BỘ
NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------
|
Số:
5165/TB-BNN-VP
|
Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2008
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA BỘ TRƯỞNG CAO ĐỨC PHÁT TẠI CUỘC HỌP BAN
CHỦ NHIỆM CHƯƠNG TRÌNH MTQG NƯỚC SẠCH VÀ VSMTNT
Ngày 21 tháng 8 năm 2008, Ban Chủ
nhiệm Chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) đã tổ
chức cuộc họp thường kỳ nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình 6 tháng
năm 2008, bàn những giải pháp thúc đẩy hoàn thành kế hoạch 2008, chuẩn bị kế hoạch
2009. Các thành viên Ban Chủ nhiệm, Văn phòng Thường trực Chương trình, Văn
phòng Quan hệ đối tác cấp nước và VSMTNT, Trung tâm Quốc gia nước sạch và
VSMTNT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và đại diện các nhà tài trợ
DANIDA, AusAid đã tham dự. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn –
Trưởng Ban Chủ nhiệm Chương trình chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Văn phòng Thường trực
Chương trình MTQG nước sạch và VSMTNT đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện
năm 2007, tình hình thực hiện 6 tháng đầu năm 2008, định hướng kế hoạch năm
2009; Văn phòng Quan hệ đối tác cấp nước và VSMTNT trình bày báo cáo kết quả thực
hiện quan hệ đối tác cấp nước và VSMTNT. Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các
đại biểu, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã kết luận:
I. KẾT QUẢ THỰC
HIỆN 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2008
1. Ưu điểm:
- Công tác tổ chức của Ban Chủ
nhiệm, của Ban chỉ đạo ở các tỉnh tiếp tục được tăng cường một bước. Sự phối hợp
của các bộ, ngành trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có tiến bộ.
Trong 6 tháng đã ban hành được 4 văn bản mới giúp cơ sở tháo gỡ nhiều khó khăn
trong quá trình thực hiện.
- Công tác theo dõi đánh giá của
các thành viên trong Ban Chủ nhiệm sát sao hơn, nhất là Bộ Y tế, Bộ giáo dục
& Đào tạo.
- Các bộ, ngành và địa phương đã
chủ động triển khai thực hiện kế hoạch ngay từ đầu năm; nhiều địa phương đã làm
tốt hoạt động lồng ghép, huy động sự tham gia đóng góp của người dân nhất là trong
vệ sinh hộ gia đình có nhiều tiến bộ.
- Trong đầu tư và quản lý vận
hành ở một số địa phương đã có những mô hình mới thu hút được sự tham gia của
khu vực tư nhân trong thực hiện Chương trình.
- Quan hệ quốc tế được mở rộng,
thu hút sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Đặc biệt là phương thức tài trợ hòa
đồng ngân sách của 3 nhà tài trợ (Đan Mạch, Úc và Hà Lan) đang thí điểm tại 9 tỉnh
có hiệu quả cả về thực hiện mục tiêu cả về cơ chế và sẽ mở rộng thêm khoảng 22
tỉnh trong năm 2009.
2. Tồn tại
- Do có nhiều biến động về giá cả
vật tư và bổ sung một số cơ chế, chính sách của Chương trình nên trong 6 tháng
đầu năm 2008 các địa phương và bộ, ngành, đoàn thể tham gia Chương trình thực
hiện chậm, đặc biệt là giải ngân quá thấp.
- Mặc dù đã có thông tư liên bộ,
nhưng ngành Y tế, Giáo dục & Đào tạo ở nhiều địa phương còn thụ động trong
việc tổ chức triển khai.
- Một số chính sách quan trọng
triển khai chậm như khung giá nước sạch nông thôn, cơ chế khuyến khích đầu tư
và quản lý vận hành trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh nông thôn … nên chưa
khuyến khích được nhiều thành phần tham gia.
- Công tác quản lý công trình
sau đầu tư vẫn là một nhược điểm chậm được khắc phục, cả công trình cấp nước và
công trình vệ sinh.
II. NHIỆM VỤ
TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM 2008
1. Ban hành văn bản chỉ đạo các
tỉnh chưa kiện toàn Ban chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ cụ
thể và phối hợp chặt chẽ giữa 03 ngành: Nông nghiệp & PTNT, Y tế và Giáo dục
& Đào tạo; có cơ chế kiểm tra thường xuyên.
2. Đề nghị Bộ Y tế sớm hoàn
thành kế hoạch hành động quốc gia về Thông tin – Giáo dục – Truyền thông (IEC)
và có giải pháp triển khai kế hoạch này, quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện
công tác vệ sinh môi trường. Đề nghị các nhà tài trợ quan tâm hỗ trợ, phối hợp
đẩy mạnh việc xây dựng, triển khai công tác IEC, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi
hành vi của người dân, có biện pháp tuyên truyền phổ biến sâu rộng hơn, thực sự
truyền tải được thông tin đến người dân và áp dụng phù hợp với những hoàn cảnh
cụ thể.
3. Khẩn trương tháo gỡ những vướng
mắc về cơ chế chính sách, trong tháng 9/2008 trình Chính phủ Quyết định xã hội
hóa nhằm tăng cường đầu tư của các cá nhân, tổ chức … trong lĩnh vực cấp nước sạch
và vệ sinh môi trường nông thôn.
4. Sử dụng các nguồn vốn một
cách hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các công trình
xây dựng, các hoạt động hỗ trợ Chương trình được thực hiện đúng kỹ thuật, đúng
mục đích, đúng đối tượng, tránh thất thoát lãng phí.
5. Tiếp tục chỉ đạo các bộ,
ngành, địa phương tăng cường kiểm tra công tác quản lý, khai thác vận hành các
công trình sau đầu tư và xác định những nguyên nhân dẫn đến việc các công trình
không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả và có giải pháp khắc phục; đồng thời
làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan. Dành tỷ lệ kinh phí
đúng mức cho công tác duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình cấp nước đã
xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả.
6. Đối với những địa phương triển
khai thực hiện chậm, sử dụng nguồn vốn Chương trình không hiệu quả, sau khi kiểm
tra, nhắc nhở, phải kiên quyết điều chuyển vốn sang địa phương có khả năng thực
hiện tốt hơn, đồng thời nêu cụ thể những địa phương thực hiện không tốt, làm rõ
trách nhiệm và kiểm điểm nghiêm khắc. Trong tháng 8/2008, Văn phòng Thường trực
Chương trình có báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình của các địa phương một
cách đầy đủ.
7. Chỉ đạo các địa phương sớm tiến
hành thu thập số liệu, đánh giá thực tế về tỷ lệ cấp nước và vệ sinh môi trường
nông thôn theo các tiêu chuẩn đã ban hành.
8. Chỉ đạo các địa phương thực
hiện tốt các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tài trợ; báo cáo tiến độ
thực hiện Chương trình một cách đầy đủ, nêu những nguyên nhân và tồn tại cũng
như trách nhiệm của các cơ quan liên quan, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy thực
hiện Chương trình; tăng cường nâng cao năng lực thực hiện.
9. Chủ động thực hiện tốt công
tác chuẩn bị đầu tư cho các dự án, hoạt động của Chương trình trong kế hoạch
2009 để đảm bảo có thể triển khai thực hiện ngay từ đầu năm kế hoạch; ưu tiên đầu
tư sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước, đôn đốc các địa phương chưa xây
dựng kế hoạch trung hạn; rà soát kế hoạch, nhiệm vụ đến năm 2010 nhằm đảm bảo
thực hiện tốt và đạt mục tiêu Chương trình.
10. Các thành viên Ban Chủ nhiệm
Chương trình chủ động thành lập Đoàn công tác kiểm tra tại các tỉnh để đánh giá
tình hình thực hiện Chương trình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc để có giải
pháp tháo gỡ.
Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn thông báo để các cơ quan, đơn vị có liên quan biết và thực hiện.
Nơi nhận:
- BT Cao Đức Phát (để báo cáo);
- TT Đào Xuân Học (để báo cáo);
- Thành viên Ban Chủ nhiệm;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, TP;
- Cục Thủy lợi;
- Vụ Hợp tác Quốc tế;
- Các nhà tài trợ;
- Lưu: VT.
|
TL.
BỘ TRƯỞNG
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG
PHỤ TRÁCH VĂN PHÒNG
Nguyễn Minh Nhạn
|