4 năm, 4 lần tăng lương tối thiểu, vẫn "khó" sống

07/01/2008 14:23 PM

- Tại hội nghị tổng kết năm của Bộ LĐ,TB&XH (Hà Nội, 7/1), ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Vụ Tiền lương, tiền công thừa nhận: Từ năm 2003 đến nay đã điều chỉnh mức lương tối thiểu 4 lần nhưng vẫn chưa thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

- Tại hội nghị tổng kết năm của Bộ LĐ,TB&XH (Hà Nội, 7/1), ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Vụ Tiền lương, tiền công thừa nhận: Từ năm 2003 đến nay đã điều chỉnh mức lương tối thiểu 4 lần nhưng vẫn chưa thể đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Tăng lương không bù được giá cả tăng.
Tăng lương không bù được giá cả tăng.
4 lần điều chỉnh lương

Tính chung, từ năm 2003 - 2007 đã qua 4 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tiền lương tối thiểu đã tăng từ 210 ngàn đồng lên 540 ngàn đồng/tháng từ đầu năm nay (bình quân tăng 38,2%/năm, trong khi giá tiêu dùng bình quân tăng 6,8%/năm; GDP bình quân tăng 7,96%/năm; giá tiền công bình quân tăng 10%/năm).

Về thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp, qua điều tra 1000 doanh nghiệp và 10.000 lao động thuộc 12 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương cộng với số liệu của các tổng công ty hạng đặc biệt và tập đoàn kinh tế thì tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2007 đạt khoảng 2,2 triệu đồng/tháng (tăng gần 10% so với năm 2006). 

Trong đó lương bình quân trong các công ty nhà nước đạt 2,6 triệu đồng/tháng. Riêng các tổng công ty hạng đặc biệt, các tập đoàn kinh tế đạt gần 4 triệu đồng/tháng; trong doanh nghiệp dân doanh đạt 1,85 triệu đồng/tháng; lương trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bình quân vào khoảng 2,5 triệu đồng. Có một thực tế là tiền lương thấp nhất bình quân thực trả của các doanh nghiệp năm 2007 đều cao hơn so với quy định của Nhà nước khoảng 1 triệu đồng/tháng.

Người lao động vẫn thiệt

Theo Vụ Tiền lương, tiền công (Bộ LĐTB&XH), mức lương tối thiểu chung còn thấp, chưa đạt mục tiêu đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

 Mức lương tối thiểu áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp chưa được điều chỉnh theo nguyên tắc thị trường, cơ bản vẫn phụ thuộc vào khả năng ngân sách nhà nước, ngoài ra đó là việc phân biệt theo loại hình doanh nghiệp tạo ra sự chênh lệch, không bình đẳng. Hệ thống thang bảng lương của công ty nhà nước chưa trở thành thước đo giá trị để trả lương cho người lao động mà chỉ là cơ sở để hưởng đóng bảo hiểm xã hội.

Đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước, mới chỉ có khoảng 30% đăng ký bảng lương theo quy định, nhiều doanh nghiệp đăng ký để đối phó, xây dựng bảng lương không theo quy định, kéo dài số bậc lương (có trường hợp tới hơn 40 bậc lương), khoảng cách bậc lương quá thấp (chỉ cách 2-3%), gây thiệt thòi cho người lao động.

Cơ chế phân phối tiền lương của doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự theo nguyên tắc thị trường, quan hệ phân phối giữa người có tiền lương cao nhất và thấp nhất chỉ khoảng 5 - 6 lần, trong khi đó trên thị trường chênh lệch hàng chục lần, thậm chí có những ngành dịch vụ, khoảng cách này là 50 - 60 lần.

Vụ Tiền lương, tiền công cho rằng, tình trạng thiếu cơ chế phù hợp để điều tiết các yếu tố lợi thế ngành nghề khi xác định tiền lương dẫn đến nhiều công ty nhà nước lương cao chưa do năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Tại nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước, vẫn ép mức tiền công của người lao động, nhất là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, trình độ kỹ thuật chuyên môn không cao như da giày, dệt may, chế biến... Một số doanh nghiệp còn lợi dụng chia thu nhập của người lao động thành phụ cấp, trợ cấp, tiền thưởng để trốn đóng bảo hiểm xã hội, không bảo đảm quyền lợi của người lao động..., khiến quan hệ chủ thợ, nhất là ở các doanh nghiệp FDI nhiều khi trở nên rất căng thẳng.

Sẽ tiếp tục điều chỉnh lương

Theo ông Phạm Minh Huân, cần tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường, đặc biệt cần kiên trì thực hiện nguyên tắc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế; thực hiện điều tiết  hợp lý tiền lương, thu nhập giữa các ngành, vùng, các doanh nghiệp có nhiều lợi thế; có chính sách thoả đáng đối với người giỏi, người tài, cần coi trả lương đúng là một trong những hình thức đầu tư cho con người và cho sự phát triển kinh tế.

Vẫn theo ông Huân, cần tiếp tục điều chỉnh dần mức lương tối thiểu chung nhằm từng bước để lương tối thiểu thực hiện đúng vai trò "mức lương sàn", đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động.

Cần có nghiên cứu quy định chi tiết các nội dung về chính sách tiền lương tối thiểu; sửa đổi quy định về thang lương, bảng lương trong Bộ luật Lao động theo các nguyên tắc thị trường theo hướng nhà nước quy định một số nguyên tắc chung và giao cho doanh nghiệp xây dựng, áp dụng.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 356

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn