Trong công ty kinh doanh chứng khoán thì vốn khả dụng là gì và được xác định như thế nào? Vốn khả dụng có thể giảm trừ hay tăng thêm bởi các khoản nào không? – Quế Anh (Hà Tĩnh).
>> Làm cách nào để kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện?
>> Doanh nghiệp ưu tiên sẽ được hưởng những chế độ gì?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Theo khoản 6 Điều 2 Thông tư 91/2020/TT-BTC quy định vốn khả dụng là vốn chủ sở hữu có thể chuyển đổi thành tiền trong vòng chín mươi (90) ngày. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn khả dụng được hiểu là tỷ lệ phần trăm giữa giá trị vốn khả dụng và tổng giá trị rủi ro.
Ngoài ra, vốn khả dụng còn được xác định là một trong những chỉ tiêu an toàn tài chính, bao gồm:
(1) Vốn khả dụng;
(2) Giá trị rủi ro; và
(3) Tỷ lệ vốn khả dụng và chế độ báo cáo của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Trong đó, vốn khả dụng của công ty kinh doanh chứng khoán được xác định bao gồm các khoản sau:
- Vốn góp của chủ sở hữu, không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có);
- Thặng dư vốn cổ phần không bao gồm vốn cổ phần ưu đãi hoàn lại (nếu có);
- Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu - Cấu phần vốn (đối với công ty chứng khoán có phát hành trái phiếu chuyển đổi);
- Vốn khác của chủ sở hữu;
- Chênh lệch đánh giá tài sản theo giá trị hợp lý;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái;
- Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ;
- Quỹ dự phòng tài chính và rủi ro nghiệp vụ;
- Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu được trích lập phù hợp với quy định của pháp luật;
- Lợi nhuận chưa phân phối;
- Số dư dự phòng suy giảm giá trị tài sản;
- Năm mươi phần trăm (50%) phần giá trị tăng thêm của tài sản cố định được định giá lại theo quy định của pháp luật (trong trường hợp định giá tăng), hoặc trừ đi toàn bộ phần giá trị giảm đi (trong trường hợp định giá giảm);
- Các khoản giảm trừ;
- Các khoản tăng thêm; và
- Vốn khác (nếu có).
Lưu ý: Vốn khả dụng phải được điều chỉnh giảm cổ phiếu quỹ (nếu có).
Vốn khả dụng trong công ty kinh doanh chứng khoán (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Theo Điều 5 và Điều 7 Thông tư 91/2020/TT-BTC quy định các khoản giảm trừ và các khoản tăng thêm của vốn pháp định trong công ty kinh doanh chứng khoán bao gồm:
* Các khoản giảm trừ:
(1) Giá trị ký quỹ.
(2) Giá trị tài sản dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khác có thời hạn còn lại trên chín mươi (90) ngày.
(3) Toàn bộ phần giá trị giảm đi của các tài sản tài chính ghi theo giá trị ghi sổ, không bao gồm chứng khoán tại mục (7), trên cơ sở chênh lệch giữa giá trị ghi sổ so với giá thị trường.
(4) Các khoản giảm trừ khác:
- Các chỉ tiêu trong tài sản dài hạn, trừ các khoản tại mục (6);
- Các chỉ tiêu trong tài sản ngắn hạn sau:
+ Chứng khoán tại mục (7) tại chỉ tiêu tài sản tài chính ngắn hạn;
+ Các khoản trả trước;
+ Các khoản phải thu có thời hạn thu hồi hoặc thời hạn thanh toán còn lại trên 90 ngày;
+ Các khoản tạm ứng có thời hạn hoàn ứng còn lại trên 90 ngày;
+ Các tài sản ngắn hạn khác, trừ các khoản tại (5).
- Các khoản ngoại trừ, có ý kiến trái ngược hoặc từ chối đưa ra ý kiến (nếu có) trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán, soát xét mà chưa được trừ ra khỏi vốn khả dụng.
Lưu ý: Nếu tổ chức kiểm toán xác nhận là đã hết ngoại trừ thì tổ chức kinh doanh chứng khoán không phải trừ đi khoản này.
(5) Phần giảm trừ khỏi vốn khả dụng tại mục (4) không bao gồm các chỉ tiêu sau:
- Các tài sản phải xác định rủi ro thị trường, trừ các chứng khoán được nêu tại mục (7);
- Dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính ghi nhận theo giá trị ghi sổ;
- Dự phòng suy giảm giá trị các tài sản khác;
- Dự phòng phải thu khó đòi;
- Các hợp đồng, giao dịch nêu tại điểm k khoản 1 Điều 10 Thông tư 91/2020/TT-BTC.
(6) Khi xác định các chỉ tiêu tài sản giảm trừ khỏi vốn khả dụng (2) và (4) công ty kinh doanh chứng khoán được điều chỉnh giảm phần giá trị giảm trừ như sau:
- Đối với tài sản dùng để bảo đảm cho nghĩa vụ của chính tổ chức kinh doanh chứng khoán, khi tính giảm trừ được giảm đi giá trị nhỏ nhất của các giá trị sau: giá trị thị trường của tài sản đó xác định theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này (nếu có), giá trị sổ sách, giá trị còn lại của nghĩa vụ;
- Đối với tài sản được bảo đảm bằng tài sản của khách hàng, khi tính giảm trừ được giảm đi giá trị nhỏ nhất của các giá trị sau: giá trị tài sản bảo đảm xác định theo quy định tại khoản 6 Điều 10 Thông tư này, giá trị sổ sách.
(7) Các chứng khoán dưới đây trong chỉ tiêu tài sản tài chính ngắn hạn và tài sản tài chính dài hạn phải tính giảm trừ khỏi vốn khả dụng:
- Chứng khoán phát hành bởi các tổ chức có liên quan với tổ chức kinh doanh chứng khoán trong các trường hợp dưới đây:
+ Là công ty mẹ, công ty con của tổ chức kinh doanh chứng khoán;
+ Là công ty con của công ty mẹ của tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- Chứng khoán có thời gian bị hạn chế chuyển nhượng còn lại trên chín mươi (90) ngày kể từ ngày tính toán.
* Các khoản tăng thêm:
(1) Toàn bộ phần giá trị tăng thêm của các khoản đầu tư, tài sản tài chính ghi theo giá trị ghi sổ không bao gồm chứng khoán tại mục (7) và trên cơ sở chênh lệch giữa giá trị ghi sổ so với giá thị trường xác định theo quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 91/2020/TT-BTC.
(2) Các khoản nợ có thể chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu bao gồm:
- Trái phiếu chuyển đổi trừ trường hợp đã được tính là vốn khả dụng, cổ phiếu ưu đãi do tổ chức kinh doanh chứng khoán phát hành thỏa mãn tất cả những điều kiện sau:
+ Có kỳ hạn ban đầu tối thiểu là năm (05) năm;
+ Không được bảo đảm bằng tài sản của chính tổ chức kinh doanh chứng khoán;
+ Tổ chức kinh doanh chứng khoán chỉ được mua lại trước thời hạn theo đề nghị của người sở hữu hoặc mua lại trên thị trường thứ cấp sau khi đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
+ Tổ chức kinh doanh chứng khoán được ngừng trả lãi và chuyển lãi lũy kế sang năm tiếp theo nếu việc trả lãi dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm bị lỗ;
+ Trong trường hợp tổ chức kinh doanh chứng khoán giải thể, người sở hữu chỉ được thanh toán sau khi tổ chức kinh doanh chứng khoán đã thanh toán cho tất cả các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm khác;
+ Việc điều chỉnh tăng lãi suất, kể cả việc điều chỉnh tăng lãi suất cộng thêm vào lãi suất tham chiếu chỉ được thực hiện sau năm (05) năm kể từ ngày phát hành và được điều chỉnh một (01) lần trong suốt thời hạn trước khi chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông;
+ Đã được đăng ký bổ sung vốn khả dụng.
- Các công cụ nợ khác thỏa mãn tất cả những điều kiện sau:
+ Là khoản nợ mà trong mọi trường hợp, chủ nợ chỉ được thanh toán sau khi tổ chức kinh doanh chứng khoán đã thanh toán cho tất cả các chủ nợ có bảo đảm và không có bảo đảm khác;
+ Có kỳ hạn ban đầu tối thiểu là mười (10) năm;
+ Không được bảo đảm bằng tài sản của chính tổ chức kinh doanh chứng khoán;
+ Tổ chức kinh doanh chứng khoán được ngừng trả lãi và chuyển lãi lũy kế sang năm tiếp theo nếu việc trả lãi dẫn đến kết quả kinh doanh trong năm bị lỗ;
+ Chủ nợ chỉ được tổ chức kinh doanh chứng khoán trả nợ trước hạn sau khi đã thông báo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước;
+ Việc điều chỉnh tăng lãi suất phải đảm bảo như sau: Đối với lãi suất cố định, việc điều chỉnh tăng lãi suất cộng thêm vào lãi suất tham chiếu chỉ được thực hiện sau năm (05) năm kể từ ngày phát hành, ký kết hợp đồng và chỉ được điều chỉnh một (01) lần trong suốt thời hạn của nợ thứ cấp; Đối với lãi suất tính theo công thức, công thức không được thay đổi và chỉ được thay đổi biên độ trong công thức (nếu có) một (01) lần sau năm (05) năm kể từ ngày phát hành, ký kết hợp đồng; và
+ Đã được đăng ký bổ sung vốn khả dụng.