CHỈ
THỊ
VỀ TIẾP TỤC ĐẨY
MẠNH CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
Thực hiện Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg
ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình tổng thể cải
cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010; Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày
27/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà
nước giai đoạn 2006-2010; đặc biệt là việc triển khai
thực hiện Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính
phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế “một cửa” tại cơ quan hành chính
nhà nước ở địa phương, công tác cải cách hành chính của tỉnh trong những năm
qua đã đạt được một số kết quả, tạo sự chuyển biến tích cực trên các mặt cải
cách về thể chế; tổ chức bộ máy; công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
trình độ đội ngũ cán bộ, công chức và công tác cải cách tài chính công.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cải cách hành
chính trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính còn nhiều bất
cập, hạn chế, cụ thể như: Công tác xây dựng và ban hành văn bản chưa đáp ứng
được yêu cầu thực tiễn đặt ra, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm
rà, chồng chéo, một số thủ tục không còn phù hợp chưa được bổ sung, sửa đổi,
thay thế kịp thời; nhiều văn bản ban hành chưa đảm bảo yêu cầu về thể thức và
nội dung nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao; thủ tục hành chính chưa được niêm yết
công khai đầy đủ. Việc xử lý những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và
doanh nghiệp về thủ tục hành chính chưa thực sự được các cơ quan, đơn vị quan
tâm triển khai tổ chức nên kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu. Kết quả thực hiện
cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông vẫn còn những hạn chế, một số cơ
quan, đơn vị chưa chủ động và tích cực triển khai thực hiện nên việc triển khai
còn chậm so với kế hoạch đã đề ra. Chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan, đơn
vị chưa thật sự phù hợp nên hiệu quả hoạt động chưa cao; đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức còn nhiều hạn chế, bất cập đặc biệt là cán bộ, công chức cấp
xã. Tình hình triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn
TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị còn chậm. Việc thực
hiện chế độ báo cáo kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính chưa nghiêm,
chưa đảm bảo quy định về chất lượng, thời gian.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, cụ thể là: Thủ trưởng một số
cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác cải cách
hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, do đó việc chỉ đạo, điều
hành về công tác cải cách hành chính chưa kiên quyết, chưa làm tốt vai trò tham
mưu đối với lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý; công tác thanh tra, kiểm tra của
các cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên nên chưa nắm bắt
kịp thời những khó khăn bất cập phát sinh trong thực tiễn; việc niêm yết thủ
tục hành chính và thiết lập được đường dây nóng, số điện thoại để tiếp nhận và
xử lý những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp chưa được
quan tâm thực hiện. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn
hạn chế, ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của chưa cao;
phong cách, phương pháp làm việc chậm được đổi mới…
Để khắc phục những yếu kém, hạn chế nêu trên, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải cách hành chính,
trong đó trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tiếp tục quán triệt và chỉ
đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 32/2006/CT-TTg ngày 07/9/2006 của Thủ tướng
Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành
chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; Nghị định số
20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ Về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến
nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày
10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án đơn giản hoá thủ tục hành
chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010; Quyết định số
93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế
thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà
nước ở địa phương; Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 của Thủ tướng Chính
phủ về Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên
các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010; Nghị quyết số 05 –NQ/TU
ngày 04/8/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đẩy mạnh cải cách hành chính trên
địa bàn tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo; Quyết định số
421/QĐ-UBND ngày 13/3/2007 của UBND tỉnh về Phê duyệt Chương trình cải cách
hành chính tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình hành động số
78/CTr-UBND ngày 30/01/2008 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần
thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về đẩy mạnh cải cách hành chính,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Trước mắt, tập trung chỉ đạo thực hiện ngay các nội dung công việc sau:
1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của thủ
trưởng các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện
công tác cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính.
2. Phổ biến và quán triệt thường xuyên, liên tục và kịp thời các văn bản
pháp luật, các quy định về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính
trong cơ quan, đơn vị nhằm nâng cao nhận thức về cải cách hành chính, thủ tục
hành chính cho cán bộ, công chức.
3. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực thuộc thẩm
quyền quản lý, đặc biệt là trong công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây
dựng, quản lý kinh doanh và trong giải quyết các nhu cầu, quyền lợi chính đáng
của người dân. Trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền
sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ kịp thời.
4. Trực tiếp chỉ đạo việc tiếp nhận và xử lý dứt điểm những phản ánh, kiến
nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về thủ tục hành chính theo đúng thẩm
quyền và lĩnh vực công tác được phân công phụ trách. Công bố công khai kết quả
xử lý phản ánh, kiến nghị. Công khai các số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ
hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị, tổ chức mình để tiếp nhận những ý kiến
đóng góp về quy trình, thủ tục; các thông tin, vướng mắc của cá nhân, tổ chức
và đối với những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà của cán
bộ, công chức, viên chức.
5. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng việc thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế
một cửa liên thông:
a) Các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một
cửa liên thông căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành và tình hình thực tiễn
tiến hành rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm
quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa
liên thông không còn phù hợp; lựa chọn thêm lĩnh vực có liên quan nhiều đến tổ
chức, công dân để tiếp tục mở rộng lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế
một cửa liên thông;
b) Các cơ quan, đơn vị chưa triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế
một cửa liên thông, căn cứ vào tình hình thực tế, nghiên cứu, xem xét lựa chọn
lĩnh vực phù hợp để triển khai thực hiện;
c) Các sở, ban, ngành tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn cấp huyện
trong việc thực hiện cơ chế một cửa đối với lĩnh vực thuộc ngành mình quản lý;
Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường công tác
kiểm tra tình hình thực hiện cơ chế một cửa tại các xã, phường, thị trấn;
d) Tất cả các cơ quan, đơn vị phải niêm yết công khai quy trình, thủ tục,
phí, lệ phí, thời hạn giải quyết công việc của tổ chức và cá nhân; họ tên, chức
vụ của những cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết
công việc.
6. Thực hiện tốt công tác giáo dục, nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức
phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, đặc biệt là
những cán bộ, công chức có quan hệ trực tiếp với người dân và doanh nghiệp; xử
lý nghiêm những cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý có hành vi nhũng nhiễu,
gây khó khăn, chậm trễ trong giải quyết công việc.
7. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện các quy định của cơ
quan nhà nước cấp trên hoặc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy
định về chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận
và trả kết quả và các chế độ phụ cấp khác, các khoản thu phí, lệ phí liên quan
đến giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
8. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan,
đơn vị triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông thiết lập
hệ cơ sở dữ liệu về thủ tục hành chính và công bố công khai trên trang thông
tin điện tử của tỉnh.
9. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị quan tâm chỉ đạo đơn vị triển khai thực
hiện có kết quả việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2000, đảm bảo
đúng tiến độ thời gian theo lộ trình quy định tại Quyết định số 1184/QĐ-UBND
ngày 04/7/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về Phê duyệt Đề án thực hiện áp dụng hệ
thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của
các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2007 - 2010.
10. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện
nghiêm túc Chỉ thị này; định kỳ trước ngày 15 của tháng cuối mỗi quý (trước
ngày 15 của các tháng 3, 6, 9, 12) báo cáo tình hình và kết quả thực hiện
về Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Nội vụ (cơ quan thường trực công tác cải
cách hành chính của tỉnh).
Giao cho Sở Nội vụ trực tiếp theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ
quan, đơn vị trong việc thực hiện Chỉ thị này, chịu trách nhiệm tổng hợp báo
cáo chung theo quy định./.