ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/2023/QĐ-UBND
|
Hà Nội, ngày 25
tháng 9 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THI CÔNG VÀ HOÀN TRẢ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG
BỘ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18/6/2014; Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày
24/02/2010 của Chính phủ Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao
thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày
22/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP
ngày 24/02/2010 Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ;
Căn cứ Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày
26/01/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng
thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
Xét đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ
trình số 637/TTr-SGTVT ngày 23/6/2023 về việc ban hành Quy định về công tác quản
lý thi công và hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành
phố Hà Nội.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác quản
lý thi công và hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành
phố Hà Nội.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 10 năm 2023.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở, ban, ngành
Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và thủ trưởng đơn vị
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các đ/c PCT UBND Thành phố;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng,
Tư Pháp, Công an;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố;
- Liên đoàn Lao động Thành phố;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố;
- Tòa án nhân dân Thành phố;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND Thành phố;
- Đài PT&TH Hà Nội;
- Các Báo: Hà Nội mới, Kinh tế và Đô thị;
- VPUBTP: CVP; các PCVP; các phòng chuyên môn;
- Trung tâm Tin học Công báo; Cổng giao tiếp điện tử TP Hà Nội;
- Lưu: VT, ĐT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Trần Sỹ Thanh
|
QUY ĐỊNH
VỀ
CÔNG TÁC QUẢN LÝ, THI CÔNG VÀ HOÀN TRẢ KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN
ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Kèm theo Quyết định số: 24/2023/QĐ-UBND ngày 25/9/2023 của UBND thành phố
Hà Nội)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng
áp dụng
1. Quy định công tác thi công và hoàn trả kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ do Thành phố quản lý.
2. Phạm vi kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được
thực hiện trong quy định này gồm: Đường (nền đường, mặt đường, lề đường, hè phố);
cầu đường bộ (cầu vượt sông, cầu vượt khe núi, cầu vượt trong đô thị, cầu vượt
đường bộ, cầu vượt đường sắt) kể cả cầu dành cho người đi bộ; Hầm đường bộ (hầm
ngầm qua sông, hầm chui qua đường bộ, hầm chui qua đường sắt, hầm chui trong đô
thị) kể cả hầm dành cho người đi bộ; Bến phà, cầu phao đường bộ, đường ngầm, đường
tràn.
3. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá
nhân trong và ngoài nước (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân) có các hoạt động trực
tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến công tác thi công và hoàn trả kết cấu đường bộ
trên các tuyến đường đang khai thác thuộc hệ thống đường bộ do Thành phố quản
lý.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Cơ quan quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ (Cơ quan quản lý đường bộ): là Sở Giao thông vận tải đối với hệ thống đường
bộ thuộc thẩm quyền Thành phố quản lý theo phân cấp hiện hành; Ủy ban nhân dân
quận, huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) đối với hệ
thống đường bộ thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý theo phân cấp
hiện hành.
2. Cơ quan cấp giấy phép: Sở Giao thông vận tải đối
với hệ thống đường bộ do Thành phố quản lý; Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với hệ
thống đường bộ do cấp huyện quản lý.
3. Đơn vị quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường
bộ (Đơn vị quản lý đường bộ): Là tổ chức, cá nhân trúng thầu công tác quản lý,
bảo trì đường bộ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
4. Đơn vị thi công: là các tổ chức, cá nhân được cơ
quan có thẩm quyền cấp giấy phép thi công.
5. Hoàn trả là công tác khôi phục lại kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ sau khi hoàn thành thi công.
6. Công trình thiết yếu: Quy định tại Khoản 1, Điều
12, Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ Giao thông vận tải.
7. Sự cố công trình thiết yếu (sự cố): Là những hư
hỏng đột xuất của các công trình thiết yếu dẫn đến hư hỏng nền, mặt đường, cầu,
cống đòi hỏi phải khắc phục hư hỏng ngay.
Điều 3. Nguyên tắc chung
1. Các tổ chức, cá nhân thi công xây dựng công
trình trên kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải thực hiện các quy định sau
đây:
a) Được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận việc
xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
(ngay từ bước lập dự án, thiết kế cơ sở hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế
bản vẽ thi công).
b) Có phương án tổ chức giao thông phù hợp với biện
pháp tổ chức thi công được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận và được thông
báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trước khi khởi công công trình.
c) Đối với các tuyến đê kết hợp giao thông trước
khi thi công phải lấy ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý đê điều về phương
án sửa chữa.
2. Đơn vị quản đường bộ khi thực hiện công tác bảo
trì đường bộ không phải xin giấy phép thi công nhưng phải nghiêm chỉnh thực hiện
các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông trong suốt
quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ trong việc
thi công trên đường bộ đang khai thác để hạn chế công tác đào, cắt kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ, như các biện pháp khoan bằng robot, khoan kích ngầm ,... sử
dụng các cấu kiện đúc sẵn để rút ngắn thời gian, tiến độ thi công.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Quy định đối với thiết
kế hoàn trả
1. Đối với dự án xây dựng công trình thiết yếu, kết
cấu hoàn trả phải đảm bảo điều kiện chất lượng bằng hoặc tốt hơn kết cấu đường
bộ ban đầu; đối với dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ, kết cấu đường bộ được tính toán thiết kế theo các quy định hiện hành.
2. Đối với công trình thiết yếu, phần hoàn trả phải
thực hiện khảo sát hiện trạng kết cấu hạ tầng đường bộ (xác định các công trình
ngầm nổi, xác định lưu lượng giao thông, tính toán kết cấu hoàn trả đảm bảo phù
hợp với kết cấu đường bộ hiện trạng,...) và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Đối với phần hoàn trả kết cấu hạ tầng đường bộ
có yêu cầu phức tạp, chủ đầu tư phải lập hồ sơ thiết kế riêng cho phần hoàn trả
và được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước khi thực hiện thủ tục xin
cấp phép.
Điều 5. Quy định về hồ sơ cấp
phép thi công
1. Đối với các thủ tục thuộc hệ thống một cửa liên
thông, thành phần hồ sơ xin cấp phép theo quy định của thủ tục hành chính một cửa
liên thông do UBND Thành phố ban hành.
2. Đối với trường hợp xử lý sự cố: Các tổ chức, cá
nhân thực hiện theo quy trình nội bộ do cơ quan cấp giấy phép ban hành.
Điều 6. Công tác chuẩn bị thi
công
1. Chủ đầu tư phải cung cấp giấy phép và thông báo
bằng văn bản cho chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đường bộ về thông tin dự
án, ngày khởi công, ngày hoàn thành, thời hạn thi công, phương án tổ chức giao
thông phục vụ thi công.
2. Đơn vị thi công phải niêm yết giấy phép thi công
tại văn phòng Ban chỉ huy công trường. Cử người có trách nhiệm thường xuyên có
mặt tại hiện trường để chỉ đạo thi công, tiếp và giải quyết các vấn đề có liên
quan đến thi công công trình. Đối với các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường
bộ, đơn vị thi công phải có bảng niêm yết công khai thông tin dự án để chính
quyền địa phương, các đơn vị liên quan, nhân dân được biết, theo dõi, kiểm tra.
3. Chủ đầu tư, đơn vị thi công có trách nhiệm phối
hợp với Cơ quan quản lý đường bộ, đơn vị quản lý đường bộ, các đơn vị liên quan
để tổ chức bàn giao mặt bằng thi công theo quy định, xác định hiện trạng đoạn
đường thi công và các tuyến đường khác có ảnh hưởng để phục vụ công tác hoàn trả.
Kể từ ngày nhận bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm
quản lý và bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường
theo các quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác.
4. Đơn vị thi công phối hợp với các đơn vị liên
quan tổ chức xác định vị trí các công trình ngầm nổi để thực hiện công tác di
chuyển phục vụ thi công hoặc đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
5. Đơn vị thi công thực hiện phương án rào chắn,
phương án tổ chức giao thông theo hồ sơ đã được cơ quan cấp giấy phép chấp thuận;
chủ trì tổ chức thử nghiệm phương án rào chắn và tổ chức giao thông đối với một
số công trình thi công phức tạp, chỉ được thi công chính thức các hạng mục khi
phương án rào chắn, tổ chức giao thông thử nghiệm ổn định, được cơ quan cấp giấy
phép và các đơn vị liên quan thống nhất.
Điều 7. Công tác thi công
1. Thời gian thi công bắt đầu từ 22h00 hôm trước đến
05h00 sáng ngày hôm sau, đối với các khu vực không có tình trạng ùn tắc giao
thông và đảm bảo an toàn giao thông tùy theo đặc điểm từng công trình sẽ cho
phép thi công ngoài giờ cao điểm khi được cơ quan quản lý đường bộ chấp thuận;
tạm ngừng thi công các công trình trong những ngày nghỉ Lễ, Tết hàng năm.
2. Đơn vị thi công phải thi công đúng phương án
trong hồ sơ kèm theo giấy phép được cấp (gồm các công đoạn thi công, vị trí,
kích thước, biện pháp thi công, phương án tổ chức giao thông...). Phải thực hiện
đúng các quy định hiện hành đối với công tác quản lý chất lượng dự án đầu tư
xây dựng; có trách nhiệm hoàn trả các hư hỏng trên kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ do nguyên nhân thi công dự án gây ra.
3. Khi thi công phải có biện pháp đảm bảo sinh hoạt
dân sinh, hoạt động sản xuất của các cơ quan, tổ chức và nhân dân xung quanh phạm
vi thi công, đảm bảo vệ sinh môi trường.
4. Khi thi công đào cắt ngang đường, chỉ được phép
đào không quá 1/2 mặt đường, hoàn trả mặt đường xong mới được thi công không
quá 1/2 mặt đường còn lại; đối với thi công trên hè, phải có biện pháp đảm bảo
tạm thời phục vụ người đi bộ; đối với công trình thi công trên tuyến đường có mật
độ giao thông cao, cần có phương án tổ chức thi công theo từng đoạn và hoàn trả
tạm mặt bằng ngay trong đêm để đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc giao
thông.
5. Đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có lớp
mặt đường được xây dựng bằng các kết cấu cứng (bê tông nhựa, bê tông xi măng,
lát đá,...), đơn vị thi công phải sử dụng thiết bị cắt, đảm bảo vệt cắt phải thẳng,
đều các mép, vệt đào không bị vỡ, chiều sâu cắt hết chiều dày lớp kết cấu cứng;
đối với phần vỉa hè có kết cấu bằng gạch các loại, phải có biện pháp tháo dỡ
thu hồi, bảo quản và sau khi thi công phải lắp đặt lại như nguyên trạng ban đầu.
6. Đối với công trình có chiều sâu đào lớn phải có
biện pháp gia cố hố đào, chống sạt lở, rạn nứt nền đường, hè xung quanh vệt
đào; trong quá trình thi công nếu phát hiện có hiện tượng rạn nứt vách hố đào,
mặt đường, hè xung quanh phải tạm dừng thi công ngay và tìm biện pháp thích hợp
để đảm bảo chống sạt lở và xử lý các hư hỏng xung quanh vệt đào.
Điều 8. Công tác hoàn trả
1. Đơn vị thi công phải thực hiện đúng phương án
hoàn trả trong hồ sơ kèm theo giấy phép được cấp; trường hợp có thay đổi so với
thiết kế được duyệt, chủ đầu tư phải tổ chức điều chỉnh thiết kế và trình Cơ
quan có thẩm quyền để cấp phép thi công mới hoặc điều chỉnh giấy phép thi công
đối với trường hợp đã được cấp phép thi công.
2. Về kỹ thuật, chất lượng thi công hoàn trả phải đảm
bảo các yêu cầu cơ bản như sau:
Phải có biện pháp lu lèn, đầm chặt đảm bảo yêu cầu
kỹ thuật và chất lượng của kết cấu hoàn trả đường bộ theo thiết kế đã được phê
duyệt; các vệt hoàn trả phải vuông, thẳng đảm bảo thẩm mỹ, chất lượng và mỹ
quan đô thị.
Phải đảm bảo không có vết rạn nứt, lún sụt giữa phần
thi công hoàn trả và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ hiện trạng.
3. Giám sát chất lượng hoàn trả: do tư vấn giám sát
công trình của Chủ đầu tư thực hiện và chịu trách nhiệm trước pháp luật theo
các quy định hiện hành.
4. Trong trường hợp khi không đủ thời gian thực hiện
việc thi công toàn bộ kết cấu theo thiết kế, cho phép thực hiện hoàn trả tạm kết
cấu hạ tầng giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc
giao thông; phần hoàn trả tạm được duy trì tối đa 48 giờ, sau thời gian trên phải
hoàn trả kết cấu theo đúng thiết kế được chấp thuận.
Điều 9. Công tác đảm bảo an
toàn giao thông và môi trường
1. Đơn vị thi công phải thực hiện theo quy định tại
Điều 47, Luật giao thông đường bộ năm 2008 về “Thi công công trình trên đường bộ
đang khai thác”; thực hiện các yêu cầu để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn
đê điều và vệ sinh môi trường trong hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
2. Trong quá trình thi công công trình, đơn vị thi
công phải lắp đặt đầy đủ hệ thống biển báo, rào chắn, đèn báo hiệu về ban
đêm...theo các quy định hiện hành.
3. Đơn vị thi công chủ trì bố trí lực lượng phối hợp
với các lực lượng chức năng có liên quan để phân luồng đảm bảo an toàn giao
thông, tránh gây ùn tắc giao thông, ứng trực khi xảy ra sự cố.
4. Nghiêm cấm việc tập kết vật tư, thiết bị, vật liệu
xây dựng tại những đoạn chưa thi công, tất cả các khối lượng đất đào phải vận
chuyển đến địa điểm đổ thải đã được các cơ quan có thẩm quyền thống nhất. Thường
xuyên thực hiện công tác vệ sinh khu vực thi công, không để vật liệu rời như
cát, đá, xi măng, gạch... rơi vãi trên mặt đường gây mất an toàn giao thông hoặc
cản trở giao thông.
5. Phải có đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn lao
động, vệ sinh môi trường. Công nhân tham gia thi công công trình phải trang bị
đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động theo quy định.
Điều 10. Công tác kiểm tra,
giám sát, xử lý trong quá trình thi công
1. Công tác kiểm tra thi công và hoàn trả kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ do các cơ quan chức năng về quản lý đường bộ, đảm bảo
trật tự an toàn giao thông thực hiện, nhằm nhắc nhở, xử lý các hành vi gây ảnh
hưởng đến chất lượng công trình và vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Công tác kiểm tra được tiến hành định kỳ hoặc đột xuất trong suốt quá trình thực
hiện dự án.
2. Các cơ quan chức năng (Công an, Thanh tra Giao
thông vận tải và các lực lượng liên quan) theo chức năng, nhiệm vụ được giao có
trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong thời gian
thi công.
3. Đơn vị quản lý đường bộ có trách nhiệm theo dõi,
kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các quy định về thi công trên kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ đang khai thác.
4. Chủ đầu tư, đơn vị thi công phải tuân thủ nghiêm
việc kiểm tra và các quyết định xử lý của các cơ quan chức năng.
Điều 11. Công tác nghiệm thu,
bàn giao mặt bằng
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu
theo quy định hiện hành của Nhà nước, tổ chức bàn giao mặt bằng thi công theo
quy định; Chủ đầu tư có trách nhiệm sửa chữa lại kết cấu hoàn trả theo yêu cầu
của cơ quan cấp phép khi không đảm bảo chất lượng.
Trường hợp Chủ đầu tư cố tình trì hoãn không thực
hiện sửa chữa các hư hỏng; không cung cấp hồ sơ hoàn công để bàn giao theo quy
định, cơ quan cấp giấy phép sẽ xem xét không cấp các giấy phép thi công các
công trình khác do Chủ đầu tư này thực hiện.
2. Trên cơ sở hồ sơ hoàn công nhận được, đơn vị quản
lý đường bộ thực hiện cập nhật các công trình ngầm trên tuyến đường đang quản
lý và kịp thời báo cáo Cơ quan cấp phép có biện pháp xử lý đối với các đơn vị
không thực hiện bàn giao lại mặt bằng và không gửi hồ sơ hoàn công cho cơ quan
quản lý đường bộ.
Điều 12. Bảo hành công tác
hoàn trả mặt đường
1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm bảo hành công tác
hoàn trả cho đến khi được cơ quan cấp giấy phép thi công xác nhận hết thời gian
bảo hành theo quy định. Trong thời gian bảo hành nếu các vị trí hoàn trả bị hư
hỏng, lún sụt phải thực hiện sửa chữa, khắc phục để đảm bảo kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ được êm thuận, chất lượng.
2. Cơ quan quản lý đường bộ kiểm tra, phát hiện
công tác hoàn trả mặt đường không đảm bảo chất lượng như: hiện tượng lún sụt, rạn
nứt, bong tróc...
- Chủ đầu tư có trách nhiệm tiến hành sửa chữa, khắc
phục trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
Sau thời hạn nêu trên nếu Chủ đầu tư không thực hiện, đơn vị Quản lý đường bộ sẽ
thực hiện khắc phục bằng kinh phí thuộc gói thầu bảo trì kết cấu hạ tầng giao
thông để đảm bảo an toàn giao thông và Chủ đầu tư có trách nhiệm thanh toán khoản
kinh phí trên cho đơn vị Quản lý đường bộ.
- Các Chủ đầu tư không kịp thời thực hiện sửa chữa,
khắc phục hoặc không thanh toán khoản kinh phí cho đơn vị Quản lý đường bộ, Cơ
quan cấp giấy phép sẽ xem xét không cấp các giấy phép thi công các công trình
khác do Chủ đầu tư này thực hiện trên địa bàn Thành phố.
Chương III
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Chủ đầu tư
1. Thực hiện đúng hướng dẫn về trình tự, thủ tục cấp
giấy phép thi công công trình trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ; thực hiện các nội dung quy định đối với Chủ đầu tư trong giấy phép
thi công.
2. Chủ trì phối hợp với các Phòng, ban chuyên môn của
cơ quan cấp giấy phép, các đơn vị khác có liên quan để giải trình, bổ sung các
hồ sơ, tài liệu liên quan khác (ngoài các hồ sơ theo thủ tục hành chính một cửa
liên thông); thống nhất phương án tổ chức giao thông, biện pháp thi công để đảm
bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông; tổ chức kiểm tra thực địa (nếu
cần thiết) để phục vụ công tác cấp phép.
3. Chịu trách nhiệm chỉ đạo nhà thầu thi công thực
hiện công tác đảm bảo an toàn giao thông, hoàn trả kết cấu theo đúng thiết kế,
tổ chức giám sát chất lượng hoàn trả và thực hiện công tác bảo hành theo đúng
quy định.
4. Thực hiện công tác quản lý, phối hợp với các đơn
vị có liên quan trong quá trình tổ chức thi công từ khâu cấp phép thi công, tổ
chức thi công, bàn giao mặt bằng và bảo hành công trình.
5. Khi nhà nước cần giải tỏa công trình thiết yếu để
đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chủ sở hữu công
trình có trách nhiệm phối hợp với Chủ đầu tư của dự án để thực hiện tự di chuyển
công trình thiết yếu theo quy định pháp luật hiện hành.
Điều 14. Đơn vị thi công
1. Thực hiện đúng nội dung quy định trong giấy phép
thi công.
2. Chịu trách nhiệm toàn bộ về công tác đảm bảo an
toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường theo các
quy định của pháp luật và quy định này.
3. Chịu các chi phí cho công tác đảm bảo an toàn
giao thông, chống ùn tắc giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường phục vụ cho thi
công công trình.
Điều 15. Cơ quan cấp giấy phép
Thực hiện cấp phép đảm bảo đúng trình tự, thủ tục cấp
phép theo quy định thủ tục một cửa liên thông của cơ quan, đơn vị đã được Ủy
ban nhân dân Thành phố phê duyệt.
Phối hợp với Chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn
vị liên quan thống nhất công tác đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc giao
thông và vệ sinh môi trường.
Phối hợp với các đơn vị chức năng, đơn vị quản lý
đường bộ thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn giao
thông, vệ sinh môi trường, tiến độ thi công của tổ chức, cá nhân trong suốt quá
trình thi công.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá, tham gia nghiệm thu và
tham gia xác nhận hết bảo hành đối với công tác hoàn trả kết cấu hạ tầng đường
bộ.
Chủ trì tổng hợp việc thực hiện công tác cấp phép
thi công trên đường bộ đang khai thác trên địa bàn thành phố. Tổng hợp số liệu
cấp phép của các đơn vị hàng quý, hàng năm gửi về Sở Giao thông vận tải để tổng
hợp, theo dõi.
Điều 16. Đơn vị quản lý đường
bộ
1. Tổ chức bàn giao mặt bằng và tiếp nhận lại mặt bằng
sau khi đơn vị được cấp giấy phép thi công xong công trình.
2. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát công tác
bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, tiến độ thi công của tổ chức,
cá nhân thi công trong suốt quá trình thi công và báo cáo định kỳ bằng văn bản
về cơ quan cấp giấy phép để theo dõi, quản lý.
3. Tham gia công tác kiểm tra, đánh giá, nghiệm thu
và xác nhận hết bảo hành đối với công tác hoàn trả kết cấu hạ tầng giao thông
đường bộ.
Điều 17. Công an thành phố Hà
Nội
Chỉ đạo các lực lượng Công an, phối hợp với các lực
lượng của Sở Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, xử lý các
vi phạm theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Phối hợp với Sở Giao thông vận tải thống nhất
phương án tổ chức giao thông trong quá trình cấp phép, thi công.
Điều 18. Các đơn vị khác liên
quan
Theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị, tổ
chức thực hiện nghiêm các nội dung của quy định này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những nội
dung cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, các Sở, ngành, UBND cấp huyện có
liên quan phản ánh về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND
Thành phố xem xét, quyết định./.