Chỉ thị 01 về triển khai thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 của Tòa án nhân dân tối cao (Hình từ Internet)
Tòa án nhân dân tối cao ban hành Chỉ thị 01/2025/CT-CA ngày 17/02/2025 về triển khai thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024.
Để bảo đảm cho việc thi hành Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024 (được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026) được kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Chánh án Tòa án các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau đây:
- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phổ biến, quán triệt cho đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý các quy định của Luật; nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị để có biện pháp, hình thức triển khai phù hợp. Khẩn trương xây dựng, phát hành tài liệu tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật, nhất là các quy định mới và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch của Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm việc thi hành Luật thực chất, hiệu quả.
- Tập trung rà soát các nội dung được quy định chi tiết trong Luật và các quy định khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, đề xuất Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật theo thẩm quyền.
Tăng cường phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc rà soát, đề xuất cơ quan có thẩm quyền bãi bỏ văn bản không còn phù hợp với quy định của Luật; xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật nhằm bảo đảm hệ thống pháp luật về tư pháp người chưa thành niên thống nhất, đồng bộ có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
- Căn cứ vào tình hình thực tế tại Tòa án, đơn vị mình đề xuất bố trí trang thiết bị, phương tiện, điều kiện làm việc, nguồn kinh phí và đặc biệt là phòng xử án thân thiện bảo đảm thống nhất, phù hợp, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch và chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia tố tụng cho đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và công chức giữ chức danh tư pháp trong Tòa án.
- Kể từ ngày Luật được công bố (ngày 02/12/2024), các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự, Vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh, thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên thuộc Tòa án nhân dân tối cao phải thực hiện đúng quy định về hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, tù có thời hạn, quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, án treo, hoãn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người chưa thành niên phạm tội quy định tại khoản 2, 5 và 6 Điều 179 Luật Tư pháp người chưa thành niên 2024.
Tổ chức xét xử hiệu quả, đúng pháp luật vụ án hình sự có người chưa thành niên tham gia tố tụng, bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện đối với người chưa thành niên theo quy định của Luật.
- Căn cứ Chỉ thị 01/2025/CT-CA ngày 17/02/2025, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thực tiễn của đơn vị và quy định của Luật. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì phản ánh, kiến nghị về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời.
Xem thêm tại Chỉ thị 01/2025/CT-CA ban hành ngày 17/02/2025.