Tải App trên Android

Trình tự khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự từ 01/02/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
14/01/2025 13:00 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết về trình tự khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự từ 01/02/2025.

Trình tự khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự từ 01/02/2025 (Hình từ internet)

Ngày 16/12/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định quy trình khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an nhân dân.

Trình tự khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự từ 01/02/2025

Trình tự khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự được quy định tại Chương III Thông tư 98/2024/TT-BCA như sau: 

Bước 1: Quan sát hiện trường

- Lựa chọn vị trí phù hợp để quan sát bao quát được toàn bộ khu vực hiện trường; tiến hành quan sát từ xa đến gần, từ tổng thể đến bộ phận, từ chung đến riêng, có trọng tâm, trọng điểm. Quá trình quan sát có thể sử dụng các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.

Nội dung quan sát bao gồm: Vị trí, địa hình, địa vật, tình trạng, kết cấu, chủng loại vật liệu của từng phần hiện trường; những thiệt hại và hậu quả của vụ việc; phát hiện dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, tử thi (nếu có) nhìn rõ được có liên quan đến vụ việc.

- Xác định điểm mốc (vật chuẩn) để định vị hiện trường chung, định vị vị trí nạn nhân (nếu có), phương tiện, dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật ở hiện trường. Trường hợp tại hiện trường không có điểm mốc cố định phải xác định bằng tọa độ địa lý.

- Đặt số thứ tự cho dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, tử thi (nếu có) đã thấy rõ ở hiện trường. Số thứ tự được đặt theo số tự nhiên từ số nhỏ đến số lớn theo thứ tự phát hiện.

- Tiến hành các hoạt động ghi nhận chung về hiện trường, dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) tại hiện trường bằng các phương pháp: Chụp ảnh; ghi hình hiện trường (nếu cần thiết); vẽ sơ đồ hiện trường; mô tả vào biên bản khám nghiệm hiện trường.

- Quyết định phương pháp, chiến thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất sử dụng trong giai đoạn khám nghiệm chi tiết hiện trường.

Bước 2: Khám nghiệm chi tiết hiện trường

Người chủ trì khám nghiệm hiện trường phân công lực lượng khám nghiệm hiện trường sử dụng các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng, áp dụng phương pháp, chiến thuật khám nghiệm phù hợp để thực hiện các nội dung:

(1) Phát hiện, làm rõ dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có);

(2) Ghi nhận, mô tả dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có);

(3) Thu lượm, bảo quản dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có);

(4) Thu mẫu so sánh (nếu có);

(5) Mô tả hiện trường vào biên bản khám nghiệm hiện trường;

(6) Vẽ sơ đồ hiện trường;

(7) Chụp ảnh; ghi hình hiện trường (nếu cần thiết).

Bước 3: Kết thúc khám nghiệm hiện trường

- Tiến hành đánh giá dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) đã phát hiện, thu thập được để khai thác các thông tin phục vụ công tác điều tra:

+ Đánh giá từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, tử thi (nếu có) và mối liên hệ giữa các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử và với tử thi (nếu có), với các đồ vật khác tại hiện trường. Đưa ra nhận định về nguyên nhân, cơ chế hình thành, thời gian xuất hiện và tồn tại của dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; đặc điểm của vật gây vết;

+ Đánh giá giá trị chứng minh của từng dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; xác định những dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử cần trưng cầu giám định;

+ Đánh giá số lượng, đặc điểm về đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi phạm tội; nạn nhân hoặc những người liên quan khác (nếu có) đã có mặt tại hiện trường;

+ Đánh giá hậu quả tác hại do vụ việc gây ra.

- Đánh giá kết quả khám nghiệm hiện trường:

+ Xác định những kết quả đã đạt được;

+ Xác định những vấn đề còn thiếu, sót cần bổ sung, những nội dung cần xem xét lại tại hiện trường.

- Đóng gói, niêm phong dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử đã phát hiện, thu thập được và mẫu so sánh (nếu có) theo đúng quy định.

- Hoàn thành biên bản khám nghiệm hiện trường; thống kê số lượng, các loại sơ đồ hiện trường đã vẽ; số lượng, các loại ảnh hiện trường đã chụp vào biên bản khám nghiệm hiện trường.

- Người chủ trì khám nghiệm tuyên bố kết thúc khám nghiệm, giải phóng hiện trường hoặc tuyên bố kết thúc buổi khám nghiệm và tiếp tục công tác bảo vệ hiện trường để khám nghiệm lại hoặc khám nghiệm lần sau (nếu cần thiết).

Xem thêm nội dung tại Thông tư 98/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 01/02/2025.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]