Mở phòng khám hiệu quả hơn bệnh viện?

20/04/2015 08:07 AM

Phòng khám, bệnh viện tư xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng mô hình bệnh viện thì đang lỗ trong khi các phòng khám chuyên khoa, đa khoa với quy mô nhỏ hơn lại ăn nên làm ra...

Nhiều bệnh nhân bắt đầu có niềm tin vào phòng khám tư vì ở nơi đây họ thấy mình được trân trọng.Ảnh: MINH KHUÊ

Bán tên tuổi và thái độ nhiệt tình

Ông T. bị đau bao tử, ông muốn tìm đến một bác sĩ giỏi tại một bệnh viện công có tiếng nhưng lại được bạn bè giới thiệu đến phòng khám riêng của một nhóm bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện CR ở TPHCM.

Phòng khám của nhóm bác sĩ này được tổ chức thành nhiều phòng khám bệnh nên dù bệnh nhân khá đông nhưng không phải chờ đợi lâu; nhân viên chăm sóc cũng nhiệt tình, chu đáo, nhẹ nhàng. Bệnh nhân thấy mình được trân trọng.

Ông T. được chỉ định nội soi bao tử. Có hai cách nội soi: xịt thuốc tê thì có giá dịch vụ 500.000 đồng, còn chích thuốc mê thì có giá 1,2 triệu đồng. Ông T. chọn phương án thứ hai. Kết quả nội soi cho thấy bao tử của ông có bất thường, bác sĩ cho cắt phần bất thường và đưa đi sinh thiết với chi phí 250.000 đồng. Tổng số tiền khám và xét nghiệm của ông hết 1,5 triệu đồng, và chỉ trong vòng một buổi sáng, ông được biết kết quả sinh thiết và nhận được đơn thuốc điều trị.

Sau hai tuần uống thuốc, ông T. thấy khỏe lại. Trước đó, ông đã được bác sĩ dặn dò nếu thấy bệnh đỡ hơn thì mua thuốc uống tiếp và không cần phải tái khám, đỡ mất thời gian, đỡ tốn thêm tiền tái khám. Ông T. bắt đầu có niềm tin vào phòng khám tư, vì ông thấy máy móc, thiết bị khá đầy đủ, cần thực hiện những xét nghiệm phức tạp cũng không phải chờ đợi lâu, bác sĩ cũng không yêu cầu phải khám đi khám lại nhiều lần để... thu tiền khám.

Khi được hỏi tại sao ông không đến bệnh viện tư quy mô lớn hơn để an tâm hơn, ông T. cho rằng thật ra người bệnh không rõ tay nghề của các bác sĩ tại bệnh viện tư ra sao mà điều chắc chắn là sẽ tốn kém hơn phòng khám vì bệnh viện tư đầu tư tốn kém hơn! Trong khi đó, bác sĩ ở các phòng khám thường là từ các bệnh viện có uy tín ra mở dịch vụ.

Tại một phòng khám chuyên khoa gan, mật ở quận 5, TPHCM của một nhóm bác sĩ từ bệnh viện C nổi tiếng, mỗi ngày có khoảng vài trăm bệnh nhân đến khám và điều trị. Máy móc phục vụ siêu âm, xét nghiệm... khá đầy đủ. Khi bệnh nhân cần thực hiện những xét nghiệm phức tạp, bác sĩ sẽ chuyển họ vào bệnh viện công - nơi bác sĩ đang làm việc để xét nghiệm và điều trị thêm.

Cùng một người bác sĩ nhưng có hai bộ mặt. Một mang vẻ khó chịu ở bệnh viện công với áp lực công việc cấp tập, nặng nề, thậm chí họ sinh ra cáu gắt với bệnh nhân; một là thái độ ân cần, chu đáo, nói năng nhẹ nhàng, giải thích chi tiết bệnh tình cho bệnh nhân tại phòng khám tư.

Những phòng khám đa khoa tư nhân này thường có giá ưu đãi cho nhóm khách hàng khám sức khỏe tổng quát định kỳ hàng năm (nhân viên các tổ chức/công ty, cơ quan hành chính sự nghiệp...). Từ phân khúc này, phòng khám cung cấp thêm dịch vụ chăm sóc sức khỏe khách hàng khi có yếu tố bệnh cần chăm sóc lâu dài và đặc biệt. Mỗi ngày, các phòng khám này cũng đón được 80-100 người khám sức khỏe tổng quát và thu được một khoản tiền không nhỏ (từ 800.000 đến 2 triệu đồng/người).

Nhiều phòng khám đa khoa của người nước ngoài kết hợp với các bác sĩ trong nước cũng đua nhau mọc lên với mức giá khám bệnh khá cao (300-500.000 đồng/lần), nhắm vào đối tượng là những gia đình khá giả, có nhu cầu khám bệnh nhanh và có chất lượng. Không chỉ các phòng khám đa khoa, nhiều phòng khám chuyên khoa của người nước ngoài về các bệnh gan, ung thư, tim mạch, thẩm mỹ... được mở ra đi kèm quảng cáo tay nghề bác sĩ cùng các chiến lược giá ưu đãi. Một số phòng khám sẵn sàng chuyển tiếp bệnh nhân ra nước ngoài điều trị khi cần.

Không dừng lại ở đó, nhiều phòng khám chuyên khoa, đa khoa của các bệnh viện tư lớn cũng được mở ra như Phòng khám FV (của Bệnh viện FV); Phòng khám quốc tế Hạnh Phúc... khám sàng lọc bệnh nhân trước khi đưa bệnh nhân về bệnh viện điều trị khi cần thiết.

Trong khi đó, ở nhiều bệnh viện tư hiện nay, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị mỗi ngày, ít hơn lượng bệnh nhân đến các phòng khám tư.

Đầu tư ít rủi ro

Theo thống kê của Hội Hành nghề y tư nhân TPHCM, hiện thành phố có 38 bệnh viện đa khoa và khoảng 300 phòng khám tư nhân.

Vốn đầu tư một bệnh viện trung bình từ 2,5-3 tỉ đồng/giường bệnh. Một bệnh viện có 100 giường tối thiểu phải đầu tư 300 tỉ đồng; bệnh viện cao cấp hơn có thể lên đến 500 tỉ đồng. Trong khi đó, vốn đầu tư một phòng khám “nhẹ” hơn rất nhiều, chỉ khoảng 4-5 tỉ đồng. Thủ tục cấp phép mở phòng khám cũng nhẹ nhàng, nhanh gọn và chỉ tốn khoảng 100 triệu đồng, còn để xin giấy phép thành lập một bệnh viện tư thì phải đáp ứng được nhiều điều kiện, như không được đặt trong nội thành, thủ tục giấy tờ phức tạp hơn với chi phí cao hơn, có thể tới 2 triệu đô la Mỹ.

Theo PGS.BS. Nguyễn Hoài Nam, khoa Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, người có kinh nghiệm vừa mở phòng khám chuyên khoa tim mạch, vừa mở một bệnh viện tư khá lớn, hiện có khá nhiều phòng khám tư đầu tư theo kiểu “ăn xổi ở thì”, muốn thu tiền ngay và nhanh. Nhiều phòng khám đầu tư máy móc rất ít vì đã có các công ty mua bán, cho thuê trang thiết bị y tế sẵn sàng ký kết đặt máy hợp tác xét nghiệm, chia nhau lợi nhuận.

Vị bác sĩ này cũng cho biết các phòng khám đều dựa trên uy tín của bác sĩ và gắn với tên tuổi của một bệnh viện có tiếng nào đó, khi gặp vấn đề về chuyên môn, các bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân vào viện để nhờ bệnh viện can thiệp. Ông cũng cho biết các phòng khám hình thành từ việc hợp tác giữa các bác sĩ với nhau thường chỉ phát triển trong thời gian đầu, sau đó, nhóm tan vỡ vì giữa họ phát sinh mâu thuẫn, bác sĩ giỏi nào cũng muốn “xưng tên” mình. Nếu phòng khám do một bác sĩ đứng tên thì ổn hơn.

Theo BS. Nguyễn Hữu Tùng, Phó chủ tịch Hội Hành nghề y tế tư nhân TPHCM, mô hình bệnh viện với công việc chính là điều trị (ngoài việc khám bệnh, cho toa thuốc) nên cần phải đầu tư cơ sở vật chất lớn, dẫn đến những rủi ro lớn về tài chính cũng như chuyên môn. Chi phí cho việc khám chữa bệnh của bệnh nhân tại bệnh viện cũng cao hơn ở các phòng khám nên mô hình bệnh viện khó kinh doanh hơn.

Với mô hình phòng khám, bệnh nhân đến khám tốn ít thời gian hơn lại có bác sĩ giỏi từ bệnh viện công, nên nhiều phòng khám thu giá dịch vụ cao bệnh nhân cũng chấp nhận, vì nhìn chung, họ vẫn thấy thoải mái hơn là đến bệnh viện công. Điều này phản ánh sự tương quan giữa chất lượng dịch vụ và chi phí tương xứng mà khách hàng chấp nhận bỏ ra để mua dịch vụ dó.

Nhưng cũng từ đây, người ta thấy một vấn đề: cùng một người bác sĩ nhưng có hai bộ mặt. Một mang vẻ khó chịu ở bệnh viện công với áp lực công việc cấp tập, nặng nề, thậm chí họ sinh ra cáu gắt với bệnh nhân; một là thái độ ân cần, chu đáo, nói năng nhẹ nhàng, giải thích chi tiết bệnh tình cho bệnh nhân tại phòng khám tư.

Hơn nữa, các bác sĩ còn dùng cả danh tiếng của bệnh viện, viết trên bảng hiệu quảng cáo phòng khám là “nhóm bác sĩ của bệnh viện A, bệnh viện B...”. Trong khi đó, việc ký kết với các bệnh viện công đưa bác sĩ giỏi về các bệnh viện tư để liên kết điều trị (còn gọi là liên kết công - tư) hiện luật vẫn chưa cho phép.

Hoàng Nhung

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,567

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn