Pi network là gì? Việt Nam sắp có quy định về tiền ảo theo Nghị quyết 27 của Chính phủ? (Hình từ internet)
Pi Network là một trong những ứng dụng khai thác tiền ảo được giới thiệu từ năm 2019. Với mục tiêu tạo ra một mạng lưới tiền điện tử dễ dàng sử dụng và có thể khai thác trên các thiết bị di động mà không tiêu tốn nhiều năng lượng như các đồng tiền điện tử truyền thống như Bitcoin.
Hệ sinh thái Pi Network hiện bao gồm một ứng dụng di động cho phép người dùng khai thác Pi trong vòng 24 giờ. Người dùng có thể "khai thác" Pi bằng cách tham gia vào mạng lưới và duy trì kết nối với mạng lưới này.
Thông tin trên mang tính chất tham khảo
Tính đến thời điểm hiện nay, không chỉ đối với riêng Pi network mà còn còn đối với tất cả loại tiền ảo khác tại Việt Nam đều chưa được hợp pháp hóa theo quy định của pháp luật.
Theo đó, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan đều chưa có quy định nào điều chỉnh về các loại tiền điện tử và các giao dịch liên quan.
Quy định hiện hành tại khoản 10 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP chỉ đang công nhận các phương tiện thanh toán dưới đây, bao gồm:
- Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành;
- Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng (bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước), ví điện tử và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Đồng tiền của quốc gia khác hoặc đồng tiền chung châu Âu và đồng tiền chung khác được sử dụng trong thanh toán quốc tế và khu vực ( gọi là ngoại tệ);
Với việc chưa được hợp pháp hóa, nên những ai khi sử dụng Pi network cũng như các loại tiền ảo khác để thực hiện các giao dịch với nhau có thể bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với cá nhân hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn đối với tổ chức mà vi phạm hành vi trên, sẽ bị xử phạt gấp đôi, tức là từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.
( khoản 3 Điều 3 và khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ( sửa đổi bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP))
Cụ thể vào ngày 07/02/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết 27/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025.
Chính phủ yêu rà soát kỹ lưỡng các nhiệm vụ trong tháng 02 và quý I năm 2025 để tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ Tài Chính:
Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình về đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”), quản lý các giao dịch liên quan đến “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 424/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2024, chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại các văn bản số: 4152/VPCP-KTTH ngày 15 tháng 10 năm 2024, 4452/VPCP-KTTH ngày 04 tháng 11 năm 2024, 313/VPCP-KTTH ngày 23 tháng 01 năm 2025 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản có liên quan, không để tiếp tục chậm trễ.
Như vậy, theo nội dung của Nghị quyết 27/NQ-CP nêu trên thì trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh và quản lý các giao dịch về tài sản số, trong đó bao gồm các loại tiền điện tử, tiền mã hóa.
Trước đó, tại Quyết định 424/QĐ-TTg năm 2024, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”), quản lý các giao dịch liên quan đến “tài sản số” (“tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”). |