Chính sách mới >> Tài chính 28/11/2011 08:48 AM

28/11/2011 08:48 AM

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mười mấy ngàn doanh nghiệp này không phải các nhà đầu cơ hay có đủ năng lực lũng đoạn thị trường.

“Gần một tuần qua, người dân ùn ùn đem vàng miếng đến các cửa hàng của Bảo Tín Minh Châu bán lại cho chúng tôi. Có hôm chúng tôi mua vào gấp ba lần bình thường đồng thời phải giám giá vàng bán ra so với các thương hiệu khác”, lãnh đạo Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu thở dài qua điện thoại. Cho đến sáng 22-11, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin trên website rằng các thương hiệu vàng miếng ngoài SJC vẫn lưu hành bình thường thì lượng người đến bán vàng mới giảm.

Vị này cho biết doanh thu từ sản xuất và kinh doanh vàng miếng chiếm 50% doanh thu của Bảo Tín Minh Châu. Điều ông lo lắng là nếu dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được thông qua với các nội dung như hiện nay, thì hàng trăm tấn vàng đang tích trữ trong dân với các thương hiệu không phải SJC hay không có thương hiệu thì giải quyết thế nào? Ai có đủ hàng chục ngàn tỉ đồng để mua một lúc hết số vàng dân muốn bán để đổi thành vàng SJC.

“Cấm sản xuất vàng miếng hay loại bớt các doanh nghiệp ra khỏi cuộc chơi không giải quyết được vấn đề trên thị trường vàng, chưa nói đến những quy định trong dự thảo đi ngược lại với nội dung của Luật Cạnh tranh, một chuyên gia có thâm niên 25 năm trên thị trường vàng nói với TBKTSG.

Thực tế, theo nguồn tin này, từ khi các ngân hàng tham gia kinh doanh vàng, thị trường cũng không vì thế mà bớt bất ổn. Giá vàng của những thương hiệu lớn đôi khi chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới. Ông đặt câu hỏi, liệu việc tập trung vào thương hiệu lớn có chữa được “bệnh” của vàng hay lại là sai thuốc.

Khoảng 12.000 doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên khắp Việt Nam, họ hình thành vì sự phát triển tự nhiên của thị trường và vì nhu cầu giao dịch của người dân. Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mười mấy ngàn doanh nghiệp này không phải các nhà đầu cơ hay có đủ năng lực lũng đoạn thị trường. Có họ, người dân nông thôn khi bán bò, bán lúa có thể mua vài chỉ vàng cất trữ, hoặc khi con ốm, con đi học, đi chữa bệnh… cần tiền là họ có thể bán vàng để đáp ứng nhu cầu cá nhân.
 
Nhu cầu dùng vàng làm của phòng thân của người dân không có lỗi. Nếu gửi tiết kiệm, không phải lúc nào người dân cũng có thể rút tiền để chi trả cho nhu cầu cấp thiết, mạng lưới ngân hàng không phải khi nào cũng mở cửa ngày đêm hay có mặt tận các thôn, xã như các tiệm vàng. Bóp nghẹt tính thanh khoản của vàng là trái với quy luật và nhu cầu chính đáng của rất nhiều người dân. Một doanh nghiệp kinh doanh vàng nói: “Tôi có vốn nhỏ, tôi kinh doanh nhỏ, tại sao lại cấm tôi kinh doanh vàng nếu tôi đơn thuần chỉ là cung cấp dịch vụ cho dân?”.

Dẹp số “chân rết” này đi, thị trường chỉ còn vài người chơi với nhau, ai là người hưởng lợi, chắc chắn không phải người dân. Trong khi đó, thiếu chợ mà dân vẫn có nhu cầu trao đổi vàng, ắt thị trường tự do sẽ trỗi dậy.
 
Với vàng trang sức, theo các chuyên gia, quan trọng nhất không phải ai cấp phép mà phải là chất lượng của vàng. Nếu doanh nghiệp đăng ký sản xuất và chế tác mặt hàng đó với vàng 18 cara thì phải đúng 18 cara, nếu cơ quan quản lý kiểm tra ngẫu nhiên mà sai, anh bị thu hồi và cấm kinh doanh. Điều đó mới cần thiết với thị trường vàng trang sức, chứ không phải đẻ ra thêm một giấy phép ở NHNN (như dự thảo).
 
Doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh với sở kế hoạch và đầu tư, nay lại phải xin thêm một giấy phép con, phiền hà hơn, nảy sinh cơ chế xin-cho mà cũng không giải quyết được vấn đề của thị trường. Trưởng đại diện một hãng vàng của Thụy Sỹ tại Việt Nam đưa ra ví dụ, một doanh nghiệp chế tác vàng trang sức đăng ký chất lượng ở London, sáu tháng một lần cơ quan quản lý sẽ lấy bất kỳ mẫu nào của doanh nghiệp đó trên thị trường (mà không bị làm giả) để kiểm tra, nếu các chỉ số chất lượng sản phẩm không đúng thì anh bị ngừng kinh doanh, thu hồi sản phẩm. Tại sao ta không làm như thế?

Ông dẫn ra thêm một vấn đề khác, hàng ngàn thợ kim hoàn lành nghề sẽ thất nghiệp khi cùng một lúc nhiều doanh chế tác vàng bị rút giấy phép. Ai sẽ giúp họ có công ăn việc làm? Ông cũng thắc mắc, nếu chỉ một mình SJC còn lại trên thị trường, nhà xưởng của SJC có đủ năng lực chế tác vàng cho toàn quốc. Nhà nước có thể giữ nguyên thương hiệu SJC, nhưng tại sao không chia việc gia công cùng thương hiệu đó cho các cơ sở sản xuất có tiềm lực với sự giám sát chặt chẽ.

Chuyên gia này chia sẻ với TBKTSG, Nhà nước muốn điều tiết vàng nhưng không thể bỏ mặc một nhu cầu có thật. Nếu muốn dẹp thị trường vàng miếng, cần có một đồng tiền đủ mạnh hay các công cụ hấp dẫn khác để vừa an toàn cho thị trường tiền tệ, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư, vừa tiện lợi, để người dân quên vàng đi. Nó có thể là chứng chỉ vàng, tương tự như cuốn sổ tiết kiệm đi với các công cụ quản lý để đảm bảo giá trị như vàng vật chất. Nhà nước vẫn thu được vốn huy động trong dân mà không bị ứ đọng một lượng vàng lớn tích trữ trong két.

Còn nếu không thì tâm lý tìm về vàng khi các công cụ khác bất an là điều hoàn toàn đúng quy luật. Ông dẫn một thống kê của Hội đồng Vàng thế giới cho biết sáu tháng gần đây, khi kinh tế châu Âu khủng hoảng thì lượng vàng tiêu thụ tại đây nhiều hơn tất cả các thị trường khác trên thế giới.
Đại diện Bảo Tín Minh Châu nói, trước năm 1998, thị trường đã tồn tại một thương hiệu vàng miếng duy nhất và sau đó nhà nước phải cấp phép thêm cho các doanh nghiệp khác. Nếu quay trở lại như trước, NHNN cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh việc vàng lại tiếp tục làm chủ thị trường tiền tệ.
 
TheoHồng Phúc
TBKTSG

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,933

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn