Chỉ thị nêu rõ một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước đã hình thành trong một thời gian dài trên các lưu vực sông, nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí, tại một số nơi, mức độ ô nhiễm đã ngày càng nghiêm trọng hơn, phạm vi không gian mở rộng và thời gian ô nhiễm kéo dài hơn, đặc biệt là tại lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (tại Chỉ thị này viết tắt là các lưu vực sông).
Do đó, tại Chỉ thị này Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách.
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chung được giao cho Bộ Tài chính.
Cụ thể, Bộ Tài chính nghiên cứu và rà soát phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm nâng cao trách nhiệm của đối tượng gây ô nhiễm, tạo nguồn thu vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo thẩm quyền rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về thu hút đầu tư, xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực môi trường, trong đó bao gồm thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý NTSH tập trung, phi tập trung, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025;
Đề xuất phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn đầu tư khác (nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...) ưu tiên cho xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý NTSH tập trung tại các đô thị loại V trở lên theo quy định của Luật Đầu tư công.
Xem chi tiết nội dung tại Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 24/01/2025.