Công ty và nhà thầu đang trong quá trình thương thảo hợp đồng. Vậy pháp luật quy định điều kiện ký kết hợp đồng với nhà thầu năm 2023 như thế nào? – Hoàng Thương (Hà Giang).
>> Năm 2023, việc lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư qua mạng được quy định thế nào?
>> Phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ trong đấu thầu năm 2023 là như thế nào?
Căn cứ Điều 64 Luật Đấu thầu 2013, điều kiện ký kết hợp đồng với nhà thầu bao gồm:
- Tại thời điểm ký kết, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của nhà thầu được lựa chọn còn hiệu lực.
- Tại thời điểm ký kết, nhà thầu được lựa chọn phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu về năng lực kỹ thuật, tài chính để thực hiện gói thầu: Trường hợp cần thiết, chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, đơn vị mua sắm tập trung hoặc đơn vị có nhu cầu mua sắm đối với mua sắm tập trung tiến hành xác minh thông tin về năng lực của nhà thầu, nếu vẫn đáp ứng yêu cầu thực hiện gói thầu thì mới tiến hành ký kết hợp đồng.
- Chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, đơn vị mua sắm tập trung hoặc đơn vị có nhu cầu mua sắm đối với mua sắm tập trung phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
+ Điều kiện về vốn tạm ứng.
+ Điều kiện về vốn thanh toán.
+ Điều kiện về mặt bằng thực hiện.
+ Các điều kiện cần thiết khác để triển khai thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ.
Danh sách văn bản Trung ương mới nhất [Cập nhật liên tục và kịp thời] |
Điều kiện ký kết hợp đồng với nhà thầu năm 2023 (Ảnh minh họa - Nguồn từ internet)
Theo Điều 89 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, hợp đồng với nhà thầu cần tuân theo các nguyên tắc chung của nhà thầu, cụ thể như sau:
(i) Hình thức của hợp đồng
- Hợp đồng được ký kết giữa các bên là hợp đồng dân sự.
- Phải được thỏa thuận bằng văn bản để xác lập trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện toàn bộ phạm vi công việc thuộc hợp đồng.
- Hợp đồng đã được các bên ký kết, có hiệu lực và phù hợp với quy định của pháp luật là văn bản pháp lý ràng buộc trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
(ii) Nội dung của hợp đồng
- Nội dụng của hợp đồng phải được lập theo mẫu quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
- Nội dung hợp đồng phù hợp với kết quả thương thảo hợp đồng, kết quả lựa chọn nhà thầu trên cơ sở yêu cầu của gói thầu và hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.
(iii) Phương thức giải quyết tranh chấp
- Trước khi ký kết hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận việc sử dụng trọng tài để giải quyết các tranh chấp xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
- Nội dung liên quan đến việc sử dụng trọng tài phải được quy định cụ thể trong hợp đồng.
Tại Điều 90 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì giá hợp đồng, được quy định như sau:
- Giá hợp đồng phải được xác định rõ trong hợp đồng kèm theo nguyên tắc quản lý các thay đổi, điều chỉnh (nếu có).
- Giá hợp đồng cần được thể hiện chi tiết ở mức độ phù hợp trong bảng giá hợp đồng theo mẫu đã được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được thương thảo, hoàn thiện trước khi ký kết hợp đồng.
Theo Điều 91 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì đồng tiền và hình thức thanh toán hợp đồng được quy định như sau:
- Đồng tiền sử dụng để thanh toán hợp đồng phải được quy định cụ thể trong hợp đồng và phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và không được trái với các quy định của pháp luật.
- Các chi phí trong nước phải được thanh toán bằng đồng Việt Nam, các chi phí bên ngoài lãnh thổ Việt Nam được thanh toán bằng đồng tiền nước ngoài theo quy định trong hợp đồng.
- Hình thức thanh toán có thể bằng tiền mặt, chuyển khoản và các hình thức khác do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật và phải được ghi trong hợp đồng.