Tôi muốn biết hiện nay Nhà nước có những chế độ nào dành cho doanh nghiệp ưu tiên? – Sơn Hải (Kiên Giang).
>> Thủ tục thông báo tập trung kinh tế được thực hiện như thế nào?
>> Khi nào doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế?
Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:
Hiện nay, các chế độ ưu tiên được áp dụng đối với doanh nghiệp ưu tiên được quy định tại Chương II Thông tư 72/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 07/2019/TT-BTC, bao gồm 07 chế độ cụ thể:
(1) Miễn kiểm tra chứng từ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa: Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
(2) Thực hiện thủ tục hải quan bằng tờ khai chưa hoàn chỉnh: Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh trên hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan của cơ quan hải quan.
Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan cập nhật dữ liệu và các chứng từ có liên quan thuộc hồ sơ hải quan vào hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan của cơ quan hải quan.
Lưu ý: Nếu hệ thống dữ liệu điện tử của cơ quan hải quan gặp sự cố hoặc tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp được làm thủ tục hải quan bằng Tờ khai giấy (theo mẫu 01/DNUT ban hành kèm theo Thông tư 72/2015/TT-BTC), trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai, người khai hải quan nộp bộ hồ sơ hải quan hoàn chỉnh cho Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp mở tờ khai. Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp ưu tiên mở tờ khai hướng dẫn doanh nghiệp ưu tiên cập nhật dữ liệu tờ khai hải quan.
(3) Ưu tiên thứ tự làm thủ tục hải quan:
- Được cơ quan hải quan ưu tiên kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá tuân thủ khai báo hải quan.
- Trường hợp doanh nghiệp gặp vướng mắc trong khâu thông quan, Chi cục Hải quan có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp bằng văn bản trong thời gian 8 (tám) giờ làm việc kể từ thời điểm phát sinh vướng mắc.
- Được cơ quan hải quan và các cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên làm thủ tục giao nhận hàng hóa trước, ưu tiên kiểm tra giám sát trước
- Nếu doanh nghiệp có yêu cầu xem hàng hóa trước hoặc lấy mẫu thì được ưu tiên làm thủ tục xem hàng trước, lấy mẫu trước.
(4) Kiểm tra chuyên ngành:
- Doanh nghiệp được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp pháp luật kiểm tra chuyên ngành quy định hàng hóa phải kiểm tra tại cửa khẩu.
- Nếu cần lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành thì được ưu tiên lấy mẫu hàng hóa trước
(5) Thủ tục về thuế:
- Được hoàn thuế trước, kiểm tra sau.
- Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp ưu tiên thực hiện.
- Được ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
(6) Thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ: Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ; nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất của doanh nghiệp mua từ kho ngoại quan được thực hiện nhập khẩu hàng hóa trước, khai hải quan sau.
(7) Kiểm tra sau thông quan:
- Được ưu tiên miễn kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan hải quan trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Cơ quan hải quan kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan không quá 1 lần trong 3 năm liên tục trên cơ sở quản lý rủi ro kể từ ngày được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan công nhận là doanh nghiệp ưu tiên trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.
- Việc kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định.
07 chế độ dành cho doanh nghiệp ưu tiên (Ảnh minh họa - Nguồn từ Internet)
Để trở thành doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện được quy định tại Chương III Thông tư 72/2015/TT-BTC và nộp hồ sơ theo quy định tại Điều 18 Thông tư 72/2015/TT-BTC, bao gồm:
(1) Văn bản đề nghị chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên: 01 bản chính;
(2) Báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 02 (hai) năm tài chính liên tục, gần nhất: 01 bản chụp;
(3) Báo cáo kiểm toán trong 02 (hai) năm tài chính liên tục, gần nhất: 01 bản chụp;
(4) Bản kết luận thanh tra trong 02 (hai) năm gần nhất (nếu có): 01 bản chụp;
(5) Bản mô tả hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp trong đó mô tả đầy đủ quy trình quản lý, giám sát, kiểm soát vận hành thực tế toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp, kiểm soát an ninh an toàn dây chuyền cung ứng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp: 01 bản chính;
(6) Các giấy chứng nhận khen thưởng, chứng chỉ chất lượng (nếu có): 01 bản chụp.
>> Xem thêm bài viết:
>> Điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu trở thành doanh nghiệp ưu tiên là gì?
>> Hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận doanh nghiệp ưu tiên gồm những gì?