Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động với tỷ lệ 91,16%

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
14/06/2022 11:00 AM

Thực hiện Kỳ họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động.

Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, kết quả biểu quyết cho thấy, có 454/474 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết đã tán thành thông qua Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ), chiếm tỷ lệ 91,16%. Với tỷ lệ như vậy, Quốc hội đã thông qua Luật CSCĐ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại Kỳ họp.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật CSCĐ. Theo đó, ngày 26/5/2022, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường và cơ bản nhất trí về dự thảo Luật CSCĐ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến của đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua.

Về vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động (Điều 3), có ý kiến đề nghị làm rõ hơn tính đặc thù của CSCĐ, làm rõ vai trò chủ trì, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự khu vực biên giới, trên biển; đề nghị bổ sung quy định địa bàn, phạm vi hoạt động của CSCĐ; bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật” vào cuối nội dung điều luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật quy định vị trí của CSCĐ là lực lượng vũ trang thuộc Công an nhân dân, với chức năng là lực lượng “nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang” bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và được quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động trong dự thảo Luật. Đây chính là đặc thù và sự khác biệt của CSCĐ so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân. Phạm vi, địa bàn hoạt động của CSCĐ trước hết phải theo quy định của Luật Công an nhân dân và được cụ thể hóa trong dự thảo Luật, đồng thời được phân định bởi các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam). Đối với các nhiệm vụ, quyền hạn do Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển chủ trì, CSCĐ sẽ chỉ phối hợp thực hiện khi được yêu cầu tham gia giải quyết vụ việc.

Về ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “theo quy định của pháp luật”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để bảo đảm cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, tránh lạm quyền, nhất là các nội dung có liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp, khoản 2 Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc hoạt động của CSCĐ là phải “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam”. Theo đó, chức năng của CSCĐ đã được ràng buộc và điều chỉnh bởi Luật Công an nhân dân, các luật khác có liên quan và quy định tại Luật này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về nguyên tắc hoạt động của Cảnh sát cơ động (Điều 4), có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc “bảo đảm quyền con người, quyền công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung nguyên tắc như đại biểu Quốc hội nêu là rất xác đáng, đảm bảo tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và cũng đã được thể hiện tại khoản 3 Điều này, vì vậy đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ nguyên tắc “chịu sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an trung ương”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, lực lượng CSCĐ được tổ chức thành nhiều cấp đơn vị, được bố trí ở trung ương (Bộ Công an) và địa phương (Công an cấp tỉnh). Tùy theo quy mô, vị trí, các đơn vị CSCĐ ngoài việc chấp hành sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương còn phải chịu sự lãnh đạo của cấp ủy đảng được giao trực tiếp quản lý, lãnh đạo đơn vị đó. Do đó, việc quy định nguyên tắc lãnh đạo của Đảng như dự thảo Luật là phù hợp, chặt chẽ.

Về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động (Điều 9), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nhiệm vụ chống bạo loạn, chống khủng bố vì đây là nhiệm vụ chủ yếu của CSCĐ. Theo  Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bạo loạn, khủng bố là những tình huống có tính chất nghiêm trọng và phức tạp, nên khi vụ việc xảy ra đòi hỏi phải xử lý nhanh chóng, linh hoạt, áp dụng các biện pháp công tác có tính chất nghiệp vụ đặc thù; đồng thời, phải tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống khủng bố. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội không quy định cụ thể việc thực hiện nhiệm vụ này trong dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại điểm d khoản 3 phải có sự phối hợp của các đơn vị khác trong Công an nhân dân hoặc Quân đội nhân dân vì đây không phải là nhiệm vụ chính của CSCĐ. Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, ngoài việc tham gia, phối hợp với các lực lượng để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát như ý kiến của các vị ĐBQH, CSCĐ cũng được giao chủ động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự theo kế hoạch đã được phê duyệt ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự và khi có các sự kiện chính trị, đối ngoại, kinh tế, văn hóa - xã hội quan trọng của đất nước hoặc của địa phương nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Quy định này kế thừa quy định tại khoản 3 Điều 7 của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “trừ lực lượng chống khủng bố của Bộ Quốc phòng” tại khoản 5 sau cụm từ “tham gia chống khủng bố”. Có ý kiến cho rằng quy định tại khoản này dẫn đến lực lượng bảo vệ thuộc các bộ, ngành, địa phương phải được huấn luyện nghiệp vụ, có thể làm tăng chi phí cho các cơ quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống khủng bố đã giao Bộ Công an “chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống khủng bố”.

Thực tế thi hành Luật Phòng, chống khủng bố cho thấy, Bộ Quốc phòng đang chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện hiệu quả việc huấn luyện cho lực lượng phòng, chống khủng bố chuyên trách của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Công an đã giao CSCĐ trực tiếp tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chống khủng bố cho các lực lượng làm công tác phòng, chống khủng bố trong Công an nhân dân và lực lượng tham gia, hoạt động này đang thực hiện có hiệu quả. Khoản 5 dự thảo Luật quy định CSCĐ có nhiệm vụ “chủ trì, phối hợp huấn luyện… theo quy định của pháp luật” nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ của CSCĐ trên cơ sở quy định của khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống khủng bố, theo đó CSCĐ chỉ được chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng, đơn vị khác huấn luyện công tác phòng, chống khủng bố theo quy định của Luật phòng, chống khủng bố và pháp luật có liên quan.

Hoạt động huấn luyện lực lượng bảo vệ thuộc bộ, ngành, địa phương hiện đang thực hiện theo Nghị định số 06/2013/NĐ-CP ngày 09/01/2013 của Chính phủ quy định về bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Dự thảo Luật chỉ luật hóa nội dung của Nghị định trên, không làm phát sinh trách nhiệm, nghĩa vụ và chi phí của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về quyền hạn của Cảnh sát cơ động (Điều 10), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể khoản 3 hoặc giao cho Chính phủ quy định chi tiết bảo đảm phù hợp với năng lực và trang thiết bị của CSCĐ và không chồng chéo với các lực lượng khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, hiện nay khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay đối với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ đang được quy định và thực hiện theo Quyết định số 18/2020/QĐ-TTg ngày 10/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhằm tạo cơ sở pháp lý để CSCĐ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu (quy định tại điểm c khoản 3 Điều 9), dự thảo Luật đã bổ sung quyền hạn tại khoản 3 Điều này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Bộ Công an phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để xác định phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay và phân công trách nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của CSCĐ. Trường hợp xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm khu vực bảo vệ mục tiêu mà vượt quá khả năng, thì CSCĐ có trách nhiệm phối hợp với các lực lượng khác để xử lý hiệu quả. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ quyền hạn ở khoản 6 để tránh lạm dụng vì hồ sơ thiết kế công trình của các tổ chức, cá nhân đã được quản lý, lưu trữ ở các cơ quan nhà nước. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, để bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin và tránh thương vong, tổn thất lực lượng khi vào công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện có cấu trúc phức tạp, rộng lớn xảy ra vụ việc, CSCĐ cần có sơ đồ, thiết kế để lựa chọn phương án phù hợp. Việc cung cấp sơ đồ, thiết kế thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước hoặc các đơn vị khác trong Công an nhân dân, phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn để đáp ứng nhanh nhất yêu cầu nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin.

Mặt khác, quy định này được kế thừa quy định tại khoản 13 Điều 7 Pháp lệnh Cảnh sát cơ động hiện hành, thực tế quá trình thực hiện không có vướng mắc. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về việc vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân (Điều 13), một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định CSCĐ được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để thực hiện một số nhiệm vụ khác và ngăn chặn, trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau và thuộc trách nhiệm của nhiều lực lượng. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật khác như đại biểu Quốc hội nêu do các lực lượng khác chủ trì, CSCĐ có trách nhiệm phối hợp xử lý; trường hợp CSCĐ vào trụ sở cơ quan, tổ chức hoặc nơi ở của cá nhân để ngăn chặn, trấn áp hành vi vi phạm pháp luật sẽ thực hiện theo đề nghị của lực lượng đang chủ trì theo quy định pháp luật. Do vậy để rõ ràng hơn về phạm vi và mục đích vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân và thống nhất với nội dung của Điều này, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung cụm từ “để chống khủng bố, giải cứu con tin” ở tên Điều như dự thảo Luật.

Về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (Điều 15), có ý kiến đề nghị bổ sung quyền nổ súng vào tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ tại khoản 1 để phù hợp với quyền hạn của CSCĐ tại khoản 3 Điều 10, vì Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không quy định trường hợp này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, để thực hiện quyền “ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ” quy định tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo Luật, CSCĐ có thể sử dụng các biện pháp, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại (phá sóng, chế áp điện tử…) mà không nhất thiết phải sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Quy định tại khoản này không bao gồm việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào khoản 2 nội dung người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cấp trên về quyết định của mình. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý khoản 2 Điều này như dự thảo Luật.

Các đại biểu ấn nút biểu quyết thông qua Luật Cảnh sát cơ động.

Về huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự (Điều 16), một số ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự; có ý kiến đề nghị không quy định quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh, trật tự vì đây là hoạt động thường xuyên, không mang tính cấp bách.

Ngoài những nội dung đã nêu tại Báo cáo số 222/BC-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, thực tế khi triển khai các phương án, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, CSCĐ luôn bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu thực tế. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể phát sinh những tình huống ngoài dự kiến mà cấp bách, cần thiết phải huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự thì CSCĐ mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực tế có nhiều tình huống phức tạp, khó lường, ngoài dự báo. Do đó, nếu quy định cụ thể “trường hợp cấp bách” trong dự thảo Luật sẽ rất khó bao quát hết các tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về quyền huy động trong trường hợp cấp bách cũng không giải thích hoặc quy định cụ thể.

Đúng như ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, đối với nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát thông thường thì CSCĐ không có quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự. Chỉ trong trường hợp phát hiện vi phạm pháp luật nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm ngay tức khắc đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mà CSCĐ không đủ điều kiện ngăn chặn, xử lý, nếu không huy động thì nguy cơ xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, cho xã hội. Quyền huy động của CSCĐ chỉ được thực hiện trong những trường hợp này. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị giới hạn chủ thể được quyền huy động khi thực hiện nhiệm vụ độc lập quy định tại điểm a khoản 2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý điểm a khoản 2 Điều này như dự thảo Luật.

Về một số nội dung khác, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động của Cảnh sát cơ động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động của CSCĐ là rất cần thiết. Tuy nhiên, Điều 44 Luật Công an nhân dân đã quy định về Xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động của Công an nhân dân. Công tác xử lý vi phạm liên quan đến CSCĐ được thực hiện theo quy định trên và pháp luật có liên quan. Mặt khác, khoản 3 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định: “không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới”. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 3 các điều: Điều 24, Điều 26, Điều 27 của dự thảo Luật vì Điều 29 đã giao Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, trong đó có trách nhiệm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, khoản 1 Điều 11 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết”. Quy định tại Điều 29 chỉ là quy định chung về trách nhiệm của Bộ Công an. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Ngoài những nội dung trên, căn cứ báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý một số từ ngữ và kỹ thuật lập pháp theo ý kiến đại biểu Quốc hội để bảo đảm phù hợp về thể thức văn bản, tính thống nhất ngay trong dự thảo Luật và trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi./.

Bích Lan-Phạm Thắng

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,976

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]