Đối tượng nào phải thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy từ 01/7/2025? (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 11 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 thì việc kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy được thực hiện như sau:
- Đối tượng kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy bao gồm:
+ Cơ sở quy định tại khoản 7 Điều 2 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024;
“Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
7. Cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy (sau đây gọi là cơ sở) là nhà, công trình, địa điểm được sử dụng để ở, sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc hoặc mục đích khác, được xây dựng, hoạt động theo quy định của pháp luật, thuộc danh mục do Chính phủ quy định. Trong một cơ quan, tổ chức có thể có một hoặc nhiều cơ sở; trong một cơ sở có thể có một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức.”
+ Nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh;
+ Phương tiện giao thông quy định tại khoản 10 Điều 2 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024:
“10. Phương tiện giao thông có yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi là phương tiện giao thông) là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường sắt, phương tiện thủy nội địa, tàu biển được sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải để vận tải hành khách, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; trường hợp là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận tải hành khách thì phải trên 08 chỗ (không kể chỗ của người lái xe).”
+ Công trình xây dựng trong quá trình thi công.
- Nội dung kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy bao gồm:
+ Việc thực hiện trách nhiệm phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông theo quy định;
+ Việc bảo đảm và duy trì điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với công trình xây dựng trong quá trình thi công, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, phương tiện giao thông, cơ sở theo quy định tại các điều 19, 20, 21, 22 và 23 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024; việc thực hiện, duy trì giải pháp kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy đối với các cơ sở quy định tại khoản 6 Điều 55 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 cụ thể:
“Điều 55. Quy định chuyển tiếp
...
6. Cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân loại, lập, công bố danh sách cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy và không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại thời điểm đưa vào hoạt động đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành trên địa bàn quản lý; quy định về cải tạo, chỉnh trang đối với các khu vực đô thị không bảo đảm hạ tầng giao thông hoặc nguồn nước phục vụ chữa cháy theo quy định của pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy;
b) Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định về phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và giải pháp kỹ thuật nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình không bảo đảm yêu cầu phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền quản lý;
c) Người đứng đầu cơ sở căn cứ hiện trạng kiến trúc, kết cấu, công năng, thiết bị, dây chuyền sản xuất để trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy phù hợp và lựa chọn giải pháp kỹ thuật tương ứng quy định tại điểm b khoản này để tăng cường giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy; tổ chức khắc phục theo các giải pháp kỹ thuật đã lựa chọn, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện, báo cáo bằng văn bản gửi cơ quan quản lý trực tiếp về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sau khi hoàn thành việc khắc phục và phải duy trì giải pháp kỹ thuật đã áp dụng trong suốt quá trình hoạt động;
d) Đối với cơ sở không thể áp dụng được giải pháp kỹ thuật theo quy định tại điểm b khoản này thì phải chuyển đổi công năng phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở;
đ) Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nội dung quy định tại khoản này.”
- Thẩm quyền kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy được quy định như sau:
+ Người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư tự tổ chức kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy;
+ Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
- Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều 11 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024; quy định trình tự, thủ tục kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy.
Xem thêm Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 54 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) hết hiệu lực từ ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024 có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 55 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Nghị quyết 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy hết hiệu lực từ ngày Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.