Lịch thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
26/12/2024 12:43 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung chi tiết về lịch thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM năm 2025

Lịch thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM năm 2025

Lịch thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM năm 2025 (Hình từ internet)

Lịch thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM năm 2025

Năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ tổ chức thi đánh giá năng lực với 2 đợt thi, cụ thể như sau:

Đợt 1 của kỳ thi diễn ra tại 25 địa phương: Thừa Thiên - Huế, Bình Phước, Tây Ninh, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau.

Đợt 2 được tổ chức tại 11 địa phương: Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, An Giang, Lâm Đồng, TP HCM.

Cách làm bài thi đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM năm 2025

Theo, đề thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TPHCM được thực hiện bằng hình thức thi trực tiếp, trên giấy. Thời gian làm bài 150 phút.

Đề thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan 04 lựa chọn. Trong đó:

- Phần 1: Sử dụng ngôn ngữ:

+ Tiếng Việt: 30 câu hỏi;

+ Tiếng Anh: 30 câu hỏi.

- Phần 2: Toán học: 30 câu hỏi.

- Phần 3: Tư duy khoa học:

+ Logic, phân tích số liệu: 12 câu hỏi;

+ Suy luận khoa học: 18 câu hỏi.

Mỗi câu hỏi trắc nghiệm khách quan có 04 lựa chọn (A, B, C, D). Thí sinh lựa chọn 01 phương án đúng duy nhất cho mỗi câu hỏi trong đề thi.

Để đạt kết quả tốt, thí sinh cần chia thời gian hợp lý cho từng phần thi, kiểm soát tốt thời gian làm bài. Cần rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, đọc lướt nhanh nhưng nắm được ý chính và hiểu được nội dung của đoạn văn bản, câu hỏi; xem xét tất cả phương án trả lời và chọn đáp án mà thí sinh thấy là phù hợp nhất với câu hỏi. Với các câu hỏi dễ, thí sinh cần hoàn thành nhanh để dành thời gian cho các câu hỏi khó hơn. 

Tuy nhiên, nếu gặp phải một câu hỏi quá khó thì hãy chuyển sang làm câu hỏi khác để tránh mất nhiều thời gian vào câu hỏi đó; sau khi làm xong hết các câu hỏi dễ mới trở lại câu hỏi đó, nếu còn thời gian. 

Thí sinh cũng cần hoàn thành nhanh chóng các câu hỏi đơn để dành thời gian đọc, tư duy, suy luận logic cho các nhóm câu hỏi trong các bài đọc. Nếu chưa tìm thấy đáp án ngay, hãy tìm các từ khóa, dữ kiện liên quan nội dung câu hỏi được cung cấp trong bài đọc và xem lại các phương án trả lời, so sánh điểm khác nhau giữa các phương án trả lời và loại trừ các phương án trả lời sai nhiều nhất có thể. Cách này sẽ giúp thí sinh có thể lựa chọn được đáp án cảm thấy đúng nhất cho câu hỏi.

Thí sinh cần dành thời gian rà soát, kiểm tra lại các phương án đã trả lời để tránh trường hợp tô nhầm ô hay bỏ trống trên phiếu trả lời trắc nghiệm.

Quy định về cấu trúc bài thi đánh giá năng lực

Theo Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT quy định cấu trúc thi tuyển sinh đại học phải đáp ứng quy định sau: 

- Đề thi phải được xây dựng theo đề cương. Đề cương đề thi (bao gồm cấu trúc và dạng thức đề thi, phạm vi và tiêu chí đánh giá) phải thể hiện được yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để học tập thành công ở trình độ đào tạo. Đề cương đề thi phải được công bố cho thí sinh ít nhất 30 ngày trước ngày thi.

- Cấu trúc đề thi đối với kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi độc lập phải chứa thành phần của nội dung môn toán hoặc môn ngữ văn cùng với ít nhất hai môn học khác trong chương trình cấp THPT phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực, ngành đào tạo; các nội dung đưa vào đề thi phải phù hợp với những quy định của pháp luật về giáo dục và văn hóa.

- Phạm vi đánh giá của đề thi đối với kỳ thi tuyển sinh hoặc kỳ thi độc lập chủ yếu nằm trong nội dung của chương trình cấp THPT hiện hành; riêng phạm vi đánh giá của kỳ thi bổ trợ dựa trên yêu cầu về tài năng, năng khiếu hoặc phẩm chất đặc biệt của ngành, lĩnh vực đào tạo. Tiêu chí đánh giá phải dựa trên các cấp độ năng lực, tư duy; phân loại được năng lực của thí sinh, đáp ứng mức độ phù hợp của thí sinh đối với các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi tuyển sinh.

Như vậy, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM là kỳ thi tổ chức trước thi tốt nghiệp THPT để sử dụng kết quả thi xét tuyển cho các trường đại học nên phải đáp ứng quy định về cấu trúc đề thi trên.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]