Toàn văn quy chế thi tuyển, xét tuyển đối với công chức, viên chức |
Mẫu HĐ làm việc viên chức từ 01/7/2019 |
1. Về tuyển dụng và nâng ngạch công chức
- Việc thi tuyển, xét tuyển công chức được thực hiện theo Quy chế, nội quy mới ban hành kèm theo Thông tư 03 kể từ ngày 01/7/2019.
- Bỏ quy định về tuyển dụng không qua thi tuyển đối với:
+ Người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học ở trong nước;
+ Người tốt nghiệp đại học, sau đại học loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài;
- Quy định rõ đối tượng tuyển dụng không qua thi cử theo quy định tại Điều 19 Nghị định 24/2010/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ); bao gồm:
+ Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp (ĐVSN) công lập, đã có thời gian làm viên chức từ đủ 05 năm (60 tháng) trở lên, tính từ thời điểm được tuyển dụng viên chức (không kể thời gian tập sự);
+ Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang (quân đội, công an) và người làm công tác cơ yếu, đã có thời gian công tác từ đủ 05 năm trong lực lượng vũ trang hoặc làm công tác cơ yếu, tính từ thời điểm có quyết định tuyển dụng chính thức.
+ Người đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc từ đủ 60 tháng (không kể thời gian thử việc) là:
> Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch công ty, Thành viên HĐTV, Kiểm soát viên, TGĐ, Phó TGĐ, GĐ, PGĐ, Kế toán trưởng tại doanh nghiệp là công ty TNHH MTV mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
> Người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước giữ các chức danh quản lý (Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch HĐTV, Thành viên HĐQT, TGĐ, Phó TGĐ, GĐ, PGĐ) tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
- Xếp ngạch, bậc lương đối với trường hợp đã có thời gian công tác đóng BHXH bắt buộc:
Quy định thực hiện theo Thông tư 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005, Thông tư 13/2018/TT-BNV ngày 19/10/2018, Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 thay vì quy định chi tiết từng trường hợp cụ thể ngay tại văn bản.
- Ban hành Quy chế mới về việc tổ chức thi nâng ngạch.
- Thay đổi đối tượng thực hiện bổ nhiệm ngạch, xếp lương đối với công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch:
Đối với kỳ thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp hoặc tương đương thì Người đứng đầu cơ quan quản lý công chức quyết định sau khi:
+ Có ý kiến của Bộ Nội vụ đối với công chức trong các CQNN và ĐVSN công lập;
+ Có ý kiến của Ban tổ chức trung ương đối với công chức trong cơ quan, ĐVSN công lập của Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội.
(Trước đây 2 cơ quan này trực tiếp quyết định).
Hiện hành: Những quy định trên được nêu tại Thông tư 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010.
2. Về Chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ĐVSN công lập
- Một trong những điều kiện khi xét chuyển từ chức danh nghề nghiệp này sang chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng đối với viên chức đó là :
Vị trí việc làm mới có yêu cầu chức danh nghề nghiệp khác cùng hạng hoặc cùng yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo với chức danh nghề nghiệp đang đảm nhiệm.
- Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng phải lập Đề án thi, xét thăng hạng (quy định hiện hành không có).
- Xác định người trúng tuyển khi thi thăng hạng chức danh:
+ Làm đủ các bài thi, trừ môn được miễn thi;
+ Có số điểm của mỗi bài thi đạt từ 50/100 điểm trở lên mỗi bài thi (hiện hành là 55/100 điểm mỗi bài thi trở lên).
Hiện hành: Những quy định trên được nêu tại Thông tư 12/2012/TT-BNV ngày 18/12/2012.
3. Về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức
- Ban hành mẫu Hợp đồng làm việc xác định thời hạn, không xác định thời hạn mới.
- Quy định rõ Hợp đồng làm việc xác định thời hạn ít nhất là 12 tháng, nhằm phù hợp với quy định tại Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ trước đó.
Hiện hành: Quy định trên được nêu tại Thông tư 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012.
4. Về chế độ hợp đồng lao động (Hợp đồng 68) trong các CQNN, ĐVSN công lập
Quy định cá nhân đang ký HĐLĐ và áp dụng bảng lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì:
- Chuyển sang ký hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018;
- Mức lương trong hợp đồng mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng.