Đóng BHXH một lần để hưởng lương hưu, cần điều kiện gì?

14/10/2016 08:34 AM

Người lao động được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu đối với trường hợp tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng).

Ông Nguyễn Văn Hòa (tỉnh Tuyên Quang) sinh ngày 7/11/1954, trú tại thôn Nà Tuộc, xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, nhập ngũ tháng 9/1972, xuất ngũ tháng 4/1978.

Từ tháng 5/1978 đến tháng 5/1983, ông Hòa làm việc tại Bệnh viện Chiêm Hóa. Từ tháng 6/1983 đến tháng 2/1987, làm việc tại Mỏ Antimon Đầm Hồng, tháng 3/1987 ông được cơ quan cho nghỉ hưởng chế độ mất sức lao động theo quy định.

Tháng 7/1997, ông Hòa được gọi đi giám định lại sức khỏe xác định tỷ lệ mất sức lao động hạng B (65%) không được hưởng chế độ mất sức lao động nữa.

Ông Hòa hỏi, thời gian làm việc của ông là 14 năm 6 tháng có được bảo lưu không? Theo Luật BHXH mới ông có thể đóng BHXH tự nguyện để đủ số năm hưởng chế độ lương hưu không? Nếu được cần phải làm những thủ tục gì?

Về vấn đề này, BHXH Việt Nam trả lời như sau:

Về thời gian làm việc 14 năm 6 tháng (từ tháng 9/1972 đến tháng 2/1987): Theo Điều 1 Quyết định số 60/HĐBT ngày 1/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng, điểm b khoản 1, Mục II Thông tư số 05/LĐ-TBXH-TT ngày 24/4/1990 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành chế độ trợ cấp mất sức lao động theo Quyết định số 60/HĐBT, quy định thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng bằng ½ thời gian công tác đã quy đổi.

Điều 61 Luật BHXH số 58/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 quy định về bảo lưu thời gian đóng BHXH: Người lao động khi nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 và Điều 55 của Luật này hoặc chưa hưởng BHXH một lần theo quy định tại Điều 60 của luật này thì được bảo lưu thời gian đóng BHXH.

Căn cứ hồ sơ lưu trữ tại BHXH tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Văn Hòa có thời gian công tác là 14 năm 6 tháng quy đổi là 18 năm 6 tháng. Nghỉ hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng kể từ ngày 1/3/1987. Thời gian hưởng trợ cấp mất sức lao động là 9 năm 3 tháng, thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động kể từ ngày 1/6/1997.

Đối chiếu các quy định trên, ông Hòa đã hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng kể từ ngày 1/3/1987 đến hết tháng 5/1997 là 9 năm 3 tháng bằng ½ thời gian công tác đã quy đổi. Do đó, ông Hòa không thuộc đối tượng được bảo lưu thời gian đóng BHXH để làm căn cứ giải quyết các chế độ BHXH.

Về việc đóng BHXH tự nguyện để đủ số năm hưởng chế độ theo Luật BHXH mới và nếu được cần phải làm những thủ tục gì? Theo điểm e, khoản 1, Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện, có hiệu lực thì hành từ ngày 15/2/2016 quy định về phương thức đóng: Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

Do ông đã hưởng trợ cấp mất sức lao động là 9 năm 3 tháng (bằng ½ thời gian công tác đã quy đổi) nên ông không được bảo lưu thời gian công tác. Vì vậy, ông không thuộc đối tượng đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu để hưởng chế độ hưu trí.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,865

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn