BỘ CÔNG AN
UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
222/2003/TTLT-UBTDTT-BCA
|
Hà Nội, ngày 07
tháng 11 năm 2003
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
PHỐI HỢP PHÒNG VÀ CHỐNG CÁC HÀNH VI TIÊU CỰC TRONG
HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC THỂ THAO
Căn cứ Nghị định số 22/2003/NĐ-CP ngày 11/3/2003 của Chính phủ về chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Thể dục thể thao;
Căn cứ Nghị đinh số 37/1998/NĐ-CP ngày 9/6/1998 của Chính phủ về chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Công an;
Căn cứ Chỉ thị số 15/2002/CT-TTg ngày
26/7/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc chống tiêu cực trong hoạt động thể dục
thể thao;
Để phối hợp có hiệu quả trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi
tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao, Ủy ban Thể dục thể thao và Bộ Công
An ban hành Thông tư này với các nội dung cụ thể như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này điều chỉnh các hành vi vi phạm của
tổ chức và cá nhân trong các hoạt động thể dục thể thao.
2. Đối tượng điều chỉnh
a. Cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội
về thể dục thể thao và cơ quan đơn vị có tổ chức hoạt động thể dục thể thao từ
trung ương đến địa phương.
b. Cán bộ, huấn luyện viên, vận động viên, trọng
tài các môn thể thao và các cá nhân khác có hành vi làm sai lệch tính trung thực
của hoạt động thể dục thể thao.
c. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia hoạt
động thể dục thể thao tại Việt Nam và các tổ chức, cá nhân Việt Nam tham gia hoạt
động thể dục thể thao tại nước ngoài.
3. Khái niệm
Tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao là những
hành vi vi phạm của tổ chức hoặc cá nhân như: gian lận tuổi vận động viên, làm
sai lệch hồ sơ thi đấu, móc ngoặc, mua bán tỉ số làm sai lệch kết quả thi đấu
và các hành vi khác vì động cơ trục lợi, làm mất tính trung thực, cao thượng của
thể thao, gây dư luận xấu trong xã hội và ảnh hưởng đến sự phát triển của sự
nghiệp Thể dục thể thao Việt Nam.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Trách nhiệm của ngành Thể
dục thể thao
a. Ủy ban Thể dục thể thao thường xuyên giáo dục
chính trị tư tưởng, pháp luật cho cán bộ, vận động viên trong toàn Ngành nhằm
nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, trung thực, cao thượng, thực hiện
đúng pháp luật, không bị kẻ xấu lôi kéo vào các hành vi tiêu cực.
b. Ủy ban Thể dục thể thao phối hợp với Ủy ban
Olympic Quốc gia và các Liên đoàn, Hiệp hội thể thao Quốc gia nâng cao chất lượng
đào tạo đội ngũ trọng tài các môn thể thao; bảo đảm đội ngũ trọng tài được đào
tạo là những người trung thực, có phẩm chất đạo đức, nắm vững chuyên môn nghiệp
vụ, có trách nhiệm cao trong công tác điều hành các giải thi đấu.
c. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao
từ Trung ương đến địa phương, ban tổ chức các giải thi đấu có trách nhiệm cung
cấp các thông tin liên quan đến hành vi tiêu cực của cá nhân, tổ chức tham gia
hoạt động thể dục thể thao; những hành vi vi phạm các quy định, quy chế, điều lệ
thi đấu và đào tạo huấn luyện vận động viên cho cơ quan Công an để phối hợp điều
tra, phát hiện và xử lý kịp thời. Trưởng Ban tổ chức các giải thi đấu thể thao
phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong quá trình tổ chức thi đấu.
d. Các Liên đoàn, Hiệp hội Thể thao Quốc gia chịu
trách nhiệm về việc ban hành điều lệ thi đấu các môn thể thao, bảo đảm chặt chẽ,
hợp lý, khoa học và có các quy định cụ thể để ngăn chặn các hành vi tiêu cực có
thể xảy ra trong quá trình chuẩn bị và tổ chức thi đấu thể thao.
e. Ban huấn luyện các đội thể thao chịu trách
nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao và ban tổ chức các giải
thi đấu thể thao về hành vi tiêu cực của vận động viên do mình quản lý.
g. Thanh tra thể dục thể thao các cấp có trách
nhiệm tham gia giám sát các giải thi đấu đảm bảo công bằng và đúng luật; cử cán
bộ tham gia ban tổ chức các giải thi đấu để phát hiện và xử lý các hành vi tiêu
cực xảy ra trong quá trình thi đấu. Trường hợp đặc biệt, cần thông báo kịp thời
và có kế hoạch phối hợp với ngành Công an để điều tra và báo cáo cơ quan quản
lý nhà nước xử lý.
2. Trách nhiệm của ngành
Công an
a. Thường xuyên, chủ động phòng ngừa phát hiện
hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao chức năng, nhiệm vụ của từng
đơn vị để phối hợp xử lý kịp thời.
b. Tăng cường công tác nắm tình hình về các đối
tượng có các hành vi cá độ, mua bán, dàn sếp tỷ số làm sai lệch kết quả thi đấu,
có biện pháp phát hiện và ngăn chặn những hành vi tiêu cực trong các hoạt động
thể dục thể thao.
c. Tiến hành điều tra, xác minh các hành vi tiêu
cực của cá nhân, tổ chức có liên quan, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý
theo quy định của pháp luật. Cơ quan An ninh Điều tra các cấp có trách nhiệm điều
tra các hành vi tiêu cực của cá nhân, vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài
là người nước ngoài có hành vi tiêu cực trong các hoạt động thi đấu thể thao tại
Việt Nam.
d. Chủ động phối hợp với các cơ quan thể dục thể
thao cùng cấp trong việc thẩm tra hồ sơ theo quy định; kiểm tra, xác định việc
vận động viên sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể thao, xác minh các hành
vi tiêu cực khác trong hoạt động thể dục thể thao.
đ. Tham mưu cho cấp ủy Đảng và thủ trưởng các
đơn vị thuộc ngành Thể dục thể thao tăng cường công tác giáo dục chính trị tư
tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, vận động viên, huấn luyện viên, trọng
tài; đề xuất các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực trong hoạt
động thể dục thể thao, phối hợp với ngành Thể dục thể thao và các đơn vị liên
quan tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện các hành vi tiêu cực
trong các hoạt động thể dục thể thao; phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo
quy định của pháp luật.
e. Cử cán bộ tham gia ban tổ chức các giải thi đấu
có quy mô quốc gia, quốc tế được tổ chức tại Việt Nam và tham gia Đoàn Thể thao
Việt Nam thi đấu ở nước ngoài theo đề nghị của ngành Thể dục thể thao.
3. Trách nhiệm phối hợp
a. Cơ quan thông tin tuyên truyền của hai ngành
chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thường xuyên giới thiệu
gương người tốt, việc tốt trong các hoạt động thể dục thể thao và kịp thời phê
phán những hành vi tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao.
b. Ủy ban Thể dục thể thao phối hợp với Bộ Công
an điều tra xác minh và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong thi
đấu thể thao. tuyển chọn và huấn luyện vận động viên các môn thể thao.
c. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao ở
địa phương phối hợp với cơ quan Công An các cấp trong công tác phát hiện, xử lý
hành vi tiêu cực theo nguyên tắc đồng cấp, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi
cơ quan.
d. Người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về thể
dục thể thao của các địa phương, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội
khi tổ cứhc các hoạt động thể dục thể thao cần chủ động phối hợp với các cơ
quan chức năng trong việc thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý các hành vi
tiêu cực.
III. KHEN THƯỞNG - KỶ LUẬT
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác
phòng chống tiêu cực trong hoạt động thể dục thể thao được khen thưởng theo chế
độ hiện hành.
2. Tổ chức, cá nhân có hành vi thiếu trách nhiệm,
bao che cho tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động thể
dục thể thao, tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý hành chính hoặc bị truy cứu
trách nhiệm hinh sự, nếu gây thiệt hai thì phải bồi thường theo quy định của
pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thể dục thể thao và Công an các địa phương
có trách nhiệm thực hiện, kiểm tra đôn đốc các tổ chức cá nhân hoạt động trong
lĩnh vực thể dục thể thao thực hiện thông tư này.
2. Các cơ quan chức năng của Ủy ban Thể dục thể
thao và Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh
nghiệm việc thực hiện thông tư này và đề ra chương trình kế hoạch thực hiện tiếp
theo.
3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ
ngày đăng công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan đơn
vị phản ảnh kịp thời về Ủy ban Thể dục thể thao, Bộ Công an để nghiên cứu sửa đổi
cho phù hợp.
K/T BỘ TRƯỞNG -
CHỦ NHIỆM ỦY BAN TDTT
PHÓ CHỦ NHIỆM
Lương Quốc Dũng
|
K/T BỘ TRƯỞNG -
BỘ CÔNG AN
THỨ TRƯỞNG
Lê Thế Tiệm
|