Doanh nghiệp xài tên trùng phải đổi tên khác

18/01/2013 09:15 AM

Không thể lấy lý lẽ được cho phép thành lập doanh nghiệp thì tên doanh nghiệp là hợp pháp để biện hộ cho việc đặt tên trùng.

Thời gian qua có một số doanh nghiệp (DN) đã thắng kiện trong các vụ kiện đòi tên thương mại. DN thua kiện bị buộc phải đổi tên đang dùng để tránh gây nhầm lẫn.

 

Tên và ngành nghề tương tự là đổi

Công ty TNHH Secom Việt Nam cho rằng Công ty TNHH Se Com (thành lập sau) đã dùng tên tương tự với tên của mình. Tuy nhiên, Se Com cho rằng DN mình được thành lập đúng quy định, tên này đã được cơ quan cấp phép kinh doanh chấp thuận.

 

Khi xử sơ thẩm vụ tranh chấp này, tòa sơ thẩm cho rằng tên “Công ty TNHH Se Com” tuy có tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên “Công ty TNHH Secom Việt Nam” nhưng hai công ty có lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Secom Việt Nam thì có các dịch vụ tư vấn về thiết bị an toàn, còn Se Com thì lắp đặt, sửa chữa, bảo trì, mua bán thiết bị PCCC, camera quan sát, thiết bị báo động-báo cháy. Vì vậy, tòa sơ thẩm cho rằng tên Se Com không vi phạm tên của Secom Việt Nam.

 

Tuy nhiên, Secom Việt Nam kháng cáo. Tòa phúc thẩm đã trưng cầu giám định và Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ kết luận là hai ngành nghề này tương tự nhau. Vì vậy, tòa phúc thẩm xử rằng tên của Se Com vi phạm tên của Secom Việt Nam, buộc Se Com phải chấm dứt dùng tên “Công ty TNHH Se Com” và tên viết tắt “Secom Co., Ltd.”, đồng thời bồi thường cho Secom Việt Nam 100 triệu đồng chi phí thuê luật sư theo đuổi vụ kiện này.

 


 

Dài ngắn khác nhau vẫn trùng

Trước đó, một số DN cũng đã đòi lại được tên “độc quyền” của mình. Công ty TNHH Phúc Sinh đã kiện Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Nông sản Phúc Sinh (gọi tắt là Nông sản Phúc Sinh) vì cho rằng công ty này có dùng chữ “Phúc Sinh”. Hai công ty này có đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh giống nhau. Đặc biệt, Công ty TNHH Phúc Sinh đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu “Phúc Sinh” trước đó.

 

Khi giải quyết tranh chấp, tòa cho rằng “việc trùng lặp thành phần tên riêng Phúc Sinh trong tên của hai bên đã gây ra sự nhầm lẫn cho khách hàng trong cùng ngành nghề dịch vụ kinh doanh”. Vì vậy, tòa yêu cầu Nông sản Phúc Sinh phải đổi tên công ty sao cho không còn chữ Phúc Sinh nữa.

 

Trong các tranh chấp về tên, nhiều DN bị tố “cầm nhầm” tên đều cho rằng tên DN của mình là hợp pháp vì đã được cơ quan đăng ký kinh doanh cho phép thành lập DN với tên này. Tuy nhiên, theo quy định về đăng ký DN thì người lập DN tự khai và tự chịu trách nhiệm về sự hợp pháp của tên DN mà mình đặt, trong đó có trách nhiệm “không sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của tổ chức, cá nhân đã được bảo hộ để cấu thành tên riêng của DN”. Do đó, lý lẽ đã cho thành lập DN thì tên DN là hợp pháp sẽ không được chấp nhận.

 

Có thể xử hình sự nếu không đổi tên

Một cán bộ quản lý đăng ký kinh doanh cho biết có một vướng mắc trong việc xử lý các tranh chấp về tên là cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền tự đổi tên DN mà phải do DN đăng ký đổi tên. Vướng mắc ở chỗ nếu DN không tự giác mà cố ý chây ì không chịu đăng ký đổi tên thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đành “bó tay” vì không có quy định nào xử phạt DN. Hình thức xử phạt DN nặng nhất là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN (gọi nôm na là tước giấy phép kinh doanh) nhưng lại không áp dụng được cho trường hợp DN không chịu đổi tên.

 

Luật sư Nguyễn Thành Long (Văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh) cho biết nếu DN không tự giác đi đăng ký đổi tên theo bản án tòa xử thì bên thắng kiện có thể nộp đơn yêu cầu thi hành án. Đổi tên DN là việc có khả năng làm được. Nếu DN không thi hành án thì có thể xử lý hình sự chủ DN theo tội không thi hành án.

 

DN tự chịu trách nhiệm về tên

Tên DN gồm hai thành tố là loại hình DN và tên riêng. Ví dụ: Tên Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thăng Long có loại hình DN là “công ty TNHH” và tên riêng là “Sản xuất Thương mại Dịch vụ Thăng Long”.

Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ đối chiếu tên đăng ký với các tên DN đã có trước để từ chối trong các trường hợp: viết và đọc hoàn toàn giống, đọc giống, trùng tên riêng, tên riêng chỉ thêm có chữ Tân, chữ Mới, Miền Đông, Miền Tây, số thứ tự… Ví dụ đã có Công ty TNHH Bình Minh thì không được đặt Công ty Cổ phần Bình Minh, Công ty TNHH Tân Bình Minh…

Trước khi đăng ký đặt tên, DN có thể tự tra cứu tên ở Hệ thống Thông tin đăng ký DN quốc gia (dangkykinhdoanh.gov.vn) để tránh tên trùng, tên gây nhầm lẫn. Ngoài ra, DN cần tham khảo các nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ở cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam để tránh vi phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác.

 

QUỲNH NHƯ

Theo phapluattp.vn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,166

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn