Những điều cơ bản về bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần biết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/02/2025 13:20 PM

Bảo vệ môi trường là điều kiện tiên quyết phát triển bền vững của doanh nghiệp. Sau đây là những điều cơ bản về bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần biết.

Những điều cơ bản về bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần biết

Những điều cơ bản về bảo vệ môi trường cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần biết (Hình từ internet)

Trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Căn cứ tại Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như sau:

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm sau đây:

+ Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc trong khu đô thị, khu dân cư tập trung đã có hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung, chủ cơ sở phải thực hiện việc đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung theo quy định của chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung đó, trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối nước thải trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành;

+ Cơ sở hoạt động trong cụm công nghiệp, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 của Luật Bảo vệ môi trường 2020;

+ Thu gom, phân loại, lưu giữ, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020;

+ Giảm thiểu, thu gom, xử lý bụi, khí thải, mùi khó chịu; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí độc hại ra môi trường; kiểm soát tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ nhiệt;

+ Bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

+ Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 111 và khoản 2 Điều 112 của Luật Bảo vệ môi trường 2020 phải bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; phải có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận;

+ Thực hiện quan trắc nước thải, bụi, khí thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc các trường hợp sau đây phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:

+ Có chất dễ cháy, dễ nổ;

+ Có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ;

+ Có chất độc hại đối với người và sinh vật;

+ Có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người;

+ Có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân có phát sinh nước thải, khí thải phải có công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường hoặc theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật, đánh giá sự phù hợp đối với công trình, thiết bị xử lý chất thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 3 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành lộ trình thực hiện đối với cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường.

Cách xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư

Căn cứ theo khoản 2 Điều 52 Nghị định 08/2022/NĐ-CP về cách xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư quy định như sau:

- Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đến khu dân cư được xác định căn cứ vào quy mô, công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng và đặc tính của chất dễ cháy, dễ nổ, chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ, chất độc hại đối với người và sinh vật;

- Khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đến khu dân cư được xác định căn cứ vào quy mô, công suất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng và tính chất của bụi, mùi khó chịu, mức độ tiếng ồn và nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt;

- Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nhiều nguồn phát thải, khoảng cách an toàn về môi trường được xác định từ nguồn phát thải gần nhất của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư. Trường hợp không xác định được nguồn phát thải hoặc không có nguồn phát thải, khoảng cách an toàn về môi trường được xác định từ vị trí tường của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng, nhà hoặc công trình bao chứa nguồn phát sinh ô nhiễm, chứa chất dễ cháy, dễ nổ, chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ, chất độc hại đối với người và sinh vật;

- Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng mà thuộc đồng thời từ hai trường hợp trở lên theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 53 Luật Bảo vệ môi trường 2020 thì phải áp dụng giá trị khoảng cách lớn nhất.

Phan Nhật Vy

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]