế trong từng thời
kỳ với Kiểm toán Nhà nước (cơ quan kiểm toán tối cao) các nước, với Tổ chức quốc
tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), với Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối
cao khu vực Châu Á (ASOSAI), với Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao khu vực
Đông Nam Á (ASEANSAI) và các tổ chức quốc tế khác có liên quan;
c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
xây dựng, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm
và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;
d) Nghiên cứu, đề xuất Tổng Kiểm toán Nhà nước
các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về
lĩnh vực kiểm toán nhà nước;
đ) Tham mưu, giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước chuẩn
bị ý kiến tham gia với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành về vấn đề liên quan
trong đàm phán ký kết các điều ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực kiểm toán nhà
nước;
e) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước đàm phán, ký kết,
tham gia các điều ước quốc tế về lĩnh vực kiểm toán nhà nước với các nước và
các tổ chức quốc tế theo quy định của pháp luật;
g) Chủ trì hoặc tham gia đoàn đàm phán của Kiểm
toán Nhà nước hoặc đại diện chính thức của Kiểm toán Nhà nước khi được Tổng Kiểm
toán Nhà nước uỷ quyền để tham gia các đoàn đàm phán của Chính phủ hoặc các
đoàn đàm phán của các cơ quan khác với các đối tác nước ngoài trên cơ sở phương
án đàm phán về hội nhập quốc tế đã được duyệt;
g) Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán
Nhà nước triển khai các kết quả đàm phán và thuộc lĩnh vực hội nhập quốc tế của
Kiểm toán Nhà nước;
h) Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Kiểm toán
Nhà nước trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phương án triển khai và tổ chức thực hiện
các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hội nhập quốc tế của Kiểm toán Nhà nước và
giám sát việc tổ chức thực hiện của các đơn vị;
i) Đại diện cho Kiểm toán Nhà nước quan hệ với
các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các nhà tài trợ nước ngoài trong việc
xây dựng các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà
nước khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước uỷ quyền;
k) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện quyền
lợi, nghĩa vụ của Kiểm toán Nhà nước đối với các tổ chức quốc tế INTOSAI,
ASOSAI và ASEANSAI;
l) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn các đơn vị
trong ngành việc thực hiện chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch đối ngoại
đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt;
m) Phối hợp với các đơn vị có liên quan cử công
chức của đơn vị tham gia các nhóm công tác về chuyên môn kiểm toán của các tổ
chức quốc tế.
2. Trong tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của
Kiểm toán Nhà nước:
a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan
chuẩn bị và cung cấp tài liệu, văn bản cần thiết về các vấn đề liên quan đến nội
dung làm việc, trao đổi của lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và lãnh đạo các đơn vị
với đối tác nước ngoài có quan hệ hợp tác với Kiểm toán Nhà nước;
b) Xây dựng Quy chế quản lý hoạt động hợp tác quốc
tế của Kiểm toán Nhà nước trình Tổng Kiểm toán Nhà nước;
c) Tổng hợp xây dựng kế hoạch đoàn ra, đoàn vào
của Kiểm toán Nhà nước trình Tổng Kiểm toán Nhà nước;
d) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội nghị,
hội thảo quốc tế của Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thực hiện các thủ tục lễ tân
trong các hoạt động đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước;
đ) Tổ chức thực hiện công tác biên dịch, phiên dịch
của Kiểm toán Nhà nước;
e) Giải quyết và hướng dẫn làm các thủ tục xuất
cảnh cho cán bộ, công chức của Kiểm toán Nhà nước đi học tập, nghiên cứu, khảo
sát và công tác ở nước ngoài; quản lý hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức của
Kiểm toán Nhà nước; làm các thủ tục cho chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại
Kiểm toán Nhà nước;
g) Đầu mối để giao dịch với các đối tác nước
ngoài trong hoạt động trao đổi thông tin và thực hiện các nhiệm vụ về hội nhập
và hợp tác quốc tế;
h) Đầu mối xử lý các văn bản đối ngoại đi - đến
có liên quan đến hoạt động đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước;
i) Cung cấp thông tin về hoạt động hợp tác quốc
tế của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của nhà nước;
k) Phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, đề xuất,
tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc phổ biến kiến thức và áp dụng
kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực kiểm toán vào thực tiễn hoạt động của ngành;
l) Quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định
về công tác đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước;
m) Phối hợp với các đơn vị trong toàn ngành
tuyên truyền, giới thiệu hoạt động đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước hàng năm;
n) Tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình thực hiện
công tác đối ngoại của Kiểm toán Nhà nước định kỳ và theo yêu cầu của Tổng Kiểm
toán Nhà nước.
3. Trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện
các chương trình, dự án hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước:
a) Phối hợp với các đơn vị tham mưu Tổng Kiểm
toán Nhà nước trong việc triển khai các chương trình kiểm toán có liên quan đến
đối tác nước ngoài;
b) Thực hiện các quy định của Nhà nước về quản
lý chương trình, dự án hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước;
c) Xây dựng Quy chế về quản lý chương trình, dự
án hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban
hành;
d) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị của Kiểm
toán Nhà nước trong việc xây dựng các văn kiện dự án trước khi đàm phán, ký kết;
đ) Trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phương án triển
khai thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước sau
khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
e) Tổ chức việc thẩm định văn kiện dự án kể cả
việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn các chương trình, dự án và kết quả thực hiện
dự án của Kiểm toán Nhà nước trình Tổng Kiểm toán Nhà nước;
g) Dự báo các vấn đề phát sinh, đề xuất và thực
hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro; xử lý hoặc trình Tổng Kiểm toán
Nhà nước những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện chương
trình, dự án hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước;
h) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, đánh giá kết quả
thực hiện chương trình, dự án hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước báo cáo Tổng
Kiểm toán Nhà nước.
4. Trình Tổng Kiểm toán Nhà nước quy định phạm
vi trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các ban, nhóm, công tác, các đơn vị
trực thuộc Kiểm toán Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ hội nhập quốc tế và
hợp tác quốc tế của Kiểm toán Nhà nước;
5. Quản lý công chức và người lao động theo quy
định của Nhà nước và phân cấp của Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thực hiện
các nhiệm vụ về công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật, văn thư, lưu trữ, tuyên
truyền, nghiên cứu khoa học theo quy định của Nhà nước và của Tổng Kiểm toán
Nhà nước; định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà
nước kết quả công tác của đơn vị; quản lý các trang thiết bị của đơn vị;
6. Thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn khác
khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao hoặc uỷ quyền.
Điều 4. Tổ chức bộ máy, nhân
sự
1. Vụ Hợp tác quốc tế gồm có: Vụ trưởng, các Phó
Vụ trưởng và các công chức. Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng do Tổng Kiểm toán Nhà nước
bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
2. Tổ chức của Vụ Hợp tác quốc tế gồm có:
a) Phòng Song phương;
b) Phòng Đa phương;
c) Phòng Kế hoạch – Tổng hợp.
Phòng có Trưởng phòng và các Phó trưởng phòng
giúp việc cho Trưởng phòng.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức công chức
lãnh đạo cấp phòng thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ của Kiểm
toán Nhà nước.
Nhiệm vụ cụ thể của từng phòng do Vụ trưởng quy
định sau khi có ý kiến phê duyệt của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Việc thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể
các phòng thuộc Vụ Hợp tác quốc tế do Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định theo đề
nghị của Vụ trưởng Hợp tác quốc tế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký. Quyết định này thay thế Quyết định số 596/QĐ-KTNN ngày 02/8/2006 của Tổng
Kiểm toán Nhà nước quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ
Quan hệ quốc tế.
Việc sửa đổi, bổ sung Quyết định này do Tổng Kiểm
toán Nhà nước quyết định theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Vụ
trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
Điều 6. Trách nhiệm thi hành
Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Hợp
tác quốc tế, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 6;
- Lãnh đạo KTNN;
- Các đơn vị trực thuộc KTNN;
- Văn phòng Đảng-Đoàn thể;
- Lưu: VT, TCCB (08).
|
TỔNG KIỂM
TOÁN NHÀ NƯỚC
Đinh Tiến Dũng
|