Sẽ hết “ở trọ” trong nhà mình

02/10/2009 16:23 PM

Trong buổi giao lưu trực tuyến sáng 1-10 trên Pháp Luật TP.HCM Online (PLO), không chỉ giải đáp về nhà, đất cho người dân của TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM còn “bao sân” giải đáp cho bạn đọc các tỉnh.

Trong buổi giao lưu trực tuyến sáng 1-10 trên Pháp Luật TP.HCM Online (PLO), không chỉ giải đáp về nhà, đất cho người dân của TP.HCM, Sở Xây dựng TP.HCM còn “bao sân” giải đáp cho bạn đọc các tỉnh.

Hàng trăm câu hỏi được gửi về, không chỉ riêng về nhà chung cư mà còn có cả câu hỏi về cấp giấy hồng cho nhà đất.

Tính thời gian bảo hành có lợi cho khách hàng

“Tôi đang ở chung cư tái định cư bên quận 2. Nhà bị dột, sàn nước không thoát. Báo với ban quản lý chung cư thì họ cử người đến sửa nhưng được vài hôm lại y như cũ. Tôi phải làm sao?” - bạn thanhlichvn@gmail.com hỏi.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng giải thích: “Trong thời hạn bảo hành, bên bán có trách nhiệm sửa chữa, khắc phục hư hỏng. Hết hạn bảo hành, chủ sở hữu căn hộ phải tự sửa chữa phần sở hữu riêng. Phần sở hữu chung của nhà chung cư ban quản trị có trách nhiệm sửa chữa”. Ông hướng dẫn thêm: Theo Luật Nhà ở, thời hạn bảo hành với nhà chung cư từ chín tầng trở lên tối thiểu là 60 tháng; chung cư từ bốn đến tám tầng, thời hạn bảo hành tối thiểu là 36 tháng. Những nhà ở khác thời hạn tối thiểu là 24 tháng.

Một bạn đọc tên Nguyễn Trung Thành thắc mắc: “Tôi đang sinh sống tại chung cư Phú Lợi (quận 8). Tôi không biết phải làm sao có giấy hồng cho căn hộ của mình. Vì theo hợp đồng góp vốn, sau khi bàn giao căn hộ, chủ đầu tư sẽ lập hợp đồng mua bán và triển khai các thủ tục cấp giấy chứng nhận sở hữu căn hộ. Nhưng giao căn hộ đã hơn ba năm mà tôi vẫn không thấy giấy hồng đâu! Làm sao để chúng tôi được cấp giấy chứng nhận?”.

Sở Xây dựng cho biết về nguyên tắc, sau khi bán, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục cấp giấy hồng cho khách hàng. Trường hợp khách hàng tự làm thủ tục cấp giấy hồng thì chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ cho họ. Riêng trường hợp của bạn đọc này, ông Hùng hứa sẽ ghi nhận ý kiến để kiểm tra, làm việc với Công ty Hai Thành - chủ đầu tư chung cư Phú Lợi...

Không buộc đổi giấy chứng nhận cũ

Bạn đọc Tuấn Anh (thị xã Tây Ninh) hỏi: “Tôi mới làm thủ tục công chứng mua căn nhà, chuẩn bị đăng bộ trên giấy hồng cũ. Vậy đăng bộ xong, tôi có bị buộc phải đổi sang giấy mới hay không?”. Sở Xây dựng TP.HCM trả lời: Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản thì các loại giấy hồng, giấy đỏ đã cấp trước kia vẫn có giá trị pháp lý. “Người dân không bị buộc phải đổi sang giấy chứng nhận mới. Trường hợp người dân đã được cấp giấy chứng nhận cũ, muốn đổi sang giấy mới vẫn được đáp ứng mà không phải nộp lệ phí”.

Bà Thảo Trang (đường Vườn Lài, quận Tân Phú) thắc mắc: “Vừa qua khi đăng bộ trên giấy hồng cũ thì thấy có ghi kèm theo dòng chữ “Khi Chính phủ ban hành mẫu giấy chứng nhận mới thì chủ sở hữu phải đi đổi”. Vậy giấy chứng nhận mà có dòng chữ như thế có giao dịch được không?”. Sở Xây dựng TP.HCM cho biết chưa có quy định nào về vấn đề này. “Vì thế bà có quyền mua bán, cho tặng, thế chấp bình thường. Chỉ khi nào bà có nhu cầu đổi sang mẫu giấy mới thì cần liên hệ cơ quan có thẩm quyền để được cấp” - lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định.

Nhà trên đất nông nghiệp: vẫn chờ chỉ đạo

Bà Nguyễn Thị Tuyết (đường Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp) hỏi về việc cấp giấy hồng cho nhà thuộc những dự án phân lô hộ lẻ. Bà hỏi: “Căn nhà của tôi vi phạm lộ giới vì chủ đầu tư làm nền sẵn rồi bán chứ không phải tôi lấn chiếm. Nhà xây dựng trước ngày 1-7-2004. Vậy tôi có phải đập để lùi vào hay không? Có được cấp giấy hay không?”.

Sở Xây dựng cho biết trước đây UBND TP có ban hành Chỉ thị số 08 để xử lý các trường hợp phân lô hộ lẻ. Đây là dạng đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích sử dụng ở các quận vùng ven, cá nhân đứng ra san lấp, tự phân lô, chuyển nhượng. “Hiện Sở Xây dựng đã báo cáo UNBD TP về dạng nhà, đất này theo hướng sẽ công nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với trường hợp phù hợp quy hoạch, hoàn chỉnh hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay TP chưa có chỉ đạo giải quyết”.

Trong tháng 10 này, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ giao lưu với bạn đọc về chủ đề “Quản lý chất lượng công trình xây dựng và an toàn lao động”. Những phản ánh và thắc mắc: làm gì khi nhà hàng xóm xây làm ảnh hưởng đến nhà mình, thủ tục kiểm định ra sao, thi công thế nào để an toàn... Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi qua địa chỉ email: tructuyen@phapluattp.vn

“Bao sân” đến các tỉnh


Khi nhận câu hỏi của bạn đọc tên Nguyễn Hoàng Long ở tận Phan Thiết (Bình Thuận), chuyên viên Sở Xây dựng hỏi ông Đỗ Phi Hùng: “Không thuộc thẩm quyền của Sở, mình có trả lời không anh?”. Không chần chừ, ông Hùng nói ngay: “Không trực tiếp giải quyết nhưng mình vẫn có thể hướng dẫn các quy định cho người dân”.

Ông Hùng kể: “Nhiều năm trước, trong một lần giao lưu với bạn đọc Báo Pháp Luật TP.HCM, có bà cụ từ Kiên Giang đến tòa soạn để trình bày thắc mắc. Không thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng tôi hướng dẫn bà cách viết đơn, thủ tục... Mấy tháng sau, bà lại từ Kiên Giang lên TP.HCM với lủ khủ bánh ít, bánh tét biếu tôi rồi bà cho hay việc của bà đã được chính quyền địa phương giải quyết”. Ông cười rồi chỉ tay lên tấm bảng ghi chủ đề của buổi giao lưu, nói tếu: “Phải là 1.002 chuyện về nhà chung cư mới đúng! Nhiều lắm, nhiều vấn đề lắm”.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 511

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn