Những vật phẩm, hàng hóa không được vận chuyển qua mạng bưu chính tại Việt Nam (Hình từ internet)
Căn cứ tại Điều 12 Luật Bưu chính 2010 và khoản 2 Điều 12 Công ước Bưu chính thế giới và các nghị định thư cuối cùng 1999 về những hàng hóa không được vận chuyển thông qua mạng bưu chính như sau:
- Vật phẩm, hàng hóa mà pháp luật của Việt Nam quy định cấm lưu thông.
- Vật phẩm, hàng hoá từ Việt Nam gửi đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu.
- Vật phẩm, hàng hoá từ các nước gửi về Việt Nam mà pháp luật Việt Nam quy định cấm nhập khẩu.
- Vật phẩm, hàng hoá bị cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Ngoại lệ, Bưu chính các nước Bô-li-vi-a (Bolivia), Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (China People’s Rep), trừ đặc khu hành chính Hồng Kông (Hongkong Special Administrative Region), I-rắc (Irag), Nê-pan (Nepal), Pa-kít-xtan (Pakistan), A-rập Xê-út (Saudi Arabia), Xu-đăng (Sudan) và Việt Nam (Vietnam) không chấp nhận bưu phẩm ghi số chứa tiền kim loại, giấy bạc ngân hàng, tiền giấy hoặc chứng từ giá trị các loại, séc du lịch, bạch kim vàng hoặc bạc đã gia công hoặc chưa, đá quý, đồ nữ trang hoặc các vật phẩm quý khác.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 17 Luật Bưu chính 2010, những trường hợp bưu gửi không phát được bao gồm:
- Không có địa chỉ người nhận; địa chỉ người nhận không đầy đủ hoặc không đúng;
- Người nhận đã thay đổi địa chỉ nhưng không để lại địa chỉ mới;
- Không tìm được người nhận tại địa chỉ đã ghi;
- Sau khi không thực hiện được việc phát, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính đã mời tối thiểu hai lần, mỗi lần cách nhau 02 ngày làm việc, nhưng người nhận không đến nhận;
- Người nhận từ chối nhận.
Theo đó, đối với hành vi vi phạm các quy định về vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính được quy định tại Điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) thì bị xử phạt hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa từ Việt Nam đi các nước mà pháp luật Việt Nam quy định cấm xuất khẩu hoặc pháp luật của nước nhận quy định cấm nhập khẩu;
+ Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm sử dụng hoặc cấm lưu thông theo quy định của pháp luật;
+ Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
+ Gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển bưu gửi chứa vật phẩm, hàng hóa cấm vận chuyển bằng đường bưu chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi gửi hoặc chấp nhận hoặc vận chuyển hoặc phát bưu gửi chứa văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, trái thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
+ Tước quyền sử dụng Giấy phép bưu chính hoặc văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP trong trường hợp tái phạm.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b và d khoản 1 Điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
+ Buộc tiêu hủy vật phẩm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP;
+ Buộc tái xuất vật phẩm, hàng hóa cấm nhập khẩu vào Việt Nam đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Lưu ý: Mức phạt nêu trên áp dụng đối với tổ chức. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. (khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP)
Phan Nhật Vy