Thứ tự ưu tiên thi hành án dân sự

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
17/06/2022 09:27 AM

Thi hành án dân sự là việc một bên thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật. Trong khi thi hành án dân sự thì có một số nghĩa vụ sẽ được ưu tiên thi hành án dân sự.

Thứ tự ưu tiên thi hành án dân sự

Thứ tự ưu tiên thi hành án dân sự (Ảnh minh hoạ)

1. Thứ tự ưu tiên thi hành án dân sự

- Chi phí thi hành án;

- Chi phí thuê nhà 01 năm trong trường hợp tại khoản 5 Điều 115 Luật Thi hành án dân sự 2008;

- Tiền cấp dưỡng; 

Tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; 

Tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;

- Án phí, lệ phí Tòa án;

- Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.

“Điều 115. Cưỡng chế trả nhà, giao nhà

5. Trường hợp cưỡng chế giao nhà là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án cho người mua được tài sản bán đấu giá, nếu xét thấy sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án không còn đủ tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì trước khi làm thủ tục chi trả cho người được thi hành án, Chấp hành viên trích lại từ số tiền bán tài sản một khoản tiền để người phải thi hành án thuê nhà phù hợp với giá thuê nhà trung bình tại địa phương trong thời hạn 01 năm. Nghĩa vụ thi hành án còn lại được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008.”

Như vậy, thứ tự thanh toán tiền thi hành án dân sự được thực hiện như trên, trong trường hợp thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản.

(Khoản 1, Khoản 4 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bởi Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014)

2. Quy định về thanh toán tiền thi hành án dân sự trong một số trường hợp đặc biệt

2.1. Trường hợp có nhiều người được thi hành án

- Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008

Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;

- Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó; 

Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán;

- Sau khi thanh toán theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này, số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.

2.2. Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp 

*Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ, cụ thể:

Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 Thi hành án dân sự 2008.

*Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp không phải là người được thi hành án

Người nhận cầm cố, thế chấp được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán các khoản theo quy định tại Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008.

(Khoản 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bởi Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014)

2.3 Trường hợp xử lý thi hành án về phá sản

- Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:

+ Chi phí phá sản;

+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;

+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

- Trường hợp giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi đã thanh toán đủ các khoản quy định tại khoản 1 Điều này mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về:

+ Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;

+ Chủ doanh nghiệp tư nhân;

+ Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

+ Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;

+ Thành viên của Công ty hợp danh.

- Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản 2014 thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

(Điều 54 Luật Phá sản 2014)

3. Thời hạn thanh toán tiền, tài sản thi hành án

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày thu được tiền, tài sản thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008.

Trường hợp đương sự không đến nhận thì tiền, tài sản đó được xử lý theo quy định tại Điều 126 Luật Thi hành án dân sự 2008.

(Khoản 5 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bởi Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014)

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,669

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn