Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 40/2022/TT-BTC giám định tư pháp lĩnh vực tài chính

Số hiệu: 40/2022/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Võ Thành Hưng
Ngày ban hành: 29/06/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

Bổ sung 02 lĩnh vực giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính

Ngày 29/6/2022 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 40/2022/TT-BTC quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Trong đó quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm:

- Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán.

- Giám định tư pháp về giá.

- Giám định tư pháp về chứng khoán.

- Giám định tư pháp về thuế.

- Giám định tư pháp về hải quan.

- Giám định tư pháp về tải sản công.

- Giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.

- Giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

So với Thông tư 138/2013/TT-BTC hiện hành Thông tư 40/2022/TT-BTC đã bổ sung 02 lĩnh vực giám định tư pháp là giám định tư pháp về tải sản công và giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.

Thông tư 40/2022/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/8/2022 và thay thế Thông tư 138/2013/TT-BTC .

 

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2022/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngày 10 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, gồm:

1. Tiêu chuẩn, hồ sơ, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp và việc cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính; công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính.

2. Áp dụng quy chuẩn chuyên môn, quy trình thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính; chuẩn bị, thực hiện giám định; thời hạn giám định tư pháp; kết luận giám định tư pháp; lập, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính và các nội dung khác liên quan đến giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

3. Điều kiện về cơ sở vật chất của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; lập công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính; việc tiếp nhận, thực hiện trưng cầu giám định tư pháp của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính.

2. Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính.

3. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

Điều 3. Lĩnh vực giám định tư pháp

Giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm:

1. Giám định tư pháp về kế toán, kiểm toán.

2. Giám định tư pháp về giá.

3. Giám định tư pháp về chứng khoán.

4. Giám định tư pháp về thuế.

5. Giám định tư pháp về hải quan.

6. Giám định tư pháp về tải sản công.

7. Giám định tư pháp về tài chính doanh nghiệp.

8. Giám định tư pháp về các lĩnh vực tài chính khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc lựa chọn, phân công người, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính

1. Việc lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải phù hợp với đối tượng, nội dung trưng cầu giám định, đáp ứng các quy định tại Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến giám định tư pháp.

2. Việc cử cán bộ, công chức là giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; việc phân công người của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định phải đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP, NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

Điều 5. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp, lựa chọn người giám định tư pháp theo vụ việc

1. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp được xem xét bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

2. Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giám định tư pháp được xem xét lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Trong trường hợp người không có trình độ đại học theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Giám định tư pháp nhưng có kiến thức chuyên môn sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Điều 6. Hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp

1. Hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp; khoản 4, khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp tại Bộ Tài chính được thực hiện như sau:

a) Hồ sơ bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại Bộ Tài chính:

- Văn bản đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp của đơn vị thuộc Bộ Tài chính nơi người được đề nghị bổ nhiệm đang công tác.

- Bản sao các văn bằng chứng minh được đào tạo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp; văn bản công nhận của cấp có thẩm quyền đối với văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền.

- Xác nhận thời gian hoạt động chuyên môn của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp có thời gian thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo tại đơn vị khác thuộc Bộ Tài chính hoặc tại các cơ quan, tổ chức khác (đơn vị khác) trước khi được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì thời gian hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp bao gồm thời gian thực tế làm việc tại đơn vị đề nghị và thời gian thực tế làm việc tại đơn vị khác.

- 02 ảnh chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất) của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

b) Hồ sơ miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại Bộ Tài chính:

- Văn bản đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp của đơn vị thuộc Bộ Tài chính quản lý giám định viên tư pháp hoặc đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp.

- Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp miễn nhiệm theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Điều 7. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp

1. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp, khoản 5, khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, khoản 10 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp và Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, việc bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại Bộ Tài chính và tại địa phương được thực hiện như sau:

a) Bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại Bộ Tài chính:

- Bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại Bộ Tài chính:

+ Trước ngày 31 tháng 10 hàng năm, đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư này gửi Vụ Tổ chức cán bộ.

+ Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp do đơn vị thuộc Bộ Tài chính đề xuất, trình Bộ xem xét, quyết định.

+ Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ cho giám định viên tư pháp. Trong trường hợp từ chối, giao Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản nêu rõ lý do gửi đơn vị đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp.

+ Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký công văn về danh sách giám định viên tư pháp gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp, đồng thời gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính để thực hiện đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

- Miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại Bộ Tài chính:

+ Trước ngày 31 tháng 10 hàng năm, đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Thông tư này gửi Vụ Tổ chức cán bộ.

+ Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp do đơn vị thuộc Bộ Tài chính đề xuất, trình Bộ xem xét, quyết định.

+ Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định miễn nhiệm và thu hồi thẻ giám định viên tư pháp. Trong trường hợp từ chối, giao Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản nêu rõ lý do gửi đơn vị đề nghị miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp.

+ Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký công văn điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp, đồng thời gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính để điều chỉnh danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

b) Bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại địa phương:

- Bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại địa phương:

Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Thông tư này, lập hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp, khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương và đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp.

- Miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại địa phương:

Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan lập hồ sơ theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương và điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp.

- Việc cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại địa phương được thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP và Thông tư số 11/2020/TT-BTP.

Điều 8. Cấp lại thẻ giám định viên tư pháp

1. Thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính được cấp lại trong trường hợp thẻ đã được cấp bị mất, bị hỏng (rách, bẩn, mờ) không thể sử dụng được hoặc có sự thay đổi thông tin đã được ghi trên thẻ.

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp lại thẻ giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài chính được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.

Điều 9. Trình tự, thủ tục công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc

1. Công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc tại Bộ Tài chính:

a) Trước ngày 31 tháng 10 hàng năm, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát, lựa chọn, lập danh sách người có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, lập hồ sơ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ Tổ chức cán bộ để trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định. Hồ sơ gồm:

- Văn bản đề nghị công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc của đơn vị thuộc Bộ Tài chính nơi người được đề nghị công nhận đang công tác.

- Danh sách đề nghị công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, gồm các thông tin sau: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nơi công tác; trình độ chuyên môn; lĩnh vực chuyên sâu được đào tạo, bồi dưỡng; kinh nghiệm hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo.

- Hồ sơ quy định tại gạch đầu dòng thứ hai, ba, bốn, năm điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư này.

b) Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc do đơn vị thuộc Bộ Tài chính đề xuất, trình Bộ xem xét, quyết định.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc. Trong trường hợp từ chối, giao Vụ Tổ chức cán bộ có văn bản nêu rõ lý do gửi đơn vị đề nghị công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc.

c) Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ký công văn về danh sách công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung, đồng thời gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính để đăng tải danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

Trường hợp có sự thay đổi thông tin liên quan đến người giám định tư pháp theo vụ việc đã công bố thì các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát, có văn bản gửi Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị điều chỉnh danh sách. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc và gửi Bộ Tư pháp để cập nhật danh sách chung, đồng thời gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính để cập nhật danh sách trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.

d) Hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc:

- Khi người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, trước ngày 31 tháng 10 hàng năm, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có văn bản gửi Vụ Tổ chức cán bộ để trình Bộ quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc.

- Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, điều chỉnh danh sách công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định và gửi Bộ Tư pháp để cập nhật danh sách chung, đồng thời gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính để cập nhật danh sách trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính.

2. Việc công nhận, hủy bỏ công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc tại địa phương được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

a) Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét công nhận người giám định theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương và đăng tải danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung.

b) Khi người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này, Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc và cập nhật danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để cập nhật danh sách chung.

Mục 2. QUY TRÌNH THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

Điều 10. Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp

1. Việc tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính đối với Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Bộ Tài chính được thực hiện như sau:

a) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi đến Bộ Tài chính hoặc gửi đến các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (trừ các Tổng cục và tương đương, các đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục và tương đương đóng tại địa phương): Trình tự, thủ tục tiếp nhận văn bản trưng cầu giám định được thực hiện như tiếp nhận văn bản do các cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Bộ Tài chính theo quy định tại Quy chế văn thư của Bộ Tài chính và Quy chế làm việc của Bộ Tài chính. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

- Văn phòng Bộ Tài chính thực hiện tiếp nhận văn bản trưng cầu và xử lý văn bản theo quy trình công văn đến để trình Lãnh đạo Bộ xác định cụ thể đơn vị chủ trì trình Bộ cử người thực hiện giám định tư pháp là Vụ Tổ chức cán bộ, đơn vị thuộc Bộ phối hợp xử lý và thời hạn xử lý.

- Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận bản sao hoặc bản điện tử theo phân công của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị thuộc Bộ được giao phối hợp có trách nhiệm lựa chọn, cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc gửi Vụ Tổ chức cán bộ để trình Bộ phê duyệt. Trường hợp từ chối cử người tham gia giám định, các đơn vị thuộc Bộ trực tiếp trình Bộ xem xét, phê duyệt chủ trương và giao đơn vị ký văn bản từ chối cử người tham gia giám định gửi tổ chức, cá nhân trưng cầu giám định (văn bản từ chối phải gửi Vụ Tổ chức cán bộ 01 bản để theo dõi).

- Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản cử người tham gia giám định tư pháp của đơn vị thuộc Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt. Việc ký quyết định cử người thực hiện giám định tư pháp thực hiện theo Quy chế làm việc của Bộ Tài chính và quy định về phân cấp quản lý công chức, viên chức tại các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính.

b) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi đến Tổng cục hoặc tương đương: Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trưng cầu giám định tư pháp, các đơn vị căn cứ nội dung trưng cầu giám định để lựa chọn và ký văn bản cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. Văn bản cử người phải gửi Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, phối hợp thực hiện.

c) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi đến các đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục (hoặc tương đương) đóng tại địa phương: Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trưng cầu giám định tư pháp, các đơn vị căn cứ nội dung trưng cầu giám định để lựa chọn và ký văn bản cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc. Văn bản cử người phải gửi Tổng cục (hoặc tương đương) và Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, phối hợp thực hiện khi có phát sinh.

d) Trường hợp người trưng cầu giám định tư pháp trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là cán bộ, công chức thuộc các đơn vị của Bộ Tài chính thì giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc báo cáo đơn vị trực tiếp quản lý để bố trí, tạo điều kiện thực hiện giám định; đơn vị trực tiếp quản lý có văn bản báo cáo Bộ Tài chính (Vụ Tổ chức cán bộ) để theo dõi, phối hợp thực hiện.

đ) Trường hợp từ chối giám định thì phải nêu rõ lý do theo quy định tại khoản 3 Điều 18, Điều 34 Luật Giám định tư pháp, khoản 7, khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp hoặc do nội dung yêu cầu giám định không thuộc lĩnh vực tài chính quy định tại Điều 3 Thông tư này, trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trưng cầu giám định, cơ quan, tổ chức được trưng cầu giám định hoặc giám định viên tư pháp, người giám định theo vụ việc phải có văn bản gửi tổ chức, cá nhân trưng cầu giám định tư pháp.

2. Việc tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính đối với Sở Tài chính được thực hiện như sau:

a) Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện việc tiếp nhận trưng cầu giám định theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Luật Giám định tư phápLuật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

b) Trường hợp từ chối giám định, giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc hoặc cơ quan, tổ chức được trưng cầu phải có văn bản gửi người trưng cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và nêu rõ lý do từ chối nhận trưng cầu giám định theo quy định.

Điều 11. Tiếp nhận đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan

1. Việc giao, nhận, mở niêm phong đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật liên quan (nếu có) phải lập thành biên bản giao, nhận, mở niêm phong (nếu có niêm phong) theo mẫu tại Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trường hợp giao, nhận trực tiếp thì phải được tiến hành tại trụ sở cơ quan của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, cán bộ, công chức được cử thực hiện giám định, hoặc trụ sở của người trưng cầu giám định.

3. Trường hợp đối tượng giám định có niêm phong được gửi qua đường bưu chính thì trước khi mở phải kiểm tra kỹ niêm phong. Trường hợp phát hiện niêm phong bị rách hoặc có dấu hiệu bị thay đổi, người được trưng cầu hoặc tổ chức được trưng cầu thực hiện giám định tư pháp có quyền từ chối nhận và ghi vào biên bản mở niêm phong.

4. Trường hợp việc trưng cầu giám định không kèm theo đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật liên quan nhưng hồ sơ thể hiện có đối tượng giám định, tài liệu, đồ vật có liên quan thì người thực hiện giám định có văn bản yêu cầu người trưng cầu giám định và các bên có liên quan bổ sung hoặc tạo điều kiện tiếp cận đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) để phục vụ thực hiện giám định.

Điều 12. Áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp

1. Quy chuẩn chuyên môn được áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính là các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán; tiêu chuẩn về thẩm định giá, phương pháp định giá và các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính.

2. Đối với lĩnh vực không có quy chuẩn thì việc giám định được căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực cần giám định.

3. Việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật và thực hiện theo nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Điều 13. Chuẩn bị giám định tư pháp

1. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản trưng cầu giám định tư pháp, cơ quan, đơn vị được trưng cầu giám định phải lựa chọn, cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc để thực hiện giám định tư pháp.

Trường hợp cần bổ nhiệm thêm giám định viên tư pháp, công nhận thêm người giám định tư pháp theo vụ việc, cơ quan, đơn vị được trưng cầu giám định lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 5 Thông tư này, phù hợp với nội dung yêu cầu giám định theo quyết định trưng cầu giám định, lập hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Thông tư này để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, công nhận theo quy định tại Điều 7, Điều 9 Thông tư này.

Trường hợp cử từ hai giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trở lên cùng tham gia giám định một nội dung yêu cầu giám định, cơ quan, đơn vị được trưng cầu giám định thành lập Tổ giám định tư pháp, trong đó quy định cụ thể người đầu mối.

2. Trường hợp trong cùng một văn bản yêu cầu giám định nhưng có nhiều nội dung giám định khác nhau và phải cử từ 02 người tham gia giám định các nội dung khác nhau thì tại quyết định cử người tham gia giám định phải nêu rõ nhiệm vụ của từng giám định viên, phân công cụ thể người đầu mối (nếu cần thiết).

3. Người thực hiện giám định phối hợp với người trưng cầu giám định để nhận bàn giao hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu (nếu người trưng cầu giám định chưa gửi kèm quyết định trưng cầu giám định).

4. Người thực hiện giám định nghiên cứu nội dung vụ việc nêu tại quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu để yêu cầu người trưng cầu giám định cung cấp bổ sung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu cần thiết còn thiếu phục vụ việc giám định theo nội dung yêu cầu giám định.

Điều 14. Trình tự thực hiện giám định tư pháp

1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính triển khai thực hiện giám định như sau:

a) Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung được trưng cầu giám định.

b) Thực hiện giám định.

c) Báo cáo kết quả hoặc đưa ra kết luận giám định theo hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư này.

d) Việc lập đề cương giám định tư pháp được thực hiện trong trường hợp cử từ hai giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc trở lên. Đề cương giám định tư pháp gồm các nội dung cơ bản sau:

- Xác định các quy chuẩn chuyên môn, quy định của pháp luật liên quan dự kiến được áp dụng khi thực hiện giám định theo hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư này.

- Danh sách người thực hiện giám định, người được phân công chủ trì thực hiện giám định, thông tin về năng lực của các cá nhân thực hiện giám định (nếu có).

- Thời gian dự kiến hoàn thành giám định.

- Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật để thực hiện giám định.

Trường hợp cần thiết, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định đề nghị với người trưng cầu giám định cho khảo sát đối tượng giám định để phục vụ công tác lập kế hoạch và thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Trường hợp có thay đổi người thực hiện giám định, cơ quan, đơn vị được trưng cầu giám định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu giám định biết.

3. Trong quá trình thực hiện, người thực hiện giám định phải lập văn bản ghi nhận quá trình và kết quả thực hiện giám định theo quy định tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư phápPhụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc khi thực hiện giám định tư pháp có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực phù hợp theo quy định tại Thông tư này thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định.

5. Việc phối hợp trong khi thực hiện công tác giám định tư pháp được thực hiện theo văn bản của cấp có thẩm quyền quy định về công tác phối hợp và trách nhiệm trong hoạt động trưng cầu giám định tư pháp.

Điều 15. Thời hạn giám định tư pháp

1. Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính tối đa không quá 03 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

2. Trường hợp vụ việc giám định có từ 02 nội dung giám định khác nhau trong lĩnh vực tài chính quy định tại Điều 3 Thông tư này trở lên hoặc có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc phụ thuộc vào kết quả giám định của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì thời hạn giám định tối đa không quá 04 tháng.

3. Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa được quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật cần thiết cho việc giám định.

Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.

5. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Điều 16. Kết luận giám định tư pháp

1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc chỉ kết luận giám định đối với nội dung yêu cầu giám định thuộc phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính quy định tại Điều 3 Thông tư này và theo quy chuẩn chuyên môn áp dụng cho việc giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính quy định tại Điều 12 Thông tư này.

2. Căn cứ kết quả thực hiện giám định tư pháp quy định tại khoản 3 Điều 14 Thông tư này, giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc đưa ra nhận xét, đánh giá, kết luận đối với từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể. Kết luận giám định thực hiện theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu trực tiếp giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, bản kết luận giám định phải có chữ ký và ghi rõ họ và tên của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc.

4. Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu tổ chức cử người giám định thì bản kết luận giám định phải có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ và tên của người giám định tư pháp và có xác nhận chữ ký của tổ chức cử người giám định theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể trong việc ký và xác nhận chữ ký do Bộ Tài chính, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cử người giám định như sau:

a) Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu Bộ Tài chính hoặc các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (trừ các Tổng cục và tương đương, các đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục và tương đương đóng tại địa phương) để cử người giám định thì bản kết luận giám định phải có chữ ký, ghi rõ họ và tên của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và giao Lãnh đạo đơn vị nơi người thực hiện giám định công tác thừa lệnh Bộ trưởng xác nhận chữ ký.

Trường hợp có nhiều người cùng được cử tham gia giám định là cán bộ, công chức thuộc nhiều đơn vị thuộc Bộ thì giao Vụ Tổ chức cán bộ thừa lệnh Bộ trưởng xác nhận chữ ký. Trường hợp nhiều người cùng được cử tham gia giám định, trong đó có cán bộ, công chức thuộc các Tổng cục, đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục (hoặc tương đương) đóng tại địa phương thì các đơn vị này phải có công văn gửi Vụ Tổ chức cán bộ để Vụ Tổ chức cán bộ có cơ sở xem xét, thừa lệnh Bộ trưởng xác nhận chữ ký.

b) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi Tổng cục và tương đương để cử người giám định thì bản kết luận giám định phải có chữ ký, ghi rõ họ và tên của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và có xác nhận chữ ký của Tổng cục và tương đương.

c) Trường hợp văn bản trưng cầu giám định tư pháp gửi các đơn vị cấp Cục thuộc Tổng cục (hoặc tương đương) đóng tại địa phương để cử người giám định thì bản kết luận giám định phải có chữ ký, ghi rõ họ và tên của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và có xác nhận chữ ký của Lãnh đạo đơn vị.

5. Trường hợp người trưng cầu giám định trưng cầu tổ chức thực hiện giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ và tên của người giám định, người đứng đầu tổ chức phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Điều 17. Hội đồng giám định

Việc thành lập Hội đồng giám định được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể về việc thành lập Hội đồng giám định tại cơ quan Bộ Tài chính như sau:

1. Trong trường hợp thành lập Hội đồng giám định theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp thì Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định phù hợp nội dung trưng cầu giám định, trong đó phải có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định thành lập Hội đồng giám định.

2. Thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của Hội đồng giám định thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp.

Điều 18. Lập hồ sơ giám định tư pháp

1. Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải lập hồ sơ giám định tư pháp theo đúng quy định. Hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính bao gồm các tài liệu sau:

a) Quyết định trưng cầu giám định, Quyết định trưng cầu giám định bổ sung (nếu có), Quyết định trưng cầu giám định lại (nếu có) và thông tin, tài liệu, đồ vật kèm theo (nếu có).

b) Văn bản cử cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp;

c) Biên bản giao, nhận hồ sơ, tài liệu, đồ vật (nếu có);

d) Đề cương giám định (nếu có);

đ) Hồ sơ, tài liệu, chứng từ liên quan đến việc sử dụng dịch vụ phục vụ việc giám định tư pháp (nếu có);

e) Văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định;

g) Quyết định thành lập Hội đồng giám định đối với trường hợp giám định lại lần thứ hai (nếu có);

h) Kết luận giám định, kết luận giám định bổ sung (nếu có), kết luận giám định lại (nếu có);

i) Tài liệu khác liên quan (nếu có).

2. Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp lập hồ sơ giám định tư pháp chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ được lập và phải xuất trình hồ sơ giám định tư pháp khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền giải quyết các vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng.

Điều 19. Lưu hồ sơ giám định tư pháp

Việc bảo quản, lưu giữ hồ sơ giám định tư pháp được thực hiện theo quy định tại khoản 19 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, người đầu mối của Tổ giám định tư pháp, Chủ tịch Hội đồng giám định lập hồ sơ giám định tư pháp là các cán bộ, công chức của Bộ Tài chính có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp do mình thực hiện; trường hợp chuyển công tác, nghỉ hưu, thôi việc thì phải bàn giao hồ sơ giám định tư pháp theo quy định tại Quy chế văn thư của Bộ Tài chính, Quy chế công tác lưu trữ của Bộ Tài chính, Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Việc lưu hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính tại Sở Tài chính được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Mục 3. VĂN PHÒNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP, TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH

Điều 20. Điều kiện về cơ sở vật chất của Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính

Văn phòng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính phải có đủ các điều kiện sau:

1. Có trụ sở riêng thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tối thiểu là 03 (ba) năm kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp.

2. Có phòng làm việc cho giám định viên tư pháp và nhân viên; có tủ hoặc kho hoặc khu vực riêng lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp.

Điều 21. Điều kiện đối với tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính

Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính phải có đủ điều kiện sau:

1. Đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 19 Luật Giám định tư pháp.

2. Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện chuyên môn tài chính để thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 22. Lập, công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính là tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, thẩm định giá và lĩnh vực tài chính khác đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 21 Thông tư này.

2. Việc lập, công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính tại Bộ Tài chính thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

a) Danh sách doanh nghiệp kiểm toán được lập, công bố theo quy định tại Thông tư số 203/2012/TT-BTC ngày 19 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính về trình tự, thủ tục cấp, quản lý, sử dụng chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, Thông tư số 183/2013/TT-BTC ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tài chính về kiểm toán độc lập đối với đơn vị có lợi ích công chúng; Danh sách doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán được lập, công bố theo quy định tại Thông tư số 297/2016/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính về cấp, quản lý và sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, căn cứ vào danh sách doanh nghiệp kiểm toán, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán độc lập đã được công bố, giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán thừa lệnh Bộ trưởng ký công văn gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào danh sách chung, đồng thời gửi Vụ Tổ chức cán bộ (để theo dõi).

b) Danh sách doanh nghiệp thẩm định giá được lập, công bố theo quy định tại Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá; Thông tư số 60/2021/TT-BTC ngày 21 tháng 7 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2014/TT-BTC ngày 28 tháng 3 năm 2014 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 89/2013/NĐ-CP ngày 06/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá.

Định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, căn cứ vào danh sách doanh nghiệp thẩm định giá, giao Cục Quản lý giá thừa lệnh Bộ trưởng ký công văn gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào danh sách chung, đồng thời gửi Vụ Tổ chức cán bộ (để theo dõi).

c) Đối với các lĩnh vực tài chính khác, định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Pháp chế rà soát, lập danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc lĩnh vực tài chính (nếu có) để trình Bộ xem xét, quyết định gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào danh sách chung, đồng thời gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và Vụ Tổ chức cán bộ (để theo dõi).

d) Trường hợp có sự thay đổi thông tin liên quan đến tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã công bố, giao các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có liên quan thừa lệnh Bộ trưởng thông báo cho Bộ Tư pháp, đồng thời gửi Vụ Tổ chức cán bộ (để theo dõi) và gửi Cục Tin học và Thống kê tài chính để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính (nếu thông tin chưa được đăng tải).

3. Việc lập, công bố danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính tại địa phương thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:

a) Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp lập danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để biết và gửi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

b) Trường hợp có sự thay đổi thông tin liên quan đến tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã công bố thì Sở Tài chính phối hợp với Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh danh sách và thông báo cho Bộ Tư pháp để biết và gửi đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 23. Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính đối với Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Việc trưng cầu giám định tư pháp của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng (sau đây gọi là người trưng cầu giám định) đối với Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được thực hiện bằng văn bản theo quy định tại khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

2. Khi nhận được văn bản trưng cầu của người trưng cầu giám định tư pháp, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có trách nhiệm tiếp nhận và tổ chức thực hiện giám định theo nội dung được trưng cầu, trừ trường hợp từ chối theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Giám định tư pháp, khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

3. Trường hợp từ chối giám định, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải có văn bản gửi người trưng cầu giám định trong thời hạn được quy định tại khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và nêu rõ lý do từ chối nhận trưng cầu giám định.

Điều 24. Thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính đối với Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

1. Việc thực hiện tiếp nhận đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan, áp dụng quy chuẩn chuyên môn, tổ chức triển khai thực hiện giám định được thực hiện theo quy định tại Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 14 Thông tư này.

Trường hợp giao, nhận trực tiếp đối tượng giám định và tài liệu, đồ vật có liên quan thì phải được tiến hành tại trụ sở Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc hoặc trụ sở của người trưng cầu giám định. Trường hợp có thay đổi người thực hiện giám định, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu giám định biết. Trong quá trình thực hiện phải lập văn bản ghi nhận quá trình và kết quả thực hiện giám định theo quy định tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư phápPhụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Thời hạn giám định tư pháp, Kết luận giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính, lập, bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp được thực hiện theo quy định tại Điều 15, Điều 16, Điều 18, Điều 19 Thông tư này.

Kết luận giám định do Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính thực hiện phải có chữ ký của người thực hiện giám định, đồng thời người đứng đầu tổ chức phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định. Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp lập hồ sơ giám định tư pháp chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ được lập và phải xuất trình hồ sơ giám định tư pháp khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật tố tụng. Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính có trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do mình thực hiện theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN

Điều 25. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính

1. Trách nhiệm của đơn vị có giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được giao thực hiện giám định tư pháp:

a) Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức đơn vị thực hiện giám định;

b) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và các nội dung theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

c) Căn cứ quy định về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, rà soát, đề xuất với Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính theo quy định tại Điều 7, Điều 9 Thông tư này.

d) Rà soát, lựa chọn tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện công nhận là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định tại Điều 22 Thông tư này.

đ) Căn cứ điều kiện cụ thể của tổ chức, đơn vị, người đứng đầu tổ chức, đơn vị ban hành quy trình tiếp nhận, cử giám định viên tư pháp bảo đảm thực hiện đúng quy trình của pháp luật về giám định tư pháp và quy định tại Thông tư này.

e) Yêu cầu cán bộ, công chức đơn vị thực hiện giám định bàn giao hồ sơ, lưu trữ hồ sơ giám định trong trường hợp chuyển công tác ra khỏi đơn vị, nghỉ hưu, thôi việc theo quy định.

g) Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Thông tư này.

2. Trách nhiệm của Vụ Tổ chức cán bộ:

a) Thực hiện trách nhiệm liên quan đến việc tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện bổ nhiệm, cấp thẻ, miễn nhiệm, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; công nhận, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, thành lập Hội đồng giám định theo quy định tại Thông tư này.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ có liên quan căn cứ nội dung trưng cầu giám định tư pháp để trình Bộ cử giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định tại Thông tư này.

c) Hằng năm, trên cơ sở đề xuất khen thưởng của các đơn vị có liên quan, phối hợp với Vụ Thi đua khen thưởng kịp thời khen thưởng người giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp.

d) Thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định tại Thông tư này.

3. Trách nhiệm của Vụ Pháp chế:

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính theo phân công, chỉ đạo của Bộ.

b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn thực hiện, tuyên truyền phổ biến pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính.

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp lý cần thiết cho đội ngũ giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, cán bộ chuyên môn làm công tác giám định trong lĩnh vực tài chính.

d) Chủ trì thực hiện sơ kết, tổng kết, đánh giá về tình hình thực hiện công tác giám định tư pháp.

Điều 26. Trách nhiệm của Sở Tài chính

Sở Tài chính chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực tài chính ở địa phương; phối hợp với Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương theo quy định tại điểm b khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và quy định tại Thông tư này.

Điều 27. Trách nhiệm của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài chính

1. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được trưng cầu giám định tư pháp khi thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 11, khoản 3 Điều 18, Điều 23, Điều 28 Luật Giám định tư pháp, khoản 7, khoản 13, khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Điều 18 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

2. Thực hiện đúng các quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính theo quy định tại Thông tư này.

3. Tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2022 và thay thế Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp.

2. Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, Tổ giám định tư pháp, Hội đồng giám định đang thực hiện giám định tư pháp theo quyết định trưng cầu giám định tư pháp của người trưng cầu giám định trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 138/2013/TT-BTC và các văn bản khác có liên quan.

Điều 29. Tổ chức thực hiện

1. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cá nhân, tổ chức phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Hội Thẩm định giá Việt Nam; các doanh nghiệp thẩm định giá;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, PC ( ).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

PHỤ LỤC I

(Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2022/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

……………(1)……………
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……(2)……, ngày …… tháng …… năm 20…

GIẤY XÁC NHẬN THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN CỦA NGƯỜI ĐƯỢC ĐỀ NGHỊ BỔ NHIỆM GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP

Kính gửi: ……………(3)……………

……………(1)…………… xác nhận thời gian hoạt động chuyên môn của người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp dưới đây, như sau:

- Ông/bà: ……………………………………………………………………………………………

- Ngày, tháng, năm sinh: ………………………………………………………………………….

- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu số: …………………………………..

- Ngày cấp: ………………………… Nơi cấp: ……………………………………………………

- Đơn vị công tác: …………………………(4)……………………………………………………

- Trình độ chuyên môn: …………………………(5)……………………………………………..

- Thời gian hoạt động chuyên môn: ... năm ... tháng (bao gồm thời gian làm việc tại ... (4) ... và thời gian … năm … tháng làm việc tại đơn vị khác (6) ... (nếu có).

……………(7)……………

____________________

(1) Tên đơn vị xác nhận.

(2) Địa danh tỉnh, thành phố, nơi đặt trụ sở đơn vị xác nhận.

(3) Ghi đơn vị tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp.

(4) Tên đơn vị (phòng, ban - nếu có), nơi người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp làm việc.

(5) Ghi trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo.

(6) Ghi thời gian làm việc tại đơn vị khác thuộc Bộ Tài chính hoặc cơ quan khác ngoài Bộ Tài chính.

(7) Thủ trưởng đơn vị ký tên, đóng dấu.

PHỤ LỤC II

(Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2022/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN

Giao, nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật
(1)

Hôm nay, hồi...giờ.... ngày .... tháng ... năm .... tại ……………(2)……………

Chúng tôi gồm:

1. Người trưng cầu giám định hoặc đại diện cơ quan trưng cầu giám định (bên giao):

- Ông (bà) ………………………… chức vụ ……………………………………………………

- Ông (bà) ………………………… chức vụ ……………………………………………………

2. Đại diện …………………………(3)………………………… (bên nhận):

- Ông (bà) ………………………… chức vụ ……………………………………………………

- Ông (bà) ………………………… chức vụ ……………………………………………………

3. Người chứng kiến (nếu có):

- Ông (bà) …………………………; đơn vị công tác, chức vụ hoặc số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu ....

- Ông (bà) …………………………; đơn vị công tác, chức vụ hoặc số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu

Tiến hành giao, nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật thuộc Quyết định trưng cầu giám định số ……………(4)…………… Bên giao đã giao và bên nhận đã nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, gồm:

a) Hồ sơ, tài liệu …………………………(5)……………………………………………………

b) Mẫu vật: …………………………(5)……………………………………………………..……

c) ………………………………………(5)…………………………………………………………

Biên bản này đã được đọc lại cho những người có tên nêu trên nghe, đồng ý nội dung và ký xác nhận dưới đây. Biên bản được lập thành 02 (hai) bản, mỗi bên giữ 01 (một) bản, có giá trị như nhau.

Việc giao, nhận hoàn thành hồi ………giờ ……… ngày ……/……/……

NGƯỜI TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH
(Ký, ghi rõ họ và tên)

ĐẠI DIỆN
……………(3)……………
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

(1) Được sử dụng trong trường hợp nhận bàn giao trực tiếp.

(2) Địa điểm tiến hành giao nhận.

(3) Tên cơ quan, đơn vị hoặc người giám định nhận bàn giao.

(4) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định trưng cầu giám định; loại quyết định (trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu, lần thứ hai); Tên cơ quan trưng cầu giám định tư pháp/Họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp.

(5) Ghi cụ thể từng loại hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật giao, nhận (tên, loại, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, trích yếu nội dung thông tin và tình trạng của hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, tính phù hợp của thông tin, tài liệu hồ sơ theo quy định của pháp luật về văn thư,..). Đối với mẫu vật, cần ghi rõ tình trạng mẫu vật, hình thức được bảo quản.

PHỤ LỤC III

(Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2022/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

BIÊN BẢN

Mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (1)

Hôm nay, hồi ... giờ... ngày ... tháng ... năm ... tại ……………(2)……………

Chúng tôi gồm:

1. Đại diện đơn vị nhận, mở niêm phong (3):

- Ông (bà) …………… chức vụ, đơn vị công tác ………………………………………………

- Ông (bà) …………… chức vụ, đơn vị công tác ………………………………………………

2. Người chứng kiến (nếu có):

- Ông (bà) …………………………; đơn vị công tác, chức vụ hoặc số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu ....

- Ông (bà) …………………………; đơn vị công tác, chức vụ hoặc số căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ chiếu

Tiến hành mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật, như sau:

1. Tình trạng bưu kiện hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật: …………… …………………………(4)……………………………………………………………………………

2. Hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nhận được sau khi mở niêm phong, gồm:

a) Hồ sơ, tài liệu …………………………(5) ………………………………………………………

b) Mẫu vật: …………………………(5) ……….……………………………………………………

c) ………………………………………(5)……………………………………………………………

Biên bản này đã được đọc lại cho những người có tên nêu trên nghe, đồng ý nội dung và ký xác nhận dưới đây. Biên bản được lập thành 02 (hai) bản, mỗi bên giữ 01 (một) bản, có giá trị như nhau.

Việc mở niêm phong hoàn thành hồi …… giờ …… ngày ……/……/……

NGƯỜI LÀM CHỨNG
(Ký, ghi rõ họ và tên)

ĐẠI DIỆN (3)……………
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

(1) Sử dụng trong trường hợp nhận được hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật gửi qua đường bưu điện.

(2) Địa điểm tiến hành mở niêm phong.

(3) Tên cơ quan, đơn vị hoặc người giám định mở niêm phong.

(4) Ghi rõ số bưu phẩm, bưu kiện, ngày, tháng, năm gửi; tên, địa chỉ người gửi; tên, địa chỉ người nhận trên bưu phẩm, bưu kiện; tình trạng bên ngoài của bưu phẩm, bưu kiện khi nhận được (nguyên vẹn, rách, móp, vỡ, ẩm, ướt,... (nếu có)).

(5) Ghi cụ thể từng loại hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật nhận được khi mở niêm phong (tên, loại, số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, trích yếu nội dung thông tin và tình trạng của tài liệu, đối tượng giám định, tính phù hợp của thông tin, tài liệu hồ sơ theo quy định của pháp luật về văn thư…). Đối với mẫu vật, cần ghi rõ tình trạng mẫu vật, hình thức được bảo quản.

PHỤ LỤC IV

(Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2022/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

VĂN BẢN

Ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp

Tôi/Chúng tôi gồm:

- ………………………………………(1) được bổ nhiệm giám định viên tư pháp/công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc theo Quyết định số .... ngày ... tháng .... năm ... của ....; số thẻ giám định viên tư pháp: ……………

- ………………………………………(1) được bổ nhiệm giám định viên tư pháp/công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc theo Quyết định số .... ngày.... tháng .... năm ... của ....; số thẻ giám định viên tư pháp: ……………

- ………………………………………

Thực hiện ……………(2) ……………, tôi/chúng tôi đã tiến hành giám định và quá trình thực hiện giám định như sau:

1. Quá trình thực hiện giám định tư pháp đối với nội dung yêu cầu giám định thứ nhất (3):

- Người thực hiện: …………………………(4)……………………………………………………

- Thời gian, địa điểm: …………………………(5).……………………………………………….

- Nội dung công việc đã thực hiện: ……………(6)………………………………………………

- Phương pháp thực hiện; phương tiện, máy móc, thiết bị, dịch vụ đã sử dụng: ………………………………………(7)……………………………………………………………..

- Kết quả thực hiện giám định: …………………………(8)………………………………………

2. Quá trình thực hiện giám định tư pháp đối với nội dung yêu cầu giám định thứ hai (3):

- Người thực hiện: …………………………(4).……………………………………………………

- Thời gian, địa điểm: …………………………(5)…………………………………………………

- Nội dung công việc đã thực hiện: …………………………(6) …………………………………

- Phương pháp thực hiện; phương tiện, máy móc, thiết bị, dịch vụ đã sử dụng: ………………………………………(7)………………………………………………………………

- Kết quả thực hiện giám định: …………………………(8).………………………………………

3. Quá trình thực hiện giám định tư pháp đối với nội dung yêu cầu giám định thứ ... (3):

- Người thực hiện: …………………………(4)………………………………………………………

- Thời gian, địa điểm: …………………………(5)……………………………………………………

- Nội dung công việc đã thực hiện: ……………(6).…………………………………………………

- Phương pháp thực hiện; phương tiện, máy móc, thiết bị, dịch vụ đã sử dụng: ………………………………………(7)…………………………………………………………………

- Kết quả thực hiện giám định: ……………(8)………………………………………………………

……(9)…, ngày.... tháng.... năm....
NGƯỜI LẬP VĂN BẢN BÁO CÁO (10)
(Ký, ghi rõ họ và tên)

___________________

(1) Tên giám định viên tư pháp/người giám định tư pháp theo vụ việc.

(2) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định trưng cầu giám định; loại quyết định (trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu, lần thứ hai); Tên cơ quan trưng cầu giám định tư pháp/Họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp.

(3) Căn cứ nội dung yêu cầu giám định ghi tại quyết định trưng cầu giám định.

(4) Ghi người giám định tư pháp trực tiếp thực hiện giám định tư pháp đối với nội dung yêu cầu giám định. Trường hợp có từ 02 người giám định tư pháp trở lên, ghi đầy đủ thông tin của từng người giám định tư pháp.

(5) Ghi cụ thể theo thứ tự thời gian (ngày, tháng, năm) và địa điểm thực hiện giám định đối với nội dung yêu cầu giám định được trưng cầu.

(6) Ghi rõ các công việc đã thực hiện theo diễn biến thời gian và địa điểm nêu tại điểm (5).

(7) Ghi rõ phương pháp đã thực hiện; các phương tiện, máy móc, thiết bị, dịch vụ đã sử dụng trong quá trình giám định.

(8) Ghi rõ kết quả đã thực hiện theo diễn biến thời gian và địa điểm nêu tại điểm (5).

(9) Địa điểm nơi người giám định lập văn bản ghi nhận quá trình giám định.

(10) Trường hợp có từ 2 giám định viên trở lên, thì tất cả giám định viên đều phải ký và ghi rõ họ, tên.

PHỤ LỤC V

(Ban hành kèm theo Thông tư số 40/2022/TT-BTC ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

……(1)……
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH

Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngày 10 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp; Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;

Căn cứ Thông tư số 40/2022/TT-BTC ngày 29/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính;

Căn cứ ...; (2)

Căn cứ Quyết định trưng cầu giám định số ... ngày ... tháng ... năm ... của …; (3)

Căn cứ Quyết định số ... ngày ... tháng ... năm ... của... về việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp/công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc; (4)

Căn cứ Văn bản ... ngày ... tháng ... năm .... của ... về việc giao thực hiện giám định tư pháp; (5)

Căn cứ Quyết định số... ngày .... tháng ... năm ... của ...(6) về việc thành lập Hội đồng giám định/cử giám định viên tư pháp/người giám định tư pháp theo vụ việc;

Căn cứ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật do ...(7)... cung cấp (Biên bản giao nhận/mở niêm phong số... ngày... tháng ... năm...);

Hội đồng giám định/Tổ giám định tư pháp/giám định viên tư pháp/người giám định tư pháp theo vụ việc đã tiến hành giám định và kết luận như sau:

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định:

2. Họ và tên thành viên Hội đồng giám định/người giám định tư pháp gồm:

- Ông/bà: ……(8)……………………………………………………………………………………

3. Tên tổ chức, người trưng cầu giám định, số văn bản trưng cầu giám định (9)

4. Thông tin xác định đối tượng giám định: (10)

5. Thời gian nhận văn bản trưng cầu:

a) Thời gian tiếp nhận trưng cầu giám định (11)

b) Thời gian nhận bàn giao/mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (12)

6. Nội dung yêu cầu giám định (13)

7. Phương pháp thực hiện giám định (14)

8. Thời gian, địa điểm giám định (15)

9. Mẫu so sánh (nếu có)

II. KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH

1. Nội dung yêu cầu giám định thứ nhất

a) Cơ sở pháp lý (16)

b) Thực trạng thông tin từ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật (17)

c) Nhận xét, đánh giá (18)

d) Kết luận (19)

đ) Ý kiến khác (nếu có)

e) Tài liệu kèm theo kết luận giám định (nếu có)

2. Nội dung yêu cầu giám định thứ hai

a) Cơ sở pháp lý

b) Thực trạng thông tin từ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật

c) Nhận xét, đánh giá

d) Kết luận

đ) Ý kiến khác (nếu có)

e) Tài liệu kèm theo kết luận giám định (nếu có)

3. Nội dung yêu cầu giám định thứ...

……

III. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM HOÀN THÀNH VIỆC GIÁM ĐỊNH

- Thời gian giám định: từ ngày …… đến ngày ……

- Địa điểm hoàn thành giám định:

- Kết luận giám định này gồm ... trang, được làm thành ... bản có giá trị như nhau và được gửi cho:

+ Người trưng cầu giám định tư pháp: ... bản;

+ Lưu hồ sơ giám định: .... bản.

CHỮ KÝ CỦA NGƯỜI GIÁM ĐỊNH (20)
(Ký, ghi rõ họ và tên)

XÁC NHẬN CỦA .... (21)

....(21).... xác nhận những chữ ký nêu trên là chữ ký của người được (21) cử thực hiện giám định tư pháp/thành viên Hội đồng giám định.

(Ký tên, đóng dấu)


Nơi nhận:
- ………(9);
- …………;
- Lưu: VT, Hồ sơ GĐTP (...b);

___________________

(1) Tên cơ quan tiếp nhận trưng cầu (nếu trưng cầu trực tiếp cá nhân thì không phải ghi mục này).

(2) Ghi rõ quy chuẩn chuyên môn được áp dụng để thực hiện giám định.

(3) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định trưng cầu giám định; loại quyết định (trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu, lần thứ hai); Tên cơ quan trưng cầu giám định tư pháp/Họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp.

(4) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp/công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc.

(5) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định cử người thực hiện giám định tư pháp.

(6) Ghi rõ: số, ngày, tháng, năm của Quyết định của cấp có thẩm quyền về thành lập Hội đồng giám định/cử giám định viên tư pháp/người giám định tư pháp theo vụ việc.

(7) Ghi rõ cơ quan, tổ chức trưng cầu giám định tư pháp; trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp thì ghi rõ họ tên, chức vụ.

(8) Ghi tên thành viên Hội đồng giám định/người giám định tư pháp, số thẻ giám định viên tư pháp (nếu có).

(9) Ghi rõ cơ quan, tổ chức trưng cầu giám định tư pháp; trường hợp người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp thì ghi rõ họ tên, chức vụ; số văn bản trưng cầu giám định, trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại lần đầu, lần thứ hai.

(10) Ghi rõ các thông tin về đối tượng giám định như nêu trong quyết định trưng cầu giám định.

(11) Ghi cụ thể thời gian nhận được quyết định trưng cầu giám định.

(12) Ghi cụ thể thời gian theo các Biên bản nhận bàn giao/mở niêm phong hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật.

(13) Ghi theo yêu cầu tại quyết định trưng cầu giám định.

(14) Ghi cụ thể các phương pháp sử dụng/áp dụng trong quá trình thực hiện giám định.

(15) Ghi ngắn gọn theo văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định tư pháp.

(16) Ghi đầy đủ tên, số, ngày tháng năm của các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung, phạm vi điều chỉnh liên quan đến nội dung yêu cầu giám định.

(17) Ghi đầy đủ thông tin, số liệu vụ việc của nội dung yêu cầu giám định từ kết quả nghiên cứu hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật.

(18) Căn cứ nội dung yêu cầu giám định, kết quả nghiên cứu, đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật đã được cung cấp với quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để đưa ra nhận xét, đánh giá nội dung yêu cầu giám định.

(19) Kết luận cụ thể nội dung yêu cầu giám định theo cơ sở pháp lý.

(20) Ký, ghi rõ họ tên của từng giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc/từng thành viên hội đồng giám định.

(21) Cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 16 Thông tư này xác nhận chữ ký của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc.

VIETNAM MINISTRY OF FINANCE
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 40/2022/TT-BTC

Hanoi, June 29, 2022

 

CIRCULAR

PRESCRIBING JUDICIAL EXPERTISE IN THE FINANCIAL SECTOR

Pursuant to the Law on Judicial Expertise dated June 20, 2012; the Law on Amendments and Supplements to certain Articles of the Law on Judicial Expertise dated June 10, 2020;

Pursuant to the Government’s Decree No. 85/2013/ND-CP dated July 29, 2013, elaborating on a number of articles and measures for implementation of the Law on Judicial Expertise; the Government’s Decree No. 157/2020/NĐ-CP dated December 21, 2020, amending and supplementing a number of articles of the Government’s Decree No. 85/2013/ND-CP dated July 29, 2013, elaborating on a number of articles and measures for implementation of the Law on Judicial Expertise;

Pursuant to the Government's Decree No. 87/2017/NĐ-CP dated July 26, 2017, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

Upon the request of the Director of the Department of Legal Affairs,

The Minister of Finance herein promulgates the Circular on judicial expertise in the financial sector.

Chapter I

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 1. Scope

This Circular sets out regulations regarding judicial expertise in the financial sector, including:

1. Standards, documentation requirements, procedures and processes for appointment and resignation of judicial experts; issuance and revocation of financial-sector judicial expert’s cards; recognition, termination of recognition and posting of the list of financial-sector subject matter experts.

2. Application of professional standards and procedures for rendering of financial-sector judicial expertise; preparation for and rendering of judicial expertise; time limit for rendering of judicial expertise; preparation and retention of financial-sector judicial expert dossiers and other matters related to judicial expertise in the financial sector.

3. Conditions pertaining to physical facilities of judicial expertise offices, financial-sector subject-matter expert bodies; compiling and publishing the list of financial-sector subject-matter expert bodies; receiving and soliciting expert opinions from judicial expertise offices or financial-sector subject-matter expert bodies.

Article 2. Subjects of application

1. Public expert officers and financial-sector subject matter judicial experts.

2. Public expert officers and financial-sector subject matter experts.

3. Other authorities, units, entities and persons involved in judicial expert services in the financial sector.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Financial-sector judicial expert services shall comprise:

1. Judicial expert services in the accounting and audit subsector.

2. Judicial expert services in the price subsector.

3. Judicial expert services in the securities subsector.

4. Judicial expert services in the taxation subsector.

5. Judicial expert services in the customs subsector.

6. Judicial expert services in the public property subsector.

7. Judicial expert services in the corporate finance subsector.

8. Judicial expert services in other financial subsectors

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Designating public expert officers, subject-matter judicial experts, expert offices, subject-matter expert bodies to render judicial expert services must adhere to the principles that the designated ones must be relevant to subjects and objects of judicial expertise to be solicited; the designation process must conform to the regulations laid down in the Law on Judicial Expertise and the instructions specified in law related to judicial expertise.  

2. Assigning public officials or employees as public expert officers, subject-matter judicial experts; assigning staff members of judicial expertise offices and subject-matter expert bodies to render judicial expertise services must adhere to the principles that the assigned ones must have appropriate jurisdiction; the assignment process must follow permissible regulatory processes and procedures. 

Chapter II

SPECIFIC PROVISIONS

Section 1. PUBLIC EXPERT OFFICERS AND FINANCIAL-SECTOR SUBJECT- MATTER JUDICIAL EXPERTS

Article 5. Standards for appointment as public expert officers or designation as subject-matter judicial experts

1. Vietnamese nationals permanently residing in Vietnam who meet the standards specified in clause 1 of Article 7 in the Law on Judicial Expertise and are not classified as those bound by clause 2 of Article 7 in the Law on Judicial Expertise may be appointed as public expert officers in the financial sector.

2. Vietnamese nationals permanently residing in Vietnam who fully meet the standards stipulated in clause 1 of Article 18 in the Law on Judicial Expertise may be designated as subject-matter judicial experts.

If those who do not hold undergraduate degrees as required in clause 1 of Article 18 in the Law on Judicial Expertise have acquired specialized knowledge and a lot of practical experience in the target sectors, they may be designated as subject-matter judicial experts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Dossiers of appointment, issuance of cards, termination of employment and revocation or withdrawal of the financial-sector public expert officer’s cards shall be subject to Article 8 in the Law on Judicial Expertise; clause 4 and 6 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise and the Circular No. 11/2020/TT-BTP dated December 31, 2020 of the Ministry of Justice, regulating specimens of cards, procedures and processes for issuance of new public expert officer’s cards or reissuance of public expert officer’s cards.

2. Notwithstanding clause 1 of this Article, dossiers of appointment, issuance of public expert officer’s cards, termination of employment and revocation or withdrawal of public expert officer’s cards shall conform to the following regulations:

a) Dossier of appointment and issuance of cards of financial-sector public expert officers working at the Ministry of Finance.

- Written request for appointment as a public expert officer and issuance of a public expert officer’s card that is filed by a subordinate unit of the Ministry of Finance where the nominee for a public expert officer is working.

- Copies of qualifications proving that the nominee has graduated from a training course as provided in point b of clause 1 of Article 7 in the Law on Judicial Expertise; competent authorities’ letters of recognition of qualifications issued by foreign educational institutions. 

- Curriculum vitae attested by the competent authority.

- Written confirmation of the on-duty period of the nominee for public expert officer that is given according to Appendix I hereto.

If the nominee for public expert officer has actually worked in the sector in which he/she has been trained at another subordinate unit of the Ministry of Finance or at another agency or organization (unit) before being proposed for a public expert officer, the period during which he/she has worked in the sector in which he/she has been trained must include the actual period during which he/she works at the proposing unit and the actual period during which he/she works at another unit.

- 02 portrait photo, size 2cm x 3cm (taken for the latest six months) of the nominee for public expert officer.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Written request for termination of employment, revocation or withdrawal of the card of the judicial expert officer working for the subordinate unit of the Ministry of Finance, management of the public expert officer or application for termination of employment of the public expert officer.

- Written documents or papers proving that the public expert officer falls into one of the cases in which he/she is discharged from his/her office as provided in clause 6 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise.

Article 7. Processes and procedures for appointment as public expert officers, issuance of the judicial expert officer’s cards, termination of employment and revocation or withdrawal of judicial expert officer’s cards 

1. Processes and procedures for appointment to and issuance of cards of financial-sector public expert officers shall be subject to Article 9 in the Law on Judicial Expertise; clause 5 and 6 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise; clause 10 of Article 1 in the Government's Decree No. 157/2020/NĐ-CP dated December 31, 2020 on amendments and supplements to several Articles of the Government’s Decree No. 85/2013/NĐ-CP dated July 29, 2013, elaborating and prescribing measures for implementation of the Law on Judicial Expertise; and the Circular No. 11/2020/TT-BTP dated December 31, 2020 of the Ministry of Justice, regulating specimens of cards, procedures and processes for issuance of new judicial expert officer’s cards or reissuance of judicial expert officer’s cards.

2. Notwithstanding clause 1 of this Article, procedures and processes for appointment to, issuance of cards, termination of employment and revocation or withdrawal of cards of public expert officers shall be as follows:

a) Regarding appointment as, issuance, termination of employment, revocation or withdrawal of cards of financial-sector public expert officers working at the Ministry of Finance:

- Concerning appointment as and issuance of the card of a financial-sector public expert officer working at the Ministry of Finance:

+ By October 31 each year, the subordinate unit of the Ministry of Finance is responsible for preparing the request dossier for appointment as and issuance of the card of a public expert officer in accordance with point a of clause 2 of Article 6 herein for submission to the Department of Organization and Personnel.

+ The Department of Organization and Personnel is responsible for receiving and checking validity of the request dossier for appointment as and issuance of the card of the public expert officer upon the recommendation from the subordinate unit of the Ministry of Finance’s recommendation, and then submitting the inspected dossier to the Ministry of Finance to seek its decision..

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



+ The Department of Organization and Personnel is responsible for requesting the Minister of Finance to sign the written document regarding the list of public expert officers for submission to the Ministry of Justice to request it to compile the comprehensive list of public expert officers for submission to the Department of Financial Computing and Statistics for it to be published on the website of the Ministry of Finance.

- Termination of employment, revocation or withdrawal of the card of the financial-sector public expert officer working at the Ministry of Finance:

+ By October 31 each year, the subordinate unit of the Ministry of Finance is responsible for preparing the request dossier for termination of employment and revocation or withdrawal of the card of the public expert officer in accordance with point b of clause 2 of Article 6 herein for submission to the Department of Organization and Personnel.

+ The Department of Organization and Personnel is responsible for receiving and checking the validity of the request dossier for termination of employment and revocation or withdrawal of the card of the public expert officer upon the recommendation from the subordinate unit of the Ministry of Finance, and then submitting the inspected dossier to the Ministry of Finance to seek its decision.

+ Within 10 days of receipt of the valid dossier, the Minister of Finance decides on termination of employment and revocation or withdrawal of the card of the public expert officer. In case of rejection, the Minister can mandate the Department of Organization and Personnel to issue the written notification clearly stating reasons for such rejection to the subordinate unit requesting termination of employment and revocation or withdrawal of the card of the public expert officer.

+ The Department of Organization and Personnel is responsible for petitioning the Minister of Finance to sign the written document regarding adjustment to the list of public expert officers for submission to the Ministry of Justice to seek its approval of any adjustment to the comprehensive list of public expert officers, and concurrently submitting the adjusted list to the Department of Financial Computing and Statistics for it to be updated on the website of the Ministry of Finance.

b) Regarding appointment as, issuance, termination of employment, revocation or withdrawal of cards of financial-sector public expert officers working at local areas:

- Appointment as the financial-sector public expert officer at a local area:

The Department of Finance cooperates with the Department of Justice on designating the person meeting the standards specified in Article 5 of this Circular; preparing documents stated in Article 8 of the Law on Judicial Expertise, clause 4 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise for submission to the President of the provincial People’s Committee for his/her approval of appointment as the financial-sector public expert officer under the local management; publishing the list of public expert officers on the website of the provincial People’s Committee and concurrently sending it to the Ministry of Finance for compilation of the comprehensive list of public expert officers.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The Department of Finance cooperates with the Department of Justice and other relevant agencies or units on preparing the dossier specified in clause 6 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise for submission to the President of the provincial People’s Committee for his/her approval of termination of employment of the financial-sector public expert officer under the local management, and adjusting the list of public expert officers on the website of the provincial People’s Committee and concurrently sending it to the Ministry of Justice in order for it to adjust the comprehensive list of public expert officers.

- Issuance and revocation or withdrawal of financial-sector public expert officers in local areas shall be subject to the regulations laid down in clause 10 of Article 1 in the Decree No. 157/2020/NĐ-CP and the Circular No. 11/2020/TT-BTP.

Article 8. Reissuance of public expert officer’s cards

1. A new card of the financial-sector public expert officer shall be reissued if the previous card is lost, damaged (e.g. torn, dirty, blurry) totally or there is any change in information shown on the card.

2. Documentation requirements, procedures and processes for reissuance of cards of financial-sector public expert officers shall be subject to Article 8 of the Circular No. 11/2020/TT-BTP dated December 31, 2020 of the Minister of Justice, prescribing specimens of cards, procedures and processes for issuance or reissuance of new cards of public expert officers.

Article 9. Procedures and documentation requirements for recognition and revocation of recognition, publication of the list of subject-matter judicial experts

1. Recognition and revocation or withdrawal of recognition, publication of the list of subject-matter judicial experts working for the Ministry of Finance:

a) By October 31 each year, the subordinate unit of the Ministry of Finance is responsible for reviewing, selecting and compiling the list of persons meeting the standards specified in clause 2 of Article 5 herein, and preparing the dossier of recognition as a subject-matter public expert for submission to the Minister of Finance to seek its decision. The aforesaid dossier shall include the followings:

- Written request for recognition as a subject-matter judicial expert working for the subordinate unit of the Ministry of Finance where the person recommended for recognition is working.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- Those indicated at the second, third, fourth and fifth bullet mark prescribed in point a of clause 2 of Article 6 herein.

b) The Department of Organization and Personnel is responsible for receiving and checking the validity of the request dossier for recognition as the subject-matter judicial expert upon the recommendation from the subordinate unit of the Ministry of Finance, and then submitting it to the Ministry to seek its decision.

Within 20 days after receipt of the valid dossier, the Minister of Finance decides on recognition as the subject-matter judicial expert. In case of rejection, the Minister can mandate the Department of Organization and Personnel to issue the written notification clearly stating reasons for such rejection to the subordinate unit requesting recognition as the subject-matter judicial expert.

c) The Department of Organization and Personnel is responsible for petitioning the Minister of Finance to sign the written document regarding the list of recognized subject-matter judicial experts for submission to the Ministry of Justice in order for it to compile the comprehensive list, and concurrently submitting it the Department of Financial Computing and Statistics to have it published on the website of the Ministry of Finance.

Where there is any change in information related to any subject-matter judicial expert that has been made known to the public, the subordinate unit of the Ministry of Finance is responsible for reviewing such information and sending the written document on request for adjustments to the list to the Department of Organization and Personnel. Upon the recommendation from the subordinate unit of the Ministry of Finance, the Department of Organization and Personnel is responsible for petitioning the Minister of Finance to decide the adjustment to the list of subject-matter judicial experts and sending the Ministry of Finance the comprehensive list, and concurrently submitting the updated list to the Department of Financial Computing and Statistics in order for it to be post on the website of the Ministry of Finance.

d) Revocation of recognition as the subject-matter judicial expert:

- When the subject-matter judicial expert no longer meets the standards specified in clause 2 of Article 5 herein, by October 31 each year, the subordinate unit of the Ministry of Finance reports in writing to the Department of Organization and Personnel so that the Department seeks the approval decision on revocation of recognition as the subject-matter judicial expert from the Minister.

- The Department of Organization and Personnel compiles and adjusts the list of recognized subject-matter judicial experts; sends the completely adjusted list to the Minister of Finance to seek his decision, and also to the Ministry of Justice to prepare the comprehensive list which is then sent to the Department of Financial Computing and Statistics in order for it to be posted on the website of the Ministry of Finance.

2. Recognition and revocation of recognition or publication of the list of subject-matter judicial experts in local areas shall be subject to regulations of the provincial People's Committees. This Circular shall provide the following specific instructions:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) When the subject-matter judicial experts no longer meets the standards prescribed in clause 2 of Article 5 herein, the provincial Department of Finance can cooperate with the provincial Department of Justice on seeking the decision on approval of revocation of recognition as the subject-matter judicial expert and publication of the list of subject-matter judicial experts on the website of the provincial People's Committee from the President, as well as sending the list to the Ministry of Justice as an update to the comprehensive list.

Section 2. STEPS IN RENDERING JUDICIAL EXPERTISE SERVICES IN THE FINANCIAL SECTOR

Article 10. Receiving the request for judicial expertise

1. The process for receiving the request for financial-sector judicial expertise rendered by the Ministry of Finance, subordinate units of the Ministry of Finance, judicial expert officers or subject-matter judicial experts of the Ministry of Finance shall be carried out as follows:

a) When a request for judicial expertise is addressed to the Ministry of Finance or to subordinate units of the Ministry of Finance (except General Departments and equivalents, Department-level units of General Departments and equivalents located in local areas): Procedures and documentation requirements for receipt of the written request for judicial expertise shall be carried out in the same manner as those for receipt of written documents sent by agencies, entities or persons to the Ministry of Finance under the Regulations on management of documents and records of the Ministry of Finance and the Regulations on working regime of the Ministry of Finance. This Circular shall provide the following specific instructions:

- The Office of the Ministry of Finance receives the written request for judicial expertise and handle it according to the procedures for handling of incoming documents to ask the Ministry’s management to designate the Department of Organization and Personnel as the unit in charge of seeking the Ministry’s consent to assigning its staff to render judicial expertise, and the Ministry’s subordinate as the unit cooperating on handling of the request for judicial expertise, and determine the handling time limit.     

- Within 03 working days after receiving the copy or the electronic copy under the delegated authority of the Ministry’s management, the Ministry’s subordinate assigned as the cooperating unit shall nominate and recommend the public expert officer or the subject-matter judicial expert to the Department of Organization and Personnel in order for the Department to seek the Ministry's approval. In case of rejecting to second its staff to join the judicial expertise, the Ministry’s subordinate unit must directly ask the Ministry to make the approval decision on the intention of rejection and seek the Ministry’s consent to assigning the unit signing off on the written document stating rejection of secondment of persons participating in judicial expertise to send such decision to the entity or person soliciting judicial expertise (a copy of the written rejection document must be sent to the Department of Organization and Personnel for the supervision purpose).     

- Within 02 working days after receiving the written document stating approval for seconding staff to join the judicial expertise from the Ministry's subordinate unit, the Department of Organization and Personnel compiles the final list to be submitted to the Ministry’s management to seek approval. Signing off on the decision to second staff to perform the task of rendering judicial expertise shall be subject to the Regulations on working regime of the Ministry of Finance and regulatory provisions on decentralization of authority over public employees and officials at its indirect or direct subordinate units of the Ministry of Finance. 

b) Where the written request for judicial expertise is sent to the General Department or equivalent: Within 05 working days of receipt of the written request for judicial expertise, involved units shall consult the subjects of judicial expertise to select and sign off on the written document stating secondment of the public expert officer or the subject-matter judicial expert. The written document stating secondment of the public expert officer or the subject-matter judicial expert must be sent to the Ministry of Finance (Department of Organization and Personnel) for monitoring and cooperating purposes.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Where the person soliciting legal expertise directly requests the public expert officer or the subject-matter judicial expert who is a public official or employee under the subordinate unit of the Ministry of Finance, the public expert officer or the subject-matter judicial expert must report directly to the immediate superior to make necessary arrangements to facilitate the rendering of judicial expertise; then the immediate superior must submit the written report to the Ministry of Finance (Department of Organization and Personnel) for monitoring and cooperating purposes.

dd) If the legal expertise is rejected due to clear reasons as stated in clause 3 of Article 18 or Article 34 in the Law on Judicial Expertise; clause 7 and 14 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise; or due to the situation where it is not classified as one of types of legal expertise specified in Article 3 herein, within 05 working days of receipt of the written request for judicial expertise, the agency or entity solicited for their expert witnesses or the public expert officer or the subject-matter judicial expert must send the written document to the entity or person requesting judicial expertise.

2. The steps in receiving the request for judicial expertise in the financial sector by the provincial Department of Finance shall be taken as follows:

a) The provincial Department of Finance cooperates with the provincial Department of Justice and other associated entities or agencies on receiving the request for judicial expertise according to the regulations of the provincial People's Committee, the Law on Judicial Expertise and the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise.

b) In case of rejection of the request, the public expert officer or the subject-matter judicial expert or the agency or entity solicited for judicial expertise must send the written document to the person soliciting the judicial expertise as per the Law on Judicial Expertise; the Law on Amendments or Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise; in which clear reasons for rejection permitted by regulations must be stated.

Article 11. Receiving objects of judicial expertise, related documents and articles

1. Delivering, receiving and unsealing objects of judicial expertise, related documents or articles (if any) must be recorded by using the report form of delivery, receipt or unsealing (if applicable) given in Appendix II and III hereto.

2. In case of direct delivery and receipt thereof, such activities must be carried out at the office of the employer of the public expert officer or the subject-matter judicial expert, public official or employee assigned to render judicial expertise, or at the office of the person soliciting the judicial expertise.

3. Where the object of judicial expertise carrying the security seal is sent by post, the status of security seal must be carefully checked before removal of such security seal.  If it is discovered that the security seal is torn or there is any sign of tampering with the security seal, the person solicited for judicial expertise or the entity solicited to render judicial expertise may refuse to receive and record the object in the report form of removal of security seal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 12. Applying professional regulations for the legal expertise process

1. Professional regulations to be applied in judicial expertise activities in the financial sector must be accounting and auditing norms; standards pertaining to valuation, method of valuation and other norms or standards prescribed in legal normative documents in the financial sector.

2. As for the sectors or subsectors in which there is none of the professional regulations, the judicial expertise can occur based on legal normative documents on the sectors or subsectors that need the judicial expertise.

3. The judicial expertise in the financial sector must be based on legal normative documents and adhere to the principles of application of legal normative documents stipulated in the Law on Promulgation of Legal Normative Documents.

Article 13. Preparing for judicial expertise

1. Within 05 working days of receipt of the written request for judicial expertise, the agency or unit solicited for judicial expertise must designate or second the public expert officer or the subject-matter judicial expert.

If there is any need for more public expert officers or subject-matter judicial experts, the agency or unit solicited for judicial expertise can designate the person who meets the standards specified in Article 5 herein, is relevant to the requirements of judicial expertise according to the decision on solicitation of judicial expertise; must prepare the complete dossier prescribed in Article 6 herein for submission to the competent authority to decide appointment and recognition under Article 7 and 9 herein.

In case where at least two judicial expert officers or subject-matter judicial experts jointly render a type of the judicial expertise, the agency or unit solicited for the judicial expertise must set up the Expert Team in which the person in charge is identified.

2. Where, in the same written request for judicial expertise, there are different requirements of judicial expertise and at least two participants in the judicial expertise are involved in judicial expertise on different matters, the decision to second staff to participate in the judicial expertise must clarify duties of specific judicial expert officers or assign the person in charge (where required).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 14. Steps in rendering judicial expertise

1. A public expert officer and subject-matter judicial expert in the financial sector must take the following steps:

a) Collecting information and documents related to the questions of judicial expertise.

b) Rendering judicial expertise.

c) Preparing the performance report or giving expert testimonies according to the instructions given in Article 16 herein.

d) Preparing the plan for judicial expertise to be carried out in the case of seconding at least two public expert officers or subject-matter judicial experts. The judicial expertise plan must contain the followings:

- Determining professional regulations or related regulatory provisions proposed to be applied in case of rendering judicial expertise according to the instructions given in Article 12 herein.

- List of persons rendering judicial expertise, persons assigned to be in charge of rendering judicial expertise, information about competencies of persons rendering judicial expertise (if any).

- Anticipated time of completion of the judicial expertise.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Where necessary, the person or entity rendering the judicial expertise requests the person soliciting the judicial expertise to allow the survey on the object of judicial expertise to serve the purposes of formulating the judicial expertise plan and carrying out that plan, unless otherwise prescribed in law.

2. Where there is any substitute for the person rendering the judicial expertise, the agency or unit solicited for the judicial expertise shall be responsible for notifying the person soliciting the judicial expertise in writing.

3. During the judicial expertise process, the person rendering the judicial expertise is required to prepare the written document used for recording the process and results of the judicial expertise according clause 17 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Article of the Law on Judicial Expertise and Appendix IV hereto.

4. During the period of carrying out the judicial expertise, the judicial expert officer or the subject-matter judicial expert may use results or expert testimonies obtained from the additional experimentation or test carried out by other persons or entities fully meeting qualification and competency requirements specified in this Circular to serve the purpose of rendering the judicial expertise.  

5. Cooperation required during the period of rendering of the judicial expertise shall be subject to the written document of the competent authority that prescribes the cooperating tasks and responsibilities arising from the process of solicitation of the judicial expertise.

Article 15. Time limits for rendering of the judicial expertise

1. The maximum time limit for rendering of the judicial expertise in the financial sector must be 03 months, unless otherwise prescribed in clause 2 and 3 of this Article.

2. Where a subject matter of the judicial expertise involves at least 02 different questions arising in the financial sector as provided in Article 3 herein; is complicated; comprises a lot of work to dealt with; involves a lot of agencies, entities or persons; or depends on the results of judicial expertise rendered by other agencies, entities and persons, the maximum time limit for judicial expertise must be 04 months.

3. The time limit for judicial expertise may be extended under the decision of the agency soliciting the judicial expertise provided that the extension is not half more than the maximum time limit specified in clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In the course of carrying out the judicial expertise, where the additional dossier or document is needed as a basis for rendering of the judicial expertise, the person or entity solicited for the judicial expertise issues the written request for the additional dossier or documents to the person soliciting the judicial expertise. The period from the day on which the person or entity solicited for the judicial expertise makes the written request to the day on which the additional dossier or document is received shall not be included in the period of rendering of the judicial expertise.

5. Where there is any issue that arises or any proof that the judicial expertise fails to be completed within the time limit, the person or entity rendering the judicial expertise must send the timely notification clearly stating reasons to the person soliciting the judicial expertise and must propose the deadline for completing the judicial expertise and giving expert testimonies.

Article 16. Expert testimonies

1. The public expert officer or the subject-matter judicial expert shall only give an expert testimony about the questions to be found out in the judicial expertise within the scope of judicial expertise in the financial sector as provided in Article 3 hereof and according to the professional regulations to be applied to the judicial expertise in the financial sector as provided in Article 12 herein.

2. Based on findings of the judicial expertise prescribed in clause 3 of Article 14 herein, the public expert officer or the subject-matter judicial expert must give comments, remarks and conclusions about specific questions involved in the judicial expertise. The expert testimony shall be subject to Appendix V hereto.

3. Where the person soliciting the judicial expertise solicits the judicial expertise directly for the public expert officer or the subject-matter judicial expert, the expert testimony must bear the signature and specify full name of the public expert officer or the subject-matter judicial expert.

4. Where the person soliciting the judicial expertise solicits the entity seconding the person to render the judicial expertise, the expert testimony must fully bear the signature and full name of the judicial expert, and confirmation of signature of the entity seconding its staff to solicit the judicial expertise as per clause 18 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise. This Circular provides guidance on implementation of several specific regulations regarding signature and confirmation of signature issued by the Ministry of Finance or the subordinate units of the Ministry of Finance seconding their staff to render the judicial expertise as follows:

a) Where the person soliciting the judicial expertise solicits the Ministry of Finance or any of its subordinate unit (except the General Department and equivalent; department-level units of the General Department and the like that are located locally) to nominate their staff to render the judicial expertise, the expert testimony must bear the signature and full name of the public expert officer or the subject-matter judicial expert; the Ministry can assign the management of the unit where the person rendering the judicial expertise who is working acts by order of the Minister to give confirmation of the signature.

In the case where there are more than one staff member seconded to participate in the judicial expertise, if they are public officials or employees under the control of different subordinate units of the Ministry, the Ministry can assign the Department of Organization and Personnel to act by order of the Minister to confirm the signature. In the case where there are more than one staff member seconded to participate in the judicial expertise, if some of them are public officials or employees under the control of the General Department or department-level units of the General Department (or equivalent) that is located locally, these employer agencies must have the written document sent to the Department of Organization and Personnel as a prelude to the Department's considering or acting on the Minister's behalf to give confirmation of the signature.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Where the written request for the judicial expertise is sent to department-level units of the General Department (or the equivalent) located locally to nominate the judicial expert, the expert testimony must bear the signature and full name of the public expert officer or the subject-matter judicial expert and the confirmation of the signature given by the management of these units.

5. In the case where the person soliciting the judicial expertise solicits an entity to render the judicial expertise, in addition to the signature and full name of the judicial expert, the entity’s head must sign and affix a seal on the expert testimony; and the entity solicited for the judicial expertise must bear responsibility for the expert testimony as per clause 18 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several articles of the Law on Judicial Expertise.

Article 17. Expert council

Setting up the expert council shall be subject to Article 30 in the law on Judicial Expertise. This Circular shall provide the following specific instructions regarding establishment of the intramural expert council of the Ministry of Finance as follows:

1. When establishing the expert council in accordance with Article 30 in the Law on Judicial Expertise, the Department of Organization and Personnel shall take charge of and cooperate with the relevant units directly controlled by the Ministry in selecting the expert person or entity conforming to the questions to be solved in the judicial expertise, and must be composed of at least 03 members who are highly qualified and prestigious in the sectors requiring the judicial expertise, and seeking the Ministry of Finance's decision on approval of establishment of the expert council.

2. Composition, membership and operating regime of the Expert Council shall be subject to the regulations of Article 30 in the Law on Judicial Expertise.

Article 18. Preparing judicial expert dossiers

1. Persons and entities rendering judicial expertise in the financial sector must prepare judicial expert dossiers in accordance with regulations. Each dossier on the judicial expertise in the financial sector must comprise the following documents:

a) Decision on solicitation of the judicial expertise; decision on solicitation of the complementary judicial expertise (if any); decision on solicitation of the recurring judicial expertise (if any); information, documents or objects enclosed herewith (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Report on delivery and receipt of the dossier, documents or objects (if any);

d) Judicial expertise proposal (if any);

dd) Documents, records or evidence related to use of services intended for the judicial expertise (if any);

e) Written record of the judicial expertise process;

g) Decision on establishment of the expert council in case of the recurring judicial expertise that may be needed;

h) Expert testimony, complementary expert testimony (if any), recurring expert testimony (if any);

i) Other relevant documents (if any).

2. When preparing judicial expertise dossiers, persons and entities carrying out judicial expertise shall be responsible for ensuring the accuracy of the completed dossier and must present their judicial expertise dossiers upon request of prosecuting agencies or persons having jurisdiction to handle cases in accordance with law on legal procedures.

Article 19. Retaining judicial expert dossiers

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. If public expert officers, subject-matter judicial experts, focal points of expert councils, and chairpersons of expert councils completing judicial expert dossiers are staff members of the Ministry of Finance, they are responsible for preserving and retaining dossiers of judicial expertise rendered by themselves; In case of job transfer, retirement or resignation, they must hand over judicial expert dossiers according to the regulatory provisions of the Ministry of Finance's Regulations on clerical work, the Regulations on archival work of the Ministry of Finance, and the Regulations on protection of State secrets of the Ministry of Finance and other relevant legal normative documents.

2. Retention of financial-sector judicial expert dossiers shall be subject to regulations of the People’s Committees of provinces.

Section 3. FINANCIAL-SECTOR EXPERT OFFICES, FINANCIAL-SECTOR SUBJECT-MATTER EXPERT BODIES

Article 20. Conditions concerning physical infrastructure of financial-sector expert offices

Each financial-sector expert office must be fully equipped with:

1. a separate office that it has owned and used for at least 03 (three) years from the day on which the President of the provincial-level People's Committee issues the decision to approve its establishment.

2. Working spaces or rooms intended for public expert officers and staff members; cabinets or warehouses or areas intended only for retention of judicial expert dossiers.

Article 21. Conditions for financial-sector subject-matter expert bodies

Each financial-sector subject-matter expert body must fully satisfy:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Preparing and publishing the list of financial-sector subject-matter expert bodies at the Ministry of Finance shall be subject to the regulations laid down in clause 10 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to the Law on Judicial Expertise. This Circular shall provide the following specific instructions:

a) List of auditing firms shall be made and announced according to the regulatory provisions of Circular No. 203/2012/TT-BTC dated November 19, 2012 of the Ministry of Finance on the application procedures and documentation requirements for granting, managing and using the certificate of conformance to audit service business regulations; the Circular No. 183/2013/TT-BTC dated December 4, 2013 of the Ministry of Finance on independent audit of public-interest entities; List of accounting service providers shall be made and announced according to the regulatory provisions of the Circular No. 297/2016/TT-BTC dated November 15, 2016 of the Ministry of Finance on granting, managing and using certificates of conformance to accounting service business regulations.

By November 30 each year, based on the publicly available list of auditing firms and independent accounting service providers, the Department of Accounting and Auditing Regulations shall act by order of the Minister of Finance to sign on an official dispatch about these lists to the Ministry of Justice for its integrating them into the comprehensive list which is then sent to the Department of Organization and Personnel (for monitoring purposes).

b) List of valuation enterprises shall be made and announced according to the regulatory provisions of the Circular No. 38/2014/TT-BTC dated March 28, 2014 of the Ministry of Finance, guiding a number of articles of the Government’s Decree No. 89/2013/ND -CP dated August 6, 2013, elaborating on the implementation of a number of articles of the Law on Prices regarding valuation; the Circular No. 60/2021/TT-BTC dated July 21, 2021, amending and supplementing a number of articles of the Circular No. 38/2014/TT-BTC dated March 28, 2014, providing guidance on implementation of a number of articles of the Government’s Decree No. 89/2013/ND-CP dated August 6, 2013, elaborating on the implementation of a number of articles of the Law on Prices regarding valuation.

By November 30 each year, based on the publicly available list of valuation firms, the Department of Price Management shall act by order of the Minister of Finance to sign on an official dispatch about these lists to the Ministry of Justice for its integrating them into the comprehensive list which is then sent to the Department of Organization and Personnel (for monitoring purposes).

c) For other financial subsectors, by November 30 each year, units under the Ministry of Finance shall take charge of, and cooperate with the Department of Organization and Personnel, and the Legal Department in, reviewing and making a list of financial-sector subject-matter expert bodies (if any) for submission to the Ministry for consideration and decision, and then sending it to the Ministry of Justice for its being integrated into a comprehensive list, and at the same time sending it to the Department of Financial Informatics and Statistics for posting on the web portal of the Ministry of Finance and Department of Organization and Personnel (for monitoring purposes).

d) Where there is any change in information related to subject-matter expert bodies that have already been announced, units under the Ministry of Finance shall be authorized to act by order of the Minister to inform the Ministry of Justice of such change; issue written notification of such change to the Department of Organization and Personnel (for monitoring purposes); and notify such change to the Department of Financial Informatics and Statistics in order for it to be published on the web portal of the Ministry of Finance (if information about such change has not been published yet).

3. Preparing and publishing the list of financial-sector subject-matter expert bodies at local areas shall be subject to the regulations laid down in clause 10 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to the Law on Judicial Expertise and regulations of provincial People’s Committees. This Circular shall provide the following specific instructions:

a) The provincial Department of Finance cooperates with the provincial Department of Justice on the list of financial-sector subject-matter expert bodies under local jurisdiction for submission to the President of the provincial People’s Committee to seek his/her approval decision, as well as sends it to the Ministry of Justice for information purposes and for it to be published on the web portal of the provincial People’s Committee.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 23. Receiving requests for financial-sector judicial expertise by expert offices and subject-matter expert bodies

1. The act of requesting financial-sector expert offices and subject-matter expert bodies to render the judicial expertise by prosecuting agencies or persons (hereinafter referred to as requesters) shall be performed in writing according to clause 15 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several articles of the Law on Judicial Expertise.

2. When receiving the written request for judicial expertise from the requester, judicial expert offices and subject-matter expert bodies shall be responsible for receiving and undertaking the rendering of the judicial expertise according to the questions to be answered in the judicial expertise, except in case of refusal under clause 2 of Article 34 in the Law on Judicial Expertise and clause 14 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise.

3. In case of refusal to render the judicial expertise, the judicial expert office or subject-matter expert body shall be responsible for sending written notification of such refusal to the requester within the period specified in clause 14 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise, which clearly states the reasons for such refusal.

Article 24. Rendering financial-sector judicial expertise by expert offices and subject-matter expert bodies

1. Receiving objects of the judicial expertise, related documents and articles; applying professional standards; implementing the judicial expertise shall be subject to Article 11, 12, 13 and 14 herein.

In case of direct delivery and receipt thereof, such activities must be carried out at the offices of the expert offices, the subject-matter expert bodies, or the offices of the requesters for judicial expertise. Where there is any substitute for the person rendering the judicial expertise, judicial expert offices or subject-matter expert bodies shall be responsible for notifying the requesters for the judicial expertise in writing. During the judicial expertise process, the written document used for recording the process and results of the judicial expertise according to clause 17 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several Articles of the Law on Judicial Expertise and Appendix IV hereto must be made.

2. Judicial expertise duration, expert testimonies in the financial sector, preparation, preservation and storage of expert dossiers shall be subject to Article 15, 16, 18 and 19 herein.

Conclusion of the judicial expertise rendered by the financial-sector expert office or the financial-sector subject-matter expert body must bear the signature of the person rendering the judicial expertise. Meanwhile, the head thereof must append the signature and affix the seal to the expert testimony and bear accountability for expert conclusion.    Persons or entities rendering judicial expertise that create the judicial expert dossiers must be responsible for the accuracy of the submitted dossiers and must present these dossiers as requested by prosecuting agencies or persons in accordance with legal procedures law. Financial-sector judicial expert offices and subject-matter expert bodies shall be responsible for retaining and preserving dossiers on the judicial expertise rendered by themselves in accordance with law on archives.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



RESPONSIBILITIES OF ENTITIES AND PERSONS CONCERNED

Article 25. Responsibilities of units under the Ministry of Finance

1. Responsibilities of units whose public expert officers or subject-matter judicial experts are assigned to render judicial expertise:

a) Enable their in-charge personnel to render judicial expertise;

b) Carry out the communication, reporting regime and other activities under law on judicial expertise.

c) According to regulations regarding standards and conditions for appointment and dismissal of public expert officers; recognition and de-recognition of subject-matter judicial experts, make personnel assessment and consult with the Department of Organization and Personnel before preparing reports for submission to the Minister of Finance to seek his approval decision on appointment or dismissal of public expert officers, recognition or de-recognition of subject-matter judicial experts in the financial sector as per Article 7 and 9 herein.

d) Assess and select bodies meeting standards and conditions for recognition as subject-matter expert bodies as provided in Article 22 herein.

dd) Based on specific conditions of employing entities, heads of employing entities shall issue procedures for receiving and seconding public expert officers in compliance with the regulatory procedures concerning judicial expertise and regulations of this Circular.

e) Request staff members of units rendering judicial expertise to hand over dossiers and retain judicial expert dossiers if they are moved out of these units, retired or resign in accordance with regulations in force.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Responsibilities of the Department of Organization and Personnel:

a) Assume responsibilities for counseling and assisting the Minister of Finance in appointing, issuing cards to, dismissing or revoking cards of public expert officers; recognizing, de-recognizing subject-matter judicial experts, and setting up the expert council prescribed in this Circular.

b) Take charge of and cooperate with units under the Ministry appropriate for the questions of judicial expertise on requesting the Ministry to second public expert officers or subject-matter judicial experts in accordance with this Circular.

c) Each year, based on proposals for rewards of relevant units, cooperate with the Department of Emulation and Rewarding on offering rewards to judicial experts with outstanding performance during the period of rendering of the judicial expertise.

d) Perform other assigned duties stipulated in this Circular.

3. Responsibilities of the Department of Legal Affairs:

a) Take charge of and cooperate with Ministry-controlled units on drafting legal normative documents regarding judicial expertise in the financial sector according to the Ministry's assigned duties and instructions.

b) Take charge of and cooperate with relevant units on providing guidance on and promulgating law on judicial expertise in the financial sector.

c) Take charge of and cooperate with units on organizing training sessions on judicial expertise  and legal knowledge sharing sessions necessary for public expert officers, subject-matter judicial experts and professionals rendering judicial expertise in the financial sector.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 26. Responsibilities of Departments of Finance

Departments of Finance shall be accountable to provincial People’s Committees for organizing and rendering judicial expertise in the financial sector in local areas; shall cooperate with Departments of Justice on assisting provincial People's Committees in state management of judicial expertise in local areas under point b of clause 25 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several articles of the Law on Judicial Expertise and regulations laid down herein.

Article 27. Responsibilities of public expert officers, subject-matter judicial experts, expert offices, subject-matter expert bodies in the financial sector

1. When carrying out the judicial expertise in the financial sector, public expert officers, subject-matter judicial experts, expert offices, subject-matter expert bodies solicited for their rendering of judicial expertise shall be responsible for complying with Article 11; clause 3 of Article 18, 23 and 28 in the Law on Judicial Expertise; clause 7, 13 and 14 of Article 1 in the Law on Amendments and Supplements to several articles of the Law on Judicial Expertise; Article 18 in the Government’s Decree No. 85/2013/NĐ-CP dated July 29, 2013, regarding detailed regulations and measures for implementation of the Law on Judicial Expertise and written documents prescribing details for implementation thereof. 

2. Comply with regulations on judicial expertise in the financial sector as per this Circular.

3. Attend training classes on judicial expertise and legal knowledge.

Chapter IV

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 28. Entry into force

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Public expert officers, subject-matter judicial experts, judicial expert groups, expert councils that are rendering judicial expertise according to decisions to solicit judicial expertise of requesters for judicial expertise before the entry into force of this Circular shall be subject to the Circular No. 138/2013/TT-BTC and other relevant documents.

Article 29. Implementation

1. The Director of the Department of Legal Affairs, the Director of the Department of Organization and Personnel and Heads of units under the Ministry of Finance shall be responsible for implementing this Circular.

2. In case the legislative documents used as references in this Circular are amended, supplemented or replaced with other legal normative documents, updated versions shall apply.

3. Ministries, Ministry-level agencies, provincial People’s Committees and other relevant persons and entities shall be responsible for implementing this Circular. In the course of implementation of this Circular, if there is any issue that arises, involved entities and persons should promptly inform the Ministry of Finance of such issue for its review and decision on any necessary amendment or supplement./.

 

 

PP. MINISTER
DEPUTY MINISTER




Vo Thanh Hung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 40/2022/TT-BTC ngày 29/06/2022 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


15.835

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.79.107
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!