Thủ tục để chuyển giao kiểu dáng công nghiệp trong công ty TNHH một thành viên
Hình từ Internet
Người yêu cầu có thể chuyển giao các quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp sau cho tổ chức, cá nhân khác, cụ thể:
- Chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp.
- Chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp.
Việc chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp cũng như chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp này phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao kiểu dáng công nghiệp:
Đối với trường hợp đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp:
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (Mẫu số 01 tại Phụ lục IV Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
- 01 Hợp đồng chuyển nhượng kiểu dáng công nghiệp (bản gốc hoặc bản sao được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
- Bản gốc văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được cấp dưới dạng giấy;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, nếu quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
Đối với trường hợp đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp:
- Tờ khai đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (Mẫu số 02 tại Phụ lục IV Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
- 02 Hợp đồng chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp (bản gốc hoặc bản sao kèm theo bản gốc để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định); nếu hợp đồng làm bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt thì phải kèm theo bản dịch hợp đồng ra tiếng Việt; nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai;
- Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp, nếu quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp tương ứng thuộc sở hữu chung;
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
- Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
2. Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
3. Nơi nộp hồ sơ: Nộp trực tuyến qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Khoa học và Công nghệ. Hoặc trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
4. Thời hạn giải quyết: 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ (không bao gồm thời gian dành cho người nộp hồ sơ sửa chữa thiếu sót).
- Trường hợp hồ sơ đăng ký không có thiếu sót: Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp;
- Trường hợp hồ sơ đăng ký có thiếu sót:
+ Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối đăng ký hợp đồng, nêu rõ các thiếu sót của hồ sơ và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký thông báo để người nộp hồ sơ sửa chữa các thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối về dự định từ chối đăng ký hợp đồng;
+ Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối đăng ký hợp đồng nếu người nộp hồ sơ không sửa chữa hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng về dự định từ chối đăng ký hợp đồng trong thời hạn đã được ấn định
5. Yêu cầu, điều kiện khi đăng ký hợp đồng chuyển giao kiểu dáng công nghiệp:
- Bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp bên chuyển quyền cho phép.
- Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ.
- Quyền đối với kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
- Mỗi hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao kiểu dáng công nghiệp chỉ được ghi nhận cho một bước chuyển giao. Trường hợp đối tượng sở hữu kiểu dáng công nghiệp được chuyển giao nhiều bước thì mỗi bước chuyển giao phải nộp một hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao kiểu dáng công nghiệp riêng.
Bạn Chưa Đăng Nhập Tài khoản!
Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chưa xem được Căn cứ pháp lý được sử dụng, lịch công việc.
Nếu chưa là Tài khoản, mời Bạn Đăng ký Tài khoản tại đây
Bài viết liên quan:
- Đơn giản hóa việc sửa, bổ sung GCN đủ điều kiện giám định công nghệ (đề xuất)
- Đơn giản hóa về cấp lại GCN đủ điều kiện giám định sở hữu công nghiệp (đề xuất)
- Đơn giản hóa thủ tục cấp lại thẻ giám định viên sở hữu công nghiệp (đề xuất)
- Đơn giản hóa việc cấp GCN đủ điều kiện giám định sở hữu công nghiệp (đề xuất)
- Quy định về chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp năm 2023