Vấn đề pháp lý về việc chàng trai Quảng Nam đám cưới với 2 người phụ nữ

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
12/02/2025 11:41 AM

Vừa qua, MXH xôn xao vụ chàng trai Quảng Nam đám cưới với 2 người phụ nữ. Dưới đây là vấn đề pháp lý xoay quanh vụ việc này.

Vấn đề pháp lý về việc chàng trai Quảng Nam đám cưới với 2 người phụ nữ (Hình từ internet)

1. Vấn đề pháp lý về việc chàng trai Quảng Nam đám cưới với 2 người phụ nữ

Liên quan đến vụ thanh niên bị tố lấy 2 cô gái ở Quảng Nam khi cả 2 cùng đang mang thai. Theo xác minh từ cơ quan chức năng thì chàng trai vẫn chưa đăng ký kết hôn với cô dâu nào.

Tuy nhiên, câu chuyện này xoay quanh những vấn đề pháp lý sau đây: 

Theo Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình đó là hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. 

Đồng thời, pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận quan hệ hôn nhân khi nam nữ đáp ứng được các điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền theo Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý.

Do đó, nếu 3 người trong câu chuyện nêu trên đều trong tình trạng độc thân (chưa đăng ký kết hôn, hoặc đã ly hôn) thì việc họ tổ chức đám cưới là không vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình.

Bởi đám cưới chỉ là một thủ tục mang tính tập quán, không có giá trị pháp lý.

Dù vậy, đây là tình huống trái với thuần phong mỹ tục, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Do đó, cơ quan chức năng nên vận động tuyên truyền những người trong cuộc và cả những người dân khác thực hiện quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc.

2. Đăng ký khai sinh cho con trong trường hợp không đăng ký kết hôn

Trong câu chuyện nêu trên, cả 2 cô gái đều mang thai. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Hộ tịch 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì mọi trẻ sinh ra đều có quyền được khai sinh mà không phụ thuộc vào việc cha mẹ có đăng ký kết hôn hay không, có xác định được cha mẹ hay không…

Theo đó, trong trường hợp không đăng ký kết hôn thì khai sinh cho con có thể chỉ có tên cha hoặc tên mẹ. 

Nếu để có tên cha và mẹ trên giấy khai sinh, thì nam nữ phải thực hiện đăng ký kết hôn. Hoặc làm thủ tục nhận cha cho con trong trường hợp không đăng ký kết hôn.

Cụ thể, thủ tục đăng ký khai sinh cho con trong trường hợp không đăng ký kết hôn (trường hợp có nhận cha cho con) như sau: 

- Người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con nộp hồ sơ đăng ký khai sinh và đăng ký nhận cha, mẹ, con tại Bộ phận một cửa của UBND cấp xã có thẩm quyền; nộp lệ phí nếu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí đăng ký khai sinh, đăng ký nhận cha, mẹ, con; nộp phí cấp bản sao Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con nếu có yêu cầu cấp bản sao Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con. 

- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa có trách nhiệm kiểm tra tính chính xác, đầy đủ, thống nhất, hợp lệ của hồ sơ.

(i) Trường hợp hồ sơ đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ, có Phiếu hẹn, trả kết quả cho người có yêu cầu, đồng thời chuyển hồ sơ để công chức làm công tác hộ tịch xử lý.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa thực hiện số hóa (sao chụp, chuyển thành tài liệu điện tử trên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu) và ký số vào tài liệu, hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đã được số hóa theo quy định.

(ii) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ thì có thông báo cho người yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung để người có yêu cầu bổ sung, hoàn thiện. Sau khi hồ sơ được bổ sung, thực hiện lại bước (i);

(iii) Trường hợp người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con không bổ sung, hoàn thiện được hồ sơ thì báo cáo Trưởng bộ phận một cửa có thông báo từ chối giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con.

- Công chức tư pháp - hộ tịch thẩm tra hồ sơ (thẩm tra tính thống nhất, hợp lệ của các thông tin trong hồ sơ, giấy tờ, tài liệu do người yêu cầu nộp, xuất trình hoặc đính kèm).

+ Trường hợp hồ sơ cần bổ sung, hoàn thiện hoặc không đủ điều kiện giải quyết, phải từ chối thì gửi thông báo về tình trạng hồ sơ tới Bộ phận một cửa để thông báo cho người nộp hồ sơ - thực hiện lại bước (ii) hoặc (iii);

+ Trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không thể trả kết quả đúng thời gian đã hẹn thì công chức tư pháp - hộ tịch lập Phiếu xin lỗi và hẹn lại ngày trả kết quả, trong đó nêu rõ lý do chậm trả kết quả và thời gian hẹn trả kết quả, chuyển Bộ phận một cửa để trả cho người có yêu cầu;

+ Nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện việc ghi vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh, cập nhật thông tin đăng ký khai sinh, đăng ký nhận cha, mẹ, con và lưu chính thức trên Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung, chuyển thông tin đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy Số định danh cá nhân.

- Sau khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trả về Số định danh cá nhân, công chức tư pháp - hộ tịch in Giấy khai sinh, Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, trình Lãnh đạo UBND ký, chuyển tới Bộ phận một cửa trả kết quả cho người có yêu cầu.

- Người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con (cả hai bên phải có mặt, xuất trình giấy tờ tùy thân để đối chiếu) kiểm tra thông tin trên Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, Giấy khai sinh, trong Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh và ký tên vào Sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, Sổ đăng ký khai sinh, nhận Trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con, Giấy khai sinh. 

* Hồ sơ đăng ký khai sinh sinh kết hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm: 

- Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu;

- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu.

- Bản chính Giấy chứng sinh; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh;

- Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con gồm:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

+ Trường hợp không có văn bản nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.

* Giấy tờ phải xuất trình:

- Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai sinh và nhận cha, mẹ, con;

- Giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú trong trường hợp cơ quan đăng ký hộ tịch không thể khai thác được thông tin về nơi cư trú của công dân theo các phương thức quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ. Trường hợp các thông tin về giấy tờ chứng minh nơi cư trú đã được khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng các phương thức này thì người có yêu cầu không phải xuất trình (theo hình thức trực tiếp). 

(Quyết định 1079/QĐ-BTP năm 2024)

3. Trường hợp đã có vợ có chồng mà kết hôn với người khác thì bị xử lý thế nào?

3.1 Xử phạt hành chính

Theo khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

3.2 Xử lý hình sự

Theo Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau: 

- Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

+ Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;

+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

+ Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;

+ Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Như vậy, trường hợp đã có vợ/chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng với mức phạt tù cao nhất lên đến 03 năm tù.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]